Vườn đào Hải Thượng

Cho đến nay không có nhiều tư liệu ghi chép vườn đào Hải Thượng Lãn Ông trồng từ bao giờ, có bao nhiêu gốc, nhưng qua huyền thoại của nhân dân Sơn Quang, Hương Sơn, qua những vần thơ của thi nhân, chúng ta có thể biết rằng: Vườn đào ấy được trồng sau khi Hải Thượng Lãn Ông “bẻ tên, cởi giáp”, cởi bỏ áo mũ trở về làng quê nuôi mẹ, chăm em. Vườn đào ấy phải được trồng từ sau 1746.

Những năm đầu thế kỷ XX, Albeert Sallet (1877-1948) vốn là bác sĩ quân y phục vụ ở Đông Dương từ năm 1903 đã nghiên cứu trước tác của Hải Thượng Lãn Ông, đặc biệt Y tông tâm lĩnh và kết quả nghiên cứu đã khẳng định qua bài viết: Một danh y lớn của An Nam: Hải Thượng Lãn Ông. Đặc biệt Sallet đã đặt chân đến Tịnh Diệm, quê ngoại của Hải Thượng và đã mô tả: “Khu vườn nơi ngôi nhà nơi ông ấy ở, tại Bàu Thượng được gọi là vườn đào. Từ khi tồn tại nơi này của vị danh y giờ chỉ còn lại một gò đất và một cái ao. Trên gò đất, ông ấy thường treo một dải vải dài ở đỉnh cột, mà sự hiện diện của nó chỉ có một mục đích, đó là chỉ cho thầy thuốc biết được hướng gió để điều chế thuốc và thông tin chỉ dẫn liên quan…”.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông. Trên đường đến Khu nhà thờ Hải Thượng

Được biết, khi về quê ngoại, Hải Thượng Lãn Ông tá túc tại nhà thờ Lê Hữu (Sơn Giang, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Nhà thờ, khuôn viên tựa vào núi Tượng Sơn, trước mặt là sông Ngàn Phố. Bên phải khe Hầm Hầm đổ nước ra sông. Nhà thờ tọa lạc ở Sơn Giang lúc ấy một phần thờ tổ tiên họ Lê Hữu, một phần thờ Phật và một phần dành làm kho chứa thuốc và cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông kê đơn, bắt mạch chữa bệnh cho bách tính. Sau đó, Bùi phu nhân di chuyển nhà thờ, kho thuốc lên Tịnh Diệm. Nhà thờ Lê Hữu cũng như khuôn viên ở Sơn Giang hoàn toàn dành cho chùa Tượng Sơn. Cho nên vườn đào ở Bàu Thượng mà Sallet đã tả chính là khu vườn (hiện ở thôn Bàu Thượng, xã Quang Diệm).

Từ Thị trấn Phố Châu, đến Sơn Diệm, qua sông Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chúng tôi đã đến vườn đào của Hải Thượng Lãn Ông. Đứng trên mảnh đất mà cách đây gần 3 thế kỷ, Hải Thượng Lãn ông đã sống những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời trong thế giới thiên nhiên đầy sắc màu, trong lảnh lót chim ca, trong rì rào suối chảy, trong nghĩa tình đùm bọc của nhân dân Tịnh Diệm… Trước mặt vẫn sông Phố trong xanh uốn khúc. Sau lưng trùng điệp núi non. Những rặng tre phía Tây không còn. Thay vào đó là những cây xoan đâu, hàng xà cừ xanh tốt. Xen vào những cây ăn quả, cây thuốc Nam thuốc là những vạt sắn, khóm rau, nương khoai của nhân dân trồng trọt, chăm sóc.

Trước đây, vườn cụ Thượng (nhân dân vẫn quen gọi Hải Thượng Lãn ông một cách thân mật là cụ Thượng) rộng ba héc ta. Nhưng bây giờ chỉ còn một héc ta. Ba phía đã được xây dựng tường rào chắc chắn. Nhưng vẫn còn đó núi Giả (Sallet gọi là gò đất), hồ Sen (Sallet gọi là cái ao). Núi Giả, hồ Sen nằm sát góc vườn. Núi cao 4m, diện tích 42 m2. Hồ Sen hình bán nguyệt ôm chân núi ở phía Tây Bắc. Núi Giả đã được tôn tạo, xanh rì cỏ mật. Hồ Sen đã được kè đá. Nơi đây, Hải Thượng Lãn ông đã dùng làm chỗ quan sát hướng gió, xem thời tiết để bắt mạch, kê đơn, chữa bệnh. Trước đây, trên đỉnh núi Giả còn có cây cột, cụ Hải cắm lá cờ đuôi nheo để biết hướng gió mà đoán thời tiết phục vụ cho việc chẩn trị. Núi Giả hồ Sen cũng là nơi Hải Thượng Lãn ông cùng bạn hữu ngắm trăng thanh, gió mát, đàm đạo văn chương trong những phút thư thái thanh nhàn. Nơi đây trong 44 năm sinh sống, Hải Thượng Lãn Ông đã “tầm sư học đạo”, đúc rút, nghiên cứu, sáng tạo viết nên pho sách đồ sộ Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 cuốn bao gồm đủ các mặt: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng… Cũng nơi đây Hải Thượng Lãn ông đã viết những vần thơ tài hoa về cảnh sắc thiên nhiên và nhân sinh thế sự và sống những ngày cuối cùng trong cuộc đời trong đề huề con cháu, trong tình nghĩa của làng xóm, nhân dân… Thượng kinh ký sự, tập ghi chép xuất sắc của ông cũng được hoàn thành ở nơi đây. Những phút thanh nhàn, thăng hoa ấy đã được Hải Thượng ghi lại trong Thượng kinh ký sự: “Gặp lúc trời xuân sáng láng, hoa cỏ tốt tươi, mấy cây ở sân nhà của tôi nở hoa, kết quả, tuyết rủ, hương bay… trong cái ao mé Tây vườn đào cá tung tăng ra đớp những vầng trăng nhấp nhô trên sóng, chim oanh qua lại vun vút như thoi, bay vào làn cây mát rượi, tôi thường dắt tiểu đồng lên núi tha hồ ngắm cảnh khói mây để tiêu khiển. Hoặc ngồi ở đình Nghênh Phong buông câu, hoặc ngồi ở lầu Tỵ Huyên mà gảy đàn, hoặc ngồi ở đình Tối Quang mà đọc sách, hoặc ngủ dưới bàn thờ nhà dì Châu mà tha hồ vui thú thường ngà ngà say mới về nhà…”.

Nhân dân Sơn Quang truyền kể rằng: “Vào khoảng năm 1750 cụ Thượng ươm đào và nhân giống. Đây là giống đào phai của địa phương. Gốc và cành đào có màu đồng hun. Giống đào hoang dại này mọc nhiều ở núi Nen. Cây to, tán rộng, nhiều cành, hoa năm cánh, màu hồng phai. Quả nhỏ, nhiều lông, lúc chín vỏ màu vàng xanh, hạt nhỏ”. Trong gia phả họ Lê cũng ghi rằng: “Vườn đào rộng 6 mẫu (3 ha) nằm sát bờ phải sông Ngàn Phố”. Hải Thượng Lãn ông trồng đào không chỉ là thú chơi hoa ngắm cảnh chủ yếu đó là những vị thuốc quý.

Cây đào, họ hoa hồng (Rosaceae). Là cây thân gỗ nhỏ vỏ thân sần sùi, cao 5-10m. Lá mọc so le, có hình mũi mác rìa lá có răng cưa, dài 7-15cm, rộng 2-3cm. Hoa đào nở vào đầu mùa xuân, nở trước khi ra lá, hoa màu hồng có 5 cánh. Quả hạch, vỏ quả có lông tơ mềm. Theo Đông y toàn bộ cây đào như rễ (đào căn), lá (đào diệp), hoa (đào hoa), quả (đào tử), nhân đào (đào nhân), nhựa đều được sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh. Đặc biệt hoa đào còn là vị thuốc được dùng để làm đẹp. Theo Lĩnh Nam bản thảo (Hải Thượng Lãn Ông) Đào chi có vị đắng, tính bình, dùng để trị trẻ em ra mồ hôi trộm (đạo hãn), lao phổi ho ra máu (khái huyết), đau vùng tim, mụn nhọt, mẩn ngứa, côn trùng đốt. Dùng cành đào 40-80g sắc uống kết hợp với rửa ngoài…

Núi Giả, hồ sen, cây đào trong vườn Hải Thượng Lãn Ông

Đào mọc quấn quýt trước sân, trước cổng, sau nhà. Mùa xuân, khi hoa nở rộ, ong bướm ríu ra ríu rít tìm hoa hút mật. Ông Nguyễn Văn Sánh - Chủ tịch Hội đông y huyện Hương Sơn cho biết: “Trước đây, trong khu vườn Hải Thượng Lãn ông có 7 ngôi nhà: Nhà nghinh phong để đón khách, nhà di chân dùng để nghỉ ngơi, nhà bếp và 4 nhà còn lại: Nhà sao sấy thuốc, nhà kê đơn, bắt mạch, khám bệnh, nhà kho đựng thuốc, nhà cho người bệnh nghỉ ngơi”. Bây giờ 7 ngôi nhà ấy đã không còn. Năm 1972 họ Lê Hữu thuộc chi Sơn Hòa đã hiến 3 gian nhà thờ (gỗ xoan mít, tứ trụ, kẻ chuyền chụp có chạm khắc ở đuôi kẻ và cánh cửa pano cảnh xuân, hạ thu, đông và long li quy phượng) để làm nhà thờ, được đặt trên nền nhà cũ. Trong nhà thờ có bàn thờ, có bộ ngũ sự bằng đồng gồm một lư hương to, 2 con hạc, 2 ống đèn thắp dầu lạc, lư hương đốt đồng (do quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng cúng năm 2004). Tượng thạch cao quét nhũ đồng (do Tỉnh hội đông y Nghệ Tĩnh tặng), chuông đồng, trống (do Tỉnh hội đông y Hà Tĩnh tặng)… Còn tất cả di vật của Hải Thượng Lãn Ông trải qua thời gian đã bị mất mát và thất lạc kể cả ống sáo diều chúa Trịnh Sâm ban cho Hải Thượng Lãn Ông (khi chuyển sang nhà thờ Đại tôn ở Sơn Diệm).

Ngày 21/11/2023, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã phê chuẩn Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là 1/53 “Danh nhân văn hóa và sự kiện Lịch sử niên khóa 2024-2025”. Theo đó, tháng 11/2024, UNESCO sẽ “Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, bác sĩ (1724-1791)”. Đây không chỉ niềm vinh dự tự hào cho Hải Thượng Lãn Ông, con cháu họ Lê Hữu; giới y bác sĩ mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và nhân loại… Để di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông xứng đáng với tầm vóc, đóng góp to lớn của Người; trở thành khu du lịch tâm linh, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân còn nhiều việc phải làm, trong đó cần thiết sưu tầm các di vật, trước tác của Hải Thượng Lãn ông còn thất lạc, kể cả việc khôi phục lại núi Giả, hồ Sen và vườn đào đúng hiện trạng…

Đã là cuối đông, gió Đông hây hẩy, xập xè cánh én chao liệng. Trong man mác của giao thời khi xuân sắp đến, trong lãng đãng sương khói, hình như Hải Thượng Lãn Ông đang từ vườn đào bước ra…

Lê Văn Vỵ

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024