"Ông khèn bè" Mường Vạt

Bút ký của Kiều Duy Khánh

Khèn bè là một trong những nhạc cụ độc đáo trong trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái Tây Bắc. Nói đến cây khèn bè là người ta nghĩ đến Mường Vạt, Yên Châu, nơi được coi là miền văn hóa Thái cổ Sơn La.

Mường Vạt là một ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái của Yên Châu xưa, nơi chập chùng những ngôi nhà sàn cổ thấp thoáng giữa mù sương với xoài thơm chuối ngọt. Đây cũng là vùng đất lưu truyền câu chuyện cổ tích về chiếc khèn bè. Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, chuyện “Sự tích khèn bè Mường Vạt” chính là câu chuyện về chiếc khèn bè ở Yên Châu. Người Thái Yên Châu coi khèn bè như một bảo vật gia truyền của ông bà tổ tiên để lại. Đến Yên Châu, lên chơi bất cứ một nhà người Thái nào cũng thấy một cây khèn bè treo trang trọng trên vách. Khèn bè như linh hồn của ngôi nhà sàn. Đám cưới người Thái ngày xưa, trong những điệu xòe, ngoài chiêng trống thì không thể thiếu tiếng khèn bè trầm bổng sóng đôi.

Người Thái Yên Châu nổi tiếng với lòng mến khách. Khi khách đến nhà, người ta sẽ đem khèn bè ra thổi một bài để chào đón và bày tỏ lòng mình. Khách là người khiến chủ nhà tin và quý như anh như em, như cha như mẹ thì chủ sẵn sàng tặng luôn khách cây khèn bè quý giá.

Ngày 8/5/1959, sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ lên thăm nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Bác đã dừng chân tại bản Khoóng, xã Chiềng An Nay là tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu) gặp gỡ và động viên bà con nhân dân nơi đây. Để thể hiện lòng kính yêu với bác, đồng bào Yên Châu đã kính tặng bác chiếc khèn bè. Bác rất xúc động trước món quà giản dị và quý giá này. Trước mặt mọi người, Bác đã đưa chiếc khèn lên thổi. Hình ảnh Bác Hồ thổi chiếc khèn bè thật gần gũi, thân mật đã khiến đồng bào Yên Châu vô cùng xúc động, thấy Bác như người Thái Châu Yên mình.

images-1702794931.jpg
Bác Hồ thổi khèn bè ở Yên Châu - Sơn La (Ảnh tư liệu)

“Con gái không biết làm mặc làm ngủ thì không lấy được chồng. Con trai không giỏi nói lời khèn thì không tìm được vợ”. Ngày trước người Thái còn có tục chọc sàn. Đôi trai gái đã thích nhau qua ánh mắt thì buổi tối chàng trai sẽ đến nhà cô gái dùng gậy chọc vào nơi cô gái nằm ngủ, gọi là Púc, tức là đánh thức cô gái dậy. Nhờ những dấu hiệu riêng, cô gái nhận ra người gọi mình chính là chàng trai mình ưng qua ánh mắt. Cô gái sẽ dậy mở cửa mời chàng trai lên bếp lửa hồng nói chuyện.

Nhưng người Thái Yên Châu ít khi chọc sàn mà chủ yếu gọi người yêu bằng tiếng khèn bè. Tiếng khèn bè thổi theo điệu báo sao(Điệu hát giao duyên trai gái) trong đêm trăng huyền ảo, bổng trầm da diết lời yêu.

Khi cô gái đã mở cửa mời chàng trai bước lên nhà, bên bếp lửa hồng, chàng trai cũng rất kiệm lời, chủ yếu nói với cô gái bằng tiếng khèn bè thủ thỉ. Cô gái cũng tỏ lòng mình bằng đôi má đỏ hồng như trái đào no nắng, bằng đôi mắt thẹn thùng mà có lửa. Lửa từ bếp cháy vào trong đôi mắt long lanh.

Cây khèn bè nhìn qua có vẻ đơn giản, nhưng để làm được khèn với âm thanh đúng ý, tiếng khèn nói được đúng lòng mình thì phải thật tinh tế, khéo léo, kỳ công và kiên trì, tỉ mẩn.

Cấu tạo của cây khèn bè gồm 14 ống nứa ghép làm 7 đôi, mỗi đôi có độ dài ngắn khác nhau như những thửa ruộng bậc thang. Riêng hai đôi dài nhất thì cắt bằng nhau. Mười bốn ống nứa mỗi ống đều phải làm một cửa thoát hơi hình chữ nhật kín đáo và khoan một lỗ bấm để khi thổi sẽ bấm theo điệu, theo lời bài hát. Mỗi ống nứa lại lắp một lưỡi thổi làm bằng bạc hoặc đồng được cán thật mỏng và bóng để khi thổi hơi vào bầu khèn những lưỡi thổi sẽ rung lên tạo ra những âm thanh theo ý người thổi, ngơ ngẩn lòng người nghe.

Xong công đoạn chế tác từng ống nứa thì dùng dây lạt giang buộc cố định bảy cặp ống thành một bè theo thứ tự từ cặp ngắn đến cặp dài rồi đến công đoạn làm bầu khèn. Bầu khèn được làm bằng một loại gỗ có tên tiếng Thái là mạy mụk vừa dẻo vừa mềm nhưng không xốp và không bị nứt vỡ giữa mưa nắng và thời gian. Bầu khèn được gọt như hình một trai rượu, dài độ gần một gang tay. Đoạn thon nhỏ như cổ chai dùng làm ống thổi. Khoét một đường vừa đủ lắp bè ống nứa tại vị chí phình to như thân chai. Bầu khèn lắp cách đáy bè ống nứa vừa một gang tay, tại vị trí lắp những lưỡi thổi. Lưỡi thổi trên những ống nứa của từng cặp hướng vào nhau và nằm giữa bầu thổi. Khoan một lỗ ở giữa đoạn gỗ thon hình cổ chai thông với bầu khèn, nơi đặt những lưỡi gà làm ông thổi, để khi thổi hơi sẽ đẩy vào bầu thổi làm rung lưỡi gà tạo ra âm thanh. Nơi tiếp giáp giữa bầu thổi và bè nứa lại dùng sáp ong nấu chảy miết thật kín để khi thổi hơi không bị lọt ra ngoài.

Sau khoảng ba ngày thì hoàn thành một cây khèn bè. Bây giờ mới là sự hồi hộp nhất của người nghệ nhân làm khèn. Dù đã làm ra không biết bao nhiêu cây khèn bè, dù đã biết âm thanh cây khèn sẽ phát ra như thế nào từ lúc kỳ cạch dũa, mài từng mảnh đồng, mảnh bạc làm lưỡi thổi, nhưng khi cầm cây khèn đặt ống thổi lên môi sao mà bồi hồi, sao mà run rẩy thế. Và khi tiếng khèn cất lên thì hồn người hòa vào với hồn khèn. Tiếng khèn trầm bổng, thủ thỉ loang vào nắng gió. Người nghe, người thổi như lạc vào xứ Thái xa xưa.

cu-lu-hong-sua-1702794992.jpg
Nghệ nhân Lừ Hồng Sưa (Ảnh Lừ Văn Thanh)

Ở Yên Châu hiện nay người biết làm khèn bè không ít, nhưng chủ yếu là những người làm khèn để kinh doanh, bán cho khách du lịch, khách qua đường. Những chiếc khèn khá đẹp, nhưng chỉ là cái đẹp hình thức, giống như khúc gỗ tạp được khắc tượng bằng máy rồi phun sơn bóng, sơn màu, sơn giả gỗ quý. Khèn dịch vụ thổi lên chỉ thấy một thứ âm thanh đều đều, trầm đục, nhạt nhẽo và vô cảm đến vô duyên.

Người biết làm chiếc khèn bè thể hiện được đúng ý người thổi, âm thanh nói được đúng lời bài hát khiến người nghe hiểu được ý khèn, ý lòng muốn nói bày hiện nay ở Yên Châu chỉ đếm được bằng những đôi ống nứa trên chiếc khèn bè.

Nghề làm khèn đòi hỏi nghệ thuật cao. Nó từ chối những người thiếu kiên nhẫn, nó khước từ người thô vụng vội vàng. Nhưng nó cũng vượt qua sức người, nó đứng cao hơn sự chăm chỉ cố gắng. Nó cần sự tinh tế. Nhưng tinh tế cũng chưa đủ. Người làm khèn cần phải có năng khiếu, phải biết nhập hồn mình vào với hồn khèn. Khi bắt đầu cầm con dao tiện ống nứa đầu tiên, phải để lòng mình trong veo như giọt sương trên cỏ sớm, và bắt đầu từ lúc ấy đến khi cây khèn hoàn thành, cất lên bài khèn thử âm trong sự hồi hộp run rẩy, người làm khèn phải để hồn mình nhập đồng, hóa thân vào những ống nứa.

Một trong rất ít người đạt đến độ tiên khèn như thế ở Yên Châu là ông Lừ Hồng Sưa ở bản Tủm, Chiềng Khoi, Yên Châu, Sơn La. Ông là người được mọi người ở Yên Châu gọi với danh hiệu: người giữ hồn cho khèn bè cổ.

Ông Lừ Hồng Sưa là hội viên hội liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La, hội viên chi hội VHNT huyện Yên Châu, chuyên nghành văn nghệ dân gian. Tôi may mắn cùng chi hội với ông, nên mỗi năm khi chi hội họp tổng kết đều được gặp ông, được nghe ông thổi khèn bè. Lần nào xuống họp, ông cũng mang theo cây khèn. Trước khi vào họp, ông thổi một bài, sau khi họp xong, ông lại thổi một bài. Lời khèn khiến những cuộc họp không còn căng thẳng, khiến những báo cáo dày đặc những con số trở nên mềm mại hơn. Lời khèn khiến không khí xa kiểu cách trang nghiêm, gần hơn với những lễ hội văn hóa. Rồi ông kể về sự tích chiếc khèn bè Mường Vạt xưa. Chuyện rằng:

Ngày xửa ngày xưa ở Mường Vạt, Châu Yên có đôi vợ chồng trẻ lấy nhau đã mười năm mà không có con. Rồi anh chồng mắc bệnh hủi. Tạo bản biết được bèn đuổi anh ra khỏi bản. Anh chồng phải vào tận cánh rừng sâu chỉ có dấu chân con hổ con nai dựng lều ở. Người vợ nhớ thương chồng bỏ vào rừng tìm nhưng đi hết mùa ban này đến mùa ban khác không thấy chồng đâu. Đi mãi rồi chị lạc luôn trong rừng sâu không tìm được lối ra.

Người chồng sống giữa rừng một mình thì buồn và nhớ vợ lắm, chỉ biết than thân trách phận. Một lần, anh vào rừng gặp một bụi nứa nhỏ, bèn chặt một cây đem về, khoét một cái lỗ trên ống nứa, lại vót một đoạn cật nứa mỏng cài vào cái lỗ rồi đem thổi thử, thấy âm thanh phát ra vui tai, chim muông bay đến hàng đàn để nghe tiếng sáo. Thấy vậy anh bèn vào rừng chặt mười bốn ống nứa ghép thành bảy đôi bằng nhau rồi lắp vào một ống gỗ rỗng. Khi thổi vào ống gỗ, hơi đi vào những ống nứa tạo thành một dàn âm thanh như nhiều người cùng thổi một lúc. Lúc đầu nghe còn thích, nhưng âm thanh giống nhau lại đều đều như nhau nghe lâu hóa chán. Chim muông cũng dần bỏ đi hết. Anh chàng bực mình lấy dao chém vát chéo một đầu cây khèn thành những ống dài ngắn khác nhau rồi quăng vào bụi cây. Buổi tối một mình buồn quá, anh lại nhặt cái khèn thổi thử, thì lạ thay tiếng khèn ngân lên thành những âm điệu trầm bổng điệp trùng khác nhau. Nhờ tiếng khèn mà anh tìm được vợ đang lạc ngoài rừng. Tiếng khèn khiến quan tạo bản cũng mê say và quên đi cái gian cái ác. Anh được quan cho về bản, vợ chồng lại sum họp như xưa. Bệnh hủi trên người anh cũng khỏi từ khi nào. Rồi vợ chồng anh sinh được mười bốn đứa con, đúng bằng mười bốn ống nứa trên chiếc khèn bè.

Về già, anh truyền cho con cái rồi truyền cho bà con trong bản cách làm cái khèn bè. Đến nay, người Thái Yên Châu vẫn giữ nguyên được cái hình dáng và bản sắc của cây khèn bè trong chuyện cổ tích xa xưa. Tiếng khèn bè không chỉ là nét văn hóa độc đáo mà nó còn thể hiện sự sinh sôi, con đàn cháu đống.

Lần nào về họp ông Sưa cũng thổi bài khèn và kể lại câu chuyện cổ tích ấy, mà lần nào nghe cũng thấy hấp dẫn, thấy hồi hộp, thấy bâng khuâng. Không biết âm điệu của khèn bè và câu chuyện cổ tích ám ảnh, mê dụ tôi từ khi nào. Để rồi mỗi lần ra ngoài huyện họp tổng kết chi hội, tôi đều đợi chờ và khắc khoải đợi ông, một con người bình dị với dáng người cao mảnh, mái tóc trắng như mây bước từ ngoài về phía hội trường, bên hông đeo lúc lắc một cây khèn bè.

Nhưng hai năm nay ông xin miễn họp chi hội với lý do đã có tuổi, với lại từ bản Tủm, Chiềng Khoi xuống huyện cũng khá xa. Các con ông không cho ông đi xe máy, mà nhờ con đưa đi thì ngại, vì con cái đều bận. Vậy là hai năm chi hội VHNT chúng tôi không còn được nghe tiếng khèn bè ấm áp và câu chuyện cổ tích hấp dẫn từ lời kể nhẩn nha trầm ấm của ông.

Và hôm nay, tôi quyết tìm lên thăm ông, để gặp lại tiếng khèn bè và câu chuyện cổ tích xưa đã trở thành nỗi nhớ.

Tại ngã tư thị trấn Yên Châu rẽ trái (hướng Hà Nội-Sơn La), cứ theo con đường lớn mà đi, khoảng 5 ki-lô-mét thì hết con dốc dài, cũng vừa chạm vào đầu bản Tủm, Chiềng Khoi, bản ông Sưa ở. Nhà ông giữa bản, cách con đường liên xã không xa. Khi tôi hỏi thăm đường vào nhà ông thì người phụ nữ gần đó bảo:

- Tìm gặp ải Sưa khèn bè à. Vợ chồng ải Sưa vào ở cái nhà trong ao từ lâu rồi, nhà này cho con trai ở thôi. Từ đây vào xa đấy, nhưng nếu bụng muốn đi thì đường cũng không xa lắm đâu.

Theo chỉ dẫn, tôi tiếp tục lên đường. Đúng như cảnh báo của người phụ nữ, đường đến nhà ông Sưa vừa xa vừa khó đi. Từ con đường liên bản, rẽ vào đường dân sinh đổ bê tông. Đi hết con đường bê tông gặp con đường mòn đất đỏ, hai bên chỉ toàn rừng là rừng, thi thoảng mới gặp một căn lều nhỏ ven đường, nhưng lều im ỉm đóng, chẳng gặp ai để hỏi thăm. Đi qua cánh rừng ma của bản chợt gặp một cụ bà gùi củi đi ngược chiều. Mừng quá, vội dừng lại hỏi thăm. Theo chỉ dẫn của cụ, cứ đi, bao giờ gặp hai cái lều gần đường thì rẽ xuống con đường nhỏ, đi qua hai cái ao rộng thì đến nhà ông khèn bè.

Bây giờ mới là thử thách cam go nhất. Con đường vào nhà ông Sưa xứng đáng cho người thích cảm giác mạnh. Gọi là đường nhưng thực ra là đi trên bờ ao. Bờ ao bé như bờ ruộng bậc thang, chỉ cần mất tập trung một chút là cả người lẫn xe lao xuống ao. Tôi vừa ga cho xe nhích thật chậm vừa bơi chân lên hai bờ cỏ để giữ thăng bằng. Qua được hai cái ao rộng và trong xanh như hồ thì thấy ngôi nhà sàn nhỏ nép mình dưới những cây xoài cổ thụ. Vội phóng xe lên.

Dưới gốc xoài gần chân cầu thang, một cụ già tóc trắng như mây đang kỳ cạch đẽo đẽo gọt gọt, bên cạnh là ngổn ngang những cây nứa bằng ngón tay trỏ đã ngả màu vàng óng như màu rơm đủ nắng. Đó chính là ông Lừ Hồng Sưa.

Hai năm không gặp nhưng nhìn ông vẫn khỏe mạnh và hồng hào. Khi tôi vừa bỏ mũ bảo hiểm và khẩu trang ra chào ông, ông nhận ra tôi ngay. Ông vội buông dao đứng dậy bắt tay tôi. Cái bắt tay chắc nịch và dứt khoát trong sự hồ hởi và nhiệt thành. Ông dẫn tôi lên nhà. Căn nhà sàn làm theo kiểu cổ cao thoáng và mát mẻ. Những cột gỗ đen bóng như gỗ mun được phun lên một lớp dầu.

Tôi hỏi ông:

“Ngoài bản ông có ngôi nhà to ngay gần chợ thế sao ông bà không ở mà lại vào tận trong này, vừa đi lại khó khăn, rồi còn mua thực phẩm dùng hàng ngày ở đâu ạ?”

Ông Sưa cười rổn rảng:

“Gạo thì con trai, con dâu đem vào cho, còn thức ăn thì tự nuôi trồng lấy. Gà thả ngoài đồi, cá dưới ao, rau trồng ở vườn, rau lấy trên rừng, mùa nào cũng có. Muốn ăn thịt lợn thì mấy nhà rủ nhau thịt chung một con lợn còi. Cháu đến ban ngày thì thấy vắng thôi, chứ buổi tối mọi người đi làm về, đông vui lắm. Quanh đây có hơn chục nhà, cũng toàn là người già trong bản ra ở như tôi thôi. Buổi tối mọi người lại đến nhà nhau thổi khèn bè, nhảy xòe rồi uống rượu, hôm nào cũng phải đến nửa đêm đấy”

Ngừng một lát, ông tiếp:

“Tục người Thái ở đây là thế. Phải có hai cái nhà. Một nhà trong bản để tiện cho con cái đi học, mình đi làm lúc trẻ. Một nhà ở trong nương, trong ao. Lúc về già thì cho con nhà ở bản, vợ chồng già ra ở nhà ngoài nương, ngoài ao. Vừa không ồn ào lại giúp con cái giữ đất giữ nương, nuôi gà, chăm cá. Căn nhà này tôi dựng năm 1964, lúc ấy vừa đi bộ đội về và lấy vợ. Vợ chồng tôi tự khai phá đất rừng làm nhà, làm nương và đào ao. Khi các con lớn, chúng tôi mua đất dựng nhà ngoài bản để tiện cho các con đi học. Giờ con lớn, mình già, hai vợ chồng lại về đây ở như thời mới lấy nhau”

Tôi nhìn quanh ngôi nhà. Dọc hai bên vách thưng gỗ treo kín huy chương kháng chiến, bằng khen, giấy khen…Ánh mắt tôi dừng lại nơi cây khèn bè đã lên màu nâu bóng. Cây khèn bè được treo trang trọng ngay cửa chính ra vào. Như hiểu ý tôi, ông đi đến lấy cây khèn và bắt đầu thổi. Tiếng khèn ngân lên, âm điệu lúc rộn ràng khi lắng sâu, lúc như tiếng mưa rơi xuống mặt hồ, lúc nghe như tiếng gió rừng khuya thở dài qua tán lá.

Kết thúc bài khèn, ông không kể câu chuyện cổ tích về cây khèn bè Mường Vạt như mọi lần, mà kể cho tôi nghe về cơ duyên ông đến với cây khèn.

Ấy là khi chàng trai Lừ Hồng Sưa độ mười sáu, mười bảy tuổi. Cái tuổi một mình vác nỏ vào rừng săn lợn lòi mà không sợ, đuổi theo dấu chân con hoẵng con nai qua mấy cánh rừng mà không mỏi chân, bơi qua cái hồ Chiềng Khoi rộng bằng hai lần bắn tên mà không thấy mệt. Cái tuổi mong trời nhanh tối để cùng các bạn tìm đến nhà ai có con gái đẹp, đứng dưới chân cầu thang thổi khèn hết đêm.

Nhưng ở Chiềng Khoi ngày đó không có ai biết làm khèn bè. Muốn mua một cây khèn phải lên tận bản Thèn Luông trên Chiềng Đông mơi có. Trong nhóm bạn bè cũng chỉ có vài người có khèn. Muốn nói lòng mình với người con gái thầm thương trộm nhớ thì phải đi mượn khèn của bạn. Nhưng chẳng ai cho mượn đêm này qua đêm khác. Thế là chàng trai Lừ Hồng Sưa quyết tâm dành dụm tiền tìm mua bằng được cây khèn. Đường từ bản Tủm lên bản Thèn Luông, Chiềng Đông đi bộ hết buổi sáng mới tới nơi. Lại cuốc bộ tới nhọ mặt mới đến nhà. Chàng trai Sưa quý cây khèn như báu vật. Đi nương thì thôi chứ về đến nhà là lấy khèn ra ngắm, thổi. Đêm đêm lại cùng các bạn đi hết bản trên xuống bản dưới tìm đến nhà có con gái thổi bài “báo sao”

Nhưng rồi cây khèn bỗng dưng đổ bệnh. Âm thanh không còn sóng đôi tròn đều nữa. Một nốt sáo đôi cứ phực phừ như nghẹn, như tắc. Chẳng biết nó bị hỏng chỗ nào. Sưa lại lóc cóc đi bộ tìm đến người bán khèn để sửa. Người thợ vừa thổi một tiếng đã biết khèn hỏng ở đâu. Cạo hết lớp sáp ong ở hai đầu bầu khèn, tháo bè khèn ra, thay hai lưỡi sáo bằng đồng ở cặp ống bị hỏng, cây khèn lại trầm bổng như xưa.

Trong lúc người thợ sửa khèn, Sưa giả như lơ đãng không bận tâm, nhưng thực ra anh đã để ý từ cách tháo lắp, cách gò, mài chế tác lưỡi sáo, cách đặt lưỡi sáo, cách thử và chỉnh âm. Từng công đoạn anh đã ghi nhớ trong đầu.

Đem cây khèn về được vài tháng, bạn bè mượn nhiều, cây khèn lại vỡ âm, sai nhịp. Nhớ đến những thao tác của người thợ khèn. Sưa quyết định tháo khèn ra tự sửa. Nhìn người thợ làm thì thấy dễ, nhưng khi tự tay sửa mới khó khăn làm sao. Lưỡi sáo đồng Sưa làm đi làm lại, lúc thì dày quá, khi lại mỏng quá. Lưỡi dày thì âm đục và nặng, không bay lên được. Lưỡi mỏng thì âm sắc, lạnh và nhọn, nghe ghê cả quai hàm. Phải hì hục tháo ra lắp vào mất mấy ngày cuối cùng anh đã khiến cây khèn trở lại âm sắc ban đầu.

Làm khèn bè công đoạn khó nhất là chế tác lưỡi sáo. Mình đã làm được lưỡi sáo, sao không thử làm một cây khèn. Một ý nghĩ táo bạo chợt nảy ra trong đầu Sưa. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì đúng đợt tuyển quân. Thế là xung phong lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều chuyển về đồn biên phòng Pa Háng (Mộc Châu). Khi còn ở nhà, Sưa chưa một lần được đến trường, một chữ cắn đôi không biết. Ngày đó không chỉ mình Sưa mà gần như cả bản không ai biết chữ. Ở đồn biên phòng, anh được học mỗi tuần một buổi. Sưa say cái chữ như say tiếng khèn bè. Sau năm năm trong quân ngũ, anh đã đọc thông viết thạo.

Xuất ngũ về bản, cán bộ xã thấy anh biết nhiều chữ bèn mời anh làm thầy giáo dạy chữ cho bà con dân bản. Từ đó anh vừa dạy chữ cho bà con, vừa miệt mài học thêm để nâng cao kiến thức và vẫn giữ niềm đam mê với tiếng khèn bè. Nhưng ý định làm cây khèn bè ấp ủ từ thời trẻ vẫn chưa thực hiện được.

Đến năm 1987, sau 23 năm dạy chữ cho bà con thì ông Lừ Hồng Sưa xin nghỉ để trở về với mảnh nương thửa ruộng và ngôi nhà sàn. Con cái đã thành đạt cả, không phải bận tâm lo lắng chuyện gì, lại có nhiều thời gian nên ông bắt tay vào thực hiện ý định làm khèn bè đã ấp ủ từ thời trai trẻ. Ông đeo dao vào rừng, tìm lên những núi đá cao, nơi những cây nứa mọc chen chúc giữa vách đá thành từng bụi. Chọn những cây vừa bằng ngón tay, không già quá cũng không non quá, chặt về một bó đem phơi nắng đủ mười ngày. Khi thấy ống nứa vàng như màu nắng non thì ông bắt tay vào làm cây khèn đầu tiên. Trước khi làm, ông tháo cây khèn cũ đã theo ông mấy chục năm, tỉ mẩn xem từ cách làm bầu khèn, độ dài từng đôi ống nứa, kích thước, khoảng cách những lỗ bấm hơi, cửa thoát hơi rồi kích thước, độ dày mỏng của từng lưỡi sáo.

Sau một tuần mày mò kỳ cạch, cuối cùng cây khèn đầu tay cũng ra đời. Khi tiếng khèn đầu tiên vang lên, ông Sưa đã reo ầm lên vì vui, vì bất ngờ và xúc động. Cũng từ đó, ông chuyên tâm vào việc chế tác khèn bè. Ban đầu ông làm theo mẫu khèn mua ở Chiềng Đông ngày trước, nhưng rồi thấy mẫu khèn đó chưa đạt đến độ tinh xảo, âm thanh không thể hiện được hết, được đúng lời của những bài hát khó, những bài có nhạc điệu luyến láy, âm vực dẻo cong. Nhịp sóng đôi của những cặp khèn nhiều khi bị lệch khi lên nốt cao, không thể hiện được cái hùng vĩ trùng điệp và bí hiểm của núi rừng. Thế là ông mày mò tìm cách khắc phục dần những nhược điểm ấy. Dưới bàn tay khéo léo của ông, cây khèn làm ra ngày một tinh tế hơn về âm sắc, đẹp gọn hơn về hình thức.

Tiếng đồn về cây khèn của ông Sưa ngày một bay xa. Người từ trong huyện rồi người từ các huyện khác, thậm chí người ở nhưng tỉnh xa cũng tìm đến đặt mua. Khèn ông làm ra không kịp bán.

Đến nay, sau hơn ba mươi năm gắn bó với nghề khèn, ông Sưa đã làm được hơn 1600 cây khèn bè. Năm 2009, ông được Viện âm nhạc Việt Nam tặng giấy khen vì đã có đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn âm nhạc dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đen ở Yên Châu, Sơn La. Đặc biệt năm 2011, ông được chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Ở tuổi 87, mái tóc đã bạc trắng nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, hồng hào. Hàng ngày ông vẫn cần mẫn chế tác khèn. Vẫn tự tay mài dũa từng chiếc lưỡi sáo mỏng như lá mạ, tự tay nung dùi sắt để khoan những lỗ bấm chỉ bé như cái tăm lên ống nứa một cách chính xác mà không cần phải đeo kính. Ông bảo chục năm nay ông không trực tiếp vào rừng chặt nứa về làm khèn nữa, phần vì tuổi tác, phần vì cây nứa làm sáo mọc tận núi đá cao, các con không yên tâm nên không để ông vào rừng. Giờ ông phải đặt mua của những thanh niên trong bản. Mua thì cây nứa không được như ý mình. Có khi cả bó nứa chỉ chọn làm được một cây khèn. Tiền bán khèn không bằng tiền mua nứa. Nhưng vì đam mê, vì muốn nhiều người biết đến cây khèn bè, một nhạc cụ độc đáo của Yên Châu nên ông vẫn cứ cặm cụi làm mà chẳng nghĩ thiệt hơn.

Tôi mân mê ngắm nghía mấy cây khèn ông Sưa mới làm. Thấy trên bầu khèn, cái ông ghi “lưỡi bạc”, cái ghi “lưỡi đồng”. Tôi ngạc nhiên thắc mắc với ông. Ông bảo: “Những cái khèn này khách xa đặt mua cả rồi. Tùy theo ý khách mà làm khèn bằng lưỡi bạc hay lưỡi đồng. Lưỡi bạc thì phải cắt từ đồng bạc trắng hoa xòe ngày xưa, lưỡi đồng cũng phải lấy đồng từ cái chiêng cổ tán mỏng âm thanh mới vang, mới chuẩn. Lưỡi bạc hay lưỡi đồng nếu nghe qua âm cũng giống nhau thôi. Người nào thật tinh và biết đọc lời khèn mới phát hiện khèn làm lưỡi bạc âm sâu lắng, tình cảm, khèn làm từ lưỡi đồng âm nhộn nhịp vui tươi. Vì thế người đặt khèn làm lưỡi bạc thường là thanh niên chưa có vợ, mua về để hát gọi người yêu. Còn khèn lưỡi đồng thường thổi trong lễ hội, những đêm xòe”

Trong các con ông Sưa, chỉ có anh Lừ Văn Thanh, hiện là cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Yên Châu là theo nghề chế tác khèn bè của bố. Ông kể: Từ Khi anh Thanh còn chưa đi làm cán bộ đã theo ông học làm khèn. Nhưng anh Thanh còn trẻ, tính không kiên nhẫn, nhà ông ngày đó lại mới mua được cái xe máy SimSon, nên anh Thanh cứ học được một lúc là lại lấy xe máy phóng đi chơi. Một lần ông khóa xe máy, không cho anh Thanh tiền mua xăng rồi bắt anh ngồi nhà học làm khèn. Ông dạy cho đúng mười tám ngày thì anh Thanh làm được cái khèn bè chuẩn âm khiến ông ưng ý. Bây giờ, ngoài công việc chuyên môn ở phòng văn hóa, những ngày nghỉ anh Thanh lại cùng bố làm khèn bè để kịp giao cho khách đặt. Ông bảo, sau này khi về mường trời với ông bà tổ tiên, ông yên tâm vì đã có người nối cái nghề của mình, yên tâm vì tiếng khèn bè Mường Vạt xưa vẫn mãi ngân vang giữa hồ Chiềng Khoi xanh thẳm…


[1] Ải: Bố, tiếng Thái

Bút ký của Kiều Duy Khánh