" Đêm sân ga" của Nguyễn Quang Thiều, qua lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Nguyễn Thị Thiện

ĐÊM SÂN GA

NGUYỄN QUANG THIỀU

Chúng tôi thức chờ tàu lên phía Bắc

Những lá bàng rủ nhau đi trốn rét

Những người dân sơ tán ngủ bên thềm

Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm

Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt

Trên sân ga chúng tôi ngồi quanh

một người kéo nhị

Một vùng trời chớp đạn rạch sau lưng

Chúng tôi ngồi trong đêm rưng rưng

Thương dáng nhị như mẹ ngồi bậc cửa

Bao câu hát khi già mẹ chẳng còn nhớ nữa

Đồng đội ơi cây nhị thay lời

Cung dây kéo như thuyền về bến đợi

Dây thấp dây cao, bên lở bên bồi

Chân bước xuống thuyền em ơi… đừng khóc

Đất nước mình Quan họ vẫn chia tay

Đất nước mình thương quá đêm nay

Cây nhị đã bao thời gánh lời ca lưu lạc

Nỗi thương nước chập chờn trong tiếng vạc

Cứ dồn vào bạc trắng cả hai dây

Đồng đội ơi lại tiếng nhị đêm nay

Lại Lý ngựa ô đưa người lên biên giới

Kéo nữa đi anh, kéo thay lời người đợi

Trên sân ga đưa tiễn chẳng dùng dằng

Chúng tôi sẽ về để nghe nhị dưới trăng

Lời thương nhớ phập phồng sau áo lính

Tay chai cứng để rồi mà lúng túng

Để rồi mà… dây nhị lại xe tơ

Đồng đội ơi chúng mình còn mắc nợ

Với miền đất đêm nay ta đến đỏ đạn thù

Sau lưng ta đi cây nhị ngồi không ngủ

Cây nhị ngồi xe mãi dây tơ.

1981

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

“BIÊN GIỚI GIỜ NÀY ĐẠN GIẶC XÉ RỪNG ĐÊM”

Đọc bài thơ ”Đêm sân ga” của Nguyễn Quang Thiều người đọc xúc động sâu lắng bởi tình cảm sâu nặng của người lính với đất nước quê hương, với nhân dân, đồng chí, đồng đội. Điều đó được thể hiện rõ trong toàn bài và kết tinh ở khổ thơ cuối: ”Đồng đội ơi chúng mình còn mắc nợ/ Với miền đất đêm nay ta đến đỏ đạn thù/ Sau lưng ta đi cây nhị ngồi không ngủ/ Cây nhị ngồi xe mãi dây tơ”.

Thi phẩm được trình bày theo thể tự do, giọng điệu như lời tâm sự cùng đồng đội giúp ta hiểu thêm hoàn cảnh của những người lính: ”Chúng tôi thức chờ tàu lên phía Bắc/ Những lá bàng rủ nhau đi trốn rét/ Những người dân sơ tán ngủ bên thềm/ Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm”. Ba câu đầu làm nên khổ thơ cô đọng nhất trong bài – thi nhân đã tái hiện bức tranh thời chiến với không khí bức bối, căng thẳng như trước một trận bão hung hãn đang ập đến. Những câu thơ giàu thi ảnh lá bàng rủ nhau đi trốn rét - bỏ đi nơi khác để khỏi bị bắt - gợi bao cảm xúc về sự ly tán, tội nghiệp. Con người trong cảnh tao loạn ngủ vạ vật bên thềm thật thương tâm.

Khắp các tỉnh biên giới phía bắc Tổ quốc đang bị kẻ thù xâm lấn, bắn phá, với trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ nhận rõ: ”Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm/ Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt?/ Trên sân ga chúng tôi ngồi quanh một người kéo nhị/ Một vùng trời chớp đạn rạch sau lưng”. Hai hình ảnh “đạn giặc xé rừng đêm” ”Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt” có sự đan cài giữa thực và ảo cùng nói lên sự tàn bạo, có ý nghĩa lên án, tố cáo sự khốc liệt của chiến tranh. Phụ nữ và trẻ em - những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội cần được che chở, bảo vệ cũng phải trốn chạy. Còn gì xót xa hơn?

Những khổ thơ tiếp có sự chuyển đổi giọng điệu với sự xuất hiện của người kéo nhị và cây đàn. Đàn nhị (miền Nam gọi đàn cò), một loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ dây cung vĩ, do đàn có hai dây, âm thanh nghe rõ ràng, trong sáng, dễ đi vào lòng người, nhất là trong hoàn cảnh những người lính đang chờ lên tàu ra trận. Âm thanh tiếng đàn khiến người nghe rất xúc động: “Chúng tôi ngồi trong đêm rưng rưng/ Thương dáng nhị như mẹ ngồi bậc cửa/ Bao câu hát khi già mẹ chẳng còn nhớ nữa/ Đồng đội ơi cây nhị thay lời”. Hình ảnh so sánh ở đây rất ấn tượng. Tiếng đàn đưa người nghe nhớ về gia đình, người thân, nhớ nhiều nhất là mẹ. Giờ này chắc mẹ đang ngồi bậc cửa nhớ mong, lo lắng cho đứa con xa đang kề cận với hiểm nguy. Nghĩ tới mẹ, người lính nhớ những lời mẹ hát ru con, từng câu tứng ý thấm đượm tình yêu thương cùng những bài học làm người tự nhiên mà thiết tha.

Cao trào cảm xúc của bài và sức truyền cảm mạnh mẽ của tiếng đàn nhị được thể hiện chân thực và tinh tế: “Cung dây kéo như thuyền về bến đợi/ Dây thấp dây cao, bên lở bên bồi/ Chân bước xuống thuyền em ơi… đừng khóc/ Đất nước mình Quan họ vẫn chia tay”. Chỉ mấy câu thơ, nhiều hình ảnh trong ca dao, trong dân ca quan họ được vận dụng nhuần nhị , những dấu chấm lửng gữa câu thơ càng gợi nhiều ám ảnh. Nếu không am tường về âm nhạc và vốn văn hoá Việt sâu sắc, toàn diện, tác giả không thể viết được những câu thơ lay động lòng người đến thế. Lời thơ gắn với đàn nhị được sử dụng thật phong phú: người kéo nhị, cây nhị, cung dây, dáng nhị, dây thấp, dây cao, tiếng nhị, xe tơ, xe mãi dây tơ. Điều đó đã đưa người đọc đến với một không gian âm thanh đầy mỹ cảm.

Lời bài thơ tuy đã khép lại nhưng dường như âm thanh tiếng đàn nhị vẫn văng vẳng khơi gợi niềm nhớ thương gia đình, người thân và quê hương đất nước khiến người đọc xúc động khôn nguôi. Bài thơ khiến chúng ta thêm trân trọng và quý yêu người lính, càng căm thù quân xâm lược và chiến tranh phi nghĩa, càng thấy rõ hơn giá trị của hòa bình và độc lập tự do của Tổ quốc. Tuy ra đời cách nay đã hơn 40 năm, bài thơ vẫn khiến người đọc vô cùng xúc động bởi tình cảm sâu nặng, tâm hồn tinh tế, khát vọng cao cả ở người chiến sĩ.

Nguyễn Thị Thiện