Sắc xuân ở làng nghề hoa giấy Thanh Tiên

Tường Vi - Trang My
Hơn 300 năm qua, làng Thanh Tiên nổi tiếng với nghề làm hoa giấy. Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, có thể dễ dàng bắt gặp những cành hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở các chợ làng quê cũng như chợ nơi phố thị xứ Huế…

“Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng/ Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa” là câu ca dao nổi tiếng về ngôi làng hoa giấy Thanh Tiên nằm ở hạ lưu dòng sông Hương, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên gắn bó với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế.

Hoa giấy Thanh Tiên có hai loại: hoa ngũ sắc, bắt đầu được làm từ tháng 10, chủ yếu cắm Trang Ông, Trang Bà, Táo quân, bàn thờ, chùa chiền... và hoa sen được làm quanh năm để trang trí. Tất cả các công đoạn làm hoa đều cần đến đôi bàn tay con người, đòi hỏi ở nghệ nhân sự kiên nhẫn, khéo léo đầy yêu thương. Đã có thời điểm, hoa giấy không được sản xuất nhiều như trước vì thị trường có nhiều sản phẩm thay thế phong phú và bắt mắt hơn; hoa cũng chỉ sản xuất một vụ trong năm vào dịp Tết nên nhiều người trong làng đã không còn gắn bó với nghề khiến nghề có nguy cơ mai một.

Nhằm giữ hồn cho một di sản làng nghề, để nét đẹp hoa giấy Thanh Tiên lan tỏa và lưu truyền những giá trị tinh hoa, những năm vừa qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực vừa bảo tồn, vừa đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, hoa giấy không chỉ còn đơn thuần phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, người làng Thanh Tiên đã cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa để đáp ứng nhu cầu trang trí nhà cửa, khách sạn, Festival và xuất khẩu... Người làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên nhờ vậy có việc làm quanh năm.

Người dân làng nghề chia sẻ, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên ngày càng phát triển, sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên, đặc biệt là hoa sen ngày càng đẹp hơn và được người tiêu dùng đánh giá cao. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh và khu vực lân cận, sản phẩm của làng nghề còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Bên cạnh đó, các nghệ nhân, người làm nghề còn luôn tìm cách học hỏi, phát triển mẫu mã, tạo động lực cho làng nghề có đột phá, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm khác phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Tường Vi - Trang My