Cách kể mới cho lớp trẻ về lịch sử

Ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ phim hoạt hình cắt giấy Chiếc xe thồ Điện Biên do Hãng Phim hoạt hình Việt Nam sản xuất, sẽ giới thiệu cho các bạn nhỏ hiểu khái quát về cuộc kháng chiến chống Pháp và giải phóng Điện Biên, những kỳ tích và sự đoàn kết của toàn thể quân dân làm nên chiến thắng lịch sử. Phóng viên báo Văn nghệ đã có cuộc trò chuyện cùng nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, tác giả chấp bút cho bộ phim hoạt hình.

- Thưa nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, ý tưởng kịch bản của bộ phim Chiếc xe thồ Điện Biên (biên tập Nguyễn Thu Trang, đạo diễn - họa sĩ Bùi Mạnh Quang) được chị bắt đầu từ đâu?

- Kịch bản Chiếc xe thồ Điện Biên là kịch bản thứ 2 tôi viết cho phim hoạt hình về đề tài Điện Biên Phủ. Khác với kịch bản đầu tiên Lời hứa Điện Biên, phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm tư liệu, trăn trở để tìm ra cách thể hiện, khi nhận nhiệm vụ viết thêm một kịch bản nữa phục vụ đề tài Điện Biên Phủ tôi nhắm ngay đến “nhân vật chiếc xe thồ”. Khi nghiên cứu tư liệu lịch sử về Điện Biên Phủ tôi rất ấn tượng với đội quân xe thồ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là trận Điện Biên Phủ. Những đóng góp của đội quân hơn 20 nghìn chiếc xe thồ để cung cấp lương thực, vũ khí, thuốc men phục vụ chiến trường là một trong những điều góp phần làm nên sức mạnh thần kỳ của quân và dân ta trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Những chiếc xe đạp chở từ 100kg đến hơn 300kg trong điều kiện đường rừng núi hiểm trở, trong mưa bom khiến tôi vô cùng cảm phục và điều đó đã tạo cảm hứng cho tôi. Tôi tin tưởng, chiếc xe đạp được nhân cách hóa thành nhân vật rất phù hợp với thể loại phim hoạt hình và sẽ thu hút các em nhỏ. Ý tưởng chiếc xe đạp thồ đưa cậu bé đi thăm lại chiến trường xưa, kể cho thế hệ trẻ nghe về cuộc kháng chiến chống Pháp và giải phóng Điện Biên Phủ đã hình thành. Với tôi, đó không chỉ là câu chuyện của “chiếc xe thồ” mà còn là những lời kể của những người dân công, những bậc cha anh đã lái chiếc xe thồ, đã trải qua những năm tháng oanh liệt đó.

Hoạt hình cắt giấy Chiếc xe thồ Điện Biên, tác giả kịch bản Phạm Thanh Hà, đạo diễn Bùi Mạnh Quang

- Phim hoạt hình có cách truyền đạt nội dung và cảm xúc riêng bằng chính đặc trưng kể chuyện qua hình vẽ. Chị muốn gửi gắm điều gì thông qua hình tượng chiếc xe thồ trong bộ phim?

Trong bộ phim Chiếc xe thồ Điện Biên - họa sĩ đã tạo hình chiếc xe đạp với những nét riêng của xe thồ Điện Biên, được gia công các bộ phận để tăng sức bền và trọng tải nhưng chiếc xe lại có mắt, mũi, miệng rất sinh động, rất hoạt hình. Bởi thế khi xem phim, chiếc xe thồ đã trở thành nhân vật, trở thành bạn với các em nhỏ. Thông qua hành trình “bác xe thồ” đưa các bạn đi thăm chiến trường xưa, được nghe “bác” giới thiệu về các kỳ tích của trận Điện Biên Phủ như đội quân xe thồ, trận địa kéo pháo, đường ngầm bí mật và khối bộc phá gần 1000kg dưới chân đồi A1…, các bạn sẽ hiểu hơn về cuộc kháng chiến thần kỳ và chiến công vẻ vang của cha ông ta. Thông qua giọng kể đầy tự hào nhưng không kém phần hài hước, các bạn nhỏ sẽ vừa cảm phục và ngưỡng mộ với những chiến công oai hùng nhưng cũng thấy rất gần gũi với những người đã làm nên những chiến công ấy. Và điều tôi muốn gửi gắm qua hình tượng “chiếc xe thồ” là điều bản thân tôi nhận thức được: Bên cạnh sức mạnh tiềm ẩn và thần kỳ của quân và dân ta để vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh, đổ máu…, là nét bình dị, gần gũi, thân thương có thể gặp ở tất cả những người dân bình thường của Việt Nam, một lòng đoàn kết, dốc sức mình để chiến đấu cho quê hương đất nước.

- Kịch bản có mong muốn mang tới một cách kể mới cho lớp khán giả trẻ ngày nay về chiến thắng Điện Biên năm xưa?

​Có lẽ, một trong những điều khiến tôi rất vui khi Chiếc xe thồ Điện Biên đến được với khán giả nhỏ tuổi, đó là chúng tôi đã tìm ra cách tiếp cận phù hợp với khán giả của mình. Các nhà làm phim đã tìm được cách kể chuyện khá “hoạt hình” cho các bạn nhỏ trong thời điểm hiện tại. Làm phim hoạt hình về đề tài lịch sử cho phim hoạt hình rất khó. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại giai đoạn lịch sử khá gần chúng ta nên cần có cách kể để làm sao tôn trọng được lịch sử, nêu bật được tinh thần của lịch sử nhưng đồng thời phải có sự cuốn hút, hấp dẫn đặc trưng của phim hoạt hình. Bởi vậy, ekip làm phim đã chọn cách kể khái quát, sử dụng nhiều hình ảnh biểu tượng là thế mạnh của hoạt hình để chạm vào cảm xúc của khán giả. Chúng tôi không muốn đi sâu, miêu tả quá chi tiết vào những mất mát, bi thương của chiến tranh hoặc tuyên truyền một cách khô khan, máy móc. Các nhà làm phim muốn các em cảm nhận được, bên cạnh những dữ dội, ác liệt, bi tráng của chiến tranh còn là vẻ đẹp lãng mạn cách mạng toát lên từ con người, tâm hồn người lính, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương đất nước… Chúng tôi hy vọng rằng, các em sẽ cảm nhận, hiểu được lịch sử bằng chính sự thấu cảm của tâm hồn, bằng sự tự nguyện và lan tỏa tình yêu lịch sử dân tộc một cách tự nhiên, tự ý thức. Cách kể của hoạt hình sẽ truyền tải những câu chuyện hay, chuyện đẹp của lịch sử tới thế hệ trẻ để góp phần bồi dưỡng lòng yêu lịch sử cho các em. Yêu lịch sử qua phim hoạt hình sẽ giúp các em thấy lịch sử là môn học hấp dẫn, từ đó tự bản thân các em sẽ đọc và tìm hiểu lịch sử từ nhiều nguồn để có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc.

- Phim hoạt hình lịch sử luôn được gắn với sự khô khan và không hấp dẫn bằng các thể loại phim hoạt hình đồng dao, đồng thoại… Vậy từ khâu biên kịch cho tới sản xuất, các nhà làm phim cần thay đổi (tiếp cận) với phim hoạt hình lịch sử ra sao, để phá vỡ định kiến này?

Đây là điều khiến các nhà làm phim hoạt hình lịch sử luôn trăn trở. Bắt nguồn từ khâu kịch bản, phải tìm được cách kể sao để câu chuyện trở nên hấp dẫn, đảm bảo được tinh thần lịch sử nhưng cũng phải phù hợp để đạo diễn, họa sĩ và các khâu sản xuất khác trong dây chuyền có thể thực hiện trong điều kiện cho phép. Vì thế, những sự kiện, tình huống và nhân vật thú vị trong lịch sử, có đất để phát huy những đặc trưng của hoạt hình, những chi tiết “đắt”, những hình ảnh khái quát mang tính biểu tượng thúc đẩy trí tưởng tượng của trẻ em, hoặc những câu chuyện xúc động, lay động đến tình cảm, chạm tới tâm hồn của người xem… luôn được chúng tôi tìm tòi khai thác. Về mặt hình ảnh, chúng tôi chú trọng tạo hình, màu sắc để cho nhân vật, diễn xuất để có những khuôn hình đẹp, ấn tượng theo đúng vẻ đẹp của hoạt hình và có sự dung hòa để phù hợp thẩm mỹ, thị hiếu của thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại.

- Phim hoạt hình lịch sử là một cách giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ một cách sinh động và trực diện. Làm thế nào, khán giả nhỏ tuổi Việt Nam được xem nhiều hơn các bộ phim hoạt hình lịch sử Việt Nam, thưa chị?

Giáo dục lịch sử cho trẻ em thông qua phim hoạt hình là hình thức giáo dục tự nhiên, sinh động và rất hiệu quả với khán giả nhỏ tuổi. Qua phim hoạt hình, các em có thể tiếp xúc với lịch sử một cách tự nguyện, tự thẩm thấu nên có sức lan tỏa và sức sống bền lâu. Vì vậy, làm sao để cho thế hệ trẻ Việt Nam được xem nhiều phim hoạt hình lịch sử hơn là điều khiến người lớn phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Cần có sự quan tâm đầu tư một cách vĩ mô hơn để tạo một nguồn lực mạnh mẽ giúp mảng phim hoạt hình lịch sử có điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu xem phim của các em. Về phía các nhà sản xuất, nhà làm phim, cũng cần chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng phim hoạt hình lịch sử, thỏa mãn nhu cầu xem các bộ phim lịch sử hấp dẫn của khán giả. Bên cạnh đó, công tác phát hành, phổ biến cần phải mở hơn, năng động hơn để góp phần đưa được những tác phẩm hoạt hình lịch sử giàu ý nghĩa đến cho đông đảo khán giả.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Lan Phương thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024