Một Chế Lan Viên nén lại qua những trang di cảo

Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi lớn của thơ ca Việt Nam hiện đại. Cuối năm 2023 này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho ra mắt bạn đọc Di cảo thơ Chế Lan Viên. Biên tập viên Yên Ba trò chuyện về quá trình biên tập cuốn sách.

Một ấn phẩm “chịu” 3 tầng biên tập!

- Thưa anh Yên Ba, cơ duyên nào đưa anh đến công việc biên tập cuốn Di cảo thơ Chế Lan Viên?

- Lứa chúng tôi đã biết đến những Người đi tìm hình của nước, Bữa cơm thường trong bản nhỏ của Chế Lan Viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông; bây giờ sau hơn 50 năm, nhiều câu thơ trong các bài này vẫn còn hằn trong trí nhớ của tôi.

Sau này lớn lên, đọc Điêu tàn, tôi vẫn không thôi kinh ngạc trước câu hỏi vì sao một chàng thanh niên 17 tuổi (năm Điêu tàn ấn hành, có nghĩa là ông phải sáng tác từ trước đó khá lâu) lại có thể sáng tạo ra một tác phẩm dị thường đến vậy! Rồi Vàng sao, và đến các tác phẩm của ông sau năm 1945, vẫn là một Chế Lan Viên, như con chim bằng trên biển văn chương, cánh đập làm cho sóng nước nổi lên ba nghìn dặm dài! Tôi mê Chế Lan Viên đến mức mua tất tật bất cứ tác phẩm nào của ông mà tôi nhìn thấy.

1713167479-trang-19-20-sach-di-cao-tho-che-lan-vien-1713408176.jpg

Khi Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhận bản thảo Di cảo thơ Chế Lan Viên do gia đình gửi đến, tôi đã rất vui mừng nhận công việc biên tập cho bản thảo này.

- Cảm xúc của anh khi biên tập cuốn sách này như thế nào? Anh có thể chia sẻ về quá trình biên tập?

- Quá trình biên tập Di cảo thơ Chế Lan Viên lần này cũng vừa giống lại vừa khác với biên tập những cuốn sách thông thường ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Giống ở chỗ tôi cũng đóng vai một biên tập viên khi đọc một bản thảo, đọc, sửa những lỗi morasse thông thường, ghi chú, đánh dấu những điểm còn hồ nghi, sau khi hết cả lượt thì gửi lại cho tác giả hoặc gia đình tác giả để sửa theo.

Nhưng quá trình biên tập cuốn này khác ở chỗ trong suốt quá trình biên tập, tôi trao đổi từng chữ, từng câu, từng bài với nhà văn Phan Thị Vàng Anh, con gái của nhà thơ Chế Lan Viên, người đã được nhà văn Vũ Thị Thường vợ của nhà thơ ủy quyền đại diện trao đổi với Nhà xuất bản. Tôi nghĩ có lẽ hiếm có cuốn sách nào lại phải “chịu” 3 tầng biên tập như cuốn Di cảo thơ Chế Lan Viên lần này. Bởi thực chất, cuốn sách đã được nhà văn Vũ Thị Thường biên tập một lần, rất kỹ, cho lần xuất bản trước và cả cho lần xuất bản này. Tiếp đó, cuốn sách lại được nhà văn Phan Thị Vàng Anh biên tập một lần nữa, tôi nghĩ là kỹ gấp đôi! Rồi đến tôi!

Trong quá trình biên tập, tôi ở Hà Nội, chị Vàng Anh ở thành phố Hồ Chí Minh ngày nào cũng trao đổi, qua email, qua messenger, gọi điện thoại trực tiếp, gửi hình chụp các trang, các bài, phụ bản qua viber, zalo khi thấy cần phải mục sở thị những câu, những chữ còn hồ nghi… Các ngày nghỉ cuối tuần cũng không nghỉ. Cứ như thế, ròng rã suốt hai tháng trời, nếu tôi nhớ không nhầm thì từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11-2023 mới hòm hòm xong cơ bản. Sau đó còn phải “tinh chỉnh” nhiều lần rồi mới đưa xuống nhà in.

Hai siêu biên tập viên

- Biên tập vốn là nghề “nhạy cảm”. Việc biên tập tác phẩm của tác giả nổi tiếng đôi lúc cũng tạo cho biên tập viên những “áp lực” nhất định. Anh có cảm thấy “áp lực” không khi biên tập Di cảo thơ Chế Lan Viên?

- Khi biên tập Di cảo thơ Chế Lan Viên, nếu có áp lực với tác giả nổi tiếng như nhà thơ Chế Lan Viên thì tôi chỉ thấy ở chỗ trách nhiệm nặng nề trước một nhà thơ lớn, cố gắng làm sao đừng để sót những lỗi ngô nghê, những câu còn chưa rõ ý mà không có chú thích đầy đủ, hoặc những lỗi morasse vụn vặt. Áp lực lớn nhất đối với tôi là chị Vàng Anh! Là một nhà văn, nhà thơ xuất chúng, lại từng là một biên tập viên siêu đẳng ở Nhà xuất bản Trẻ nên các kỹ năng biên tập sách, biên tập thơ không xa lạ gì đối với chị Vàng Anh. Cộng với phong cách làm việc cực kỳ nghiêm ngặt, những ai đã từng làm việc với chị Vàng Anh hẳn đều biết cái áp lực của chị nó kinh khủng đến cỡ nào!

Chị Vàng Anh đã biên tập trước một lần rất kỹ rồi nhưng khi làm việc với tôi, chị quyết định dỡ ra làm lại. Một cuốn thơ dày tới 440 trang mà chúng tôi bàn thảo tới từng chữ. Thậm chí trong một bài thơ có những dòng dài phải ngắt dòng, chúng tôi phải quyết định chữ đầu tiên của dòng thơ ngắt ra ở dưới phải nằm dưới chữ nào trong dòng thơ trên! Đưa ra chỉ một ví dụ như thế để thấy chúng tôi nỗ lực hết sức với hy vọng diễn tả được đầy đủ ý tứ của nhà thơ Chế Lan Viên khi ông ngắt đoạn bài thơ đó…

Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy áp lực mà tôi phải chịu khi làm việc với Vàng Anh vẫn không thấm tháp gì so với áp lực mà chị phải chịu trước cô Vũ Thị Thường! Cô Thường đã có tuổi nhưng cực kỳ minh mẫn, trí nhớ rất tốt, đặc biệt là những gì liên quan đến tác phẩm của nhà thơ Chế Lan Viên. Chị Vàng Anh phải hỏi ý kiến cô Vũ Thị Thường, tranh luận, thuyết phục, đề nghị sửa đổi từng câu, từng chữ mà cảm thấy còn nghi ngờ, thấy phải làm rõ, sau đó lại trao đổi với tôi, lại bàn thảo, tranh cãi..., đặc biệt là những chú thích!

Do các bài thơ được lấy ra từ những cuốn sổ chép tay của nhà thơ Chế Lan Viên, nhiều chỗ ông viết tháu, không rõ nét, đến ngay cả cô Vũ Thị Thường là người đã rất quen với nét chữ của chồng mà luận mãi cũng không ra nổi, nên những chỗ đó, cô Thường rất thẳng thắn ghi là “chữ viết khó, không xác định được” hay “từ này chỉ là phỏng đoán, chưa chắc đã chính xác”. Xét về khía cạnh biên tập, cô Vũ Thị Thường cũng là một biên tập viên siêu việt.

- Có kỉ niệm nào đáng nhớ trong quá trình biên tập cuốn sách không, thưa anh?

- Trong suốt hai tháng trời ròng rã ở hai đầu đất nước biên tập cuốn sách, dĩ nhiên là có nhiều chuyện đáng nhớ. Cả tôi và chị Vàng Anh đều rất kỹ tính khi biên tập sách nên chúng tôi khá ung dung mỗi khi làm xong từng phần cuốn sách, nghĩ rằng mình đã làm kỹ thế thì làm sao có thể sai sót được. Thế mà một hôm, tôi nhớ khi ấy đã gần xong bản thảo, chị Vàng Anh gọi điện thoại cho tôi, giọng hốt hoảng như báo cháy nhà, nói rằng chúng tôi để sót một bài thơ cực kỳ quan trọng ra khỏi phần bản thảo đã biên tập xong. Nếu để sót bài thơ đó thì chị Vàng Anh chỉ có nước xách vali quần áo ra khỏi nhà!

Hoặc khi bản thảo đã xong, chuẩn bị đưa xuống nhà in, tôi đọc kỹ lại lần cuối cùng mới chợt nhận ra là chúng tôi đã xếp nhầm, không phải một bài mà cả chùm gần chục bài thơ, từ một phần này sang một phần khác của cuốn sách. Thế là lại hì hục dỡ ra, làm lại…

Những mảy vàng làm nên bông hồng vàng kỳ diệu

- Ngoài cương vị của biên tập viên, anh còn là độc giả, độc giả đặc biệt, người tiếp xúc với tác phẩm rất sớm, nếu không muốn nói là đầu tiên. Với tư cách là một độc giả, anh cảm nhận Di cảo thơ Chế Lan Viên như thế nào?

- Tính minh triết, trí tuệ trong thơ Chế Lan Viên là điều hầu như ai cũng đã biết. Với tư cách của một độc giả, tôi thấy điều đó thấm đẫm không chỉ trong từng bài mà hầu như trong toàn bộ tập di cảo này. Bởi khi viết những dòng thơ trong sổ tay, tôi cho rằng Chế Lan Viên đã ngẫm nghĩ, suy tư rất lâu, kỹ càng. Càng về những năm tháng cuối đời, khi đã từng trải, chiêm nghiệm nhiều điều về cuộc đời, số phận, tình người, về ý nghĩa của thơ ca, thiên chức của nhà thơ, ông càng viết những vần thơ với tình yêu cháy bỏng tình đời, tình người, niềm tha thiết thương cảm với con người, với nghiệp viết…

Một điều nổi bật khác mà tôi nhận thấy là hầu như ở tất cả mọi bài thơ trong toàn bộ tập di cảo lần này, bài nào ít nhất cũng chất chứa một câu, một ý tứ sâu sắc nào đó, một chút lóe sáng của cái mà người ta vẫn gọi là nghệ thuật đỉnh cao, hay như Paustovsky gọi là những mảy vàng lấp lánh làm nên bông hồng vàng kỳ diệu. Những cái đó được diễn tả một cách rất Chế Lan Viên, tài hoa, trí tuệ mà vẫn rất trữ tình, rất thơ.

- Trước tập di cảo này đã có 3 tập di cảo thơ Chế Lan Viên được xuất bản. Theo anh, đâu là điểm mới giữa tập di cảo thơ này so với 3 tập trước? Tập di cảo này đem đến cho bạn đọc một Chế Lan Viên như đã biết hay là một Chế Lan Viên chưa từng được biết?

- 3 tập di cảo được in hồi đầu thập niên 90 với tổng số trang bản thảo chừng 700 trang, nay chúng tôi rút ngắn, cô đọng lại còn chừng khoảng 440 trang. Chúng tôi cũng sắp xếp lại toàn bộ một cách nhất quán, không chỉ theo niên biểu sáng tác các bài thơ mà còn cả về ý tứ, chủ đề, tạo ra những mối dây liên kết ngầm bền chắc về mặt nghệ thuật theo từng phần trong tập di cảo mới này.

Nói tóm lại, đọc di cảo lần này, độc giả sẽ biết đến một Chế Lan Viên được nén lại, kết tinh những gì là tinh túy nhất mà ông để lại trong những trang di cảo của mình.

Xin cảm ơn anh!

Đoàn Minh Tâm thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 15/2024