Nâng tầm vị thế của sách qua Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Đã thành thông lệ hàng năm, mỗi dịp tháng Tư về, người làm xuất bản và bạn đọc yêu sách lại háo hức đón chờ những hoạt động khuyến đọc, giao lưu tác giả - tác phẩm, trưng bày, giới thiệu sách, như một sự kiện đặc biệt của riêng mình.

“Bản thân mình là người mê đọc sách văn học. Hội sách nào ở gần, mình đều có mặt. Sự kiện giới thiệu những cuốn sách mà mình thích, mình cũng đều cố gắng tham dự nếu có thời gian. Ngành nghề mình theo đuổi không liên quan gì đến sách vở, cũng không có ngày kỷ niệm thành lập. Thế nên mỗi dịp tháng Tư này, mình lại nôn nao như thể đây cũng là dịp đặc biệt dành cho bản thân mình vậy”, Thu Hường - một bạn trẻ Hà thành - chia sẻ. Không chỉ Thu Hường, nhiều bạn trẻ yêu văn chương nói riêng và mê sách nói chung đều có chung cảm nhận đó. Họ coi đây là dịp để cùng chung vui và hưởng ứng phong trào đọc sách.

Từ năm 2014, ngày 21/4 đã được chọn là Ngày Sách Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng bởi 21/4 là thời điểm ra mắt cuốn sách bằng tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam: Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc chọn Ngày Sách Việt Nam gắn với tác phẩm nổi tiếng của vị lãnh tụ vĩ đại đã mang lại một ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Không chỉ vậy, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh sách và những người đã có đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn hóa nhân loại như Miguel de Cervantes, William Shakespeare, Maurice Druon, Vladimir Nabokov, Manuel Mejía Vallejo… Do đó, việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam vào dịp này cũng thể hiện được sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, hòa chung vào không khí tôn vinh sách và người làm sách ở khắp mọi miền.

Sau 8 năm thực hiện Ngày Sách Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 4/11/2021, Thủ tướng đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, lấy ngày 21/4, thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây, nhằm khẳng định vai trò của sách; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt - tác giả của nhiều đầu sách best-seller tại Việt Nam, tên gọi “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” có biên độ rộng hơn, phủ khắp cả giới làm sách lẫn những người đọc sách, sưu tầm sách. Còn tên gọi trước đây - “Ngày Sách Việt Nam” - đôi khi có thể gây hiểu lầm là chỉ dành riêng cho những người làm công việc liên quan đến sách.

“Trong giai đoạn này, câu chuyện về văn hóa đọc có tầm quan trọng hơn rất nhiều so với trước đây. Trong thời đại mà các giá trị giải trí khác đang lấn lướt văn hóa đọc, việc chúng ta tôn vinh và tạo ra các hoạt động cho văn hóa đọc chính là cách chúng ta nhấn mạnh, lan tỏa thêm nữa những giá trị về văn hóa đọc”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt bày tỏ.

Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào, thì tên gọi cũng chỉ là một cách để độc giả nhận diện vấn đề. Điều quan trọng nhất là với dịp này, chúng ta cần làm gì để có thể tạo ra những hiệu ứng tốt về văn hóa đọc và nâng cao giá trị của sách trong xã hội. Và việc thay đổi tên gọi của ngày 21/4 không nằm ngoài mục đích nâng tầm vị thế của sách.

2024 là năm thứ ba tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Dù mới trải qua hai năm tổ chức, nhưng sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trên cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Hướng tới ngày hội lớn nhất trong năm của giới xuất bản, từ đầu tháng Tư, nhiều hoạt động sôi nổi trên cả nước được tổ chức. Lần thứ nhất (năm 2022), sự kiện này đã diễn ra tại không gian chính là phố đi bộ Nguyễn Huệ và Đường sách Nguyễn Văn Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, bởi đây là một trong hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Bên cạnh đó, thành phố mang tên Bác cũng là nơi đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Với thông điệp “Thắp lửa tri thức”, Hội sách trực tuyến lần thứ nhất cũng đã diễn ra trên sàn Book365.vn trong vòng một tháng, từ ngày 19/4 đến 20/5, thu hút 100 đơn vị xuất bản, phát hành trên cả nước tham gia với khoảng 40.000 đầu sách được giới thiệu.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai (năm 2023) lấy thông điệp chính là “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” và “Sách cho tôi, cho bạn”, hàm chứa ý nghĩa hãy chia sẻ sách, chia sẻ tri thức và cùng nhau đọc sách để phát triển. Lễ khai mạc lần thứ hai đã diễn ra chiều 21/4/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế với các hoạt động sôi nổi.

Tiếp nối thành công của hai mùa tổ chức, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba (năm 2024) cùng Hội Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội, từ 17/4-21/4.

Tuy nhiên, khác với hai mùa trước, năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định lựa chọn bốn thông điệp chính: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. Xét thấy, không chỉ là dịp để tôn vinh những cuốn sách hay, nên đọc; chọn sách giá trị để trao tặng nhau; mà còn là thời điểm để nâng cao nhận thức trong cách lựa chọn sách. Bên cạnh đó, thông điệp cuối góp phần khẳng định một cuốn sách hay, có thể được đọc bằng mắt (sách giấy, sách điện tử) hoặc nghe bằng tai (sách nói).

Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc đọc còn mở rộng trên các phương tiện nghe nhìn, nền tảng số. Vì thế, một trong những nội dung quan trọng của các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba là kết hợp với chuyển đổi số; đan xen hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại.

Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, đây là xu hướng tất yếu của cuộc sống khi mà sách điện tử và sách nói đang dần hòa nhập vào đời sống của người đọc một cách tự nhiên, thay vì chỉ là những bản sách giấy. Câu chuyện chuyển đổi số còn giúp chúng ta mang các tác phẩm có giá trị đến với người đọc ở khắp mọi nơi, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, cũng như giúp cho việc bảo tồn các tác phẩm có giá trị trở nên trọn vẹn và đầy đủ hơn.

Dễ dàng nhận thấy sự xâm lấn của chuyển đổi số đối với ngành xuất bản trong năm 2023 thông qua các số liệu nổi bật từ Cục Xuất bản, In và Phát hành như: doanh thu thị trường sách nói năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu (tăng 31,4%) đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt 12% so với chỉ tiêu đề ra), tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch).

Có thể nói Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã và đang trở thành một trong các sự kiện trọng đại của đất nước, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự hưởng ứng của người dân mọi miền đất nước. Hiệu ứng của sự kiện đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần tìm đến với sách, gieo những hạt mầm yêu đọc sách, truyền đi thông điệp tôn vinh sách và văn hóa đọc.

Huế Trần

Nguồn Văn nghệ số 16/2024