“Sông nước xứ Đàng Trong” trở thành điểm đến mới của Du lịch Đà Nẵng

Trần Ngọc

Năm 2024, Đà Nẵng sẽ đưa vào khai thác từ 1 đến 2 sản phẩm mới, hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Các sự kiện quen thuộc, định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng như lễ hội pháo hoa (DIFF 2024), cuộc thi Marathon quốc tế; lễ hội “Tận hưởng Đà Nẵng”; giải Golf BRG Danang Championship 2024 (hoạt động phụ trợ phục vụ du lịch Golf)...; vẫn duy trì tổ chức trong nỗ lực luôn làm mới.

Di tích căn cứ địa kháng chiến, huyền thoại sông nước là điểm đến mới

Sản phẩm mới, sức thu hút mới theo chiều sâu của điểm đến, theo kế hoạch, được đưa vào khai thác từ năm 2024 (giai đoạn thử nghiệm, thí điểm), gồm đề án “Phát triển du lịch khu căn cứ cách mạng K20”; tuyến đường sông nội địa, xuất phát từ cảng sông Hàn, đưa du khách ngao du trên dòng sông nổi tiếng của xứ Đàng Trong một thời

Khu di tích căn cứ địa K20 trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần ái quốc kiên cường của người dân Đà Nẵng. Ảnh Quang Hiển – Văn Sỹ.

Khu căn cứ cách mạng K20 (trên địa bàn Ngũ Hành Sơn) chính là nơi cơ quan Quận uỷ (Quận III) và Thành uỷ Đà Nẵng đóng quân, lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm chiến tranh khốc liệt. Mật danh K20 (tức khu căn cứ cách mạng Đa Mặn), ra đời trong bối cảnh nhân dân ta bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn Chiến tranh cục bộ. Quân đội Mỹ chính thức trực tiếp tham chiến tại chiến trường Việt Nam (mà điểm đổ bộ đầu tiên vào Nam Việt Nam lúc bấy giờ, của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, cũng lại là Đà Nẵng).

“Năm 2024, Sở chúng tôi vẫn giữ vai trò chủ công, tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng”, đây là nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phục vụ người dân thành phố và du khách. Sở sẽ tập trung tham mưu tổ chức các sự kiện lớn như DIFF 2024, Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ II năm 2024,...”, bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, cho biết.

Bao nhiêu năm trôi qua, K.20 vẫn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng nói chung và của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng. Căn cứ địa cách mạng không ngại hiểm nguy, ngạo nghễ ra đời ngay trên một địa bàn, quân đội Mỹ xác định là vị trí trọng yếu về quân sự. Cách khu căn cứ địa không xa, là chuỗi các cứ điểm tạo thành khu liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung của quân đội Mỹ. Trong đó có sân bay Nước Mặn sân bay chiến thuật, phục vụ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Thời điểm cao nhất, quân đội viễn chinh Mỹ hiện diện tại các căn cứ quân sự lên đến 6.000 quân, với nhiều binh chủng (thủy quân lục chiến, biệt kích, bộ binh, thám báo, …) cùng phương tiện chiến tranh hiện đại.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Đà Nẵng sẽ sử dụng phương tiện du lịch đường thủy (50 chỗ trở lên) khai thác nhánh đường sông nội địa: Tuyến Cảng Sông Hàn – Bến thủy nội địa K20 (X5), Bến thủy nội địa Chùa Quán Thế Âm (X6) và ngược lại. Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm rà soát và triển khai nạo vét (nếu cần), bảo đảm luồng lạch thông suốt cho tuyến.

Năm 2024, cũng là năm Đà Nẵng quyết tâm khai thông sông Cổ Cò kết nối với Quảng Nam, khai thác hiệu quả tuyến sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn kết nối với đô thị cổ Hội An. Bộ phận chịu trách nhiệm đền bù giải tỏa dự án (thuộc quận Ngũ Hành Sơn) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp – phát triển nông thôn, đảm trách đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa, để xúc tiến sớm đề án này.

Sông Cổ Cò chảy qua địa bàn Ngũ Hành Sơn, từng là tuyến giao thông đường thủy quan trọng nối từ của Hàn (Đà Nẵng) với Cửa Đại (Hội An) từ thế kỷ XVII, XVIII . Đại Nam nhất thống chí, ghi lại tên sông là Lộ Cảnh Giang, trên sông có “nhiều ghe mành, thuyền buồm đi về hết sức tấp nập, vừa gần lại vừa tránh được sóng to gió lớn trên mặt biển”. Nhà chức trách đương thời đã đặt một trạm thu thuế các tàu buôn qua lại trên sông Cổ Cò đi về giữa Hội An - Đà Nẵng. Cho đến năm 1888, việc giao thương giữa Đà Nẵng và Hội An vẫn diễn ra nhờ sông này.

Sông Cổ Cò gắn với bao truyền thuyết, ngày ấy, … bây giờ. Ảnh: T.Ngọc.

Hiện sông Cổ Cò bị bồi lấp nhiều, vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu vốn có không còn nữa, chính quyền hai địa phương (Đà Nẵng và Quảng Nam) trong nhiều năm, đã cố gắng nghiên cứu, tìm cách khai thông, tái hiện phần nào hệ thống giao thông đường thủy quan trọng giữa Đà Nẵng - Hội An. Cổ Cò ngày nay vừa là một phần của ký ức xưa, vừa “hình ảnh đối xứng nên thơ” với biến động của quá trình đô thị hóa.

Lộ Cảnh Giang – sông Cổ Cò, cũng là dòng sông gắn với lịch sử giao thương, giao lưu văn hóa và những nhân vật như Cao tăng Thích Đại Sán, Vua Minh Mạng,…Nhiều truyền thuyết còn cho rằng, đây cũng là con sông, Huyền Trân Công Chúa đã đi, trên hành trình từ Chiêm Thành trở về Đại Việt (tránh bị phát hiện và rượt đuổi trên biển). Cổ Cò chính là dòng sông của nhiều huyền thoại, mỗi điểm dừng chân khi lên bờ đều là điểm đến rất ấn tượng với du lịch tâm linh Chùa Quán Thế Âm (nơi diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - hằng năm); hay di tích căn cứ địa cách mạng nổi tiếng: K.20.

Kế hoạch (số 229/KH-UBND), “Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2024”, vừa được UBND thành phố chính thức ban hành, mục tiêu chính hướng đến “Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến an toàn, đặc sắc, nhân văn, hiếu khách. Xây dựng và giữ gìn thương hiệu Thành phố đáng sống và Thương hiệu của điểm đến Đà Nẵng”.

Làm đậm yếu tố đặc sắc, nhân văn, Ngành văn hóa thành phố cho biết, đã và đang triển khai các nhiệm vụ được giao (tại kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch) nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. năm nay, cũng là năm “di sản Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”, được đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, phát huy giá trị độc nhất, vô nhị.

Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Theo đại diện UNESCO (tại lễ đón nhận bằng công nhận, ngày 1/3/2023), bộ sưu tập Ma nhai Ngũ Hành Sơn lưu giữ ký ức về giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam với nhiều quốc gia châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản).

Du khách Ý ngỡ ngàng trước tư liệu Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.Ngọc.

Với các điểm đến mới, trên cả 2 phương diện tiếp cấn (đường bộ và đường thủy), Ngũ Hành Sơn trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của Đà Nẵng: Làng nghề đá điêu khắc mỹ nghệ nổi tiếng tự bao đời; ở phía đông, bãi biển Ngũ Hành Sơn là một phần của “Đà Nẵng nổi tiếng với những bãi biển đẹp, trong xanh”. Hệ thống chùa ở Ngũ Hành Sơn, nổi tiếng đặc biệt, với những ngôi chùa tọa lạc ngay trên danh thắng (chùa trên núi), được xây dựng từ lâu đời; Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên của Việt Nam tọa lạc trong khuôn viên Chùa Quán Thế Âm. Điều này đã lý giải vì sao Trang TripAdvisor, khi công bố “Đà Nẵng - Top điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022”, đã còn gợi ý du khách rằng “nếu đã đến Đà Nẵng” hãy “khám phá danh thắng Ngũ Hành Sơn”.

Kế hoạch “Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2024”, cũng đưa vào “tầm khai thác”,đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện nông thôn mới Hòa Vang (giai đoạn 2021-2025, định hưng đến năm 2030), với nét mới: Thí điểm tạo sản phẩm du lịch mới tại địa phương qua khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình OCOP và hỗ trợ phát triển (sản phẩm OCOP), thành các sản phẩm phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, khởi động đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô, bao gồm cả nghiên cứu đề xut phương án quản lý và khai thác ghnh Nam Ô phục vụ du lịch.

Được phát hiện cách đây không lâu, ghềnh đá Nam Ô nhanh chóng trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng, thu hút nhiều du khách, giới nhiếp ảnh tìm đến. Vào độ tháng 3 hằng năm, ghềnh đá phủ đầy rêu xanh thẵm. Một hiện tượng được cộng đồng của website “Du lịch khám phá – Đi và trải nghiệm 24h”, thừa nhận là “hiếm thấy ở đâu trên đất nước Việt Nam, hiện tượng đẹp hoang sơ, thiên nhiên đã ban tặng cho hàng ngàn tảng đá một lớp áo rêu xanh, làm nổi bật bàn tay kỳ ảo của tạo hóa”.

Mùa rêu xanh bao phủ Ghềnh đá Nam Ô. Ảnh: Trần Lê.

Mới đây, công bố của ngành du lịch thành phố về “Tầm nhìn đến năm 2045 - hướng đến Đà Nẵng trở thành Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á”, đã xác định , thành phố biển duyên hải trung Trung bộ sẽ tập trung phát triển, hình thành 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, du lịch golf; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch sinh thái); Sản phẩm du lịch chính (du lịch ban đêm; du lịch thủy nội địa; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn) và sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe; du lịch cưới; du lịch giáo dục).

Từ kinh nghiệm các mô hình tham quan, du lịch ban đêm tại các di tích văn hóa, lịch sử ở Hà Nội; UBND thành phố Đà Nẵng, cũng đã giao trách nhiệm cho các ngành hữu quan, nghiên cứu đề xuất thí điểm tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật đặc trưng vào ban đêm tại các thiết chế văn hóa, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Bảo tàng Chăm... phục vụ khách (đó là các chương trình biểu diễn múa Chămpa; chiếu sáng 3D mapping, biểu diễn nghệ thuật, tái hiện lịch sử ...). Trong khi đó, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, vẫn sẽ duy trì biểu diễn chương trình nghệ thuật truyền thống Việt Nam “Hồn Việt” tại sân khấu nhà hát và tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng (Chương trình Con đường di sản của Vietnam Airlines).

Du lịch trải nghiệm văn hoá, lịch sử; du lịch thủy nội địa gắn với những truyền thuyết của một thời ông cha đi mở cõi tạo dựng hình hài non sông, chiếm vị trí rất quan trọng (sản phẩm đặc thù, sản phẩm chính) của Đà Nẵng – thành phố điểm đến, nổi tiếng với bộ sưu tập các danh hiệu lớn./.

Trần Ngọc