Song hành cùng giấc mơ

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Ngô Văn Thọ sinh 15/12/1992 tại thôn An Thuận II, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Anh sinh ra đã bị một căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa khỏi, luôn bị dày vò thể xác. Một căn bệnh khiến da cứ bị bong tróc khỏi cơ thể mà có lần anh đã dùng những mảnh da ấy ghép thành một bức tranh tặng nhà thơ Phạm Đức, người đã cổ vũ động viên anh làm thơ. Anh phải bỏ học năm lớp 9. "Người cá" là biệt danh bạn bè gọi anh.

nguoi-ca-mo-tap-tho-1702790516.jpg

Tập thơ "MƠ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021) Thọ ký bút danh Người Cá là những nỗi niềm tâm sự của tác giả trong cuộc chống chọi số phận mình để sống. Anh có buồn, có đau khổ trước cảnh ngộ của mình, cố nhiên. Có cô đơn "Đôi chân đi đã mệt nhoài/ Bờ vai rệu rã biết ai đi cùng". Có lúc tuyệt vọng anh đã "Muốn từ giã hẳn cuộc đời/ Gieo mình xuống nước về nơi ông bà". Nhưng anh đã tìm cách vượt qua sự buông xuôi ấy nhờ tình thương yêu của ông bà cha mẹ tiếp thêm cho anh nghị lực: "Phận mình khiếm khuyết muôn phần/ Nhưng không khuất phục chôn chân thế này. Anh quyết phải sống Anh không muốn làm cát bụi bị cuốn trôi trong dòng đời mà muốn làm cây lá non tơ vươn lên trên những khó khăn, thử thách. Dù có là một chiếc lá cuối thu thì vẫn bền bỉ xanh tươi. Và anh muốn vươn lên trong một tư thế đứng thẳng làm người: "Tuy rằng không đúng ngang trời/ Làm sao để đám mây trôi ngước nhìn". Quyết tâm này còn được anh nhắc tới trong câu thơ khí phách: "Vươn mình giữa những phong ba/ Tre xanh dẫu thẳng bằng ta là cùng".

Trong cảnh ngộ của mình Ngô Văn Thọ khao khát tình yêu và hạnh phúc gia đình. Những bài thơ anh viết về chủ đề này đọc lên thấy xúc động xót xa. Anh gửi về người vợ phía tương lai niềm mong ước: "Cuộc sống này nằm ở đôi tay/ Em chỉ cần đứng đó mở rộng vòng tay/ Hãy đứng đó và chờ anh đến". Anh khắc khoải cầu khẩn: "Nhưng em hãy mở rộng cửa trái tim/ Hãy tin anh và cho anh cơ hội/ Được chăm sóc dẫn em về một lối/ Em yêu à, có thể được hay không?" Anh mơ: "Môi vợ luôn thắm luôn tươi/ Hai cô công chúa nói cười hát ca/ Mình làm chồng, mình làm cha…”

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên