Phía sau mùa đông - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến

phia-sau-1695628700.jpg

Con đường về nhà mỗi lúc thêm khó khăn. Đêm không trăng, đường đồi gập ghềnh, mưa ướt và gió lạnh. Ánh đèn pha có lúc như bị hất tung lên rồi tan biến trong làn mưa bụi, lúc khác lại giống như một cánh bướm trắng phát sáng như đang dẫn đường cho hai bố con ông Phan về.

Cậu Kế, con trưởng ông Phan, để xua đi sự lạnh lẽo kinh người của đêm trung du, mới hỏi bố:

- Ông mất được bảy năm rồi bố nhỉ?

- Năm năm rưỡi

- Con muốn xây cho ông một tấm mộ lớn.

- Ừ.

- Rồi như sực tỉnh: Ông Phan hỏi lại cậu Kế.

- Thế con có biết mộ ông nằm ở đâu trên quả đồi Trường Thịnh đó không?

Cậu Kế im lặng. Điều đó thì cậu chưa thể nhớ ra ngay được. Mộ của bà ngoại cô bạn gái cùng học lớp tám với cậu thì cậu nhớ rất rõ. Đó là ngôi mộ thứ năm ở hàng thứ hai từ phải qua trái nếu đi từ cổng chính nghĩa trang vào. Ngày đó, cậu còn nhớ rằng cậu đã cố gắng giữ một khuôn mặt rầu rĩ để chứng tỏ sự đau xót của cậu với cô bạn gái - khi ấy mắt đỏ mọng và sưng húp. Cậu không khóc được, ấy cũng may là sự trung thực của cậu vẫn còn.

phia-sau-mua-dong-1695629054.jpg

Minh họa của Lương Xuân Đoàn

Ông Phan im lặng chờ đợi câu trả lời của cậu trưởng. Mưa có vẻ dày hơn. Con đường mang đầy dấu tích của sự bỏ quên. Nó đã từng là đường nhựa, đã từng bỏ qua chiến tranh và mãi mãi nằm lại như cái xác của một con trăn khổng lồ vắt len lỏi giữa những quả đồi trơ trọi của trung du. Hai bên đường, những thân cây cụt lủn chạy vùn vụt. Và những khoảnh lúa trong đêm chỉ còn là những mảng đen uyển chuyển bò về phía ngọn đồi cao nhất.

Cậu Kế vẫn im lặng. Cậu nghĩ lan man sang khái niệm trung thực và giả dối. Trong một bữa tiệc gần đây, cộng với men rượu hơi bia ngây ngất, cậu đã nói những lời trung thực một cách giả dối và thậm chí còn tuôn ra những lời giả dối một cách trung thực. Nhưng rõ ràng là cậu Kế chưa bao giờ dám giả dối một trăm phần trăm. Ấy cũng là một trong những điều tốt nhỏ nhoi dành cho ông Phan. Cung Phúc Đức nhà ông chắc có sao Thiên Hình miếu địa. Theo ý kiến của một người bạn thì đó lại là thanh gươm quý. Cậu Kế hoàn toàn có khả năng, trở thành một thanh gươm quý nếu như cậu biết nghe lời ông, biết loại bỏ hoàn toàn những điểm yếu mà ông đã mất rất nhiều thời gian giáo dục cậu.

Ông Phan hiểu sự im lặng của cậu Kế đã là một lời kết luận chắc nịch cho những suy diễn của ông. Nhưng chẳng sao, từ xuân trước đến xuân này, cậu đã tiến bộ hơn rất nhiều. Từ một cái loa phóng thanh đã biến thành một cái hũ nút kín bưng. Để phá tan không khí im ắng, ông Phan đề nghị:

- Bố muốn ngay bây giờ đưa con lên để thăm mộ ông.

Cậu Kế vẫn im lặng. Cậu liên tưởng đến ma và sự dũng cảm. Cách đây mấy hôm, cô bạn gái đã nói với cậu:

- Ma ư, chẳng có gì đáng sợ, người mới đáng sợ, các cụ bảo thế.

Còn cách đây một tuần, cậu bị mấy con nghiện chặn đường xin đểu. Cậu đã lẳng lặng rút tiền cống cho bọn chúng để mua lấy sự an toàn cho bản thân. Sau đó, cậu suy nghĩ ghê lắm. Không biết đó có phải biểu hiện của sự hèn nhát không? Cậu hoàn toàn có thể bào chữa bằng một phép lý luận rằng: “Một sự nhịn bằng chín sự lành”. Tuy nhiên, cậu chưa bao giờ hài lòng với cách bào chữa đó. Cậu nhớ đến câu chuyện ông Phan ngủ với một rừng rải rác tử sĩ mà thấy khâm phục bố.

Giờ này, bạn bè cậu chắc đang vùi đầu vào một quán Bar nào đó với một thứ rượu Tây được ngâm mười hai năm dưới hầm. Các sếp cậu chắc đang mê mải với mối quan hệ dây chun chằng chịt. Còn lại, cậu trở về cải mộ cho ông và thêm một điều nữa, cái điều cậu đã nhiều lần mong ước, đó là cải mộ cho chính cái tâm hồn hỗ nút của cậu.

Kế hoàn toàn ý thức được điều đó. Cậu biết rằng cậu phải thay đổi. Mùa xuân của cậu đang đến gần và qua mùa đông này, cậu lại chuẩn bị mất thêm một mùa xuân nữa.

- Con sợ ma phải không? - Ông Phan hỏi

- Không, bố ạ, nếu thực sự có ma quỷ thì chúng phải khâm phục ý định của bố con mình mới đúng. Con sẽ cùng bố lên thắp hương cho ông. Con sẽ nhận lỗi với ông về sự lãng quên của mình.

Ông Phan mừng lắm. Mưa chợt thưa đi, cái lạnh cũng không còn mấy, ông vòng hai tay xiết chặt cậu Kế. Phải thế chứ, cậu Kế năm nay hai mươi bốn tuổi rồi. Mới ngày nào ông còn phải gõ chiêng la ầm ĩ mong bón cho cậu ăn thêm một thìa bột. Rồi lại có lần, ông chém chết một con chó vì nó cắn trộm vào chân cậu, lúc đó cậu mới tám tuổi.

Đêm trung du không vì những thay đổi nhỏ trong suy nghĩ của bố con ông Phan mà không sâu thẳm hơn. Những cây cọ ban đêm không vì thế mà không cô đơn. Cậu Kế cũng đã kịp nhìn thấy cọ. Cậu khe khẽ đọc một bài thơ câu thích:

Chủ quan cọ đứng đinh ninh

Xoè tay che nắng, khắp mình gai giương

Chiều về thân cọ đơn phương

Thỏ vào đêm lạnh, cọ thương tay mình.

Oh20' 8/12/1997


Vnt 3,4,5 (70,71,72)