Đào, phở và piano và thay đổi cách nhìn về phim Nhà nước đặt hàng

Xếp hàng mua vé nhưng phải về không hoặc chấp nhận xem vào khung giờ không như mình lựa chọn, dù các rạp đã tăng suất chiếu, đó là những ghi nhận đầu tiên về lượng khán giả đến các rạp xem Đào, phở và piano - bộ phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng sản xuất.

Trước đó, ngay từ buổi công chiếu đầu tiên vào mồng 1 Tết Giáp Thìn (10/2) tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Đào, phở và piano không tạo ra cơn sốt và được đánh giá chỉ là một bộ phim chân thực và dung dị, phù hợp với không gian Tết. Tuy nhiên, sau 1 clip đánh giá phim đăng tải lên TikTok và sự cộng hưởng của mạng xã hội, rất nhanh, Đào, phở và piano đã trở thành hiện tượng đình đám của đời sống điện ảnh. 10 ngày sau công chiếu, Cục Nghệ thuật điện ảnh đã có công văn gửi Bộ VHTT&DL đề nghị tăng suất chiếu và phát hành rộng rãi bộ phim trên phạm vi toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hai đơn vị tư nhân là Cinestar và Beta Cinemas bày tỏ mong muốn chiếu phi lợi nhuận, hỗ trợ toàn bộ chi phí và lợi nhuận thu được sẽ nộp 100% về ngân sách để đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

Cảnh trong phim Đào, phở và piano

Trên thực tế, nếu đứng ở góc độ đầu tư, quảng bá phim để bộ phim tạo nên cơn sốt, thì Đào, phở và piano gần như không có. Không tổ chức casting và không cả những buổi ra mắt phim đình đám vốn thấy trong đời sống điện ảnh. Nhưng Đào, phở và piano chinh phục khán giả ở tính trung thực và tôn trọng lịch sử khi đã làm cho lịch sử sống động và hấp dẫn với người xem. Điều này hoàn toàn khác biệt với những phim khai thác đề tài lịch sử từng công chiếu trước đó. Dưới bàn tay của đạo diễn Phi Tiến Sơn, bộ phim đã chạm tới cảm xúc của người xem, lấy đi những giọt nước mắt, nụ cười của khán giả dù họ ở những độ tuổi khác nhau. Nếu làm một phép so sánh giữa Đào, phở và piano với những bộ phim Nhà nước đặt hàng, khai thác đề tài lịch sử như Bình minh đỏ, Phượng cháy ngậm ngùi lưu kho sau một vài ngày ra rạp, thì Đào, phở và piano thực sự đã tạo nên kỳ tích “cháy vé” tại phòng vé; “nghẽn mạng” khi đặt mua online. Nhờ có một kịch bản tốt, với cốt truyện phi tuyến tính, xen lẫn quá khứ và hiện tại hết sức sáng tạo, Đào, phở và piano trước đó cũng đã giành Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (11/2023). Còn đứng ở góc độ đầu tư, Đào, phở và piano chỉ khiêm tốn ở mức 20 tỷ đồng, nhưng lại có được một phim trường hoành tráng, tạo dựng tỉ mỉ và tái hiện được không khí Hà Nội năm 1947… khiến không chỉ khán giả mà ngay cả giới trong nghề cũng đều nể phục. So với Mai, Bố già của Trấn Thành, hay Hai Phượng của Ngô Thanh Vân, thì đây là khoản kinh phí khiêm tốn nhất có thể.

Vậy mà, từ những cái không và khiêm tốn ấy, Đào, phở và piano không chỉ đã chinh phục được khán giả mà còn góp phần chứng minh về dòng phim Nhà nước đặt hàng nếu được đầu tư bài bản, làm phim nghiêm túc và một cơ chế bình đẳng giữa phim Nhà nước và tư nhân, chắc chắn những thay đổi trong cách nhìn về phim Nhà nước đặt hàng sẽ không còn khiên cưỡng, thậm chí một chiều khô cứng như vẫn tồn tại từ trước đến nay.

Quỳnh Hoa

Nguồn Văn nghệ số 10/2024