Lễ hội Hết Chá của người Thái

Hồng Quang - Trịnh Bộ
Rừng thông bản Áng xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cứ mỗi dịp hoa ban, hoa mạ nở trắng rừng, bà con dân tộc Thái trắng ở đây lại tổ chức lễ hội Hết Chá hay còn gọi là Xòe Chá…

Lễ hội Hết Chá thường được tổ chức vào tháng 3 dương lịch (tức tháng hai âm lịch) hàng năm. Thời điểm tổ chức thường là những ngày cuối tháng 3. Mỗi dòng họ người Thái sẽ đứng ra tổ chức một năm và thường được tổ chức tại nhà của trưởng dòng họ.

Lễ hội gồm có hai phần là lễ và hội. Phần lễ phải chuẩn bị một cây nêu là một cây tre to, thẳng và được chọn ngày đẹp để lấy về. Xung quanh cây nêu cắm những thanh gỗ và que tre nhỏ để treo các vật dụng tượng trưng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như cái quạt, chim, cá, ngựa, trâu, thuyền, tổ ong, hoa ban, quả còn… được làm rất công phu từ gỗ, mây, tre và các loại giấy, chỉ màu. Cùng với đó là các loại nhạc cụ như trống, chiêng, xảng chá.

Bắt đầu nghi lễ, thầy cúng hát lời báo cáo với tổ tiên đã khuất về việc làm Chá của gia đình, cộng đồng bản mường trong năm, mong muốn được phù hộ công việc suôn sẻ… Sau phần lễ là phần hội mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc Thái, với nhiều hình ảnh được tái hiện sinh động như một chuyến đi săn, đi bắt cá, tập trâu cày ruộng... Mọi người cùng nhau nhảy múa quanh cây nêu, tạo không khí vui tươi, phấn khởi với rất nhiều trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ đặc sắc của dân tộc.

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, cũng là dịp để tạ ơn đất trời, tạ ơn sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, thắt chặt thêm tình đoàn kết bản trên mường dưới, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hồng Quang - Trịnh Bộ