Ra mắt cuốn tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” của Trung tá – nhà văn Phạm Vân Anh

Việt Thắng
Sáng ngày 16/12/2023, tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Trung tá – nhà văn Phạm Vân Anh đã trang trọng tổ chức Lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết của mình mang tựa đề “Biên khu Việt Quế”. 
ra-mat-sach-van-anh-1702714701.jpg

Tới dự Lễ ra mắt sách có ông Bành Thế Đoàn - Tham tán Văn hoá Đại sứ quán nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; đại diện các đồng chí nguyên là lãnh đạo Quân khu, Tổng cục Chính trị, Báo Biên phòng cùng đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học và đông đảo bạn đọc yếu mến nhà văn Phạm Vân Anh.
Năm 1948, đồng chí Chu Ân Lai cử phái viên (Trang Điền) sang gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Quân đội Việt Nam giúp đỡ Hồng quân Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn ở vùng sát biên giới Việt Trung. Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, giúp bạn cũng là giúp mình, Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn có nhiệm vụ sang “Giúp giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng vùng Ung - Long - Khâm (huyện Ung Ninh, Long Châu, Khâm Châu)…”.
Chiến dịch thắng lợi, đại diện Biên khu ủy Điền Quế gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn quân đội ta đã “giúp đỡ cho cuộc đấu tranh của biên khu chúng tôi về tinh thần và vật chất” (1). Hiện nay, tại thị trấn cửa khẩu Thủy Khẩu (Long Châu - Trung Quốc) có Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Việt ghi công các Liệt sĩ hai nước hi sinh anh dũng khi tham gia chiến dịch. Sau này trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồi ký của Đại tướng Chu Huy Mân… đều nói một cách trang trọng về Thập Vạn Đại Sơn. Nhà văn Phạm Vân Anh đã cho ra đời Biên khu Việt Quế, “tiểu thuyết hóa” một cách sống động, chân thực với nhiều cảm xúc tự hào về một giai đoạn quan trọng của cách mạng hai nước Việt – Trung

vq2-1702714777.jpg
Cựu chiến binh Thân Văn Nhã, người lính đã đóng góp công sức của mình trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn xúc động kể lại câu chuyện của mình

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vào lúc vô cùng ác liệt, đất nước lại nghèo, không đủ kinh phí trang bị cho quân đội, thiếu lương thực, thiếu vũ khí, thiếu trang thiết bị, và thiếu cả quân lính. Vậy mà khi nước bạn, theo yêu cầu của bạn, ta vẫn cử một bộ phận quân đội sang giúp bạn, đây là biểu hiện của tình đoàn kết cao đẹp, trong sáng và đầy tính nhân văn.
Trong phát biểu của mình, ông Bành Thế Đoàn – Tham tán Văn hoá Đại sứ quán nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, cuốn sách đã ghi lại được một phần không thể thiếu của lịch sử hai nước, lịch sử của tình hữu nghị đồng chí, anh em núi liền núi, sông liền sông giúp đỡ, hỗ trợ nhau, hy sinh vì nhau trong giai đoạn kháng chiến ác liệt. Ông cũng trân trọng cảm ơn nhà văn Phạm Vân Anh với cuốn tiểu thuyết ra đời để nhắc lại lịch sử hào hùng đó cho thế hệ sau.
Thời gian trôi đi, chiến tranh đã lùi xa, có thể nhiều người đã quên đi, song anh linh của các liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh trên đất nước Trung Hoa thì vẫn hiện hữu trên Đài tưởng niệm Liệt sĩ hữu nghị Việt – Trung của hai nghĩa trang: Thuỷ Khẩu và Đông Hưng và mãi mãi trường tồn.
Cũng trong buổi lễ, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học đã có những phát biểu quan trọng nhằm đánh giá những giá trị của cuốn tiểu thuyết mang lại cùng những đóng góp tích cực của tác giả nhằm tô thắm thêm tình hữu nghị Việt – Trung.

vq5-1702714777.jpg
Trung tá - nhà văn Phạm Vân Anh phát biểu tại buổi lễ

Mong muốn tái hiện lại một chiến dịch lớn, có ý nghĩa quan trọng thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, kề vai sát cánh chiến đấu giải phóng đất nước của quân đội hai nước. Trung tá - nhà văn Phạm Vân Anh đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết này nhằm giới thiệu rộng rãi tới bạn đọc.

Việt Thắng