Tân Lạc – Hoà Bình: Điểm nhấn du lịch Tây Bắc

V.T
Tân Lạc là huyện miền núi của tỉnh Hoà Bình, cửa ngõ vùng Tây Bắc, kết nối giữa quốc lộ 6 và quốc lộ 12B, có diện tích tự nhiên 532 km2 với 16 đơn vị hành chính, dân số khoảng 90 nghìn người. Trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 85% dân số. Tân Lạc được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch.
trang-xanh-mong-ket-video-lam-trong-tam-du-lich-hinh-thu-nho-youtube-1-1708995643.jpg

Tân Lạc, mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên với nhiều thắng cảnh, di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Là một trong bốn vùng Mường chính (Mường Bi) hiện còn đang lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc Mường, tiêu biểu là Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, Lễ hội Đánh cá suối truyền thống…

trang-xanh-mong-ket-video-lam-trong-tam-du-lich-hinh-thu-nho-youtube-2-1708995643.jpg

Tân Lạc có xã Suối Hoa nằm trong vùng lõi quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Hoà Bình. Đã có rất nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp; hiện tại, đã có 3 xã vùng cao của huyện được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030.

dl20-1708996168.jpg
Thung lũng rau su su (Quyết Chiến)

Huyện hiện có 03 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có 02 điểm đạt 3 sao tiêu chuẩn OCOP kết nối với hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi, du lịch, các tour, tuyến được kết nối với các địa phương trong tỉnh và trong nước, tạo nên một hệ sinh thái du lịch đa dạng, thu hút nhiều khách. Du khách về với Tân Lạc sẽ có cơ hội được trải nghiệm thưởng thức vườn quýt cổ Nam Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tập thể; thung lũng rau su su; khám phá động Nam Sơn và thưởng thức những món ăn đặc trưng của dân tộc của Mường vô cùng ấn tượng cùng với đó là được ngủ trên những nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mường hiện vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn; được săn mây, ngắm núi và chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của Thác Trăng, thác Thung; khám phá kho tàng văn hoá dân gian phong phú với nhiều thể loại như: Truyện cổ, dân cá, ví đúm, hát ru, đồng dao, hát đập hoa, hát đối, chiêng Mường, Mo Mường, nhị, sáo, trống… gắn liền với những làn điệu dân ca cổ xưa truyền lại. Bên cạnh đó, du khách cũng cảm nhận được không gian yên tĩnh, không khí trong lành, ngắm những ngôi nhà sàn san sát chỉ phân định bởi những hàng rào bằng tre, nứa… tạo nên hình ảnh thôn dã, mộc mạc và nguyên sơ, rất phù hợp với những du khách cần một “khoảng lặng” sau những xô bồ, ồn ã nơi phố thị hay những du khách ưa khám phá, thích những trải nghiệm mới mẻ.

dl25-1708995769.jpg
Núi Cột Cờ Mường Bi

Với những ưu điểm về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị bản sắc văn hoá dân tộc phong phú cùng sự nhiệt tình, mến khách của người dân, Tân Lạc đang là điểm nhấn của du lịch Tây Bắc, là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch đầy hấp dẫn và vô cùng thú vị!

dl17-1708995769.jpg
Rước kiệu Quốc mẫu Hoàng bà Đinh Thị Đen, lễ hội Khai hạ Dân tộc Mường
dl19-1708995875.jpg
Một góc Thị trấn Mãn Đức - Tân Lạc
dl1-1708995941.jpg
Hồ Tiên, xóm Ngòi xã Suối Hoa

V.T