Chùa Trấn Quốc - Cổ tự ngàn năm tuổi bên hồ Tây

Trang My
Là viên ngọc sáng giữa lòng thủ đô Hà Nội, chùa Trấn Quốc từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. Nhờ sự linh thiêng và lịch sử ngàn năm mà đi lễ chùa Trấn Quốc trở thành niềm tin tín ngưỡng của nhiều người, nhất là vào dịp đầu năm.

Tọa lạc trên một “hòn đảo” nhỏ, phía Đông của hồ Tây, nép mình trầm mặc trên con đường Thanh Niên tấp nập, chùa Trấn Quốc mang nét đẹp cổ kính và linh thiêng.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Chùa Trấn Quốc\cdn-congly-vn_bai-tet-chua-tran-quoc-diem-den-tam-linh-dip-xuan-ve-hinh-anh01112037280.jpg

Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 - 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp người dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.

Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên. Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông, bên trong điện thờ các phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm Bồ Tát. Hiện, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Chùa Trấn Quốc\tran_quoc_17___the_duong_1-12_52_29_269.jpg

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Trấn Quốc như một minh chứng hữu hình cho vẻ đẹp tín ngưỡng dân tộc, lưu giữ đầy đủ những nét đặc trưng trong văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, như một tòa sen khổng lồ nở rộng giữa hồ nước trong xanh. Nằm giữa khuôn viên chùa là Tiền đường được xây theo hướng Tây. Hai bên có dãy hành lang nối dài là Thượng điện và nhà Thiêu hương. Sân trước chùa có một cây bồ đề cao, xòe tán rộng tỏa bóng mát. Cây bồ đề này được chiết từ cây mẹ tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo.

Một điểm khác biệt của chùa Trấn Quốc so với những ngôi chùa cổ khác ở Hà Nội là vườn tháp cổ độc đáo nằm ở phía sau chùa. Vườn tháp này có nhiều ngôi tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng vào thế kỷ XVIII và tòa Bảo tháp Lục Độ Đài sen cao 15m, có 11 tầng, mỗi tầng bố trí 6 ô cửa có 1 tượng Phật A Di Đà được làm bằng đá quý. Đỉnh tháp có Cửu Phẩm Liên Hoa làm bằng đá quý màu trắng sáng lấp lánh, tựa như bông sen trắng đang nở tỏa ngát hương thơm.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Chùa Trấn Quốc\cdn-congly-vn_bai-tet-chua-tran-quoc-diem-den-tam-linh-dip-xuan-ve-hinh-anh81201099099.jpg

Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc độc đáo, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989. Đặc biệt, trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Hà Nội, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất chốn Kinh kỳ. Nơi đây không chỉ thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm đến tham quan, du lịch cho du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Nội để tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc, thêm tự hào về một danh thắng đặc biệt của thủ đô, của đất nước.

Chính vì vậy, chùa Trấn Quốc xưa, nay và mai sau luôn tồn tại và vẹn nguyên trong lòng người dân đất Việt với những giá trị trường tồn vốn có.

Trang My