Những trải nghiệm thú vị từ Bảo tàng Văn học Việt Nam

V.N
Nếu đã là một người yêu văn chương, đọc nhiều tác phẩm văn học từ cổ chí kim mà chưa một lần đặt chân đến Bảo tàng Văn học Việt Nam, thì quả thật, bạn đã chưa đi tới tận cùng của tình yêu đó. Bởi, đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam, không chỉ là đến với những tác phẩm làm tên tuổi của những tác giả nổi tiếng, mà nơi đây còn mang bạn về quá khứ với những mô hình, hiện vật xưa cổ liên quan đến nền văn học Việt Nam. 
truong-dai-hoc-cuu-long-2-1705626367.jpg

Bảo tàng Văn học Việt Nam được thành lập ngày 8 tháng 11 năm 2011. Trải qua quá trình sưu tầm và trưng bày đến ngày 26 tháng 6 năm 2015 Bảo tàng Văn học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Bảo tàng được xây dựng tại địa chỉ 275 Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội 6,2 km về phía Bắc. Mảnh đất này vào những năm 60-70 của thế kỷ trước là Trường Viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam. Nơi đây đã lưu lại nhiều kỉ niệm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.
Là một trong số rất ít các Bảo tàng về văn học trong khu vực cũng như trên thế giới, Bảo tàng Văn học Việt Nam là nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục về nền văn học của dân tộc.
Được biết tới có một bảo tàng Văn học, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật có giá trị liên quan tới nền Văn học Việt Nam, cùng với niềm đam mê bất tận với Văn học, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Nguyệt và các bác trong ban phụ huynh đã tổ chức cho tập thể lớp 8A5, trường THCS Thành Công một buổi tham quan trải nghiệm vô cùng lý thú tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Ngay tại không gian sảnh trung tâm của bảo tàng, khách tham quan được gặp và lắng nghe những chia sẻ đầy thú vị và mới lạ của cô hướng dẫn viên về biểu tượng giàu ý nghĩa của bảo tàng – hòn đá thiêng hình ngòi bút đặt trên chiếc trống đồng. Hai hình ảnh biểu tượng ấy đã thể hiện một thông điệp vô cùng sâu sắc: Văn học Việt Nam phải khởi nguồn từ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Không chỉ vậy, hướng dẫn viên còn giới thiệu quá trình hình thành ba loại chữ viết trong lịch sử của đất nước đó là chữ Hán, chữ Nôm, và chữ Quốc ngữ được minh họa ngay từ một câu thơ trích trong tác phẩm Truyện Kiều: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Chủ nhiệm lớp 8A5 trường THCS Thành Công chia sẻ: “Thực sự tôi rất vui khi đưa học sinh đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam. Buổi học tập hôm nay rất ý nghĩa và các con cũng rất phấn khởi, tiếp thu được nhiều kiến thức. Không chỉ học tập ở trường mà đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam các con cũng đang được học, được nghe, được nói, được nhìn thấy những hiện vật điều này khiến các con rất hào hứng. Tôi tin rằng qua buổi trải nghiệm hôm nay việc học của các con sau này sẽ tốt hơn rất nhiều, nhất là môn Văn và Lịch sử.
Trong buổi tham quan, học sinh được trải nghiệm ba tầng của bảo tàng với các không gian đặc biệt. Tầng 1 là khu Văn học thời kỳ cổ và trung đại với các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… ; tầng 2 là khu trưng bày các tư liệu và hiện vật về các tác giả của nền Văn học từ đầu thế kỉ XX như Tô Hoài, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ,…
Ngoài ra, học sinh còn được xem một bộ phim hoạt hình ngắn ngay tại rạp của bảo tàng, bộ phim viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự tích Hồ Gươm vô cùng thú vị, giúp học sinh hiểu thêm về những tác giả lớn trong nền Văn học Việt Nam, cùng những cả giai thoại, câu chuyện đằng sau những kiệt tác bất hủ, để rồi được hòa mình vào dòng chảy lịch sử của nền Văn học nước nhà. Từ đó, cảm thấy càng thêm yêu, thêm tự hào vì là người con của một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa.
Bà Trần Thị Phương Thảo – Phụ huynh lớp 8A5 trường THCS Thành Công cho biết: “Hôm nay thật vinh dự được cùng cô giáo và các con học sinh lớp 8A5 đến tham quan, học tập tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Cá nhân tôi đã đến đây và rất thích không gian tại bảo tàng. Qua cảm nhận và quan sát thì thấy các con rất hứng thú với những giờ trải nghiệm tại đây. Những hiện vật trưng bày, những minh hoạ cùng lời hướng dẫn của cô thuyết minh đã giúp các con hiểu kỹ hơn, thực tế hơn, dễ nhớ hơn. Bản thân tôi cũng tự hào rằng nước mình có một nền Văn học lâu đời như thế. Những kiến thức hôm nay được cán bộ bảo tàng cung cấp đã giúp các con hiểu biết nhiều hơn về Văn học. Điều này rất ý nghĩa bởi Văn học chính là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn cho các con giúp các con tu dưỡng về mặt đạo đức và tâm hồn được rộng mở hơn.”
Được biết, Hội đồng giáo dục và Ban Phụ huynh Trường THCS Thành Công thường xuyên tổ chức cho các lớp đi trải nghiệm thực tế, tham quan rất nhiều bảo tàng của Hà Nội, đặc biệt là Bảo tàng Văn học Việt Nam. Để từ đó, luôn cố gắng duy trì và phát huy tinh thần yêu văn chương, rèn luyện về văn hoá, tu dưỡng đạo đức nhằm nâng cao vốn hiểu biết, vốn sống cho các em học sinh, sau này tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng và làm giàu nền Văn học Việt Nam.
Được biết, ngoài hình thức thăm quan truyền thống, Bảo tàng Văn học Việt Nam đã mở tour du lịch Văn học độc đáo, trải nghiệm sự đặc sắc của văn học Việt Nam qua các thời kỳ Văn học Cổ - Trung đại đến nay thông qua một hình thức trải nghiệm nhẹ nhàng, giải trí, khám phá, cuốn hút trong một không gian đầy cảm xúc mà du khách dành cho tác giả, câu chuyện, nhân vật mà mình yêu thích. Đó là tour đêm "Du lịch văn học chữ “Tâm” và chữ “Tài”.

V.N