Pộp pạp Xì Ngài

Nguyễn Luân

Một ngày đứa em họ dúi vào tay tôi một gói lá chuối, bảo “Pa em gửi anh, ăn cho nhớ nhà”. Tôi lật đám lá chuối còn xanh, nghe tiếng lá vỡ trèn trẹt trong tay mà lòng như trẻ con đợi quà. Sau lá xanh là thứ bánh cũng xanh, óng mọng, thơm rức. Bao ký ức thương nhớ ùa về đến nhũn ruột gan. Ôi bánh dày ngải ơi! Xì Ngài ơi!

cay-ngai-cuu-thuoc-1707814896.png

Quê tôi ở vùng cao núi đá Lạng Sơn. Nơi những mái nhà sàn cũ kĩ rêu mốc, già nua như lão nông quên cạo râu một đời. Dựng trên từng gò đất giữa núi cao và sông suối vắt mình qua đá mà xua nước chảy bốn mùa. Bây giờ thời tiết mới cuối giêng hai. Ở miền núi vào độ này trời bỗng sắm vai thằng trai đi chơi hội trở về. Hơi rượu vẫn còn phừng trên má, mà thân xác đã thũng thẵng rũ rượi say. Mới sáng dậy đâu đó còn thấy mặt trời hồng một vừng mây treo đỉnh núi. Thế mà lại mưa ngay được. Những cơn mưa xuân dai dẳng, khe khẽ, hì hạp, lò dò như như bà già ngồi rửa chân bên suối. Mưa ẩm làm hơi nước nhề nhề bám trên ván nhà nhử ra thành dòng. Da núi đá nhăn nhúm, thâm u như chiếc áo chàm sũng nước vắt trên cọc rào. Mưa làm người buồn héo ruột, vật nuôi dưới gầm sàn cọ mũi gãi chân. Mưa tưởng chừng làm thối rữa, bủng beo, trương phềnh nấm mốc cả cột nhà. Duy chỉ có những ngọn ngải cứu mọc hoang dọc bờ suối, trên những doi đất lẫn vào hốc đá cứ mươn mướt bật lên. Càng mưa ngải càng non mỡn, mụ mẫm lạ kì.

Bỗng một ngày nắng chợt lên. Tiếng người ơi ới, hục hặc lôi cày bừa lên nương lên bãi vỡ đất vụ xuân mới. Đám trẻ con đóng dùi mở toang chuồng lùa đám trâu đang cuồng chân ào qua những vệt cỏ xanh mát mắt. Bước chân người, trâu bò rúc trong cỏ non, trong hơi nước man mát từ lòng bàn chân chợt quẩn lên một mùi thơm quen thuộc. Thứ mùi chỉ mới vẳng lên thôi mà khiến những đứa trẻ lúc nào cũng đói ăn tứa nước miếng, hai mắt lim dim giữ chặt khoang bụng đang réo ào ào như nước xối hõm đá. Mùi ngải non đầu mùa.

Mỗi độ mưa xuân dứt, ngải trồi lên là cũng vừa tới tết thanh minh. Nói đến tết thì những uể oải, lười biếng trên nương bãi hàng ngày bay đi, như phủi đám bụi trên vai áo. Nhà nhà, người người nói đến cái tết, đến chuẩn bị chế biến món ăn, đến ủ cơm nấu rượu, rồi đi thăm họ hàng xa gần...

Người quê tôi lại ăn cái tết thanh minh vào ngày mồng ba tháng ba hàng năm. Cái tết tháng ba chẳng giống như cái tết mồng năm tháng năm. Tết rằm tháng bảy hay tháng giêng. Có lẽ vì nó là dịp để con cháu đi tảo mộ, con cháu dòng họ tụ họp nhớ tới người đã khuất. Tết mồng ba tháng ba là ngày tết của xôi đen xôi đỏ, của bún đẹn, lợn quay. Mà đặc biệt người ta nhớ đến tết mồng ba là tết của bánh dày ngải. Tiếng Tày, Nùng gọi là Xì Ngài.

crop-5582141-1280-1707815564.jpg

Phải đến ngày mồng ba mới tới tết. Mà ngày hai chín, ba mươi, ven con suối trên những thân cây đổ xuống nhoi ra giữa dòng đã thấy bóng các chị, các bà đang tỉ mẩn rửa từng sọt lớn rau ngải xanh reo để làm bánh. Những tiếng cười của đám trẻ con theo chân ra nghịch nước lanh lảnh làm đám chim Chào Mào mốc vụt bay bụi loa kèn dại nở rũ ven bờ. Bóng áo chàm nâu, áo chàm xanh cổ vịt nhấp nhô theo vai người. Những bắp chân trần in đáy nước thành vệt dài lao xao. Có lẽ những người đàn bà miền núi vui nhất là lúc họ được làm những thứ tỉ mẩn ở cạnh nhau. Khi ấy trông họ thật chậm rãi, thật khoan thai nhàn hạ như những con nhện đang kéo đường tơ giữa cánh rừng mênh mông.

Thứ cây rau dại như ngải cứu nhìn ban đầu chẳng có gì đặc biệt. Ấy vậy mà khi được rửa sạch, đem về nhà để một đêm thôi là có thể ướp hương thơm vào mọi thứ đến kì diệu. Tay mẹ tôi rửa rau buổi chiều, đêm về xoa lưng vuốt tóc hai anh em mà mùi thơm của ngải tươi non như ngay bên mình. Thứ mùi nồng nồng, khai khẳn của đám nước đọng dưới Xích suốt ngày mưa giờ cũng dạt đi đâu mất để nhường vào đó mùi thơm của ngải tỏa khắp những gian nhà. Đến mùi thuốc lào cháy khét của ông tôi mỗi lần kéo điếu cũng trở nên dìu dịu. Bà tôi thường bảo, cây ngải quý như người đàn bà khéo. Bề ngoài thì thấy hao hao như loài cây khác, mang về nhà rồi thì để càng lâu càng thấy thơm, thấy quý.

Khi ngải đã ráo sẽ được luộc kĩ với nước vôi trong. Sau đem vắt kiệt, thái nhỏ bay, đổ lên chảo gang lớn xao khô. Thóc nếp để dành trên gác bếp từ mùa trước được xay xát trắng ngọc ngà đổ ra nia giữa sàn. Đám trẻ con xúm lại nhặt bỏ những hạt gạo đen mắt ruồi, những hạt xấu nát bỏ đi. Gạo để làm bánh dày phải là loại ngon, hạt to tròn, dẻo nhất mới cho ra được loại bánh ăn mềm và thơm nức mũi. Mỗi lần chọn gạo, xao lá ngải bà tôi thường nhắc “Khẩu nu tăm sì, dú lởn dú lì” đại ý là gạo nếp đem giã bánh dày, phải tròn, đẹp, thơm. Thế mới biết ông bà xưa kia kĩ tính, chỉn chu đến mức nào khi chế biến từng món ăn ngày tết hay nông nhàn.

Gạo nếp được nghiền thành bột trắng ngần, đem trộn kĩ với ngải đã xao khô thành một loại bột màu xanh mang mùi thơm rất đặc trưng. Giờ mới đến phần tốn sức nhất, ấy cũng là lúc cánh đàn ông trong nhà ra tay. Đó là công việc giã bột làm bánh. Có thể cho vào cối đá, hoặc vào bao tải trắng để giã nhuyễn. Để có được mẻ bánh ngon, nhuyễn bột thì người giã bột phải đều tay, bền sức, tỉ mỉ đến cả nửa ngày trời...

Tôi vẫn nhớ ngày còn bé. Khi quá nửa đêm về gần sáng ngày tết mùng ba, thì tiếng giã bánh dày vang lên ở khắp mọi nhà trong bản. Tiếng thình thịch giã bánh. Tiếng trở bột pộp pạp chậm rãi đều đều như người vỗ tay chập chờn trong giấc ngủ của lũ trẻ con thức giấc. Trong cơn ngái ngủ tôi thấy bóng bố tôi xoay vần quanh cối giã. Những tay chày vung lên dội xuống đều đều lẫn vào tiếng giã bánh nơi khác vọng lại xa gần. Chao ôi! Cái âm thanh ấy đã in vào trí nhớ tôi, để sau này mỗi lần mất ngủ. Tôi thèm được nghe tiếp pộp pạp ấy biết nhường nào. Mẹ tôi vẫn tỉ mẩn lật giở những thớ bột đang dần dần chuyển nhuyễn xanh bóng mướt. Ông tôi ngồi bàn hút thuốc, xúc ấm nước chè đổ xuống gầm sàn rột roạt chờ sáng. Mỗi người một việc mà chẳng cần ai nói gì, mọi thứ cứ như được tập dượt từ lâu, quen lắm, thuộc lòng lắm...

Khi bột đã nhuyễn thì trời cũng tảng sáng. Thứ bột dẻo được chia thành những chiếc bánh nhỏ để trên lá chuối. Bà tôi lúc này đã chuẩn bị làm nhân bánh, bằng vừng trắng, vừng đen, lạc rang, mật mía thắng cùng với nhau. Nhân bánh dày ngải cũng thật công phu, thật khéo mới thành. Khi chế biến xong, thứ nhân ấy phải tơi, màu nâu vàng, ánh mật đẹp mắt. Vị ngọt thanh của mật, bùi của lạc, thơm của vừng hòa quện lại tỏa ra khi bắc chảo xuống bếp ấy là thành công một nửa.

Bố tôi bảo làm được bánh dày ngải giống như giữ được gia đình. Muốn nên hình hài phải có bàn tay của cả đàn ông và đàn bà mới thành. Bố tôi nói thế cũng có lý do cả, bởi tới khi nhồi nhân bánh vào trong lớp bột đã vo viên mới là lúc thử thách bàn tay khéo léo, tài đảm đang của những người đàn bà. Tay phải mềm như lá rừng non, mát như nước suối mới làm được. Chứ tay đá cuội, tay dăm nghiến thì có hỏng bét mà thôi. Này nhé ! để cho được một thìa nhỏ nhân bánh nằm chính giữa gọn gàng, được bao bọc bởi một lớp thịt bột đủ độ, không dày quá, cũng không mỏng dẹt là cả một nghệ thuật. Nếu tay vụng sẽ hở nhân hoặc thịt bánh chỗ dày, chỗ mỏng...

banh-ngai-lang-son-09-1692275523-1707814827.jpg

Bánh được cho nhân, đóng viên rồi xếp lên nồi hấp chín. Ngày thường dậy muộn là thế nhưng ngày tết, mùi bánh thơm phả ra khe khẽ từ gian bếp kéo những đứa trẻ ngủ dính giường trở dậy. Tôi khó có thể quên được cái cảm giác nằm trong giường mà nghe tiếng xịt xì, lèo xèo hơi nước từ miệng chõ hấp bánh rỏ xuống bếp than hồng vang lên vào sớm tinh mơ lẫn trong tiếng gà gáy. Tiếng người chuẩn bị dao cuốc đi tảo mộ rì rầm đâu đó vọng lại, ngày tết tháng ba được đánh thức bằng những âm thanh đặc biệt và cũng bình dị như thế.

Ngày tết khách tới chơi nhà, ăn chiếc bánh dày khách cũng gật gù đoán được vận số của chủ nhà ra sao. Cầm được chiếc bánh xanh nhuyễn, vừa ngọt, thơm dẻo lại vừa vặn nhân với bột thì hẳn nhà ấy có người đàn ông mạnh khỏe, người đàn bà khéo léo thì ắt trong nhà luôn an vui, làm ăn suôn sẻ, phát tài.

Tết tháng ba nhà nào cũng có bánh dày ngải. Một phần bày lên ban thờ, phần đem ra tảo mộ mời ông bà tổ tiên đã khuất. Và luôn có một phần đặc biệt dành của mẹ dành cho con gái lấy chồng xa trở về. Người Nùng có tục những ngày tết trong năm, con gái lấy chồng xa hay gần cũng đều dẫn con trở về nhà mẹ đẻ. Ở gần thì ngủ một đêm, lấy chồng xa thì ngủ hai đêm, ba đêm mới trở về. Khi ấy các bà mẹ thường giấu vào trong nải con gái trở về nhà chồng hai chiếc đùi gà trống thiến, một con gà sống nhốt lồng làm “cáy tắc” cho cháu ngoại. Một vài doi bánh dày ngải gói trong lá chuối xanh.

Đã vài lần tôi bắt gặp mẹ tôi khóc khi ăn những chiếc bánh dày bà ngoại gói cho khi trở về nhà. Ngày ấy tôi chưa hiểu chuyện nhiều lắm. Nhưng cũng có thể nhận ra nó không đơn thuần là chiếc bánh. Mà là cả tình yêu thương, gửi gắm, nhắn nhủ của những người mẹ rộng dài như núi như sông với những đứa con. Dù chúng có lớn, có già đi chăng nữa, thì những đứa con luôn mãi cần những chiếc bánh của mẹ trong suốt cuộc đời.

Năm nay mưa xuân đến sớm. Tôi nằm nghe tiếng nước rọt rẹt chảy trên mái hiên mà lòng nhớ về quê, nhớ bánh dày ngải đến nhàu nhĩ trong lòng. Chợt có tiếng sấm xa, mà ngỡ như tiếp pộp pạp của người giã bánh hôm nào. Người ngủ mà cứ đợi chờ hơi thơm từ chõ bánh vẳng lên từ kí ức.

Thương nhớ quá! Pộp pạp Xì Ngài ơi!

Nguyễn Luân