" Mùa Lúa Chín" của Nguyễn Khoa Đăng qua lời bình của Đặng Toán

Đặng Toán

san-mua-lua-chin1-1713410878-1714965391.jpg

MÙA LÚA CHÍN

Nguyễn Khoa Đăng

Vây quanh làng

Một biển vàng

Như tơ kén...

Hương lúa chín

Thoang thoảng bay

Làm say

Đàn ri đá

Lúa biết đi

Chuyện rầm rì

Rung rinh sóng

Làm xáo động

Cả rặng cây

Làm lung lay

Hàng cột điện...

Bông lúa quyện

Trĩu bàn tay

Như đựng đầy

Mưa, gió, nắng

Như đeo nặng

Giọt mồ hôi

Của bao người

Nuôi lớn lúa...

Em đi giữa

Biển vàng

Nghe mênh mang

Đồng lúa hát...

Lời bình của Đặng Toán

Ra đời từ năm 1966, bài thơ Mùa lúa chín của nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng đến nay vẫn có một sức sống lâu bền trong lòng bao lứa độc giả. Và sau khi nhạc sỹ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành ca khúc Em đi giữa biển vàng thì nó đã được bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX.

Ai sống ở nông thôn hay đã từng đến thôn quê vào mùa lúa chín, hẳn đều có chung một cảm xúc lâng lâng, dễ chịu và ấm áp trước tấm thảm vàng óng ả, êm đềm, nhấp nhô như từng con sóng chạy xa tít tận chân trời. Với những người chưa được tận mắt ngắm nhìn bức tranh ngày mùa đẹp đến nao lòng, qua bài thơ rất hay này chắc cũng không tiếc gì một lời cảm ơn gửi tới nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng. Mùa lúa chín là bài thơ viết cho Thiếu nhi, bởi vậy nghệ thuật nhân cách hóa là điều không thể thiếu trong tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng đã hóa thân thành một bạn nhỏ ở nông thôn, ngày ngày đi học qua cánh đồng lúa chín, ngắm nhìn và biết suy tư trước vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như công sức của những người nông dân.

Dưới con mắt của các bạn nhỏ thì thiên nhiên và cuộc sống luôn có bao điều kỳ diệu. Không chỉ quan sát bằng thị giác để thấy lúa biết đi, biết làm say đàn ri đá; bằng thính giác để nghe lúa chuyện rầm rì; bằng khứu giác để cảm nhận hương lúa chín thoang thoảng bay trong làn gió nhẹ. Bạn nhỏ trong bài thơ (cũng chính là tác giả) còn cảm nhận được qua giác quan thi sỹ những ngọt ngào, cay đắng của bao con người ngày đêm hai sương một nắng để tạo ra những mùa vàng no ấm bằng cả tấm lòng yêu mến thiên nhiên, yêu thương con người.

Có thể nói không quá, những câu thơ “hương lúa chín/thoang thoảng bay/ làm xáo động/cả rặng cây/làm lung lay/hàng cột điện” là những câu thơ đẹp một cách thần tình. Thực mà ảo. Như mơ hồ mà lại rất hiện hữu. Và lúc này độc giả dường như quên mất rằng đây là một bài thơ viết cho thiếu nhi. Đó phải chăng cũng chính là cái tài của tác giả.

Khổ thứ hai có lẽ là khổ thơ hay và có sức nặng nhất: “Bông lúa quyện/Trĩu bàn tay/Như đựng đầy/Mưa, gió, nắng/Như đeo nặng/Giọt mồ hôi/Của bao người/Nuôi lớn lúa”... Khi phổ nhạc, nhạc sỹ đã góp phần không nhỏ giúp bài thơ bay cao bay xa hơn. Đó thực sự là mối lương duyên rất đáng trân quý giữa những người làm nghệ thuật. Song do phải tuân theo những yêu cầu bắt buộc về thanh nhạc mà một số chữ của nhà thơ đã được nhạc sỹ bỏ bớt, thay đổi hoặc đảo vị trí. Chữ “quyện” bị bỏ đi, chữ “đeo” phải thay bằng chữ “mang”, “nuôi lớn lúa” thành “nuôi lúa lớn”...cũng có làm giảm đi phần nào tính nhất quán, cách tạo ấn tượng cũng như chất thơ của tác phẩm.

Hãy thử đọc lại bài thơ từ nhan đề, các câu thơ rất ngắn, cho tới các khổ thơ với số câu giảm dần...Người đọc càng cảm nhận rõ hơn ý đồ cấu tứ của tác giả: Mộc mạc, thô ráp mà vẫn mềm mại, bay bổng. Bởi vậy thi phẩm đã kết thúc mà âm hưởng đằm ngọt cứ như còn đọng mãi, thơm thoảng dịu dàng.

Bài thơ Mùa lúa chín khép lại với bốn câu ở khổ kết cùng dấu ba chấm, chỉ đọc lên mà đã như đang hát: “Em đi giữa/Biển vàng/ Nghe mênh mang/Đồng lúa hát...”. Đây chính là lợi thế của những thi phẩm mà các nhạc sỹ phổ thơ hay để mắt tới góp phần tạo ra những tác phẩm âm nhạc có sức sống đi cùng năm tháng./.

Đặng Toán