Tháp Bà Ponagar - điểm đến du lịch hấp dẫn

Đỗ Linh - Trang My
Đến thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, du khách không thể không đến thăm khu Tháp Bà Ponagar - một trong những di tích lịch sử và văn hoá nổi tiếng của thành phố này. Tháp Bà Ponagar mỗi năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan bởi đây là một quần thể tháp với lối kiến trúc độc đáo, có quy mô lớn và quan trọng trong lịch sử kiến trúc tôn giáo của dân tộc Chăm.

Khởi dựng vào thế kỷ thứ VII, Tháp Bà Ponagar cổ kính giờ vẫn in nghiêng soi bóng xuống dòng sông Cái êm đềm. Tên Tháp biểu trưng cho một quần thể di tích gồm 4 ngôi tháp thờ các vị thần: Ponagar, Siva, Sanhaka, Ganeca. Quần thể tháp mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc và điêu khắc Chămpa.

Tháp chính thờ thần Ponagar, vợ của thần Siva biểu tượng cho sự hoàn mỹ về sắc đẹp, người tạo lập ra xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân trồng trọt, hát ca... Cửa của các ngôi tháp đều quay về hướng mặt trời mọc, thân tháp được trang trí nhiều hình tượng các thần, tiên nữ, các loài thú và những bức phù điêu làm bằng đất nung. Bên trong tòa tháp có bức tượng nữ thần bằng đá hoa cương màu đen xứng đáng là kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc. Quanh tháp còn có nhiều tượng người, tượng con vật, hình hoa văn kỳ thú...

Tháp Bà Ponagar từ trước tới nay vẫn hiện hữu để phục vụ các hoạt động tín ngưỡng và thu hút khách du lịch đến tham quan. Các pho tượng tròn trong quần thể tháp thể hiện nhiều chủ đề khác nhau, tạo những nét độc đáo cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.

Suốt quá trình tồn tại và phát triển, người Chămpa đã để lại những di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn cả về vật chất và tinh thần dọc dải đất miền Trung. Tháp Ponagar chính là một thành tựu tiêu biểu nhất về nghệ thuật xây dựng kiến trúc đền tháp, nghệ thuật điêu khắc, bia ký và tôn giáo, tín ngưỡng, một chứng tích rõ ràng cho sự ảnh hưởng lớn mạnh của Hindu giáo đối với người Chăm và sau này là người Việt.

Tháp Bà Ponagar với lễ hội Tháp Bà được tổ chức hàng năm, chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử. Mỗi dịp lễ hội là một cơ hội để người dân trở về với cội nguồn, giáo dục thế hệ trẻ biết sống có đạo lý, góp phần bồi đắp những truyền thống văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ sau, đồng thời giới thiệu nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian ở Khánh Hòa đến với mọi người…

Đỗ Linh - Trang My