Làng nghề nón lá Sai Nga

Đỗ Linh - Hoàng Thắng
Nhờ phát triển nghề làm nón lá, người dân Sai Nga, huyện miền núi Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu...

Nằm bên dòng sông Thao hiền hòa đỏ nặng phù sa, bao đời nay người dân xã Sai Nga vẫn cần mẫn và tỉ mỉ với nghề làm nón lá truyền thống. Cũng bởi vậy, mà nhắc tới làng nghề nón lá Sai Nga, người ta thường nghĩ ngay tới câu ca quen thuộc:


“Hỡi ai đi ngược về xuôi
Muốn đội nón đẹp thì về Sai Nga”

Chia sẻ về gốc tích của nghề làm nón, người dân làng nghề ở Sai Nga cho biết, đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) trong thời kỳ tản cư về đất Sai Nga họ đã mang theo nghề làm nón và nghề này phát triển mạnh mẽ tại đây từ khoảng những năm 1950.

Nếu có dịp ghé thăm xã Sai Nga, ai cũng thấy khung cảnh làm nón ở nơi đây diễn ra nhộn nhịp. Nhà nhà làm nón, người người làm nón... Bất kể khoảng không gian nhỏ nào cũng được người dân Sai Nga tận dụng đặt những chiếc nón xinh xắn. Nghề làm nón không khó, nhưng để làm ra một chiếc nón bền, đẹp đòi hỏi người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bắt đầu từ việc mua nguyên liệu, làm vanh, làm lá đến quay khâu, nức, nhôi, sấy và cuối cùng là bán sản phẩm. Trẻ nhỏ thường được phân công làm các việc đơn giản, còn các công đoạn phức tạp thì do những người có thâm niên đảm nhận. Để làm ra một chiếc nón người nghệ nhân phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, chưa kể muốn thành phẩm đẹp hơn, cần xử lý qua diêm sinh và giữa hai lớp lá mỏng, có thể cài hoa lá trang trí. Chiếc nón đẹp phải tròn vành, cân đối, mầu trắng sáng, đường khâu mượt mà, khoảng cách đều tăm tắp.

Người làm nón Sai Nga không phải lo đem hàng đi bán vì hàng ngày đều có khách ở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM… đến mua, đặt hàng và nhận bao tiêu sản phẩm. Song dù vậy, từ xưa tới nay, người dân Sai Nga vẫn giữ truyền thống đem nón đến chợ phiên để bán như một nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, từ khi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua, nón lá đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách khi đến với làng nghề.

Nghề làm nón ở Sai Nga là nghề phụ nhưng cho thu nhập chính, thu hút nguồn lao động dồi dào của địa phương. Nghề làm nón giờ đây trở thành một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Sai Nga hôm nay và mai sau...

Đỗ Linh - Hoàng Thắng