Qũy Nhà văn Lê Lựu tổng kết cuộc thi Truyện ngắn lần thứ 4

Thanh Thúy

Sau 3 năm phát động, Qũy Nhà văn Lê Lựu đã tổng kết cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký lần thứ 4 năm 2021 – 2023 với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân và Văn hóa Doanh nhân”.

Theo BTC, trong 3 năm phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi từ các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhà văn Văn Chinh, trong báo cáo tổng kết cuộc thi “Giải thưởng Qũy Nhà văn Lê Lựu lần thứ 4: Được chọn lọc từ nền tảng văn chương dày dặn” cho biết: Cuộc thi nhận được hơn 200 tác phẩm, mất độ trên dưới mười cái viết chưa thành truyện, một số truyện đã đủ hình hài nhưng đọc xong là xong, non một trăm truyện đọc xong còn dư vị: “Những mầm lúa ngọt” (Lê Quang Trạng) “Xóm ngoài đê” (Phạm Xuân Đào) “Ma lợn” (Trương Thị Thúy) “Nẻo khát”, “Những mảnh hồn lưu lạc”, “Tiếng gọi buổi hoàng hôn” (Trần Thị Tú Ngọc) “Tiếng hát đêm rừng” (QuàngThị Diên) “Con trai con gái”, “Gã đồ tể” (Trần Hồng Giang) “Lấy vợ cùng cao” (Trần Nguyên Mỹ) ... Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, những truyện ngắn để lại ấn tượng mạnh về nhiều mảnh sự đời, nhiều vẻ đẹp mới lạ về văn hóa trong cuộc thi này, có thể kể vài ba chục cái tên như thế!

quy-le-luu-1711618261.jpg
. Đại tá Quân đội, nhà văn Lê Lựu (1938 – 2022) người sáng lập Qũy nhà văn Lê Lựu, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân

Nhà văn Văn Chinh cũng khẳng định: Chúng tôi thống nhất cao ở ba tác giả tốp đầu: Lê Hoài Lương, Phan Đình Minh, Nguyễn Hải Yến. Thật mừng là ở họ, viết về hồn làng, ở “Sóng khác” là hồn biển với một ý thức rất cao, được vun bồi dày dặn và thấm thía để trở thành tư tưởng nghệ thuật. Ở “Phần mềm, tuy là viết về một viện trí thức ở đô thị, nhưng bao trùm lên vẫn là hình bóng của những nông dân thấp thoáng hồn làng. Đằng khác, từ các tác phẩm của họ mở ra một định đề: hồn làng là hồn Việt, hiện còn là một nguồn cảm hứng mênh mông thăm thẳm cho sáng tạo văn chương.

Trước đó, Qũy Nhà văn Lê Lựu kết hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã phát động 3 cuộc thi truyện ngắn, ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn và văn hóa doanh nhân. Đại tá Quân đội, nhà văn Lê Lựu (1938 – 2022) người sáng lập Qũy nhà văn Lê Lựu, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân là nhà văn Quân đội uy tín, tác giả của những tác phẩm văn chương đình đám như “Mở rừng”, “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt – Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.” (vhdn.vn)

Sau lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn, bút ký lần thứ 4 diễn ra vào ngày 13/4/2024, Qũy nhà văn Lê Lựu sẽ phát động “Cuộc thi viết phóng sự, ký sự với chủ đề về “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; về đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân - lần thứ 5”.

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG QUỸ NHÀ VĂN LÊ LỰU – LẦN THỨ 4

Giải Nhất, 50 000 000 đ, 01 giải:

Tác giả Lê Hoài Lương

Tác phẩm: Sóng khác, Ngưu hoàng

Giải Nhì, mỗi giải 20 000 000 đ; 02 giải:

Tác giả Phan Đình Minh

Tác phẩm: Cha tôi – Kép Cúc, Phần mềm

Tác giả: Nguyễn Hải Yến

Tác phẩm: Người đàn bà của dòng sông, Đồng tháng ba sương bắt đầu lên

Giải ba, mỗi giải 15 000 000 đ; 03 giải:

Tác giả: Đinh Ngọc Hùng

Tác phẩm: Mặn mòi vị biển, Thăng trầm của đất, Vỡ làng

Tác giả: Phan Đức Lộc

Tác phẩm: Lỗ sẻ, Người đàn ông của dòng sông

Tác giả: Võ Thị Xuân Hà

Tác phẩm: Khúc Thiên thai, Giữa bầy cừu

Giải Tư, mỗi giải 10 000 000 đ; 04 giải:

Tác giả: Song Ngư

Tác phẩm: Giao cảm, Cầu vồng ma

Tác giả: Hồ Ngọc Quang

Tác phẩm: Mự tôi

Tác giả: Bùi Ngọc Quế

Tác phẩm: Còn nợ với hương linh liệt sĩ

Tác giả: Nguyễn Văn Học

Tác phẩm: Bước qua ranh giới

Thanh Thúy