Tự vượt

Trương là giáo viên chiến thuật trường Quân sự Quân khu Tả Ngạn, dạy từ động tác lăn, lê, bò, trườn cho đến chiến thuật cấp tiểu đội, trung đội, đại đội thậm chí khi thiếu giáo viên Trương còn dạy cả chiến thuật cấp tiểu đoàn. Vậy mà, 21 năm trong quân ngũ,

Trương là giáo viên chiến thuật trường Quân sự Quân khu Tả Ngạn, dạy từ động tác lăn, lê, bò, trườn cho đến chiến thuật cấp tiểu đội, trung đội, đại đội thậm chí khi thiếu giáo viên Trương còn dạy cả chiến thuật cấp tiểu đoàn. Vậy mà, 21 năm trong quân ngũ, Trương mới lên được thiếu tá. So với mọi người như vậy là chậm, Trương cũng biết thế, Trương cũng biết rằng trần quân hàm với giáo viên của nhà trường quân sự quân khu chỉ là trung tá, muốn lên Thượng tá thì phải phấn đấu lên trưởng bộ môn. ấy vậy mà khi cấp ủy quy hoạch Trương vào nguồn Trưởng bộ môn Chiến thuật, Trương lo lắng đến sọp người đi. Trương phải gặp Bí thư Chi bộ. Trương bảo: Tôi biết đề đạt như thế này là không đúng nhưng xin anh cứ cho tôi làm giáo viên thường thôi. Tôi không có khả năng làm lãnh đạo. Bí thư Chi bộ ngạc nhiên nhìn Trương. Cấp ủy đã cân nhắc, anh là giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân, yêu nghề, có trách nhiệm được đồng nghiệp và học viên yêu quý. Anh làm trưởng bộ môn là đúng. Trương cười mà như mếu. Đó là hai vấn đề khác nhau. Người làm chuyên môn giỏi chưa chắc đã làm lãnh đạo được. Anh mà đề nghị tôi làm trưởng bộ môn là hại tôi, hại cho đơn vị. Bí thư Chi bộ suy nghĩ một lát rồi bảo: Vậy anh có thể đề nghị bằng văn bản được không? Trương rút ra tờ đơn đưa cho Bí thư: Tôi biết anh sẽ yêu cầu như vậy nên tôi đã viết đơn sẵn rồi.

*

Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như vào năm 2001, Trương không phải đi học. Bí thư Chi bộ bảo: “Cấp uỷ đã cân nhắc anh cần phải đi học để lấy cái bằng cử nhân. Đây không những vì sự tiến bộ của bản thân anh mà là một nhiệm vụ do tổ chức phân công”. Trương bảo rằng: “Gì thì ngại chứ được đi học là tốt. Học chẳng bao giờ thừa, chỉ có điều học xong trở về xin các anh đừng cất nhắc gì cả. Để tôi làm anh giáo viên thường thôi”. Bí thư Chi bộ lắc đầu: “Chả có ai như anh”.

Ngày đầu khoác ba lô về trường tham dự kỳ thi tuyển đầu vào “Hoàn thiện Cử nhân cấp Phân đội”. Trương ngỡ ngàng khi thấy mọi người về dự thi ai cũng lo lắng. Có tin đồn, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 80 mà các đơn vị gửi về những 128. Nghĩa là sẽ phải loại mất 48 người. Trương cũng thấy lo lắng, đơn vị đã cử đi học mà thi không đỗ có mà... mặt mo. Ông Tiểu đoàn trưởng phụ trách việc tiếp nhận thí sinh về ôn thi không giải thích về tin đồn sẽ loại 48 người mà chỉ bảo: “Các đồng chí đừng lo, tất nhiên có thi thì có trượt”. Câu nói lấp lửng trên càng làm cho mọi người thêm lo lắng. Ai cũng bảo rằng, từ ngày ra trường về đơn vị công tác bận tối mắt, tối mũi có bao nhiêu kiến thức rơi vãi hết, giờ bắt thi có mà đánh đố. Biết là khó nhưng cũng cứ phải thi... Và dân ta vốn có truyền thống đoàn kết - Điều này không phải chứng minh. 28 thí sinh của Quân khu Tả Ngạn tự nhiên tìm đến với nhau. Ai cũng thấy cần phải thành lập một đoàn để cùng nhau vượt qua kỳ thi. Cuộc họp của 28 thí sinh thuộc Quân khu Tả Ngạn ngay từ đầu đã đạt được sự nhất trí là đề cử Trương làm trưởng đoàn. Trương giẫy nẩy: “Tôi xin các anh, tôi không làm trưởng đoàn được đâu. Tôi không có khả năng làm lãnh đạo”. Cuộc họp im lặng một lát rồi Quang bạn học trước đây của Trương lên tiếng: “Khóa tôi trước đây chỉ có mình Trương là thủ khoa. Hơn nữa chúng ta ai cũng biết tiếng thầy giáo Trương, tôi đề nghị ai nhất trí cử thầy giáo Trương làm trưởng đoàn thì cho biểu quyết”. 27 cánh tay giơ cao, Trương rên rỉ: “Mày hại tao, hại anh em rồi. Quang ơi!”.

Làm trưởng đoàn có nghĩa là phải thay mặt anh em đi quan hệ. Trương bảo rằng: Từ bé Trương chưa bao giờ đi cửa sau, chưa bao giờ xin xỏ ai cái gì. Anh em động viên Trương. Chưa biết thì học, hơn nữa khó khăn đã có tập thể. Ban lãnh đạo Đoàn thí sinh Quân khu Tả Ngạn ngoài Trương còn có Quang và Thư. Quang là tiểu đoàn trưởng KTT (Khung thường trực) của một huyện có tới 18 km đường biên. Quang bảo rằng, vợ Quang cũng tốt nghiệp đại học, dịp này là cơ hội để Quang phấn đấu bằng vợ. Còn Thư, là chàng trai người Hà Nội từ ngày tốt nghiệp sĩ quan đến giờ mải mê với việc quy tập mộ liệt sĩ đến mức quên cả lấy vợ. Thư bảo rằng: Bây giờ hỏi tao con người ta có bao nhiêu dẻ xương sườn, bao nhiêu đốt xương sống thì tao nói được, chứ hỏi tao yêu cầu mở cửa với khái niệm vật chất, ý thức thì tao tịt. Ba người góp tiền ngồi với nhau trong quán thịt chó. Câu chuyện của họ chỉ xoay quanh việc làm thế nào để lãnh đạo Đoàn thí sinh của Quân khu Tả Ngạn vượt qua kỳ thi một cách êm thấm. Khi đã có hơi men, Trương bảo: “Tao có thằng bạn trước cùng tiểu đội hiện là giáo viên triết học của nhà trường. Nhưng nó lại đi nghiên cứu sinh mất nên chả còn quen ai ở trong trường này cả”. Vừa nói, Trương vừa liếc mắt sang mâm bên cạnh. Trương chú ý đến một ông trán hói trên đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc. Ngồi uống rượu thỉnh thoảng ông ta đưa tay vuốt những sợi tóc tưởng tượng của mình. Sở dĩ Trương chú ý đến ông ta vì thỉnh thoảng ông ta lại liếc đôi mắt ti hí sang mâm của Trương, hình như mọi câu chuyện của Ban lãnh đạo Đoàn thí sinh Quân khu Tả Ngạn không lọt qua đôi tai chắc là rất thính của ông ta. Trương vừa uống rượu vừa nghiên cứu phân tích ông trán hói. Mặt lưỡi cày, mũi ống bương, miệng vạt trầu, tiếng cười rin rít như tiếng bản lề cửa khô dầu. Cái cách ăn của ông trán hói khiến Trương phải ngạc nhiên. Từng miếng thịt chó được đưa gọn lỏn vào mồm, rồi trôi qua cổ. Ông ta ăn mà như không nhai, cục yết hầu của ông ta trồi lên, trật xuống trông đến tức cười. Khi mâm bên giải tán khá lâu, Trương mới bảo thanh toán tiền rồi đứng dậy. Quả như Trương dự đoán, ông trán hói vẫn ngồi chờ anh em Trương ở bàn uống nước. Khi Trương đi ra ông ta liền hỏi: “Mấy chú về ôn thi đầu vào hoàn thiện phải không?”. “Vâng ạ! Chúng em mời thầy uống nước”. “Sao các chú biết anh là thầy? Trước học ở đây rồi hả?”. “Không ạ! Nhưng nhìn quý tướng của thầy em biết.” Rượu cũng làm cho cái lưỡi của Trương mềm ra. Ông trán hói cười, lại đưa tay vuốt những sợi tóc tưởng tượng của mình. “Chú cũng đáo để lắm. Được dạy dỗ những người như chú kể cũng sướng cả một đời. Anh tên là Thiệp, mọi người vẫn gọi anh là thầy giáo Thiệp. Các chú ở Quân khu Tả Ngạn về thi có phải không”. “Vâng ạ! Sao thầy biết?”. Trương cũng vô tình buột miệng hỏi. Thầy Thiệp như không nghe thấy câu hỏi của Trương. Quang lấy bao thuốc vi na ra mời. Thầy Thiệp cầm điếu thuốc nhúng cái đầu lọc vào chén nước rồi thổi cho hết nước mới châm lửa rít những hơi thật dài, thật sâu. “Anh không hút thuốc, nhưng nể chú cũng làm một điếu. Tối về không khéo lại ho. Lần sau các chú đừng đầu độc anh nữa nhé. A, đoàn quân khu mình về thi 28 người phải không? Anh ở trong Hội đồng nên anh biết”. Trương, Quang, Thư đưa mắt nhìn nhau. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Quang nháy mắt hỏi ý kiến Trương rồi lên tiếng: “Dạ! Thầy cho phép chúng em mời thầy đi uống cà phê ạ”. “Thôi! Các chú cứ vẽ. Anh với các chú còn gặp nhau nhiều. Hơn nữa, anh cũng không uống được cà phê. Tối về, lại mất ngủ. Tay thi sĩ nào đó bảo: Đêm không ngủ là đêm nhiều mơ ước. Các chú thấy thế có láo không? Anh mất ngủ nhiều nên tóc rụng hết, hói cả đầu đây này. Các chú không biết chứ, lần trước về phép đang ngủ nghe vợ khóc rưng rức. Anh hỏi, tại sao khóc. Cô ấy bảo rằng: Bao ngày anh mới về thăm em một lần mà tối ngủ lại chổng đít vào mặt em. Các chú thấy thế có bực không? Trán mình bằng thật, mà vợ nó lại tưởng là mông đít kia chứ”. Mọi người cười sặc sụa, Quang cười đến mức phì cả nước trong miệng ra bàn. Đến đây thì mọi sự e ngại giữ ý hầu như bằng thừa. Thầy Thiệp bảo: “Có chú nào mang giấy bút không? Anh ghi cho cái số di động. Nếu có khó khăn gì cứ gọi cho anh. Các chú yên tâm anh em mình gặp nhau hôm nay cũng là một cái duyên, không giúp được cho các chú anh làm con cho các chú”. Trương lấy ra quyển sổ điện thoại và cái bút. Thầy Thiệp ghi nhoay nhoáy vào đó và bảo: “Các chú có thể gọi cho anh vào bất kỳ lúc nào”.

Vài ngày sau Ban lãnh đạo đoàn học viên Quân khu Tả Ngạn đã xác minh được trong Hội đồng thi năm nay đúng là có thầy giáo Thiệp, mọi người phân tích với biểu quyết 2/3 đã đưa nhận định: Thầy Thiệp chính là vị cứu tinh, là phao cứu cánh cho cả đoàn. Tuy không đồng ý nhưng Trương vẫn phải cùng Quang và Thư đi gặp thầy Thiệp. Hôm đó chưa có rượu nên thầy có phần giữ ý. Sau khi mọi người đã nói hết nước hết cái, thầy mới bảo rằng: “Hôm trước có tý men anh hơi bốc đồng, về nhà mới thấy ân hận. Tính anh các chú không biết chứ đã không hứa thì thôi nếu đã hứa rồi thì...” Quang năn nỉ: “Dạ thưa thầy, chúng em biết thầy vì chúng em mà vất vả. Chúng em không dám quên ơn, có gì xin thầy cứ dạy”. Thầy Thiệp ra chiều suy nghĩ một lát rồi mới bảo: “Thôi! Cũng là chuyện nên làm, anh kết luận nhanh thế này. Trừ chú là trưởng đoàn không phải đóng, hai chú đoàn phó bằng một xuất. Nghĩa là hai mươi sáu xuất, mỗi xuất hai triệu đồng. Như vậy là năm mươi hai triệu đồng, các chú gói gọn vào một gói, kèm theo danh sách cả đoàn. Tối mai gặp anh ở quán Gió tầng hai, đúng tám giờ anh em mình bàn tiếp”.

Được lời như cởi tấm lòng. Quang và Thư nửa đùa, nửa thật bảo rằng: Có một tý chức sắc vẫn hơn. Chỉ có Trương là vẫn giữ bộ mặt lầm lỳ như đang phải làm một việc xấu xa, tội lỗi. Khi cùng Quang và Thư đi gặp thầy Thiệp, Trương bảo: “Chỉ có bấy nhiêu thôi, kiên quyết không chi thêm một xu nào nữa”. Quang thấy vẻ mặt lầm lỳ của Trương thì lo thót tim, Quang bảo: “Tao vẫn còn vài triệu nữa, nếu lão ấy đòi thêm để tao đưa, bằng mọi giá phải đỗ”. Trương nói một câu cộc lốc: “Không!”.

Hẹn 8 giờ nhưng phải đến 8 giờ 30 phút thầy Thiệp mới tới. Mặt thầy đã đỏ ke ke, thấy Trương lầm lỳ đưa tay xem đồng hồ, thầy bảo: “Anh bận họp Hội đồng thi, năm nay gay đấy”. Thầy lại hỏi “Các chú đã uống gì chưa?”. Rồi không chờ ai gọi, thầy bảo chủ quán bê ra một két bia Hà Nội, xé ba con mực to bằng bàn tay, lấy một bao ba số dẹt. Trương nhìn thầy Thiệp tự nhiên cảm thấy ghê ghê như đang phải bắt tay, giao tiếp với người mắc bệnh truyền nhiễm. Đời mình chả lẽ phải làm trò một kẻ như thế này sao? Cũng là giáo viên, Trương còn lạ gì. Trong số những người làm thầy đâu có thiếu những người cơ hội. Cho dù chỉ là “Con sâu bỏ rầu nồi canh” thì... ngụm bia vẫn đắng ngắt trong cổ họng. Trương nhìn thầy Thiệp với ánh mắt tuy vẫn cam chịu nhưng đã ánh lên sự khinh bỉ. Cầu trời cho mày biết dừng lại. Trương nghĩ thầm khi đưa gói tiền cho thầy Thiệp. “Thưa thầy, em gửi thầy”. Thầy Thiệp đón gói tiền đặt trước mặt và hỏi. “Bao nhiêu?”. “Dạ! Đúng năm mươi hai triệu, hôm qua thầy bảo...”. Thầy Thiệp uống cạn cốc bia nữa rồi bảo: “Chú thông minh mà sao chậm hiểu. Đây mới là phần cứng nộp cho hội đồng. Còn tiền cho thầy chấm, thầy coi mà các chú định để anh uống nước lã đi chạy cho các chú à?”. Gương mặt Trương đột nhiên tối sầm ngay lại. Quang và Thư chưa kịp làm gì để ngăn cơn giận của Trương thì Trương đã đứng vụt dậy, vồ lấy gói tiền đút gọn vào túi. “Thưa thầy. Em cám ơn thầy đã lo cho chúng em. Nhưng em cũng xin nói cho thầy biết: đoàn chúng em có 28 người thì có tới 23 người ôm cột mốc. Nếu các thầy đánh trượt thì các thầy lên đó mà ôm cột mốc thay cho chúng em. Xin phép thầy, em về”. Quang và Thư ngồi như chết cứng trên ghế. Chỉ đến khi Trương quay lại trừng mắt quát. “Chúng mày không về còn ngồi làm đ... gì ở đấy”. Thì mới luống cuống đứng dậy. Có lẽ vì quá bất ngờ mà thầy Thiệp há hốc mồm không nói được gì. Thầy cứ mắt chữ A mồm chữ O nhìn Trương cứ ơ... ơ... Bà chủ quán đến bên Trương: “Các anh cho xin tiền”. Trương hầm hầm chỉ thầy Thiệp. “Ai gọi thì người đó thanh toán”. Mặt thầy Thiệp chợt tái xám rồi lại ơ...ơ...ơ.

*

Cuộc thương lượng giữa Ban lãnh đạo đoàn học viên Quân khu Tả Ngạn với thầy Thiệp thất bại, dù đã được giữ kín vẫn như gió độc dội vào cả đoàn. Mọi người đổ lỗi cho Trương, ai cũng bảo Trương hâm, ngu, không khí trở nên sôi sục chỉ thiếu có nước anh em trùm chăn nện cho Trương một trận. Trương cũng biết tai hoạ mình gây ra cho anh em không nhỏ. Trương bảo: “Chúng mày học đi, xem ai đánh trượt chúng mày”. Quang thở dài: “Mày chỉ biết có mày mà không nghĩ tới anh em, mày cậy mày là giáo viên nắm chắc kiến thức. Chứ anh em chúng tao còn nhớ gì đâu”. Trương hỏi: “Thế mấy buổi các thầy xuống hệ thống, đầu óc chúng mày để đâu”. Thư nói: “Cứ tưởng đóng tiền ngu rồi thì xả hơi một tý”. Trương im lặng một lát rồi nói: “Từ mai, tao sẽ hướng dẫn chúng mày về môn chiến thuật”. “Chắc đ... gì mày đã đỗ đấy mà đòi hướng dẫn”. “Mặc kệ, tao cứ lên lớp thằng nào học thì học không học thì mặc xác”.

Hôm sau, Trương mượn hội trường của tiểu đoàn để lên lớp thật. Lúc đầu chỉ có hơn chục người đến nghe, nhưng rồi cái giọng giảng rành mạch, lôi cuốn đầy sức thuyết phục của Trương đã kéo không những chỉ thí sinh của Quân khu Tả Ngạn mà còn kéo cả thí sinh của các quân khu, quân đoàn khác đến nghe. Cả hội trường chật cứng người nhưng im phăng phắc. Qua hai ngày nói đến khàn cả giọng, Trương đã hệ thống xong kiến thức cơ bản của cả năm hình thức chiến thuật cấp trung đội bộ binh. Rồi Trương bảo: Tôi ở cùng anh em. Ai có gì cần hỏi, cứ đến tôi sẽ trả lời miễn phí.

*

“Bây giờ còn hai môn nữa làm thế nào hả mày?” - Không cứ gì Quang, mà cả Trương cũng đang suy nghĩ về chuyện đó. Chương trình thi đầu vào không chỉ có môn chiến thuật mà còn có cả môn triết học và toán. Trong các ngày nhà trường cử giáo viên hướng dẫn về môn triết, Trương cũng nhớ lại kiến thức đủ để vượt qua kỳ thi, nhưng Trương lại không thể đứng ra hướng dẫn cho anh em trong đoàn được. Giữa lúc đang lúng túng thì Nghĩa đến tìm Trương. Nghĩa bảo: “Tao đang đi nghiên cứu sinh nhưng nghe vợ gọi điện bảo có anh Trương về thi hoàn thiện đến chơi, tao nghĩ là mày nên về. Mới đấy mà đã gần hai chục năm rồi nhỉ”. Trương như người chết đuối vớ được cọc bảo “Chuyện tình cảm nói sau, bây giờ mày phải giúp tao”. Nghĩa bảo: “Tao giúp gì được mày. Cái đầu của mày chả lẽ lại không nạp được ba cái định nghĩa vật chất với ý thức của Lê-nin”. “Mình tao thì nói làm gì? Tao cần là cần mày giúp cho cả đoàn của tao”. Lúc đầu Nghĩa không hiểu nhưng khi nghe Trương nói rõ tình hình của đoàn thí sinh Quân khu Tả Ngạn và cuộc thương lượng với thầy giáo Thiệp. Nghĩa bảo. “Trong Hội đồng thi năm nay có thầy giáo Thiệp, nhưng thầy là người đức cao vọng trọng. Tao dám lấy danh dự mà thề với mày rằng không bao giờ thầy Thiệp làm như vậy”: Trương nhíu mày suy nghĩ rồi bảo “Nhưng ngay từ buổi đầu lão đã giới thiệu mình là thầy giáo Thiệp mà lỵ.” Nghĩa nhìn Trương: “Mày đến khoa gặp hay gặp ở đâu?” Trương lắc đầu “Mày nghĩ mặt tao dầy đến mức dám đến các khoa gặp các thầy xin xỏ hay sao? Tao gặp lão ở quán Lá. Lão gợi ý và ra giá”. Nghĩa tròn mắt: “Quán thịt chó”. Trương gật đầu. Nghĩa bảo: “Tao không ngờ mày lại dễ bị lừa như vậy. Thầy Thiệp không bao giờ ăn thịt chó. Nhưng thôi chuyện đó nói sau. Bây giờ mày nói cụ thể xem tao giúp gì được mày?”. Trương bảo: “Mày là giáo viên mày nắm chắc nội dung, mày xuống hướng dẫn cho anh em tao vài buổi”. Nghĩa cười: “Nhưng mày sẽ trả thù lao cho tao chứ?”. “Nhất trí. Mày giúp tao ba buổi, mỗi buổi tao trả mày 500 ngàn. Bằng vợ mày đi đánh vữa cả tháng còn gì?”. Nghĩa ngạc nhiên: “Mày nhiều tiền thế kia à?”. Trương bảo: “Đoàn tao có 28 người, mỗi người học thêm một buổi 20 ngàn, bằng tiền con tao đi học thêm ở ngoài. Tao trả mày một triệu rưỡi, còn lại trăm tám để tao mời mày một bữa gọi là... tri ân”. Nghĩa nhìn Trương, cái nhìn thể hiện sự ngưỡng mộ với một nhân cách. Bao năm nay rồi. Nghĩa thở dài: “Mày tính toán nhanh gớm nhỉ. Nhưng mày còn nói đến tiền thì tao mặc xác mày”. “Vậy mày lấy cái gì?”. “Tao giúp mày ba buổi, mày phải trả tao ba ngày”. “Mày cần ba ngày của tao để làm gì? Đánh vữa, cuốc đất, hay bổ củi?”. “Tao muốn sau khi thi xong, mày ở lại chơi với vợ chồng tao vài buổi. Tao sẽ bảo vợ bồi bổ cho mày. Trông mày có ra hồn người nữa đâu”. “Mày lo gì chuyện đó. Tao còn về đây học 18 tháng nữa. Chỉ sợ vợ chồng mày không có rượu mà mời”. Nghĩa buột miệng đùa: “Chắc gì mày đã đỗ mà học”. Mặt Trương chợt tái xám, tuy vậy Trương vẫn nói cứng “Đỗ thì tao làm trò, không đỗ thì tao làm thầy lo quái gì”. “Mày làm thầy đi thi không đỗ về dạy ai?”

Dù sao, cũng qua được môn thứ 2. Trong những ngày Nghĩa hướng dẫn môn triết học, Trương vừa nghe, vừa lo giải quyết nốt môn thứ ba. Môn toán. Đây có thể coi là môn “cửa tử” với tất cả thí sinh. Bởi anh em đều đã rời ghế nhà trường hàng chục năm trời, làm sao mà nhớ được công thức biến đổi lượng giác với tìm Max, tìm Min để khảo sát hàm số. Trương đi tìm thầy Hùng, người đã được nhà trường cử xuống để hướng dẫn cho anh em trong kỳ thi. Không hiểu sao, chỉ một lần nghe thầy lên lớp Trương đã bị thầy chinh phục hoàn toàn. Trương hoàn toàn tin rằng: Chỉ cần gặp thầy, là mọi vấn đề về môn toán sẽ được giải quyết. Nhưng hai lần đến nhà riêng đều không gặp thầy.

Không gặp được thầy Hùng, Trương thực sự lúng túng. Câu nói đùa vô tình của Nghĩa như một đòn trí mạng đối với Trương. Rồi đúng như người xưa nói: “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Trương họp Ban lãnh đạo đoàn thí sinh Quân khu Tả Ngạn, mọi người đề xuất phải mua bằng được kết quả môn toán. Được biết, thầy Hùng là người phụ trách toàn bộ việc ra đề và chấm thi môn toán. Ban lãnh đạo đoàn thí sinh Quân khu Tả Ngạn quyết định dùng số tiền 52 triệu định đưa cho thầy Thiệp để “đánh” vào thầy Hùng. Trương bảo: Phải làm sao cho kín, chứ với một người như thầy Hùng có các vàng tao cũng không dám cầm tiền đưa cho thầy. Thư bàn: Tôi có hộp chè Tà Xùa, theo tôi nên bỏ bớt chè trong đó, để tiền vào rồi mang biếu thầy.

Mai thi, tối nay Ban lãnh đạo của đoàn thí sinh Quân khu Tả Ngạn mới “tiếp cận” được với thầy Hùng. Khi nghe Trương trình bày khó khăn của anh em, thầy chỉ hỏi: “Thế anh em mình đã ôn được nhiều chưa?”. “Chúng em cũng ôn được kha khá thầy ạ. Chỉ có điều môn toán của thầy anh em bỏ lâu quá nên hầu như quên hết”. “Ừ!”. Thầy Hùng cười: “Anh em không nói mình cũng biết. Cơ bản, các anh phải làm tốt hai môn kia. Còn môn toán, đến mình bỏ lâu còn quên nữa là. Bảo anh em cứ yên tâm”. “Dạ ! Anh em chúng em về đây thi, trăm sự nhờ thầy. Chúng em có hộp chè Tà Xùa biếu thầy uống nước”. “Chè Tà Xùa hả? May quá, mình cũng vừa hết chè. Ban nãy, định mua lại quên. Thôi anh em chờ mình cắm lại ấm nước rồi cùng uống cho vui. Cái giống chè Tà Xùa, phải nước thật sôi thì nó mới ngon”. Trương vội đứng dậy, mặt biến sắc: “Dạ! Thưa thầy, mai chúng em đã thi. Hôm nay tranh thủ thăm thầy một chút, mong thầy giúp đỡ chúng em. Giờ xin phép thầy em về xem lại kiến thức một chút”. “Ừ nhỉ! Chè ngon phải có bạn hiền. Tiếc rằng anh em lại bận. Đành hẹn dịp khác vậy”

*

Qua ba buổi thi. Anh em trong đoàn Quân khu Tả Ngạn bảo rằng: Nhờ sự thúc ép của Trương và cuộc chạy đua nước rút trong những ngày cuối mà họ làm tốt được hai môn chiến thuật và triết học. Còn môn toán, không ai nói chắc được nhưng dù sao cũng đã có “bảo hành”.

Giữa lúc mọi người đang chuẩn bị hành lý để về đơn vị chờ kết quả thì Thầy Hùng xuất hiện ở cửa phòng. Thầy đưa cho Trương hộp chè và bảo. “Anh em ạ. Hôm trước, anh Trương có mang biếu tôi một hộp chè. Tôi cứ nghĩ rằng mình hết chè nên nhận. Khi các anh về rồi xem lại thấy nhà vẫn còn nên gửi lại anh em. Thôi cám ơn anh em. Chúc anh em lên đường mạnh khỏe”. Hai chân Trương gần như khuỵu xuống. Trương cố rặn ra một nụ cười gượng gạo khi bắt tay thầy Hùng. Mọi người đổ xô lại, nhưng không ai đủ can đảm để mở hộp chè. Hàng loạt tiếng rên rỉ, than vãn vang lên, trong đó tiếng của Quang như át tất cả: “Đ... mẹ, thằng ngu. Mày giết anh em rồi”. “Mày bảo ai ngu?”. Trương chợt gào lên. Gần như hoá điên, Trương túm lấy cổ áo Quang, cánh tay cứng như thép của Trương đã vung lên, may mà anh em giữ lại được. Trương vừa giẫy, vừa chửi: “Chính chúng mày mới là lũ ngu. Cái ngu nhất của chúng mày là đã bầu tao làm trưởng đoàn. Tao đã nói với chúng mày là tao không có khả năng làm lãnh đạo. Tao không biết quan hệ. Tao... tao... tao. Đây! Cầm lấy tiền của chúng mày về mà ôm cột mốc. Học với chả hành...”.

*

Hơn một tháng sau, trong ngày khai giảng, 27 học viên của Quân khu Tả Ngạn công kênh Trương trên vai. Nhưng riêng Trương cứ như người đã đánh mất đi một cái gì quý lắm. Đi khai giảng về, Trương hỏi Quang:

- Mày bảo nếu đỗ mày mang cho tao một cân chè tuyết. Mày quên rồi à?

- Quên mà sống được với mày à? Phải khi nhận được giấy báo đỗ tao mới dám kể chuyện đi thi của chúng mình cho vợ. Vợ tao bảo mày xứng đáng uống thứ chè tinh khiết này.

- Không! Tao cũng không xứng đáng. - Trương đáp và cầm gói chè lên thăm thầy Hùng. Hai thầy trò ngồi với nhau như những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Lúc chia tay, Trương nhìn thầy Hùng mãi sau mới nói lên lời.

- Thầy ạ! Mong thầy bỏ qua. Vì lo lắng mà chút nữa mà em đã làm vấy bẩn một tâm hồn thanh bạch.

Thầy Hùng siết chặt tay Trương. - Tôi cũng đã nghe chuyện về anh. Nhà trường cũng đã tìm ra người mạo danh thầy giáo Thiệp định lừa các anh. Hơn nữa, không ai vấy bẩn mình trừ khi chính mình tự vấy bẩn mình.

- Em hiểu! Thưa thầy. - Trương xúc động thật sự, đến bây giờ Trương mới tin rằng mình đã qua kỳ thi.

Nguồn Văn nghệ số 51/2016