Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học, lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định tiếp tục có chủ trương, chính sách phù hợp để bồi đắp hiền tài - “nguyên khí quốc gia”.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống quý trọng hiền tài. Tiếp nối truyền thống đó, hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại trụ sở Trung ương Đảng hôm 29/2 với sự chủ trì của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Với chủ đề “Trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ đồng hành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, gặp mặt có sự tham dự của 210 đại biểu, đại diện cho giới trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, đóng góp xây dựng nền Khoa học công nghệ, Giáo dục, đào tạo của đất nước và nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại cuộc gặp mặt đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Ảnh: Ngọc Thắng.

Vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ

Ghi nhận, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, luôn đề cao, trân trọng, đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và văn nghệ sĩ; tạo mọi điều kiện để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ phát triển vững mạnh, toàn diện, đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Lịch sử phát triển của các quốc gia thịnh vượng đã làm sáng tỏ một chân lý, sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà ở những con người có trí tuệ và phẩm giá.

Về vai trò, đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, Chủ tịch nước khẳng định: “Ở Việt Nam ta, chính đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, đặc biệt là những hiền tài - “nguyên khí của quốc gia”, giàu khát vọng, dám nghĩ, dám làm, đổi mới và sáng tạo, bằng tình yêu Tổ quốc và nhân dân đã giữ vai trò tiên phong, quan trọng, thắp lên những đốm lửa của đổi mới, đặt nền tảng cho phát triển, khai mở những tiềm năng, tạo ra những đột phá, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách trong từng giai đoạn”.

Nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một việc rất quan trọng và rất cần thiết cả trước mắt và lâu dài, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về trí thức, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, về văn hóa, văn học nghệ thuật.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh cùng các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ. Ảnh: Ngọc Thắng

Cần tăng đầu tư cho văn hóa

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ về những thành tích, kinh nghiệm, kết quả nổi bật và quyết tâm cống hiến, khát vọng của của ngành, của giới mình. Trong đó, những ý kiến nhằm phát triển văn hóa, nghệ thuật tạo được sự quan tâm.

Đại diện giới cầm bút, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng cần tăng đầu tư cho văn hóa. Nhắc lại lời nhà thơ Hữu Thỉnh khi là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng phát biểu: “Nếu chúng ta tiết kiệm hay bớt một đồng chi cho văn hóa thì phải bỏ ra 1.000 đồng xây nhà tù”, ông Nguyễn Quang Thiều khẳng định sự cấp thiết của việc chăm lo cho văn hóa. Theo ông Nguyễn Quang Thiều, câu nói của nhà thơ Hữu Thỉnh “không mang tinh thần thi ca mà là chân lý, chứa đựng tầm quan trọng của văn hóa, đồng thời cảnh báo nếu chúng ta bỏ rơi văn hóa. Nếu tiết kiệm hay bớt đi một đồng chi cho văn hóa thì một trăm năm sau, con cháu chúng ta phải cùng nhau bỏ tiền xây nhà tù cho những vấn đề về đạo đức, về nhân cách”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lý giải đầu tư văn hóa không phải việc thời vụ, mà cả một quá trình, đôi khi cả trăm năm. Chẳng hạn, thỉnh thoảng ta vẫn thấy trên phố, một người nào đó chỉ mất 10 giây để ném một bọc rác ra nơi công cộng. Nhưng để một người đi qua nhìn thấy bọc rác, nhặt bỏ vào thùng thì phải mất cả trăm năm. “Đó là thời gian hình thành vẻ đẹp, hành vi văn hóa. Nên tôi nghĩ đầu tư văn hóa là điều vô cùng cần thiết”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - cho rằng, Đảng, Nhà nước cần chăm lo phát triển toàn diện cả về vật chất và tinh thần để đội ngũ văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, cống hiến nhiều nhất. Các tài năng nghệ thuật trẻ cần được phát hiện sớm, đào tạo, bồi dưỡng bài bản, được tôi luyện và được trọng dụng.

Ông kiến nghị đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng đối với văn nghệ sĩ; thu hút nhân tài người Việt trên thế giới để phục vụ, cống hiến cho nhân dân nước nhà. Bên cạnh đó, việc khen thưởng tài năng, tôn vinh sự nghiệp sáng tạo xuất sắc của văn nghệ sĩ cần được xem xét toàn diện, khoa học, minh bạch và kịp thời.

Nguồn Văn nghệ số 10/2024