Chùa vạc

Rạng đông. Éc éc éc... Tiếng gào thét chung quanh nó xé toạc màn sương rọi xiên xiên những tia máu hồng. Thê thảm như tiếng kêu của bầy chim lợn bị chọc tiết. Tiếng xích sắt loạch xoạch, tiếng vỗ cánh giần giật đau đớn vỡ ra lả tả từng nắm lông đầm máu trộn vào sóng nước Vụng Voi. Vạc vạc vạc vạc vạc vạc! Tiếng loa ra rả man dại rót xuống từ rặng bạch đàn tựa ngàn vạn mũi dùi nung đỏ khoan vào tai.

Truyện ngắn của Vũ Minh Thúy

Quê hương đâu tá

Một kiếp vạc mồi nhỏ máu xuống vạn năm.

Rạng đông. Éc éc éc... Tiếng gào thét chung quanh nó xé toạc màn sương rọi xiên xiên những tia máu hồng. Thê thảm như tiếng kêu của bầy chim lợn bị chọc tiết. Tiếng xích sắt loạch xoạch, tiếng vỗ cánh giần giật đau đớn vỡ ra lả tả từng nắm lông đầm máu trộn vào sóng nước Vụng Voi. Vạc vạc vạc vạc vạc vạc! Tiếng loa ra rả man dại rót xuống từ rặng bạch đàn tựa ngàn vạn mũi dùi nung đỏ khoan vào tai. Hai chân đần đẫn những máu, run rẩy lê lết mẩu xích sắt nặng trịch cột hai chân, cột tiếp vào một thằng bạn cũng lê lết như nó. Rất nhiều mô đất như thế chung quanh, và từng cặp giống như chúng nó. Đến lượt rồi. Cả hai đau đớn ưỡn ngực, bốn cái chân cẫng lên loi choi không ngớt như lướt trên đống than đỏ rực. Chúng vươn cái cổ dài nghéo vào nhau, vỗ mạnh bốn cánh một cách đau đớn và tuyệt vọng. Những vũ điệu máu. Cổ họng nó bỏng rát, vỡ ra từng âm khàn đục tanh nồng mùi máu: đừng xuống, cửa tử đ..â..ấy, bay đ..i..i… Như điếc đặc, đàn vạc vẫn xập xòe múa lượn. Vòng tròn trên đầu nó khép dần, khép dần. Vạc vạc vạc vạc vạc vạc! Tiếng loa dồn dập hân hoan như sóng dậy, vùi đi mớ âm thanh thê thiết của lũ vạc mồi.

Từ trên cao, đàn vạc trời say sưa nhìn ngắm đồng loại nhảy nhót trên mặt nước, vũ điệu mê đắm và dẫn dụ. Đàn vạc nối nhau lượn vòng, tản ra chụm vào, sà xuống, dâng lên, nghiêng tai nghe ngóng. Sương sớm là là như khói lam vuốt ve những cái ức mịn màng ánh bình minh. Những cái ức ánh lên nhung tuyết của hương hoa và gió trời đọng lại từ những cuộc thiên di không mỏi.

Từng đôi vạc đan cánh vào nhau, ánh mắt hoan hỉ lướt trên những cái cọc tre rải khắp mặt vụng, rồi từ từ hạ xuống.

Éc éc éc! Nó sợ hãi rít lên, hai đồng tử bạc trắng từ từ khép lại.

Pắp pắp pắp pắp pắp! Những cái cánh, những cẳng chân dính đét vào lớp keo phết dày trên các đầu cọc. Từng thân vạc giãy giụa đổ soài xuống mặt nước. Những đôi đang lửng lơ buông mình tìm chỗ đậu, nhớn nhác dìu nhau bay lên.

Một cái thuyền lá tre từ trong lều lao ra, nhịp nhàng nuốt vào lòng tiếng gào thét thê thảm, bỏ lại lũ vạc mồi im lìm như hóa đá với mênh mông rợn vắng. Nó tỉnh lại, hé mắt nhìn chung quanh. Từng thân vạc gù xuống, tạc vào mặt nước nỗi thống khổ vạn kiếp.

Trên kia, bầu trời bao la xanh thẳm, thổn thức dẫn nó về thời khải nguyên huy hoàng, sải cánh muôn dặm. Non non nước nước, đâu cũng phồn hoa. Ngày say mê vãn cảnh. Khi vạn vật say ngủ, bầy đàn nó thong dong kiếm mồi. Sớm ấy, bầu trời xanh đến thần tiên và bao la nắng. Đàn vạc bay ngang qua Vụng Voi, nghẹn ngào trước vẻ sông nước êm đềm, tưng bừng vũ hội mừng đón khách đến vương quốc của họ, miền quê xinh đẹp tràn đầy hoa lá và ăm ắp thức ăn. Khi ấy, nó đâu ngờ, cũng theo điều khiển của những sợi dây như thế này, những sợi dây dài hàng trăm mét từ cái lều trên bờ rong ra, cột vào đồng loại nó những vật vã đau đớn. Cái ngày định mệnh ấy, nó không bị đưa đi tẩm ướp, nhảy nhót đến vàng bóng lên trong chảo mỡ của nhà hàng, nhờ vào cơ thể dậy thì cường tráng, bộ lông huyền óng ánh sương mai. Nó được gỡ khỏi lớp keo dính chắc, được chữa trị và huấn luyện thành một con mồi chuyên nghiệp. Mải miết nhảy múa dẫn dụ đồng loại vào bến lú. Nỗi thống khổ chất chồng như núi hóa dại tâm hồn. Vạn năm, Vụng Voi xanh ngời, dằng dặc một cõi mê.

Nắng quái.

Hãn dụi mắt, nín hắt hơi đến nóng ran cả người. Qua lỗ cáo, đàn vạc kết lại đặc quánh như một vạt rau muống che rợp mặt trời, trôi lừ lừ trên đầu lều rạ bạc phếch dưới um tùm chanh leo. Gió âm u rú rít trên những hàng bạch đàn rủ từng chùm lá bâu bám đặc oan hồn. Ha...ắt .x..ì x ...ì , ha...ắt ...ì x ...ì. Cái hắt xì bị chẹn lại kêu ùng ục trong cái khăn vo viên lem nhem nâu đỏ. Hai tay Hãn liên tục chuyển qua chuyển lại một cách điệu nghệ những sợi dây cột chắc chắn vào từng cọc sắt chôn trên nền lều rong ra vụng. Mặt vụng rào lên như sóng, những thân vạc dài đưỡn nghển về vạt mây đen kít lừ lừ trôi xuống mỗi lúc một gần. Hãn đưa tay vặn cái cát sét. Vạc vạc vạc vạc vạc vạc! Vạt đen ù òa vỡ ra những chớp nắng, chao liệng từng vòng rồi sà xuống. Pắp pắp pắp pắp pắp pắp...! Éc éc éc éc éc...! Loáng chốc, nửa đàn vạc trời sóng soãi mặt vụng. Cái thuyền lá tre chở Hãn từ trong bờ vút ra, thoăn thoắt gỡ từng con vạc béo mẫm bỏ vào lồng. Thỉnh thoảng Hãn dừng lại, ném ánh mắt thèm thuồng lên rặng bạch đàn đặc vạc đang ủ rũ cụp cánh sau một chuyến bay dài xao xác đến cửa tử.

- Anh có thôi cái nghề độc ác này đi không? Anh giết người bẫy vạc, quả báo đời nào cho hết!

- Ngu thì chết, ngày nào cũng lải nhải, hay dở mặc xác tôi.

- Đốn mạt, mày đợi đấy. Ới Duyên ơi là Lê ơi.

Cụ Phận thảm thiết hờ gọi, sấp soải đi về bãi tha ma. Gió ngờm ngợp ngọn nước đỏ đặc phù sa mờ ảo những hồn hoa máu thịt. Chồng chết sớm, cụ ở vậy nuôi con Duyên. Hai vợ chồng nó cùng lúc rủ nhau về với đất, bỏ lại cụ với cái Lê sáu tuổi. Nhành hoa mơn mởn trổ ra từ cuộc sống lay lắt, con Lê say tiếng sáo của Hãn, cái thằng ngụ cư tứ cố vô thân. Hãn thầu vụng năm mươi năm, bằng tận diệt chim trời còn gì? Hõm sông này, bãi bồi này dài rộng mấy chục mẫu, mùa mưa càng mênh mông bát ngát, tựa cái vịnh khổng lồ cho chim đến trú ngụ sau những gió mưa quăng quật. Những cơn bão đó đây khắp hành tinh, xô dạt cái đẹp về đây.

Sáng nay cụ Phận sang van nài thằng cháu rể trời đánh ngừng một ngày để xá tội vong nhân. Người ta đưa chim đi phóng sinh. Còn nó! Cụ lên xã cầu cứu. Xã bảo đã gọi Hãn lên giáo dục mấy lần, nhưng nó giở lý mà rằng, tôi thầu Vụng Voi thì toàn quyền khai phá, miễn sao nộp đủ thuế cho xã. Còn như cò vạc, làm gì có tên trong sách đỏ? Cá nước chim trời mặc sức kiếm, sao bảo tôi phá hoại môi trường?

*

- Hôm nay rằm tháng bảy bà tôi đã cạn nhời, anh thật không bằng cầm thú!

Hãn giật mình quay lại. Ngâu đứng đấy từ bao giờ, cạnh đấy là cái lồng rỗng không, vừa nãy còn lúc nhúc những vạc là vạc. Những con vạc cuối cùng đang chấp chới bay lên.

- Đồ ma ám - Hãn thét lên, khàn khàn như vạc già, dang tay định tát Ngâu, rồi lại hạ xuống, nghiến răng trèo trẹo.

Ngâu dận nát cái lồng, xắn quần xăm xăm lội ra gò mả. Phần nhiều là thây ma tứ xứ dạt về. Quãng này nước ngập đến gối, trong thấu từng viên đá dăm. Đám cá cờ sặc sỡ quẩn vào chân Ngâu những đuôi mềm tha thướt. Tép liu riu thong thả dũi nước. Tôm hoa lên từng tràng pha lê bắt nắng lung linh ngũ sắc. Thấy động, đàn đòng đong nối nhau tóa tung, lóng lánh khảm trai vào nước…

Ngâu bước lên gò mả. Hoa vông vang nở vàng lộng lẫy, rung rinh như bướm đậu. Một con rắn lớn cuộn khoanh an lành trong đám cỏ lau rưng rưng hoa trắng bên mả bà ăn mày khiến Ngâu hoảng hốt vùng chạy. Được vài nhịp, nắm hương trên tay kéo Ngâu sững lại. Cỏ dưới chân xanh mềm ấm áp. Ngâu thấy bình tâm. Hình như trong chốn bao la cạm bẫy này, còn sót lại một gò mả yên bình. Sướng khổ, vui buồn, thiện ác, tất cả hòa vào vàng hoa trong vắt. Thảo nào người ta bảo, đường đến hoàng tuyền đẹp lắm. Ngâu tìm chỗ kín gió, bật lửa thắp nhang cắm lên các mộ. Mắt Ngâu hoa lên. Chập chờn đống thuốc tung tóe quanh xác Lê lạnh cứng. Mưa lạnh buốt xối vào nắng quái. Từ cây gạo đầu làng nứt ra những quả trắng. Vỡ òa một vùng bao la trắng. Từng lớp, từng lớp chấp chới, dịu dàng phủ lên Lê một vầng long lanh trắng, dặt dìu bay về phía mặt trời. Ngâu gào tên Lê, chới với bám theo cái khối trắng lòa. Tuyết lạnh rã rượi hai cánh tay Ngâu. Ngâu ngã sấp xuống triền rừng đầy gai.

Nước lạnh làm Ngâu tỉnh hẳn, bàng hoàng vùng dậy, nhận ra mình đang lội ngược lên đê. Ngờm ngợp hoa vông vang vàng thắm trôi về Ngâu. Ngâu chầm chậm bước, nước mắt lã chã trong ráng chiều đỏ rực như máu đổ vào Vụng Voi. Xa xa, sương như khói giăng khắp mặt sông đã bắt đầu thẫm lại. Từng xoáy nước đặc quánh phù sa, mịn như những bát bánh đúc riêu. Chuông nhà thờ từ bên sông hối hả tràn sang. Lê à, chị ở đâu trong ức triệu hạt âm thanh li ti chói sáng ấy? Lê đã từng nói với Ngâu rằng, tiếng chuông là do những giọt linh hồn cao quý nhất kết thành quyền năng vô lượng để yêu thương, dẫn dụ con người. Thế mà bất lực trước Hãn. Cai thầu Vụng Voi suốt bao nhiêu năm, Hãn thành hung thần, điếc đặc trước muôn trùng tiếng hót. Những rặng bạch đàn xanh mướt. Triền sông đỏ rực mâm xôi. Duối chín vàng thơm lừng chân sóng. Phèn đen tím lịm, ngọt mềm môi. Vụng Voi chứa những bí ẩn ma lực quyến rũ giống chim vạc, các loài khác chỉ bay về lác lác, tựa như lạc lối. Hãn khát vạc như khát bạc, càng bẫy càng khát.Vạc là giống chim to con, được giá. “Hãn Vạc” thành thương hiệu để khách xa tìm về, mang đi Trung Quốc. Bọn cò, sẻ theo chân vạc dính bẫy, Hãn bóp chết gói lá dong, ném vào cỏ khô cháy đùng đùng. Chim nướng thay cơm. Trong cái lều lỏng chỏng nồi niêu bát đĩa, vò gạo đợi nấu đến mốc xanh.

Lại sang mùa gặt. Hãn xây nhà tầng, cho thằng Ty sang Nhật. Mười năm biền biệt, mấy lần gửi tiền vé máy bay cũng chả thèm về. Chỉ xin bố bỏ nghề bẫy vạc, không thì con biệt xứ. Đồ ngu, đã bảo mãi mày đi Nhật được là nhờ tiền bán vạc. Hừ, cái thằng bất hiếu!

Ngâu hớt hải ra nghĩa địa. Băng qua mấy chục lăng đá của các dòng họ danh giá cao vút dưới trăng. Hết mộ quan, mấp mô thùng vũng. Từng nấm đất lút trong cỏ. Ngâu khom người chằm mắt vào cụ Phận đang ngồi lọt thỏm giữa hai cái mộ xi măng nằm song song.

- Về thôi bà ơi, bà đang ốm cơ mà.

Cụ Phận vẫn im lìm như đá, hai tay vịn vào thành mộ.

- Bao nhiêu năm rồi, bà không tha tội cho con sao?

Ngâu òa khóc. Tiếng Ngâu như tiếng mưa xối vào lòng cụ một tết mồng năm tháng năm. Mưa như trút xuống cánh ruộng Nong Tằm chín rũ. Lúa tuốt ra lưng một nhà hạt ẩm ướt nóng sực. Trời vẫn nhũn ra từng ủm nước. Nhà bên, Lê héo hắt nằm ôm cái gối sũng nước, mặc cu Ty lê la đất cát. Bố nó tối ngày lặn ngụp với đội văn nghệ ngoài đình, lúa trổ mậm trắng nhe cả ruộng. Ngày xưa bao nhiêu trai làng cũng lắc. Lê chết chìm trong tiếng sáo của Hãn, cái thằng tứ cố vô thân sống bằng nghề cá nước chim trời, từ đâu phiêu dạt về đây. Hãn bảo chỉ biết lớn lên từ cái chợ, từ lâu không nhớ tên chợ nữa. Bưng bê hàng quán qua ngày, rồi làm con nuôi ông Hai chim. Ông chết thì phiêu dạt về đây, tòong teng một chùm đó tôm, một bó que tre, một ống đựng keo, một cây sáo trúc.

Ngâu nằm vắt lên mộ mẹ, món tóc bạc từ trán xổ ra nhòa vào màu xi măng. Cái thân hình không sinh nở quắt lại, lủng lẳng như một mái chèo đẽo quá khổ. Ban đầu còn phập phà phập phồng, đu đưa, rồi lặng dần, hắt hiu một vệt đầm sương. Trăng bạc phếch, tiếng ếch nhái râm ran cứa vào lòng nghĩa địa cho những thước phim xé toạc thời gian. Tối tối, tiếng sáo của Hãn quyện vào tiếng đàn tiếng hát của Ngâu. Ngâu là em con dì, kém Lê năm tuổi, da trắng ngời, giọng hát trong như tiếng đàn tranh ôm trong tay. Sau mỗi buổi tập văn nghệ, Hãn kéo Ngâu đi đến gần sáng mới về. Được tin Lê ngã sấp lên đống thuốc, trái tim của mẹ Ngâu vỡ ra, máu tràn trề cái vỏ chăn. Hai đám tang kéo Ngâu ra khỏi vũng bùn loạn luân. Hai đám tang dính chặt Hãn với Vụng Voi. Cụ Phận đón cu Ty về nuôi, cấm cửa Hãn. Ngâu bỏ đàn bỏ hát, lùi lũi ruộng đồng, âm thầm chăm sóc hai cụ cháu. Hai mươi năm rồi, Ngâu không được bước vào nhà cụ Phận. Những mớ rau, mủng gạo, bát thịt kho dầm nước mắt và sương, lẳng lặng mỗi sáng nằm trên mặt bể. Ban đầu cụ Phận quẳng ra rệ tre, nhưng sớm hôm sau lại thấy một món mới. Rồi cụ ốm ròng. Ngày ngày Ngâu phải nhờ người dắt cu Ty sang tắm rửa. Ăn xong, Ty bê cái rá đựng canh cháo về Cụ. Món tóc bạc trước trán dì xõa vào mắt cu Ty mềm mềm, ong óng nước, ngày một dày thêm. Rồi tóc rụng trụi cả bàn tay, chỗ giữa đầu. Dì Ngâu đứng bóng, cụ Phận ôm cu Ty mà bảo, tiếng đàn tiếng hát lặn vào trong, cho nước mắt hai mươi mùa xuân cô quạnh thành ra một vùng trong vắt. Cu Ty căn vặn, thì cụ lẩm bẩm lảng sang chuyện khác. Ty như một cái mầm cây, ăn sương uống nắng từ cụ, từ dì mà lớn, thứ nắng sương ngọt đắng những kiếp người.

Tiếng quạ kêu rờn rợn trên đầu làm cụ Phận bàng hoàng, hốt hoảng gào lên: Đừng Ngâu ơi, con phải đợi cu Ty về. Bà sắp không đợi được cu Ty nữa rồi.

Tiếng khóc của người già ồ ồ, khàn đục, vỡ ra từ hai lá phổi đang mục ruỗng, ai oán như khi hai cái xe tang nối nhau dắt cụ đi. Phía trước chập chờn hai mắt mẹ cái Ngâu trợn ngược, xối ra hai dòng suối máu. Trước nữa là con Lê nằm xõa xượi trên đám thuốc tung tóe trắng xóa như phân chim. Sau những chết đi sống lại, cụ Phận giành nuôi cu Ty, siêng đi lễ, dắt Ty theo khắp các chùa. Nó ngấm tiếng Nam mô, nó say Phật ca. Ty cất tiếng hát ở chùa nào, dân xứ ấy bỏ mọi việc về chùa như trảy hội. Nhiều hôm hát xong luyến cảnh chùa, Ty nằng nặc ở lại với sư cụ. Khi ấy cụ Phận mới hoảng sợ, giả về cho bố nó dạy dỗ. Hãn cạy cục cho Ty đi Nhật khi nó tròn mười tám, không ngờ lối ấy chắp cánh cho Ty vào mênh mang cõi tu. Mấy ngày nay, bố nó ông ổng chửi bới, rằng tại bà mà con tôi hỏng. Tại bà mà con tôi đầu trọc.Tại bà mà nhà tôi tuyệt tự!

Từ trên mộ, Ngâu tụt dần xuống, phủ phục dưới chân cụ:

- Bà ơi, bà không giận con nữa, bà tha tội cho con rồi phải không bà?

Cụ Phận gật, quàng Ngâu vào lòng, nước mắt rơi trên tóc Ngâu ngời ánh trăng. Ngâu ôm chặt bà, líu ríu đi. Tiếng dép quệt vào đường bê tông những vệt buồn. Bỗng từ phía Vụng Voi òa lên từng tràng thê thảm: Vạc vạc vạc vạc vạc vạc! Ngâu co người nép vào bà, bịt chặt hai tai. Hai bà cháu tựa vào gốc gạo, nhìn về Vụng Voi. Cái đèn ắc quy chao đi chao lại giữa lũ vạc mồi lặng lẽ tạc vào mặt vụng những chấm mờ. Mặt Hãn nhuốm ánh đèn đỏ ối như máu, hai bàn tay nhuốm máu đỏ rực, thoăn thoắt gỡ gỡ ném ném vào lồng từng cục bê bết máu lông...

*

...Đêm nay nó được thay ca, cùng với hai mươi đứa. Phơi nắng triền miên trên vụng, người nó tê dại rụn xuống hai cẳng chân sưng to bằng hai cái chuôi liềm. Hai mươi mốt đứa được tháo xích ném vào lồng sắt to bằng cái nong vựa. Mặc chung quanh lào xào như tằm, nó không đoái đến đám thức ăn ê hề dưới chân, đầu ngoẹo vào hai cánh, nước mắt lẫn máu rỉ ra. Nó, một con vạc cái cạn duyên vạc mồi, hai mắt lem nhem, tiếng kêu khàn đục chua xỉn không còn trường lực hấp dẫn lũ bạn từ cao xanh. Nghĩ đến cái ngày hóa kiếp đi gặp bạn bè, người nó lạnh toát. Nó đã hại chết không biết bao nhiêu đồng loại. Người lả đi vì đói, nhưng miệng nó thì đắng ngắt. Cái mỏ nó nặng nhọc mở ra rón lấy một con tép gạo. Mùi máu đồng loại sực lên tanh lợm khiến nó nôn ọe nhảy dựng, khuỵu xuống. Hãn tức giận túm lấy nó, ngón tay như những gọng kìm tõe mỏ nó ra, nhồi vào từng lọn tép tôm lẫn thóc gạo, rồi ném nó vào một xó. Nó không được chết, qua vài ngày nữa, lại cùng đám bạn gù lưng giăng hàng trên Vụng Voi. Lại những vũ điệu máu! Gần sáng bụng đau quằn quại, nó lăn lộn giãy giụa giữa đám thức ăn nhầy nhụa rãi rớt, rồi từ từ lịm đi, người lâng lâng, nhẹ bẫng. Từng mảng lông mao lông vũ trút ra lả tả khỏi mình, đánh đống trên mặt đất. Chớp mắt từ da thịt nó, một lớp lông mềm mại như tơ, tinh khôi như tuyết mọc lên. Một ngọn gió đẫm mùi sen từ đầm thổi đến, lượn quanh cái lồng, luồn qua những chiếc nan, ôm tròn lấy nó nhấc bổng, dặt dìu bay đi. Đàn vạc hốt hoảng vỗ cánh, tiếng vỗ tắc lại trong lồng sắt nghe đau đớn như những tiếng thở giấc đuổi theo nó.

Nó êm ái cựa mình trong đám mây bông trắng xốp, bay qua núi rộng sông dài, nức nở chạm vào hồi ức. Đó đây những đảo cò, khi bình minh lên hay hoàng hôn về, cả một vùng trắng muốt trong màu trời rực rỡ. Ẩn mình trong mây, nó háo hức lướt trên tấm biển xanh có dòng chữ “Khu du lịch sinh thái vườn chim Như Ngọc”, qua cánh cổng sắt, chạy thẳng đường bê tông phẳng lì vào tới bãi đỗ X. Khu nhà vườn thênh thang, ken kín ô tô, xe máy. Một tấm biển sơn màu trắng lấp lánh chữ vàng “Cấm leo trèo gây động mạnh, cấm lấy trứng bắt chim, cấm bẻ măng trong rừng”. Tiếng cười nói lao xao: Giám đốc khu sinh thái đã ký cam kết với hạt kiểm lâm Thủy Tiên không kinh doanh, mua bán, vận chuyển, săn bắn, bẫy bắt, tàng trữ, nuôi nhốt, giết thịt, chế biến thức ăn từ động vật hoang dã.

Đám mây dặt dìu đưa nó vòng ra phía sau nhà hàng. Địa ngục đột ngột phô bày khiến nó nhủn ra. Một rừng chim thu nhỏ bị nhốt chặt trong rọ cất tiếng rên kêu réo rắt. Trên cao lúc nhúc tầng tầng những lồng bồ câu, vạc, gà đồng. Những con cò bị trói chặt chân ở cột nhà, đôi mắt bị khâu chỉ. Dưới đất, một bao lưới to chen chúc chim sẻ.

- Đây là khu giết mổ, đây là khu nấu nướng. Anh Hai, chị Năm muốn mua nhiều để mang về, một trăm, hai trăm, năm trăm, một ngàn cò, có ngay. Cuốc lủi hay le le còn phải tính, chứ cò thì thiếu gì, chỉ cần bẫy một mẻ vào buổi sáng sớm trong vườn là đủ. Đó là chưa kể việc tỉa bớt cò con trong tổ vào buổi tối!

Bà béo cười vồn vã, đon đả níu chân thực khách, rồi mở túi bắt những con chim, bẻ nghéo cổ, vặt lông, ném vào thùng nước bên cạnh. Chỉ một loáng lũ chim bị mổ bụng, tẩm ướp và chao vào chảo mỡ. Mỡ chim sóng sánh tràn vào các phòng tiệc to nhỏ đông đặc những người. Bàn tiệc la liệt thịt chim đủ món. Khu sinh thái Như Ngọc trải dài tít tắp đến các nhà hàng đặc sản trang trí sặc sỡ như những cây nấm lạ lạc sang từ xứ Tây. Nguồn hàng gom từ các chợ quê, giá mỗi con chim sau khi chế biến đắt gấp cả chục lần lúc mua. Trời đất bao la, ai tính được bao nhiêu cái bẫy dài rộng bát ngát đang nhuốm máu? Trong số đó, là rất nhiều đất dự án còn nằm chềnh ềnh trên bàn, từng biếc ngô vàng lúa.

Trong khi nó cùng mây sương lang thang cuối đất cùng trời, thì phía Vụng Voi, những hồn vạc oan khuất bay rợp một vùng, rùng rùng đáp xuống kín nóc nhà Hãn, xô ngói vỡ loảng xoảng, đổ òa xuống tấm phản kê ở chính giữa nhà. Con đầu đàn móc cái mỏ khoằm màu nâu đất cứng như sắt vào hai mắt Hãn lôi ra đôi tròng ngoay ngoảy, nhóng nhánh như hai lọn thạch, nhảy lên bàn thờ nhai nhai nuốt nuốt, quẹt mỏ đánh choét vào cái bát hương, hả hê nhìn bầy đàn bâu xâu dỉa dóc thân thể quằn quại trên tấm phản lai láng máu, ngửa cổ nuốt ừng ực từng lọn máu đông đặc. No nê rồi, đàn vạc đập cánh, những đôi chân thần thánh dẫm trên bộ xương trắng hêu hếu. Và máu, máu vẫn không ngừng tứa ra đỏ rực trên xương vạc, xương người. Cả ngàn cái mỏ sát vào nhau công kênh bộ xương rỏ máu ròng ròng, lừ lừ tiến ra Vụng Voi, thả ùm trước mả bà ăn mày. Mặt nước ngầu máu sủi lên tanh lợm, ùng ục như sấm rền. Đàn vạc múa lượn xập xòe trên không đợi cho cái cốt người sạch máu, rồi sà xuống nhấc bổng nó lên, lần lượt đặt trước từng mô đất xích vạc mồi. Sau đó, chúng khiêng cái thây ấy đặt giữa sân nhà Hãn. Những đôi chân có phép màu giẫm lên từng đốt xương người. Dấu chân vạc in ở chỗ nào, chỗ ấy thịt da lại hiện nguyên hình...

*

Hãn cố mở mắt, người trì xuống giường như dính keo. Cửa nhà mở toang, đặc mùi hương. Một người chừng ba mươi tuổi, mặt xanh mình gầy, ngồi tựa lưng vào cột, đầu lấm tấm xanh, lọt thỏm trong bộ đồ nâu, nét mặt đăm đăm trông ra cửa sổ, thỉnh thoảng thở dài một cái, như đem bao nhiêu cái uất cái não đã chất chứa trong óc nhờ hơi thở để tiết ra ngoài. Nhìn kỹ là Ty. Hãn rên lên một tiếng, mặt tím bầm, hai tay chới với về con trai.

Khi Hãn tỉnh dậy, một màu trắng toát như mây. Gương mặt hốc hác xanh tái của con trai chợt hồng lên, cái khăn nâu trễ nải buột ra khỏi đầu rơi xuống ngực bố. Hãn quờ quạng ôm chặt lấy cái khăn, lúc bấy giờ đã quấn vào hai tay sư Ty. Khi ấy, cánh cửa phòng cấp cứu từ từ hé ra. Các nhà sư nối nhau tiến vào. Không gian ửng lên một màu vàng ấm. Tiếng cầu kinh như vẳng đến từ miền xa thẳm.

Ngực Hãn ồ ồ vỡ ra, òa ra giàn giụa không gian, ầm ào, âm u như tiếng oan hồn nhà vạc đàn đàn lũ lũ vọng đến từ Vụng Voi. Hai tay Hãn huơ lên, quờ quạng. Tiếng ồ ồ mỗi lúc giảm dần, thều thào âm gió:

- Co..on ơi. Bố cho con đi nước ngoài là mong co..on giàu có, lấy vợ sinh con, giữ cơ nghiệp nha..à ta. Con no..ói đi, bố có tô..ội gì để đến nỗi con phải giả nơ..ợ như thế này? Con ơi, bố mê..ệt quá rồi. Bố khô..ông muốn chết. Con nói với các nhà sư cho bô..ố ở lại dư..ơng gian !

Sư Ty quỳ ôm lấy bố khóc nức nở, hai mắt trào nước lẫn với máu đỏ, rơi xuống như mưa:

- Muộn rồi bố ơi! Bố cho con sang xứ người, xứ ấy dạy rằng, vạn vật trong vũ trụ, từ muông thú, cỏ cây đến con người đều có mệnh. Tu mệnh đứng đầu trong các đường tu. Một khi giống người phạm đến mệnh của muông thú, cây cỏ, thì mệnh của con người sẽ ngắn đi. Đấy là luật của nhân sinh, của mẹ trái đất, của thiên hà, của vũ trụ. Số mệnh ấy phải tu nhiều đời thì mới đến được luân hồi. Bao nhiêu năm lao động ở xứ người, con đã gom góp được một khoản tiền. Cộng cả tiền bán vạc bố gửi sang, đủ để xây một ngôi chùa. Con sẽ đặt tên là Chùa Vạc. Con sẽ cầu kinh cho bố sớm được luân hồi. Bố yên lòng bố nhé!

Đầu Hãn khẽ gật, đôi môi khô se mấp máy:

- Người ta từng bảo bố là một con vạc. Một kiếp v..ạc mồi nhỏ m..áu xuống va..ạn năm.

Mặt Hãn giãn ra, hai đồng tử đứng yên, nước mắt và máu ứa ra từ đuôi mắt. Đáy mắt phảng phất hiện về bóng dáng một ngôi chùa soi mình xuống Vụng Voi xanh ngát rợp cánh chim. Tiếng cầu kinh hòa trong tiếng chim hót, tiếng gõ mõ,tiếng chuông chùa ngân nga, loang xa trên sông.

Nguồn Văn nghệ số 34/2016