Trên đỉnh Mỏ Cùm - Bút ký của Nguyễn Luân

Nguyễn Luân

Trời bỗng mưa như thác đổ. Gió ràn rạt hắt nước vào tấm áo mưa như hàng nghìn viên sỏi từ trên trời dội xuống người, đau nhói. Chiếc xe máy như con bọ ì ụp bò qua những vũng nước nông, sâu, đỏ quạch một màu đất, ồ ồ từ hai bên núi chảy xuống lấp đầy những hố giữa lối đi.

Suốt quãng đường chị em tôi không nói một lời, nghĩ mình như con ốc, con cua đá bị đất trét vào miệng chỉ biết leo lên tiến về phía trước. Biết rằng phải rất khẩn trương, phải nhanh như người cuốn cót thóc đang phơi gặp trời sắp mưa để mà đi. Mệt là thế, nhưng chúng tôi phải cố về để dự đám tang của chị Liêng, nhà chị ở bản Nà Pai, xóm Quý Xã, xã Yên Bình. Chị mất bỏ lại sau lưng bao dang dở như khúc gỗ đã lên đà đợi người kéo cưa bong ván bưng mà bỗng nhiên gãy chốt, nên trời mới mưa như đá vỡ là thế...

Vượt con đường về quê tưởng chừng như mình vừa đi rừng về cũng không mệt bằng. Đi rừng có vác bó củi, thân gỗ về cũng chỉ đau vai, mỏi hai bắp chân. Mồ hôi túa ra rồi cũng quen dần. Đi xe về quê mới là khổ, đất thịt dẻo như bột nếp cứ chực dính bánh xe chị em tôi với mặt đường. Đất quê tôi lạ lắm, nắng hạn thì nứt toác như đút cả bàn tay vào khe được, mưa ào một cơn thì dính bê, dính bết như bột sắn quấy. Cứ vít ga lao đi như cắm đầu vào đá, chỉ sợ về không kịp nhìn mặt chị Liêng lần cuối. “Cần thai tò tái mà căn” (người chết cũng tìm về nhau), bà tôi vẫn bảo thế. Chị em tôi được dạy như thế nên khổ mấy cũng cố mà về với chị lúc này.

Đến lũy tre gù lưng là là mặt đất vì nước mưa, thì bắt đầu nghe thấy vài ba tiếng khóc bị kìm nén lại tức tưởi. Chị em chúng tôi môi tím tái lột vội áo mưa ào vào trong nhà. Người ngồi chật, lố nhố như ngô như sắn ngổn ngang ngoài sân, có người tựa vào ván, người ngó vào người mất. Bác tôi ngồi khóc lả như tàu lá ráy héo nắng trên tay mấy chị dâu. Người mất được che khăn lên mặt, tôi và chị Xuyến tiến lại quỳ xuống. Bác biết chị em chúng tôi từ xa lặn lội về lại òa lên nức nở. Có người nói khẽ.

-Chị đừng khóc nữa è. Đón thầy về mới được khóc...!

hintersee-3601004-1280-1713931589.jpg

Ở ngoài sân, một người đàn ông cầm chiếc túi vải đang buộc, khẽ kéo sợi dây nới miệng cho rộng ra, rồi cầm hòn cơm đặt trong chiếc bát đưa lên ngang mặt, mắt nhắm lại, mồm lẩm nhẩm, huơ huơ hòn cơm trên miệng cái túi. Bỗng... phì, đầu một con rắn vọt lên khỏi miệng túi, hai mắt ngáo ngơ nhìn xung quanh. Con rắn to cỡ ngón chân cái người người lớn, cái cổ phành phành. Người đàn ông túm cổ con rắn ấn vào túi thắt miệng, đứng dậy nói như với chính mình “Hổ mang chúa!”, rồi cầm cái túi đi thẳng ra cái cổng ba xiên đã cắm nêu. Đó là ông Loỏng bố của chị Liêng, một thầy chữa rắn cắn. Nhìn cái dáng xiêu xiêu đeo túi có con rắn của ông nặng như đeo túi đá trên vai. Nặng lắm chứ! Tình cha con không nặng sao khiến người đàn ông vạm vỡ, bắp tay như mấu nghiến phải khum khum đỡ lấy ngực…

Không khí ngột ngạt u ám căng như dây néo. Tôi bước ra ngoài bàn chỗ mấy anh em đang ngồi. Anh Nam đưa tay lên vuốt mặt như để nó chùng xuống rồi mới chậm rãi: “ Đi đón thầy cúng mà chưa được, không có thầy không được làm gì đâu chú à”. Định hỏi vài câu với anh nhưng tôi lại ngập ngừng nghĩ mọi chuyện lúc này có lẽ ít lời sẽ tốt hơn.

Người đến mỗi lúc một đông, có người khóc từ ngoài cổng trở vào, nhìn đôi tay còn nguyên vết bụi than lấp ló hai chấm nhỏ tím đen cướp đi mạng sống của người phụ nữ nghèo khổ. Câu chuyện về những người đốt than bị ngã núi, đá đè, cảm nắng và cả rắn cắn như chị Liêng đâu có gì xa lạ. Biết thế, nhưng người ta vẫn cứ phải đi, phải đem về một nguồn sống dù biết cái chết chỉ đứng sau lưng cái sống mỏng manh tựa như cật nứa. Tôi ngồi ngây người để câu chuyện ở cái bản nằm chênh vênh dưới chân núi này cứ đì đọt rơi như nhưng hạt nước ngoài giọt gianh mà lòng buồn rũ như ruột khúc gỗ mục nát khi mùa mưa đi qua. Chị tôi nằm đó, như người ngủ giấc sâu. Xung quanh chị có những tiếng khóc thương cho số phận một đời người, người ta khóc cho chị hay cho chính họ, hay cho những người đàn bà khổ từ lúc đôi chân, đôi tay còn nõn búp măng rồi bỗng héo dần, chai phồng như bánh dày nướng cháy vì đi rừng, vì hái củi, bẻ ngô, nuôi con, cấy lúa... Ông tôi ngày còn sống vẫn bảo, người ta sống thì ì ạch như vác nặng leo dốc sống mới nổi. Nhưng chết thì như con chim rúc đầu vào cánh mình rồi cứ ngủ như thế mãi mãi, chết dễ lắm.

Quê tôi vẫn nghèo, cái nghèo truyền đời như hết núi lại miên man là núi đá. Ngày trước thời ông bà tôi chỉ phải vượt một, hai đèo, trèo lên vàn là ngả được thân cây nghiến về làm cột, làm xiên, làm kèo rồi xẻ ván bưng vách, rải sàn không hết gỗ. Rồi người ta sinh con đẻ cháu, đàn ông lấy vợ, đàn bà lấy chồng. Ra ở riêng cũng vượt đèo, chặt cây xẻ gỗ làm nhà, gỗ vẫn nhiều, rừng vẫn hiền hòa ban tặng con người. Rồi đến một thời gỗ nghiến, lim, găng bầu, bỏng mít, kháo re...bán được tiền. Thì a lối á... vào những chiều nắng tắt đứng dưới chân đèo Hang Chái, con đèo nằm cuối bản Đồng La, xã Yên Bình trông lên đỉnh, người người nối chân nhau vác thớt, hộp, chấn song, bìu, huỳnh ra... bán và bán. Dưới chân đèo quán xá mọc lên đông đúc, kẻ bán người mua như hội. Có tiền, kiếm được tiền người ta lại chặt gỗ. Nghiến mẹ chưa kịp đẻ nghiến con đã bị chặt, găng bầu chưa thành ông đã bị chặt thì mãi mãi không có “con cháu”. Người ta đua nhau chặt, phá rừng. Đi một hai đèo không có, sẽ đi năm sáu đèo. Năm sáu đèo chặt hết sẽ đi tiếp và... ngủ lại nơi rừng sâu để chặt cho bõ công cho được nhiều.

Mười lăm tuổi, tôi theo bố gánh nước vào rừng. Những đứa bé như chúng tôi tập đeo nước lên lưng, theo chân người lớn vào rừng sâu xẻ gỗ, như thế bắp chân mới săn, ngực mới nở. Những sáng mùa đông, đôi chân như rụng mất cả mười ngón dù mới tới chân đèo, cái lạnh như nhát dao sắc phạt đứt tay chân ngọt lịm chỉ thấy mát mà chưa kịp đau, hiện rõ sau lớp dép nhựa đặt lên mặt đá từ khi gà còn gáy cứ ám ảnh tôi mãi. Đi mãi rồi thành quen. Vượt đèo vào gặp những người ở rừng chặt gỗ mấy tháng trời, không có nước tắm. Người ta chặt cây chuối rừng sát đất, khoét xuống củ thành những hốc bằng bát ăn cơm, đợi nước chuối chảy về đọng lại mới đem bát múc lấy dồn lại mà dùng. Phải mất mấy chục bụi chuối mới đủ một người tắm khi rừng khô nước, nước ngầm cạn. Trên da người két lại từng mảng ghét loang lổ như bị hủi lâu ngày trông đến sợ. Đến khi gặp trời mưa to thì trèo lên ngọn cây hứng nước mà kì cọ tắm. Mưa rừng thường bất chợt ào đến rồi bỗng tạnh giữa chừng làm lớp ghét bong ra. Không có nước rửa trôi bám đầy trên da như kiến bâu, đành đợi cho khô rồi bẻ lá cây phất đi cho sạch.... Khi gỗ cạn kiệt dần, họ bắt đầu quay lại vét nốt những gì còn lại trước đó là... rễ cây. Người ta đào xuống đất, chui vào hang, lật tung cả đá để tìm rễ nghiến, lim, kháo... rễ được đào lên, cong, vẹo, xoắn, quăn queo đều đẽo gọt bán được cả. Rừng hết, nhưng đá núi vẫn còn đó, vẫn còn những cây “tạp”, vậy là người ta rủ nhau đi đốt than, đốt những bìa, răm, đầu mẩu từ trước đó để bán, kiếm nốt thứ vốn liếng cuối cùng của rừng mang lại. Bụi than làm phai biết bao đôi má hồng người con gái, than làm bạc vai áo đàn ông, làm đen đôi bắp chân người đàn bà theo ngày theo tháng. Người ta sống được vì rừng. Nhưng họ lại rủ nhau giết chết mẹ rừng. Rừng chết người cũng lắt lay.

Thầy cúng đến trong yên lặng. Người Slay chính nước da nhăn như vách đá, đôi mắt mờ đục già nua. Họ lom khom, lỉnh kỉnh đồ nghề trên vai thành gánh, thành bị. Nhìn dáng vẻ của các thầy, tôi nhớ cậu tôi. Lần ấy cậu gọi tôi về, rồi bằng vẻ mặt rất nghiêm trọng cậu bảo “mày biết đường đưa cậu xuống huyện một chuyến cứu thằng Eng về”. Tôi giật mình không hiểu đầu đuôi, chỉ thấy cậu đã chuẩn bị hai bao ngô to, buộc chắc chắn vào cái đòn gánh thớt hôm nào thì càng ngạc nhiên hơn. Hai cậu cháu lên ô tô rồi cậu mới bảo, thằng Eng xuống huyện học, chơi “in tô nết” làm hỏng đồ nhà người ta bị giữ thẻ học sinh nên nhà trường không cho vào lớp. Cậu mang ngô đi theo phòng thiếu tiền thì đền cho người ta. Tôi vỡ nhẽ bảo cậu bán ngô mang tiền đi có phải nhẹ hơn không? Cậu bảo mang ngô đi nhỡ không dùng đến phải mang về để dành vụ giáp hạt tới! Tôi thấy ngại thay cho cậu vì quãng đường dài với hai bao ngô trên vai như thời gánh thớt lại càng thấy thương, càng thấy giận thằng em mải chơi. Hai cậu cháu cùng gánh ngô lang thang ở thị trấn cũng cứu được cái thẻ học sinh cho thằng Eng về. Cậu tôi nhìn người chủ quán bảo lấy tiền hay lấy ngô. Bà chủ quán dáng điệu lặc lè cười hô hố khi thấy hai bao ngô của cậu bảo: “Lấy tiền, nhà tao không nuôi lợn.” Tôi phì cười khi người đàn bà béo tốt nói câu đó xong. Trả tiền xong, lau mồ hôi cậu cười bảo: “Năm nay tới vụ giáp hạt, lợn, người không sợ đói vì vẫn còn gánh ngô này”. Cậu cười nghe chừng vui lắm. Cái nụ cười ấy làm tôi nhớ mãi, nó trong và bình thản đến lạ lùng, đơn giản tôi ít gặp những nụ cười như thế lần nào sau này từ cậu nữa, bởi một thời gian sau, cậu bị bắt ở bên kia biên giới vì vượt biên trái phép. Ba tháng cậu trở về người xanh như tàu lá, cậu ít nói ít cười hẳn. Ở đời có mấy lần có nụ cười đúng nghĩa đâu. Có lần tôi thắc mắc chuyện gánh ngô vất vả, cậu nói chần chật rằng. Thà cứ gánh gồng trên vai cho mệt cái xác, còn hơn gồng gánh cái trong lòng mãi không xong. Sau này tôi ngẫm mới thấy cậu đúng, cái gồng gánh của mấy tay thầy cúng đâu có sánh gì với cái ngổn ngang trong lòng gia đình bác tôi lúc này đâu.

Đám thầy cúng bước vào nhà, mấy người con trai quỳ xuống trước cửa làm lễ rước thầy về. Một hồi chiêng ung ung oăng oăng ngân dài nối tiếp đuổi nhau đến tận chân núi buồn bã khi bóng tối đã choàng xuống mà mưa vẫn rả rích không thôi. Những tiếng khóc nao lòng vang lên khi đã được cởi trói chợt bung ra ùn ụt. Kể từ bây giờ, bản này biết đã mất đi một người nữa. Đất mẹ, núi cha lại nhận về một con người nữa. Đám ma ở đây thật nhiều thủ tục và tốn kém, mỗi lần có người chết, thầy cúng ít cũng phải ba ngày làm việc. Trong đầu tôi nhớ đám ma lão Sài ngày tôi còn bé cùng lũ trẻ con chạy lăng xăng theo chân người lớn. Lão làm thầy Mo cấp sắc cho nhiều con ký, mỗi người cúng cho lão một lượt, vậy là người ta cúng lão những... mười một ngày mới đưa đi táng. Lão chết giữa mùa hè. Bố tôi trong đội khiêng quan tài. Vừa đi thứ nước vàng nhầy nhầy từ trong quan tài chảy ra theo đòn vác ướt cả vai, cả cổ áo, mùi tử thi bốc lên nồng nặc, lâu lâu lại có người thay nhau chạy ra chỗ khác nôn thốc nôn tháo như ăn phải nấm độc. Qua đợt đó, bố tôi ốm liệt giường. Tôi rùng mình nghĩ đến chị Liêng, cầu mong người ta đừng để chị nằm đó quá lâu, làm khổ chị, lại thêm đau lòng người ở lại.

summer-2404769-1280-1713931941.jpg

Chuyện vợ chồng chị Liêng và anh Đông, cả bản coi đấy là chuyện buồn không ai muốn nhớ tới, nhắc tới. Người ta nhớ lại chỉ thở dài rồi chấm chép như tiếc nuối cho đôi vợ chồng trẻ. Anh Đông đang bị phạt tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy từ hai năm trước. Ngày anh bị bắt, tôi chỉ kịp nhìn anh qua ô cửa xe áp tải đang nhả khói gập gềnh qua dốc Pha Đeng. Thằng con lớn của anh vẫn đứng ngoài cổng khóc ngặt tiếng gọi bố về. Trong đôi mắt ngây thơ đã phần nào hiểu được bố sẽ không về lúc chiều nhá nhem tối với anh em nó khi mùa đốt nương trồng ngô đang tới. Lần uống rượu với anh trước đó không lâu, anh to nhỏ kể về cái nghèo ở nhà anh, cái nghèo ở bản mình. Anh kể về những người bạn giàu lú giàu lí mà anh đi chặt mía tận Trung Quốc nhìn thấy. Anh bảo anh phải hết nghèo, anh muốn có xe máy đưa vợ đi chợ phiên, có ti vi cho lũ trẻ con xem... Tôi chạm chén chúc anh sớm làm được điều mình nói, anh cười, một nụ cười nửa môi. Rồi tôi cũng không ngờ anh làm giàu bằng con đường phạm tội. Anh đi không đúng đường, vô tình cái nghèo lại khóa thêm một vòng nữa vào đời anh. Giam lại một đời người chơi vơi với bao dự định vẫn mơn mởn xanh.

Nửa đêm, tiếng thanh la như vỡ òa báo hiệu giờ lấy nước rửa mặt cho người đã mất. Đêm sâu hun hút và buồn. Tiếng chũm chọe, trống con loảng xoảng chập cheng, tưng tưng hòa vào nhau. Mấy đứa em tôi, mặc đồ tang lúi húi cầm hai đầu tấm vải xô trắng trên đặt chậu nước khênh từ cây nêu ngoài sân vào nhà được chuẩn bị từ bao giờ. Lễ lấy nước xong, cánh Sà Sli lại lục đục chuẩn bị cơm “Lèng” cho ma. Cơm Lèng phải chuẩn bị cẩn thận, phải cơm nóng, thịt nạc đĩa thật đầy. Mọi thứ tạm nghỉ khi đã quá nửa đêm, chỉ còn anh em họ hàng ngồi quanh. Những đôi mắt thiếu ngủ sưng mọng trĩu xuống. Nhưng đêm nay sẽ là một đêm trắng, dù ngoài trời mưa vẫn rả rích như kè tràn nước ào xuống từ một nơi nào không rõ.

Chị Liêng có họ hàng xa đằng ngoại với tôi. Chả thế mà chị có cùng họ với mẹ tôi. Da chị trắng, đôi mắt đẹp và buồn. Trai bản trên, xóm dưới đều để ý nhưng sợ ông Loỏng. Bố chị làm thầy chữa rắn cắn giỏi, tính khó đăm đăm. Nhưng anh Đông không sợ. Tôi nhớ lần anh kéo tôi theo cùng giả vờ đi tìm trâu lạc, vào vườn gọi toáng lên hỏi "có thấy trâu anh không". Chị Liêng ngó ra cửa bếp, hai má đỏ hồng như say rượu cười “trâu anh bị bố em thịt rồi!” Anh Đông cười hề hề đáp “Nếu thế tối nay anh lên xin lại cái sừng làm vỏ dao nhọn cũng được !” nói rồi không quên ném một ánh nhìn như một lời hẹn về phía chị. Khi anh chị đã nên vợ chồng, anh vẫn bảo với tôi, anh lấy chị là do duyên số, có lấy vợ lần nữa anh vẫn tìm người như chị. Tôi vẫn thường khen anh lấy được vợ đẹp nhất bản, mà chị đẹp thật, nhất là đôi mắt. Mắt chị sáng mà buồn đến nao lòng. Ông tôi bảo tướng người ấy sướng thì sẽ sướng mà khổ thì biết chừng. Tôi cũng có mối tình đầu với một người con gái đẹp như chị Liêng, thứ tình cảm trong veo như sương cho đến giờ tôi ngỡ thời gian bồi đắp lên như đám rêu trên mặt đá, nhưng mỗi độ nắng hây hẩy nhìn lên đỉnh Seo Cảo thì đám rêu trong lòng tôi lại tróc lở, lộ ra còn nguyên những gì của xưa cũ. Tôi đã vung dao chém đá nói sẽ yêu em, còn em tặng tôi chiếc vòng bạc. Cứ ngỡ bạc - đá sẽ là vĩnh cửu, vậy mà tôi mất em sau vài mùa sách vở.. Con gái có thì, còn thứ tôi đi tìm vẫn xa tít tắp... Đã nhiều lần tôi tìm gặp em, tìm một cái nhìn từ đôi mắt con nai con sóc, nhưng em bỏ quê vượt dốc lấy chồng nơi xứ người xa hàng ngàn cây số chỉ vì hai chữ: mưu sinh. Gái quê tôi vẫn cứ đẹp, như hoa đào tháng giêng, vẫn cứ mơn mởn như cỏ xanh tháng ba vậy mà tôi đợi một cái duyên như anh Đông vẫn nói, với chính mình mà chưa gặp. Giờ chị Liêng bỏ đi, tôi thấy buồn đau với những nỗi niềm đâu dễ nói ra.

Trong đám người nhốn nháo, tôi nhận ra thằng Đoan. Thằng bạn thân nhất thời chăn trâu, hái củi. Giờ trông bạn già hơn cái tuổi chơi vơi, khuôn mặt nó vẫn thế mà buồn xa xăm. Vợ nó chết vì ung thư. Cũng lạ, ở bản này, người bỏ đi trước vẫn là đàn bà. Đàn bà đi trước về trước và cũng chết trước. Ngày còn bé, hai thằng vẫn thường kéo nhau ra bãi đá gần chân núi. Cái bãi đá chôn vùi khoai sắn nướng cháy than, bãi đá vương vất mùi chuột đồng nướng xiên, có con trâu trắng hếch mũi khịt khịt lấp ló sau đám cây cơm nguội, đám cỏ lau, đám mâm xôi đầy gai cào xước bàn chân tứa máu. Mà lần nào hai thằng vẫn cố rúc vào tận trong cùng để rình lũ chim múa tuồng xây tổ. Có lần đánh nhau với lũ trẻ con khác, thằng Đoan đỡ cho tôi cả hòn đá xanh vào đầu, máu chảy toe. Đầu nó lõm một hố, mất mấy ngày tôi mới dám sang thăm vì sợ bố mẹ nó. Từ đấy hai thằng thân nhau hơn thế. Lớn lên tôi đi học, nó ở nhà lấy vợ. Chưa kịp nhìn mặt con thì vợ nó chết... Nó bỏ bản đi làm cửu vạn khi chúng tôi tròn mười bảy. Ngày lấy vợ, nó kéo tôi ở lại uống rượu đến khuya, khi nó say mềm đầu tựa vào ván nhà mà ngủ quên cả cô dâu mới cưới, tôi mới ra về. Rồi một ngày nó bỗng tránh mặt tôi. Thật khó để giải thích vì sao. Có lẽ cuộc đời như cơn lũ đầu nguồn đánh dạt nó tấp vào đâu đó. Nó muốn nằm yên ở đó, một mình? Nó lại bỏ đi theo đám trai bản làm thuê bên kia biên giới, vài năm mới về. Bản nghèo xơ xác, nay lại thêm vắng bóng người.

Rồi đám tang của chị Liêng cũng đi qua, mộ chị nằm giữa cánh đồng đón những đợt gió trên đỉnh Seo Cảo tràn xuống hằng đêm. Cánh đồng vào ngày mùa như những chiếc đai, chiếc yếm màu xanh nõn của lúa, của ngô buộc hững hờ vào chân núi. Trai gái yêu nhau, giận nhau bước qua những dải lụa ấy về lại thêm yêu nhau. Anh em không nhận ra nhau đi qua cánh đồng lại về một nhà. Đấy là chuyện của ngày xưa, chuyện xưa vốn đẹp và mượt mà. Ngày hôm nay, tôi không dám nhìn xuống những đám ruộng cong cong, gù lưng như dấu hỏi chấm khổng lồ bạc phếch màu đất hoang. Không còn những dải màu sắc lấp lánh mà chỉ còn những búi cỏ dại lơ phơ hoa héo tàn, đâu đó nhấp nhô lổn nhổn đá văng lên bờ của một một mùa vụ vội vã để lại. Người ta không còn cấy lúa, trồng ngô, không còn những vạt xanh nõn lô xô nhau chạy mãi vào chân núi mỗi chiều gió ngược về rừng. Tôi xót xa nhìn xuống cánh đồng, anh Tiến vỗ vào vai tôi bảo “Có gì dưới đó nữa đâu, thanh niên bỏ đi chặt mía, đi phụ xây. Đàn ông, đàn bà cũng đi vác hàng thuê hết rồi. Giờ toàn người già, trẻ con giữ nhà, chả còn ai muốn cấy lúa nữa. Đi sang biên làm được nhiều tiền hơn ở nhà nên chẳng ai còn nhớ đến cầm chiếc cày, cái cuốc...”. Tôi nhớ những mùa cũ, tháng giêng hai khi người lớn rạc cỏ vun thành đống đốt lên làm những sợi khói cứ xoắn xuýt vào nhau bay lên cao, cao mãi. Lũ trẻ con lại nhảy nhót trên từng đám ruộng. Đến khi lên đến bậc cuối cùng nhìn mãi sang bên kia chân núi thấy chập chờn đàn chào mào về đón mùa hoa gạo.

girl-7889973-1280-1713931590.jpg

Tôi phụ bác tôi lập bàn thờ cho chị Liêng. Bác gói ghém cẩn thận nắm gạo thầy cúng ban lại đặt dưới chân ống hương mà nghẹn ngào “để nắm gạo này, khi nào thằng Đông về đem lên đỉnh Mỏ Cùm mà gọi vợ nó về...” Tôi tựa lưng vào vách nhìn ra cửa, nhìn mãi lên chân đèo Hang Chái, nhìn xuống cánh đồng héo úa mà nỗi buồn trong lòng cứ chực trào ra, khi quê hương mãi lặn lội trong cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Người quê lại bỏ mảnh đất thơm đồng, ngọt bãi mà biền biệt xứ người. Vẫn còn nguyên câu chuyện ông bà kể cho anh em chúng tôi nghe về những ngày đầu đến phá lâm khai hoang vùng đất này. Chẳng biết mất bao nhiêu lâu để có từng mảnh ruộng, bờ nương từ trong đá, trong cây rừng. Khi cây lúa, cây ngô mọc lên thành đồng, thành bãi cũng là lúc một thế hệ đã đi qua như thế hệ ông bà tôi. Những câu truyện mới hôm qua mà tưởng như đã là cổ tích…

Ngày cậu tôi trở về sau bữa cơm đoàn tụ, cậu khật khừ nói với tôi rất chậm “Có chết tao cũng chả đi nữa, người thật giờ còn mấy ai. Bản mình kéo nhau đi hết, có người được tiền, người trắng tay như tao thôi”. Nhìn những đoàn người khăn gói kéo nhau đi, tôi nhớ về những ngày còn trèo đèo vác gỗ năm nào. Cái cảm giác đó hối hả, lo toan cực nhọc cứ đeo bám người ta không dứt đến héo hon trong lòng. Cậu bảo ngày xưa mình kéo nhau phá rừng, rừng hết rồi, giờ lại kéo nhau đi là phá quê, phá đất này mất. Tôi nghĩ điều phá quê, phá đất có lẽ còn cả chặng đường xa xôi nữa. Nhưng bằng cả tấm lòng yêu quý, những người con vai gồng gánh xuống núi vẫn ngổn ngang trong lòng những nỗi niềm khôn tả về một vùng đất nghèo khó đã từng đẹp tươi.

Chợt một chiều ngồi giữa mảnh đất mình lớn lên. Tôi bỗng thấy thèm một tiếng cười trẻ thơ lanh canh vỡ vụn lẫn vào đá núi. Thèm một đụn khói chiều cay xè mắt. Lại ước ao được nhìn một mùa vàng óng ả của ruộng đồng đất mẹ bỗng thấy xa vời vợi. Bóng chiều chập chờn với những khuôn mặt như lạ như quen. Rồi có lẽ, một tiếng gà gáy cũng làm người ta giật mình.

Tôi nhớ trên đỉnh Mỏ Cùm, đi hết bản Đồng La, vượt qua đèo Hang Chái có hòn đá tròn trịa. Ngồi ở đó sẽ nhìn thấy cả vùng đất phía dưới chân đèo. Lại ước một ngày người quê tôi vứt bỏ đôi gánh trên vai họ để nhìn về đất mẹ, có lẽ quê tôi sẽ xanh vời vợi hơn bao giờ hết.

N.L

Nguyễn Luân