Thương nhớ chợ làng

Nguyễn Thị Loan

Làng tôi nằm trên vạt bãi bồi ven sông với chiều dài cả gần non cây số. Theo như các bậc cao niên của làng kể lại thì lịch sử hình thành và phát triển của cái làng ven sông này đã có bề dày tới cả gần trăm năm, tính từ thuở ban đầu, khi mà những người dân vạn đò tứ xứ làm nghề chài lưới trên sông quần tụ nhau lại để mở làng lập ấp. Và ông bà tôi cũng chính là những người đầu tiên quần tụ tại mảnh đất bãi bồi này.

cho-lang-1-1714272065.jpg

Thế nhưng, có lẽ sẽ không thể có cái làng tôi nếu như trên bến sông ngay đầu làng bây giờ không có một cái chợ, bởi chính khu chợ quê được họp bên sông từ bao đời nay chính là nguyên nhân để không chỉ làng tôi mà người dân ở các làng ven sông khác đều kéo nhau về đây lập làng sinh sống. Khi còn sống thì ông bà nội tôi vẫn thường kể rằng, ngày ông bà mới ở vào tuổi mười chín, đôi mươi, khi đó làng tôi chưa có nhưng chợ bên sông với cái tên chợ Bến thì đã có từ bao giờ thì chính ông bà cũng không biết nữa. Ông bảo, có lẽ do nơi đó là một bến đò chở khách qua lại sông để sang vùng thị trấn sầm uất của một tỉnh khác nên cái chợ đã được họp ở đó để người dân mua bán trao đổi hàng hóa. Chợ Bến bên sông là chợ phiên, khi cứ 3 hôm đều đặn lại họp một lần, kéo dài từ 4-5 giờ sớm cho tới tầm quá trưa thì tan. Những hôm không phải phiên chợ thì vẫn có một số ít người mang hàng hóa đến bán, nhưng số hàng hóa cùng người mua bán cũng chỉ lèo tèo chứ không nhiều và đông đúc như những hôm có phiên chợ chính. Ở những hôm vào phiên thì chợ rất đông, có khi lên tới cả mấy ngàn người. Chợ Bến đông đúc cũng là điều dễ hiểu bởi nơi đây không chỉ thu hút dân làng tôi, dân của gần chục làng trong vùng, mà nó còn là nơi tới trao đổi mua bán hàng hóa của người dân ở những làng bên kia sông. Chợ đông đến mức, gần chục khu cầu chợ xoay ngang, chạy dọc đều chứa không hết người và hàng hóa, khiến cho quy mô chợ phải mở rộng ra tận phía ngoài triền đê. Đông đúc hơn cả có lẽ là khi chợ bước vào dịp áp tết, hay những phiên chợ của ngày cuối năm 30 tháng Chạp.Hàng hóa của khu chợ bên sông làng tôi thì phong phú, đa dạng lắm. Từ các đồ cơ khí phục vụ công việc nhà nông như cày, bừa, cuốc, thuổng, liềm, hái, cho tới rao rựa, xoong nồi, mâm nhôm, ấm đồng, bát đũa... phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các dãy bán gạo, rau củ quả và nhiều thứ nông thổ sản của địa phương luôn là những mặt hàng nhiều nhất được bày bán. Những hàng thực phẩm là thịt, cá, tôm, đậu phụ, và nhiều thứ thực phẩm chế biến sẵn là giò lụa, chả quế... cũng luôn không thể thiếu được trong chợ.

Ngày tôi còn nhỏ thì quy mô chợ đã đông như vậy, nhưng năm tôi lớn dần lên, cụ thể là khoảng năm tôi vào cấp 2 trường làng thì khu chợ càng đông đúc do dân cư của các làng trong vùng đều tăng lên nhanh chóng, vì thế mà chợ Bến bên sông này trở nên quá tải. Vì thế mà chính quyền xã tôi đã quyết định mở rộng khu chợ này với diện tích lớn gấp hơn đôi khu chợ cũ. Các cầu chợ cũ được dựng bằng cột tre lợp mái tranh, nứa từ lâu đời bị phá bỏ đi để xây lại những dãy cầu chợ bằng gạch lợp ngói chắc chắn, sạch sẽ. Trên đầu mỗi dãy cầu chợ đều được gắn biển hiệu quy định để bán các mặt hàng cố định. Xung quanh chợ cũng không còn là những hàng rào bằng cây dại, cành que củi tre, gỗ tạp, mà nó được thay thế bằng một bờ tường xây gạch bao quanh cao đến lúp đầu người. Việc xây bờ tường như vậy là cốt để ban quản lý kiểm soát người ra vào mua bán và thu tiền vé chợ để lấy nguồn thu cho ngân sách dịa phương.

Đã có một thời gian, khoảng gần chục năm mẹ tôi cũng từng thuê một quầy hàng nơi cổng chợ, lối dẫn xuống bến đò để bán hàng xén.Ngoài giờ học ra thì tôi cũng vẫn hay phụ mẹ, khi thì bán hàng cho khách, lúc lại ngồi đóng gói mấy thứ hàng hóa lặt vặt vào bao gói. Việc xếp, bày hàng hóa trên kệ vào buổi sáng, và thu dọn hàng lại vào buổi tối muộn thì hầu như hôm nào tôi chẳng phải làm cùng mẹ. Thu nhập từ việc bán hàng như vậy cũng chẳng lời lãi được là bao nhiêu nên sau đó mẹ đã nghỉ không bán hàng, mà chuyển sang nghề làm đậu phụ và chăn nuôi lợn gà ở nhà, bởi công việc này “khởi sắc” cho thu nhập cao hơn.

Suốt quãng đời tuổi thơ tôi luôn gắn liền với chợ Bến, khi mà hầu như chẳng có một phiên chợ nào tôi lại không có mặt ở đó. Kể cả khi mẹ không còn bán hàng ở cổng chợ nữa thì ngày nào mà tôi chẳng được mẹ giao phó tới chợ, khi thì mua vài bó rau, lúc lại mua dăm lạng thịt, ít tôm, cua, cá... mang về để mẹ chế biến bữa ăn cho gia đình. Vì là đã thành quá quen mặt, khi hầu hết những người bán hàng ở chợ đều nhận ra, và biết con cái nhà ai rồi, nên tôi có thể mua hàng hóa chịu thoải mái, rồi hôm khác mẹ trả tiền cũng được. Còn nhớ những năm khi tôi còn nhỏ xíu, khoảng độ dăm, bảy tuổi, mẹ thường dắt theo tôi đi chợ, và bao giờ mẹ cũng mua cho tôi bao nhiêu là thứ quà, từ nắm bỏng ngô ép đường, phong oản có giấy bao màu đỏ, cho tới dăm chiếc kẹo bột, kẹo vừng, kẹo lạc, hay một bát bánh đúc lạc...

Chợ Bến bên sông đã gắn bó với hết thảy người làng quê tôi, khi mà chẳng ai lớn lên mà không in hằn hàng ngàn dấu chân trên nền khu chợ quê đông đúc mộc mạc và bình dị này. Nhịp sống chợ Bến gắn liền với nhịp đời của biết bao con người như vậy nên khi đi xa, chia tay khỏi cái làng quê bên sông này thường là trong muôn vàn nỗi nhớ thì ai cũng nhớ chợ Bến bên bến sông quê êm đềm.

Nguyễn Thị Loan