Xuân về gói bánh tình nhân - Tản văn của Phạm Gia Hân

Phạm Gia Hân

Trước cửa ngôi nhà sàn của tôi có một cây mai già, tên gọi mai má đào, vì khi quả chín, hai bên má quả rám hồng, như má thiếu nữ mới lớn. Khi mùa xuân sắp chạm ngõ bản Mường, cây mai trổ hoa trắng muốt, nhìn từ trên đồi cao, thấy nó như một bông bồ công anh đã chín, trắng tinh khôi trong trẻo. Cũng như hoa mận, khi hoa mai tàn, những quả non tí xíu bắt đầu bám chi chít trên những cành cây khẳng khiu, là mùa xuân đến.

flower-7957017-1280-1707229121.jpg

Người Mường tính ngày Tết theo cách cổ xưa: Ngày lùi tháng tiến. Nếu ngày mùng 1 Tết của người Kinh, thì người Mường chỉ là ngày 30. Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, người Mường mới đang chuẩn bị cho buổi lễ cúng tất niên của gia đình.

Lúc ấy, những chùm bánh tình nhân mế làm đã được hấp chín, treo lủng lẳng trước cửa sổ nhà sàn, đung đưa cùng những bông mai trắng tinh nở muộn.

Mế tôi đã già lắm rồi, trong các câu chuyện của mế, người ta như lạc vào một thế giới khác, vẫn là trời này đất này, đồng nọ suối kia, nhưng ở vào một thời xa lắc, thời chưa có điện thoại di động, chưa có bóng điện sáng trưng, chưa có xe máy chạy ầm ầm trên con đường nhỏ bên nhà. Thời mà suối còn trong leo lẻo, thiếu nữ đi làm đồng về rủ nhau tắm như tiên nga từ cung trăng xuống, thời mà hoa sim nở tím các ngọn đồi. Thời mà người ta mê đắm nhau vì những chùm bánh tình nhân chứa chan niềm chung thủy.

Nói những chuyện cổ xưa, nhưng chưa mùa xuân nào mế quên dành bột nếp làm bánh tình nhân. Gạo nếp làm bánh phải là gạo nếp nương, hạt to tròn căng mẩy, không bị mốc mọt. Trước khi làm bánh, gạo được vo kĩ, ngâm no nước rồi xay thành bột mịn làm vỏ bánh. Ruột bánh là thứ đỗ xanh đãi sạch vỏ, đồ chín, tán mịn, giữa lòng nhân bánh còn có một miếng thịt mỡ lợn, loại lợn nhà nuôi dành Tết đụng với anh em láng giềng.

banh-nep-1707229167.jpg

Bột gạo xay mịn, nhào kĩ, trắng tinh bọc trong lòng nó nhân đỗ vàng thơm và thịt mỡ trắng ngần. Những chiếc bánh xinh xắn như hai ngón tay chắp lại ấy được bọc trong lớp vỏ bằng lá chuối rừng. Lá chuối rừng dai, dẻo và thơm hơn chuối nhà, cuộn lá chuối rừng được mang về rửa sạch, phơi tái cho mềm, rồi gói bánh. Một dải lá chuối gói hai chiếc bánh ở hai đầu tàu lá, khúc giữa xoắn bện, thế là một cặp bánh tình nhân đã hoàn thiện, chờ đem hấp chín. Gọi là bánh tình nhân, vì bánh này đi chung một đôi, như tình yêu đôi lứa không rời nhau, thủy chung như nhất trọn đời. Bánh ấy là mong ước về hạnh phúc lứa đôi muôn thuở của con người.

Năm nay, mế tôi sai làm nhiều bánh tình nhân hơn thường lệ. Tôi lo lắng, bây giờ, các thức quà luôn sẵn, gói nhiều bánh, lỡ để lâu hỏng mất thì phí hoài. Mế tôi móm mém cười, bảo năm nay làm bánh để tặng những người năm trước đến thăm, đến tìm hiểu phong tục tập quán người Mường ta…

Vậy là, mế vẫn nhớ “những người năm trước” đã vì một cuộc vui mà đến uống rượu bên bếp lửa nhà sàn, được ăn bánh tình nhân của mế, họ hứa mùa xuân năm sau sẽ trở lại ăn bánh và ngắm hoa đào, hoa mai, hoa mận…

Có thể “những người năm trước” đã quên lời hứa ấy rồi, họ cũng chẳng còn thời gian trở lại, nhưng trong trái tim trong sáng của mế tôi, điều đó như mới hôm qua, và sẽ diễn ra trong ngày mai, sẽ thành hiện thực.

Tôi vâng lời mế, vào rừng tìm lá chuối xanh, năm nay, bánh tình nhân sẽ được gói nhiều hơn thường lệ, như mong ước về hạnh phúc cho tất cả mọi người…

P.G.H

Phạm Gia Hân