Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Sơn

hat-dau-bang-dong-1700923858.jpg

Minh họa: Thành Chương

Sau mấy ngày nằm viện, giờ đây ông Sâm mới hoàn toàn tỉnh táo, tuy một vài chỗ vẫn còn đau nhức, nhất là phần hông và bờ vai bên phải, bởi cú tai nạn xảy ra bất thần. Hôm đó, không hiểu ma xui qui khiến thế nào mà bỗng dưng ông lại dắt xe đạp đi bát phố. Có thể vì bức bách, vì tù túng lâu ngày quá chăng?...

Dạo những ngày đầu mới nhận quyết định hưu, ông không làm sao hoà nhập được với cuộc sống gia đình bên bà vợ già và đứa con gái lỡ dở, vì ông vẫn thèm vẫn nhớ cuộc sống quyền uy, đủ đầy và không khí nhộn nhịp nơi công sở. Ở đó bất cứ lúc nào ông cũng có thể lên lớp, huấn thị này nọ, sai khiến biết bao người và cũng có biết bao người đã xum xoe, bợ đỡ, tâng bốc ông. Thậm chí có những lúc ông biết mình nói sai, song họ vẫn cứ cho là lời vàng ý ngọc và nhất nhất phục tùng. Ngày ngày họ săn sóc cho ông từng sợi tóc đen, loại bỏ cho ông từng sợi tóc bạc, bấm cho ông từng chiếc móng tay, rồi đấm bóp, day day từng tảng thịt mỗi khi ông tê mỏi. Thế mà, khi về sống bên mái ấm gia đình thì vợ con lại chẳng chịu nâng niu, ve vuốt ông làm cho ông bỗng trở nên lạc lõng, vô tích sự. Ông chỉ có mỗi việc là yên vị một chỗ, đứng lẩn thẩn oán trách sự đời như người dở chứng. Bởi thế ông cứ sống trầm uất, lãng lẽ với riêng mình. Suốt ngày ông quẩn quanh với mấy bữa ăn, giết thời gian bằng cách ngốn ngấu sách vở, xem ti vi, nghe đài và mỏi mệt thì đánh luôn một giấc trên chiếc đi-văng kê ở phòng khách.

Từ ngày hưu, ông tự giam hãm mình trong bốn bức tường của căn nhà tập thể, chẳng giao du tiếp xúc với ai, vì ông nghĩ sự đời sao nó bạc trắng như vôi. Ngay hồi mới nghỉ chế độ, ông có lên cơ quan đôi lần, nhưng đều bắt gặp cái nhìn hờ hững, lạnh nhạt của nhân viên và của cả những người ông đã dìu dắt, nâng đỡ, nay trở thành cán bộ chủ chốt. Họ lánh xa ông như thể ông vừa mắc phải một chứng bệnh lây nhiễm nguy hiểm. Lúc ấy, ông mới chợt hiểu, khi mà quyền uy không còn thì tình thâm cũng hết. Và hiển nhiên sẽ chẳng ai còn chịu để tâm, chịu đoái hoài tới ông nữa. Cùng lắm là vào dịp lễ tết, họ gửi tới cho ông hộp mứt lạng chè và cái thiếp chúc mừng năm mới. Chẳng bù cho hồi ông còn đương chức, dường như không ngày nào vãn khách đến mức ông chẳng buồn tiếp, giả bộ vắng nhà, ấy vậy mà có yên đâu. Họ vẫn lũ lượt mà đến, vì ông vắng nhà đã có bà tiếp thay. Gì chứ giúp ông nhận quà thì chuyện ấy bà làm tốt và còn tỏ ra sắc sảo hơn ông nữa là đằng khác. Thế nhưng khi nghe tin ông sắp nghỉ hưu, họ vội ngãng xa, làm cho cái lạnh lẽo bỗng chốc trùm kín nhà ông. Ông bực lắm, hận lắm đành cam chịu, ngâm miệng nuốt nỗi đau riêng. Ông biết mình đã hết thời, có bực bội cũng đến vậy thôi.

Ở đường phố thì ngược lại, biết ông nghỉ hưu, đại diện chính quyền có tới mời ông tham gia công tác phường. Họ gần như van vỉ ông và tỏ ra rất lấy làm hãnh diện vì đường phố vừa được bổ sung một người từng trải, có uy tín, đã từng nắm giữ nhiều cương vị quan trọng. Song, ông đã từ chối khéo, bởi một người đàng hoàng, có cỡ như ông, đường đường là một chuyên viên tám, không lẽ lại tham gia công tác hoà giải của phường. Công việc ấy thì vinh hạnh cái nỗi gì! Ông còn lạ chi những chuyện xích mích quanh xóm, không tranh chấp đất đai, cống rãnh thì cũng là chuyện vợ chồng xô xát, con trẻ đánh nhau. Toàn ghê gớm cả! Toàn yêng hùng cả! Đã đánh chửi được nhau, không còn biết nể nang chòm xóm, dứt khoát chẳng phải loại vừa. Dây dưa vào chuyện ấy chỉ tổ dại mặt, lớ sớ còn bị ăn chửi, bị vạ lây cũng nên.

Chính vì thoát ly lâu ngày với bạn bè, chòm xóm, nên ra tới đường phố ông nom thấy cái gì cũng mới lạ. Phố phường đông đúc, náo nhiệt hơn hẳn thời ông còn tại chức. Cửa hàng cửa hiệu, nhà hang, khách sạn mọc lên như nấm, đúng là chẳng biết đâu mà lần cả. Mải dong duổi xe qua các phố, ông đến trước cổng cơ quan mình lúc nào cũng chẳng hay. Nhìn vào cái nơi mà bao năm, ông đã gắn bó đời mình, lòng ông bỗng cảm thấy xốn xang đến lạ lùng. Ông chợt nhớ lại những vinh hoa, phú quí trước đây, tuy nó phù du, qua khẩu thành tàn, nhưng chí ít lúc ấy nó cũng làm cho ông vui, làm cho ông thấy cuộc sống thật đáng sống.

Cơ quan ông giờ đã khang trang hơn nhiều, được tu tạo lại, lăn sơn hết một lượt, cửa giả lấp toàn khung nhôm kính sáng choang, trông chẳng khác nào một siêu thị hạng nhất. Cứ nhìn cái vẻ bề ngoài thế này thì hẳn phòng làm việc của ông trước kia đã được trang bị lại và sang trọng lắm. Chiếc máy điều hoà một cục chôn tường cổ lỗ đã bị gỡ đi và bên cạnh nó được thay bằng hai chiếc điều hoà khác, loại hai cục, lướt qua cũng đủ biết, nó là loại cao cấp nhất hiện nay. Ông thở dài với vẻ tiếc nuối. Giá mà lúc này ông chưa đến tuổi hưu thì hay biết nhường nào.

Đang tần ngần trước cổng cơ quan, thì bất chợt tiếng còi ô tô rúc lên inh ỏi phía trước. Ông ngẩng lên đã thấy, một chiếc BMW đen chũi, đang lùi lũi tiến ra phía cổng. Ông vội lùi xe ra phía ngoài đường, cốt sao để mọi người không trông thấy ông vừa đứng đó. Hấp tấp thế nào mà ông cũng chẳng hay, khi đuôi xe đạp đã lùi ra giữa long đường. Và bất thần một cú va quệt áp tới, mạnh như trời đánh, hất chiếc xe đạp văng khỏi tay, quật ông nằm sõng soài trên lòng đường, còn hai thằng choai ngổ ngáo vội phóng vù xe máy đi. Trước khi ngất lịm, ông lờ mờ nhận ra hai giọng nói khá quen thuộc, phát ra từ chiếc xe con, một của cậu lái xe, trước đã từng cầm vô lăng kiêm thủ quỹ và bảo vệ riêng cho ông, còn người kia là cậu Hoài giám đốc trung tâm quảng cáo và dịch vụ khách hang, nguyên là thuộc hạ yêu của ông.

- Anh Hoài... ai như bác Sâm thì phải? - Cậu lái xe sốt sắng.

Cậu Hoài ậm ờ, dửng dưng:

- Ờ... ờ.....

- Sếp đợi một chút để em đưa bác ấy vào cơ quan.

- Ôi dào… thiếu gì người. Đang vội, ta đi thôi. Đừng để bên A phải đợi lâu ở nhà hàng.

Chiếc xe con khẽ rùng mình, rú ga, rồi phóng vút đi. Và ngay sau đấy, hình như có một ai đó đã vực ông lên chiếc xích lô, đưa thẳng tới viện.

Kể cũng là chuyện kỳ lạ như một sự bày đặt có chủ định, thế nào ông lại nằm đúng chiếc giường ở tầng hai, khu A1 mà mấy năm trước đây ông đã điều trị. Phòng bệnh vẫn như xưa, khá rộng, chỉ có hai giường, tiện nghi sinh hoạt đều khép kín. Chỉ có điều khác là hồi đó, khách đến thăm ông vào ra nườm nượp, kẻ nâng người đỡ kín đặc cả lối đi. Văn phòng cơ quan phải đứng ra cắt cử người thăm nom, chăm sóc ông. Nếu không ông biết, sẽ loạn, sẽ xảy ra cãi vã, tranh chấp nhau, vì chẳng ai muốn nhưng cái phần việc phục dịch người ốm. Tình cảm của cấp dưới làm cho ông cảm động và mừng lắm. Quả là khi đau yếu, hoạn nạn mới hiểu hết lòng anh em. Do bệnh nặng, có nhiều lúc ông mê man bất tỉnh. Bác sĩ khuyên ông nên nằm một chỗ, không được đi lại, dù chỉ là lần từng bước một trong phòng. Vì sức khoẻ của ông là vốn quí, nên cơ quan đã chấp thuận ngay phương án tối ưu mà bệnh viện đã đề ra. Văn phòng lên lịch cho từng ban, từng phòng hàng ngày cất cử người túc trực bên ông. Phòng nào cũng đòi chăm sóc ông những ngày đầu khi ông đau yếu nhất, có thế mới thể hiện được sự tận tâm vô bờ bến đối với thủ trưởng. Để cho dân chủ và công bằng, cuối cùng các phòng đành phải bốc thăm. Tuy cẩn thận và chu đáo là vậy, nhưng văn phòng vẫn để sơ xẩy. Ấy là do phòng quảng cáo thuộc Trung tâm quảng cáo và dịch vụ khách hàng ở một địa điểm khác, không nằm trong khu vực cơ quan, nên văn phòng quên đưa vào danh sách. Thế là xảy ra to tiếng khi cậu Hoài xuất hiện. Thật xấu hổ, lúc đó ông vừa tiểu tiện xong. Cậu Hoài vội ào tới, nâng nhẹ chiếc bô định mang đi, song cậu Mạnh - trưởng phòng hành chính tổng hợp đã chặn lại:

- Anh Hoài làm ơn để ngay xuống. Hôm nay tới phiên phòng tôi. Anh đã xem lịch chưa?

- Không việc gì tôi phải xem - Cậu Hoài cố mở to đôi mắt lươn - Tôi còn lạ gì các anh cậy mình thuộc khối văn phòng nên cố tình phớt lờ bọn tôi. Anh nên nhớ, đây không phải là chỗ để dỗ thói đặc quyền đặc lợi, diễn cái trò con nuôi con đẻ.

Cả hai người mặt đỏ bừng, chẳng ai chịu ai, cứ gầm ghè như chực choảng nhau đến nơi. Tuy mắt họ lòi ra, trợn ngược, răng nghiến kèn kẹt nhưng tay thì lại không chịu rời cái bô. Sợ xảy ra xô xát lớn, ông Sâm vội dàn hoà:

- Này Mạnh... nhường cho cậu Hoài đi. Thông cảm... nó ở xa mà. Còn phòng cậu mình sẽ nói văn phòng xếp lịch sau vậy.

- Mẹ kiếp... - Cậu Mạnh lẫm bẩm. Đợi mãi mới tới lượt lại bị thằng khác nẫng tay trên.

Cậu Mạnh ấm ức vì bị mất xuất, nên hất chiếc bô về phía cậu Hoài. Không ngờ cậu Hoài mất thăng bằng, loạng choạng về phía sau, làm cho nước tiểu trong bô bắn vào áo, văng vãi khắp sàn nhà. Nước tiểu của người ốm thường đặc sánh vàng suộm và nặng mùi. Cậu Mạnh buông ngay một đòn:

- Thật đáng đời!

Tưởng cậu Hoài sẽ nổi nóng tức thì vì câu nói đó, song lạ thay, sắc mặt cậu ta lại lộ rõ vẻ thú vị, thoả mãn và trịnh trọng khác thường. Cậu ta cởi phăng chiếc áo blu-dông khoác ngoài, dùng nó lau ngay sàn nhà, rồi lẳng lặng vào buồng vệ sinh tráng bô, giặt áo. Cử chỉ này của cậu ta làm ông kinh ngạc. Cậu Mạnh đến sát bên ông khom lưng, hai tay buông thõng:

- Dạ thưa anh, tay Hoài xỏ lá. Trước đó bô của anh em đã tráng rồi. Thứ nước vừa rồi đổ ra là nước chè đặc ở chén, em mới trút vào.

Ông suýt bật cười vì câu dèm pha của cậu Mạnh, may mà ông kìm được. Ông biết cậu ta tức tối mà nói vậy. Tuy cậu ta nói xạo, nhưng ông lại thấy hay hay, vì đó là câu nói xạo đáng yêu. Cái mệt nhọc ở ông dường như đã vợi đi phần nào. Trong ông bỗng trào lên một cảm giác buồn vui, ngượng ngùng lẫn lộn. Vui vì anh em đã hết lòng với mình, buồn nỗi phải nằm bẹp một chỗ để mọi người vất vả và ngượng ngùng, chẳng cần phải nói ra, ai ai cũng hiểu…

Nhưng giờ đây, thật buồn thay, cái không khí nhộn nhịp, xúc động ấy không còn nữa, làm cho căn phòng trở nên vắng lặng, hiu hắt, phô ra sự đơn độc của ông và cô con gái. Chẳng những thế, ông lại càng đau lòng hơn khi cậu Hoài bỏ mặc ông bị nạn trước cổng cơ quan cậu ta quên cái ơn của ông mau quá. Nếu không có ông, làm sao cậu ta khá được như bây giờ. Từ một nhân viên hạng bét, ông đã cho đi học hàm thụ đại học, rồi thổi cậu ta lên. Ông đã từng yêu, từng quí cậu ấy như con vì ông nghĩ nó thật thà, đập đi hò đứng, bảo sao nghe vậy. Đã có thời ông mừng và cứ ngỡ rằng, cậu ấy sẽ là con rể tương lai của mình. Ông đã có ý vun vén vào cho con gái ông. Một thời gian dài, hai đứa tỏ ra đắm đuối nhau lắm, những tưởng có thể đi tới hôn nhân. Nhưng rồi bất thần, hai đứa lại ngãng ra như thể chưa có chuyện gì. Tuy vậy, không vì thế mà cậu ấy làm mặt giận ông, giận con gái ông. Và tình cảm giữa ông với cậu ấy vẫn đậm đà như thuở ban đầu. Ông hiểu và cảm thông trước tính bằng bột, thất thường trong tình yêu của bọn trẻ. Thanh niên mà, trách chúng làm gì. Song ông đã lầm. Thời gian đã trả lời, đã minh chứng cho ông. Ông đã không lường nổi cái thằng mặt dầy, tròn vành vạnh như cái đĩa, người nung núc những thịt, lúc nào cũng nghệt như một tên quan hoạn, mỗi câu nói lại đưa tay lên ngang miệng vì hơi thở hôi rình, lại có thể tráo trở đến vậy. Ôi, chỉ ngẫm đến hành vi bữa trước của nó thôi, ông đã cảm thấy nát tan cõi lòng. Đây là một lầm lẫn lớn trong đời ông khi đã chọn lựa cất nhắc nhầm cái thằng quan hoạn ấy. Vậy mà trước khi ông nghỉ hưu, nó còn thơn thớt cái mồm, rằng ông cứ yên tâm tĩnh dưỡng nó sẽ có trách nhiệm với ông, với gia đình ông suốt đời.

hat-dau-1700924240.jpg             Ông ngồi dậy, định bước ra khỏi phòng cho đầu óc đỡ căng thẳng thì vừa hay, con gái ông từ ngoài cửa bước vào, trong tay là chiếc cặp lồng đựng cháo nóng. Mấy hôm nay ông ốm, chị phải nghỉ việc, túc trực ngày đêm bên giường bệnh. nhà chỉ còn mỗi vợ ông và đứa cháu gái tội nghiệp. Thấy sắc mặt ông phần nào đã hồng hào, tỉnh táo, tuy còn phảng phất vẻ thẫn thờ, chị mừng ra mặt:

- Bố… bố đã thấy trong người khá hơn chưa?

- Có phần dễ chịu hơn, con gái ạ.

Vừa múc cháo ra chiếc bát nhỏ, chị vừa nói:

- Bác sĩ bảo, may mà chỉ xây sát nhẹ, choáng rồi ngất, không ảnh hưởng gì tới não cả. Thế là nhà mình có phúc lắm.

Ông buột miệng:

- Họa thì có... chứ phúc cái nỗi gì!

Nói xong. Ông biết mình lỡ lời. Mấy hôm nay vì ông, nó vất vả quá. Nếu không có nó ở nhà, chẳng biết cơ sự sẽ ra sao. Để con gái vui lòng, ông đỡ lấy bát cháo từ tay nó. Có thể ông vui vì lòng hiếu thảo của con hoặc cũng có thể vì hương vị thơm ngon của tim gan, trứng gà và hành toát ra từ bát cháo nóng, đã làm cho ông cảm thấy sảng khoái, cảm thấy ngon miệng. Tuy nhiên, mỗi khi hình ảnh cậu Hoài chợt lóe lên trong óc là cổ họng ông lại nghẹn ứ. Kìm giữ nó trong lòng thì nó lại càng dồn nén, nhức nhối như khối u, như cái nhọt đanh quái ác. Ông kể lại cho con gái nghe câu chuyện đó như muốn xua đi, muốn giải tỏa những uất ức trong lòng. Nghe xong, chị chỉ cười và an ủi ông:

- Đời là vậy... bố nghĩ làm gì cho mệt óc. Cái cần nhất cho mình lúc này là sức khoẻ, bố ạ.

- Không nghĩ sao được, hả con. Con còn nhớ cái đận bố nằm viện lần trước, cậu Hoài đã sốt sắng thế nào chứ? Nom thái độ của nó lúc ấy, ai mà chẳng quí, chẳng thấy xiêu lòng. Nhưng từ ngày nghỉ hưu, bố đã một phần thấy được chân tướng thực của con người này. Nhất là hôm vừa rồi... uất quá! - Ông buông một tiếng thở dài - Con chó còn không cắn chủ cũ, huống chỉ là một người như nó!

- Kẻ cơ hội là thế, bố ạ! - Chị vội xoa dịu ông - Điều ấy thì có gì lạ đâu, hả bố. Thời buổi nào mà chẳng lòi ra vài thằng chém chúa bán vua!

Dứt lời, chị bỗng thở hắt ra. Nói là nói vậy chứ chị cũng có nỗi lòng như ông nhưng không dám biểu lộ vì sợ ông buồn mà sinh bệnh thêm. Nhìn bố, chị thấy thương quá. Thảo nào khi mới nghỉ hưu, chị trông ông cứ phờ phạc, ủ rũ hoài. Thì ra ông đã bị sốc, bị tổn thương nặng nề về mặt tinh thần. Cũng phải thôi, đó là do ông chủ quan, do ông chưa chuẩn bị đầy đủ hành trang khi về già. Ông đã mù quáng tin vào một số kẻ có lòng dạ đảo điên, tráo trở. Đối với người như tay Hoài, chị rất hiểu, bởi chị cũng đã là nạn nhân của anh ta. Nhưng chị cứ phân vân, anh ta xử sự với ông cụ như thế trước công sở để làm gì. Vô hình chung lại làm phương hại đến chính uy tín của anh ta. Hơn nữa, anh ta đâu có biết, hành động đó là mang tội với trời đất. Vì người bị hắt hủi, bị bỏ rơi, tuy không phải là danh chính ngôn thuận, song lại là “nhạc phụ” của anh ta. Dù có thăng quan tiến chức, dù có nhiều tiền lắm bạc, tất cả rồi cũng biến vào hư vô. Anh ta đã để mất đi một thứ tài sản vô giá, ấy là đứa con gái chị đã mang thai. Mặc dầu anh ta giờ đây vẫn sống độc thân, nhưng chị lại không thể cho anh ta biết chuyện ấy. Nhân cách tồi tệ như thế thì sao có thể làm cha được!

Dạo trước, khi biết mình có thai chị đã căm và hận anh ta lắm. Chị đã định thưa chuyện với ông cụ và làm um lên cho anh ta bẽ mặt. Nhưng khi đã bình tâm rồi, chị lại thôi, vì làm như vậy phỏng có ích lợi gì đâu. Vả lại lúc anh ta rời xa chị, chị đâu có biết là mình đã mang thai. Nếu một mực ép buộc anh ta thì mặc nhiên, anh ta sẽ chối phắt và cho rằng mình bị đặt điều, bị đổ vấy cũng nên. Như thế thì người thiệt thòi hơn cả vẫn là cha con chị. Nhiều lúc ngẫm lại, chị thấy mình đã im lặng là đúng. Nỗi khổ, nỗi nhục và điều tiếng, chị đã chịu đủ rồi. Chị chẳng muốn khơi lại vết thương lòng. Thế mà hồi ấy, chị cứ tưởng thế là đời mình may mắn khi gặp được anh ta, ai dè kết cục lại là như vậy. Đau lắm, xót lắm, chả khác nào một nghiệp chướng! Chị còn nhớ, ngay từ dạo ông nằm viện lần trước, còn lạ gì, chỉ có điều chị không muốn đối mặt đó thôi. Chị chỉ lo ông uất, ông tủi sẽ đẩy căn bệnh thêm trầm trọng.Thế rồi khi ông xuất viện khỏe mạnh bình thường, chị đã mừng vui khôn xiết nên quên khuấy việc ấy. Trí nhớ của chị còn như in trong những ngày anh ta và một số kẻ khác thường xoắn xuýt bên giường bệnh của ông. Chẳng qua người nào cũng muốn phô bầy sự tận trung mà thôi. Song vào một hôm, chị đâu có ngờ tới, khi biểu đồ nhịp tim gần như lịm xuống, cả bọn cùng xúm lại, cùng thốt lên từa tựa một bản hòa tấu: “Ồ… sắp chết… sắp chết rồi!...” và chỉ tích tắc sau đã biến sạch. Chị hoảng quá, la thất thanh và may sao, đúng lúc ấy, bác sĩ đang đi ngoài hành lang lao vào cấp cứu kịp thời, nên ông đã thoát khỏi cơn nguy biến. Khi hoàn hồn, chị mới chợt hiểu, chúng bỏ đi vội vã vì tưởng ông không qua nổi, có nấn ná lại cũng chẳng lợi lộc gì, chỉ tổ vướng bận vào thân. Hôm sau, không thấy động tĩnh gì, chúng nghĩ ông đã qua khỏi, nên lại ùa đến, mặt cứ trơ trơ như thổ địa công công, chả còn biết nhục là gì nữa… Ngẫm tới đây, chị lặng đi và vội cắn chặt môi để kìm giữ một tiếng thở dài căm phẫn.

Nhìn nét mặt trầm buồn của con gái, ngỡ chị lo lắng về sức khoẻ của mình cũng như câu chuyện không hay mà ông vừa kể, nên ông đã vỗ vỗ vào vai chị:

- Yên tâm đi con. Bây giờ bố đã thấy khoẻ rồi. Sẽ chẳng có gì đáng

ngại đâu, con gái ạ.

Ông âu yếm xoa đầu chị như hồi nào còn thơ bé và cặp mắt bỗng dừng lại hồi lâu vào chiếc tủ con nơi đầu giường:

- Con mua đường sữa làm gì cho tốn kém, bố có thích ăn đâu?

- Ôi... suýt nữa thì con quên mất - Nét mặt chị rạng rỡ hẳn - Đó là quà của anh Hoàng đấy, bố ạ. Mấy hôm nay anh ấy vào với bố luôn và còn nhờ vả bác sĩ, có vậy họ mới quan tâm săn sóc bố chu đáo.

Ông hơi nhíu cặp mày và cố lục tìm trí nhớ:

- Hoàng nào nhỉ?

- Anh Hoàng trước ở phòng cung tiêu, bố quên rồi sao?

Mắt ông bỗng tròn xoe, kinh ngạc vì không ngờ người ấy lại là cậu Hoàng. Song ông vội trấn tĩnh lại ngay:

- À… tưởng Hoàng nào… chứ cậu ấy thì bố quên thế nào được. Nhưng sao cậu ấy biết bố bị tai nạn mà đến thăm?

- Chính anh ấy là người đã đưa bố vào viện, rồi đến nhà mình báo tin cho mẹ và con biết. Anh ấy bảo vô tình hôm ấy đi ngang qua quãng đường đó.

Chà… chà, cuộc đời thật biến thiên vô cùng. Có những điều không bao giờ ông nghĩ đến thì giờ đây lại hiển hiện trước mắt ông. Tưởng ai chứ cậu Hoàng cung tiêu ấy, bao nhiêu năm trước ông vẫn xem là phần tử chậm tiến, ngỗ ngược, ngang tàng. Nó đã làm cho ông nhiều phen bẽ mặt ở các kỳ đại hội đảng bộ và công nhân viên chức. Tệ hại hơn là nhiều lần nó đơn phương đứng đơn kiện ông chuyên quyền, độc đoán, dung túng bao che kẻ xấu và nhận quà biếu xén. Tất nhiên, hồi ấy thế ông mạnh, chứ không thì cũng khốn khổ, liêu xiêu với nó. Sau hàng loạt những việc tầy đình nó gây ra, ông đã xem nó như cái ung cái nhọt cần phải nhổ bỏ, cần phải tống khứ. Từ phòng cung tiêu, ông đẩy nó xuống thực nghiệm cách xa cơ quan, rồi bồi thêm một cú nữa vào đội bốc xếp, ấy thế mà nó chẳng sợ, lại càng quấy quả ông hơn. Nó vẫn ngang nhiên đấu ông. Có hôm nó mặc một chiếc áo đại cán bốn túi, mặt trái lộn ra ngoài, gõ cửa vào thẳng phòng ông để chất vấn. Nhìn điệu bộ ấy của nó, ông không sao nhịn được cười:

- Cậu thử xem lại mình đã ra hồn chưa mà đòi đi khiếu kiện - Ông dè bỉu - Cái áo còn không phân biệt nổi mặt trái mặt phải thì thử hỏi, liệu cậu sẽ làm nên trò trống gì?

Mặt vẫn câng câng, nó vặn lại ông:

- Ô hay... tôi mặc áo trái thì ông lại cho là ngớ ngẩn. Còn ông… nhiều việc trái lè lè ra đấy, ông lại xem mình là phải là đúng! Thế là sao… thưa ông?

Ông bỗng ngây người. Hóa ra cái thằng này xỏ lá, lại sắp giở trò gì đây. Ông phải dè chừng, không có lại hố với nó như chơi. Vẫn thái độ bất cần như lúc vào, nó tiếp tục đấu ông:

- Phải nói, ông giỏi thật. Từ một kỹ sư được đào tạo bài bản như tôi, bỗng chốc bị ông nhào nặn thành phu khuân vác. Ông định diễn tiếp cái trò này đến bao giờ? Ông nên nhớ, tôi như hạt đậu bằng đồng, đun không chín, nấu không nhừ, càng ninh càng kêu leng keng.

- Chà, cái thằng này gớm thật. Nghe âm sắc bật ra từ giọng nói của nó, ông biết nó không đùa. Nó đang thách thức ông. Đà này, nếu ông dồn ép quá, chưa biết chừng nó làm liều cũng nên. Nhưng không lẽ ông phải xuống thang, phải nhún nhường nó…

Và từ bữa ấy, ông đã gọi nó là hạt đậu bằng đồng. Cũng thật may, sau đó nó chủ động làm đơn xin chuyển cơ quan. Ông đã ký liền và thở phào nhẹ nhõm. Thế là mối lo canh cánh bên lòng ông không còn nữa và ông sẽ không phải giật thót, không phải sợ hãi mỗi khi hạt đậu bằng đồng kêu leng keng…

Thấy vẻ đờ đẫn của bố, con gái ông chợt lên tiếng:

- Bố đang nghĩ gì thế?

Ông không trả lời mà nhìn thẳng vào mắt chị:

- Thế Hạt đậu bằng đồng bao giờ trở lại?

- Kìa... bố làm sao thế? - Con gái ông hốt hoảng - Bố bảo hạt đậu bằng đồng nào?

- À... à... là cái thằng Hoàng cung tiêu ấy mà. Trước đây bố vẫn gọi yêu nó là hạt đậu bằng đồng.

Con gái ông cười tươi:

- Bố ạ, anh Hoàng đi công tác một tuần nữa mới về. Anh bảo với con, khi nào bố tỉnh lại, cho anh gửi lời chúc sức khoẻ bố. Anh ấy tốt quá, bố nhỉ.

- Còn phải nói… nó tốt lắm… nó sống có tình lắm, con ạ.

Nói xong câu ấy, ông cảm thấy ngượng, nên mặt cứ rân rân đỏ. Con gái ông lại hỏi:

- Sao trước đây con không nghe bố nhắc đến tên anh Hoàng bao giờ cả?

Ông tặc lưỡi:

- Chuyện cơ quan ấy mà. Có phải lúc nào bố cũng kể cho hai mẹ con nghe đâu.

- Anh ấy bảo, vào đến Sài Gòn, sẽ gọi điện hỏi thăm sức khoẻ bố. Anh ấy nói, nhờ bố… anh mới trưởng thành như ngày hôm nay. Hình như bây giờ anh ấy cũng là cán bộ cỡ thì phải?

Nhìn con gái vui, ông cũng quên khuấy chuyện không hay trước đây giữa mình với Hoàng nên đã ào ào nói theo:

- Đúng… người như nó không làm cán bộ cỡ thì còn biết trông cậy vào ai nữa. Từ trước, bố đã tin sau này thể nào nó cũng thành tài. Hà… hà… nó đích thực là một một hạt đậu bằng đồng, con ạ.

Nét mặt ông trở nên phấn khích. Ông nhoẻn miệng cười mãn nguyện khi niềm vui chợt đến. Ông như thấy trước mặt mình lúc này không phải là cô con gái yêu mà là hạt đậu bằng đồng đang say sưa trò chuyện với ông.

7-10-1997

Vnt 20(87)