Tranh Khúc vào vụ

Hồng Quang
Bánh chưng vốn là một món ăn truyền thống của người Việt, xưa thì mỗi dịp tết đến xuân về, còn bây giờ có mặt ở khắp phố thị, trên các mâm cỗ tiệc cưới quanh năm. Chính vì thế nên gói bánh chưng đã trở thành nghề mưu sinh khấm khá của nhiều gia đình ở nhiều địa phương - Thôn Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) là một nơi như thế. Những ngày cuối năm, nơi này càng trở nên tất bật, mỗi người một việc để làm nên những chiếc bánh chưng nức tiếng gần xa.

Khi được hỏi về lịch sử, người dân ở đây đều không biết nghề gói bánh chưng xuất hiện tự bao giờ, chỉ biết rằng do ông cha truyền lại. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, nghề gói bánh chưng vẫn được gìn giữ qua bao thế hệ, tạo nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Tranh Khuc\xe ladong1.jpg

Đến thôn Tranh Khúc vào dịp cuối năm, từ đầu thôn đã thấy sự nhộn nhịp, tấp nập của xe chở lá dong, chở gạo, đỗ xanh. Người chở hàng đến, người đưa bánh đi, khách đến mua hàng tấp nập, người dân nơi đây gọi vui rằng đây là dịp hội của làng. Bằng đôi bàn tay khéo léo, người dân Tranh Khúc đã làm nên chiếc bánh chưng thơm ngon, đưa hương vị truyền thống của Tết đi khắp mọi miền.

Gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh là những nguyên liệu quen thuộc để tạo nên chiếc bánh chưng, tuy nhiên bánh chưng Tranh Khúc làm nên thương hiệu chính là ở quy trình làm bánh với những bí quyết riêng có. Nghề bánh chưng Tranh Khúc thường chọn lá dong ở Tràng Cát (Hà Nội), ngoài ra còn có lá dong Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Lá dong phải tươi xanh, không già quá không non quá, được rửa sạch, sau đó để thật ráo nước rồi xếp sẵn chờ gói bánh. Nếp dùng gói bánh chưng là giống nếp cái hoa vàng, lấy từ những vùng chuyên canh như Hải Hậu (Nam Định). Hạt nếp tròn nây, thơm, trắng đục, đều, không gãy.

Trước khi gói, gạo phải được ngâm trước 30 phút, sau đó rửa gạo thật sạch, nêm vài hạt muối cho tăng hương vị của nếp. Đậu xanh tằm hay còn gọi là đậu lòng vàng vỏ xanh, xay vỡ đôi, ngâm tãi vỏ, để ráo nước rồi sau đó cho vào nồi đồ. Khi chõ đậu đã dậy mùi thơm chín bở tơi thì mang ra giã nhuyễn, nêm gia vị, sau đó cho ra mâm để nguội đậu. Thịt gói bánh phải là thịt ba chỉ, có tỷ lệ nạc và mỡ thích hợp, đặc biệt thịt phải tươi và sạch. Thịt được rửa thật sạch, để ráo nước sau đó nắm với đậu để làm nhân bánh.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Tranh Khuc\anh5_JACN.jpg

Description: C:\Users\msi\Desktop\Tranh Khuc\ve-lang-nghe-truyen-thong-_981674051028.jpg

Tại thôn Tranh Khúc, từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể tham gia vào công việc làm bánh. Người già thì buộc lạt, trẻ nhỏ thì rửa lá, xếp lá. Người dân nơi đây không cần dùng khuôn vẫn có thể gói chiếc bánh đẹp và chắc. Mỗi người một công đoạn, người gói bánh, người buộc lạt, cứ thế chỉ khoảng 1 tiếng đã gói xong hàng trăm chiếc bánh. Tùy vào điều kiện thời tiết mà thời gian luộc bánh khác nhau, có hôm trời nắng thì luộc khoảng 8 tiếng, hôm nào trời lạnh thì luộc bánh 10 tiếng.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Tranh Khuc\z3996902843621708e8916801b7802e2e3e0a9f63c6d95-1672284616237912932791.jpg

Vùng quê Tranh Khúc vốn yên bình với ngõ nhỏ, xóm nhỏ, dịp cuối năm khối lượng đơn đặt hàng tăng cao nên bỗng trở nên bận rộn, tấp nập. Mỗi nhà đều phải tìm thêm nhân công ở các nơi để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bánh chưng ra lò liền được chuyển đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng, ngoài ra bánh chưng Tranh Khúc còn có mặt ở các nước châu Âu… Để đáp ứng nhu cầu khách hàng chuyển bánh đi xa, nhiều cơ sở đã hút chân không, đóng gói bánh có ghi nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng để đảm bảo chất lượng bánh.

Cứ như vậy, chiếc bánh chưng Tranh Khúc đã có mặt ở tận phương trời tây xa xôi, để mỗi người con xa xứ có thể cảm nhận được hương vị quen thuộc của món bánh đặc trưng Việt Nam.

Hồng Quang