Truyện ngắn của Huy Hà

31139-7-design-transparent-1698133666.png

Lên tám tuổi, tôi ngày một buổi lên rừng theo anh trai, lấy lá mốc, bán cho người làm nón. Muỗi, vắt, đối với một đứa trẻ như tôi, chẳng hề gì, miễn là mỗi ngày, tôi kiếm thêm vào cho mẹ nửa lon gao.

Tôi học nhanh nên chẳng cần nhiều thời gian, vả lại thời gian đâu nữa.

Cô giáo nói:

“Nghèo nhân, nghèo nghĩa thì lo

Nghèo tiền, nghèo bạc chớ cho là nghèo”.

Buổi tối, lội qua cánh đồng trống trước nhà, vào các thúng, đìa thả rọ rô. Bố bảo, cẩn thận kẻo rắn độc. Nhưng tôi không sợ vì rắn độc ăn được, ngon là khác. Tuổi thơ tôi vần vũ trong cái vòng co hẹp của quỹ đạo lên rừng xuống ruộng, chỉ đêm khuya mới được ngủ nhà. Nhiều khi cũng không có nhà vì ngủ quên ngoài đồng, muỗi bâu kín người, tỉnh lại mới biết.

Buổi sáng được tới trường, tôi thấy vậy là hạnh phúc rồi.

Bệnh bố ngày càng nặng. Trên mình bố, chi chít những sẹo là sẹo. Lúc nào cũng phải có người túc trực coi sóc bố. Trông bố thật tiều tụy. Mẹ thường khóc vào đêm. Hỏi mẹ, mẹ bảo “Mẹ khóc vì mơ thấy hai anh em mày được vào Đại học”. Hai anh em biết rằng không phải thế, mẹ nói dối để anh em tôi vui.

Lớp học thưa dần, bàn tôi còn mình tôi, xóm tôi còn mình tôi. Anh trai học hết lớp 10, phải ở nhà, trở thành lao động chính. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ học. Còn rất nhiều điều tôi chưa được biết. Cô giáo bảo: “Nếu muốn biết, phải học lên lớp trên”. Nhất là về số phận con người, tôi muốn biết vì sao mà bố mẹ tôi làm không ngơi nghỉ mà vẫn túng thiếu triền miên.

Một buổi sớm mẹ bảo: “Hay là con nghỉ học mà đi lấy mốc với anh, lấy tiền mua thuốc cho bố”. Tôi chỉ vâng, rồi lặng lẽ nằm khóc hết buổi sáng. Cả bố, mẹ và anh đều không nói gì. Hình như mẹ khóc, bố buồn lắm, chỉ ngồi thở, mắt nhìn xa phía cánh rừng chồi. Mắt bố đục lắm rồi. Không biết bố nghĩ gì?

Tôi gói tất cả sách vở vào mảnh áo mưa, treo lên mái gianh phía cuối giường anh em tôi nằm. Tôi cũng trở thành lao động chính như anh trai.

Tôi buồn, nhưng tự nhủ. Khi nào bố lành bệnh, sẽ đi học lại.

Một năm sau, bố mất vì kiệt sức... Mẹ khóc suốt ngày vì không chữa lành cho bố được mà tôi vẫn phải bỏ học. Mẹ càng già yếu thêm, ốm đau luôn, bà ra vào như cái bóng. Anh trai đã 23 tuổi. Mẹ khuyên anh lấy vợ. Anh không nghe và nói: “Xin mẹ cho em nó đi học, mọi việc con lo được”.

Tôi khóc nức nở, mẹ cũng khóc. Anh lặng lẽ lấy sách vở của tôi xuống, vuốt lại cho phẳng phiu.

Tôi được nhận vào lớp 8. Tôi quay về với cái vòng xưa, như khi bố chưa mất, khi tôi chưa nghỉ học.

Tôi học hành chăm chỉ hơn bao giờ hết.

Ngày tôi thi từ lớp 8 lên lớp 10, mẹ mất vì say sắn. Cô giáo đến tận nhà xin anh và họ hang, đưa tôi đi thi. Nước mắt tôi ướt đẫm tờ giấy thi. Tôi rớt kỳ thi đó. Ngày mẹ mất, lần đầu tiên tôi thấy anh tôi khóc. Anh em chúng tôi thực sự cùng cực về tâm hồn. Nước mắt tôi lúc nào cũng chực tuôn ra. Những ngày sau đó, anh em tôi vật vờ như cánh bèo giữa dòng xoáy. Còn đau khổ nào hơn?

Thời gian lầm lì trôi. Mười tám tuổi. Lệnh gọi nhập ngũ. Đời bộ đội làm tôi cứng rắn lên nhiều. Một lần nữa tôi xin đi học.

Tôi tốt nghiệp bổ túc văn hoá tại đơn vị qua ngàn vạn khó khăn.

Anh trai đã lấy vợ. Chị thường nói mỗi khi tôi về thăm: “Chú phải tiếp tục học cho nên người, anh chị sẽ lo thêm cho”. Lời chị khiến tôi thấy mình hạnh phúc, nhưng nước mắt lại trào.

Tôi thi đậu sĩ quan. Lại một lần tôi thấy anh tôi khóc. Hai anh em ôm nhau khóc. Chị dâu cười và chọc anh em tôi.

Khói hương ảm đạm. Mẹ và bố nhìn chúng tôi, cười hiền hậu..

Năm 98 này ra trường, chắc gì đời tôi không còn sóng gió. Song tôi tin rằng mình sẽ thắng như anh em tôi đã từng thắng cảnh ngộ những ngày đã qua.