Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Cái nôi tri thức của người Việt

Trang My - Hồng Quang
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, cũng là nơi lưu giữ những dấu ấn về văn hóa, lịch sử của thủ đô ngàn năm văn hiến. Hiện, khu di tích này trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ngoài ra, đây còn là nơi tổ chức các hoạt động tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, thể hiện tinh thần hiếu học của học sinh, sinh viên khắp mọi miền đất nước…

Năm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để tôn vinh Khổng Tử và các môn đệ của ngài. Tuy vậy, ở nước ta việc lập Văn Miếu không chỉ dừng lại là nơi thờ cúng các vị tổ đạo Nho giáo như một số nước châu Á khác mà còn mang thêm chức năng giáo dục, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” đã nêu rõ điều này: “Mùa thu tháng Tám, làm Văn Miếu đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến đây học”. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám ở phía sau, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ. Đến đời vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp và là thầy dạy trực tiếp cho các hoàng tử…

Description: C:\Users\msi\Desktop\Van Mieu - QTG\vmhn120230709094620.jpg

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám tọa lạc tại số 58 phố Văn Miếu, Hà Nội, được xây dựng trên một khu đất hình chữ nhật có diện tích khoảng 54.331m2, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Mục tiêu tối thượng của Quốc Tử Giám là rèn tập sĩ tử, gây dựng nhân tài, bảo cử các giám sinh của nhà trường với triều đình để bổ dụng quan lại. Nhà vua thân hành chọn các con cháu quan lại và thường dân tuấn tú làm giám sinh. Việc bảo cử người làm quan có hai cách là lấy người có danh vọng (thi), lấy người tài đức hơn người mà không căn cứ vào danh phận (cử). Nhà sử học Phạm Huy Chú đã nhận xét: “Bấy giờ việc làm ấy thận trọng mà trường pháp lại nghiêm cho nên không ai dám bảo cử thiên tư, các chức đều xứng đáng”. Nhờ vậy, Quốc Tử Giám đã làm tròn trách nhiệm tuyển chọn nhân tài cho đất nước.

Điểm nhấn riêng biệt của Văn Miếu – Quốc Tử Giám và sức hút đối với khách thăm quan đó chính là khu lưu giữ 82 tấm bia Tiến sỹ ghi rõ họ tên, quê quán của hàng nghìn vị tiến sỹ qua các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Bia được khởi dựng năm 1484 nhằm biểu dương nhân tài, khuyến khích việc học tập đương thời và hậu thế. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công đức của triều vua, lý do mở khoa thi, mục đích của dựng bia. Nổi bật bia Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất 1442 đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài cho đất nước và khuyến khích kẻ sỹ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp”... Bia được đặt trên lưng rùa đá với quan niệm: Rùa là một trong bốn linh vật. Rùa sống lâu, có sức khỏe. Đặt bia Tiến sỹ trên lưng rùa đá biểu hiện sự tôn trọng hiền tài và trường tồn mãi mãi. Bia Tiến sỹ chính là nguồn sử liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Vì những giá trị quý giá đó, bia tiến sỹ đã được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và được xếp vào bảo vật quốc gia.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Van Mieu - QTG\van-mieu-quoc-tu-giam-124520230709094603.jpg

Cùng với đó là Khuê Văn Các, được xây dựng năm 1805 (nhà Nguyễn). Khuê Văn Các là một lầu gác vuông xinh xắn, nhỏ gọn, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã. Với mái cong, bốn cửa hình mặt trời quay ra bốn hướng, tượng trưng cho Sao Khuê và những tia sáng của Sao Khuê phát ra. Trên nóc lầu gác là đôi rồng chầu mặt nguyệt, tầng dưới là bốn trụ gạch. Phía sau là rừng cây già in bóng xuống giếng Thiên Quang, có tường hoa bao quanh. Đặc biệt, Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng của Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Van Mieu - QTG\vm-111220230709094608.jpg

Văn Miếu – Quốc Tử Giám - nơi hội tụ tinh hoa giáo dục của dân tộc, nơi khắc ghi những người đỗ đạt, thành danh qua đường học vấn nên mỗi độ xuân về, tết đến hoặc đầu mùa thi cử, những thanh thiếu niên từ mọi miền đất nước có dịp về Hà Nội đều đến đây để dâng hương với tấm lòng thành kính trước di sản lớn lao mà cha ông đã tạo dựng. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đó vẫn luôn hiện hữu, rạng ngời ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngàn năm nay...

Trang My - Hồng Quang