“Như chưa hề có cuộc chia ly”: 16 năm gắn kết gia đình, 2.600 câu chuyện hạnh phúc

Lên sóng lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 2007 trên kênh VTV1 và được truyền hình trực tiếp mỗi tháng, "Như chưa hề có cuộc chia ly" (hay còn gọi Hãy lên tiếng), là một dự án hoạt động thiện nguyện cao đẹp, mang sứ mệnh hàn gắn những gia đình ly tán. Và “Như chưa hề có cuộc chia ly” thực sự cần đến sự kết nối mạnh mẽ trong cộng đồng rộng lớn.

Tôi còn nhớ, buổi sớm hôm đó khi nghe cuộc điện thoại của cô bạn thân từ Hà Nội, người luôn dành tâm huyết tổ chức, kết nối cộng đồng trong các hoạt động ngoại giao, văn hóa phi lợi nhuận. Lòng tôi háo hức lắm, vì biết lại sắp được trao “nhiệm vụ”: “Nàng ơi, bọn mình sẽ cùng tham gia một số hoạt động và đêm nhạc Con hẻm xíu xiu để gây quỹ từ thiện hỗ trợ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly”. Tôi chưa kịp cất lời thì đầu dây bên kia cô bạn lại âm trầm nói: “Mình sẽ đại diện cho hai hoạ sỹ Đặng Anh Việt ở Hà Nội và hoạ sỹ Nguyễn Phi Khanh đang sống tại Đức tặng 3 bức tranh cho chương trình nàng nhé”. Vậy là chúng tôi lên kế hoạch cho việc đóng góp một phần nhỏ nhoi vào hoạt động đầy nhân văn này, tìm hiểu nhiều hơn câu chuyện trở về của những số phận không may bị ly tán người thân, gia đình.

Vì chương trình không còn phát sóng định kỳ trên VTV đã lâu, nên thói quen đón đợi mỗi số của người xem dần bị lãng quên. Chắc nhiều người cũng đã bỏ lỡ, không được chứng kiến câu chuyện về một người mẹ già 86 tuổi, sau 45 năm may mắn lại được ôm con mình vào lòng…

z4970687131203-479e49c621353a7c5ce1709931e9dff7-1702474907.jpg
Cụ Liên 86 tuổi, sau 45 năm mới lại được ôm người con trai bị thất lạc vào lòng

Đôi mắt nhoè đi, ông Dương chậm rãi kể lại: “Vào năm 1978 hay 1979, khi ấy tôi mới 5-6 tuổi nên không nhớ chính xác, tôi đã bị lạc mất mẹ. Tôi được đưa đến một cô nhi viện tại Đồng Nai và ở đó cho đến năm16 tuổi. Đến một ngày, tôi cùng bạn bè quyết định trốn ra ngoài sinh sống. Trong ký ức tôi chỉ nhớ rõ tên các thành viên trong gia đình của mình, bao gồm ba Khanh, mẹ Đào, chị Sương, em Diệu và em Cu Đực. Nhưng địa danh quê ngoại ở Nha Trang, lại là sự nhầm lẫn tai hại đã khiến tôi bị thất lạc gia đình suốt hơn 45 năm. Nhà ngoại tôi ở La Gi, Bình Thuận, chứ không phải Nha Trang…

Cụ Liên, tay vuốt ve mái tóc điểm bạc của người con trai, nay đã 50 tuổi và hỏi trong nước mắt: Con có nhớ má không con.”

Hay câu chuyện của chị Nguyễn Thị Vân với lời xin lỗi ngập tràn nước mắt trong thời khắc đoàn tụ gặp lại cha mẹ, bà nội, bà ngoại. Chị Vân ôm chặt mẹ và không ngừng xin lỗi mọi người vì sai lầm thời nhỏ dại của mình. Chị kể rằng, hôm đó bà nói chị mang bột đến chỗ xay để về bà làm bánh canh và bánh bèo, chẳng may lỡ tay làm đổ xô bột, sợ bị đánh đòn nên chị đã đi lang thang không dám về nhà. Chị đi mãi, đi mãi, đến khi ngơ ngác nhìn lại thì không còn nhận ra đường về nhà. Chị lần theo đường ray tàu mà đi, cho đến tối mịt thì vào tới ga. Bóng đêm bao trùm, cô bé nhỏ thó năm ấy co quắp ngủ lại ở hành lang cửa ga, trong lòng đầy sợ hãi. Đến gần sáng chị bị đánh thức bởi tiếng tàu hú còi, chuẩn bị lăn bánh. Chị lại ngây ngô vội trèo lên toa hàng, cứ thế mà đi. Cho tới khi tàu dừng, xuống ga ngơ ngác hỏi người qua lại, chị mới biết là chuyến tàu đã đưa chị đi từ ga Đà Nẵng đến ga Quy Nhơn. Bụng đói réo cồn cào, chị phải xin ăn, chờ tới tối lại trèo lên đúng con tàu đó để trở ra.

Về tới ga chị không biết đi hướng nào vì chẳng nhớ đường về nhà.

Cô bé 8 tuổi năm ấy đã thực sự lạc mất gia đình.

Không có cha mẹ người thân bên cạnh, chị Vân đã sống suốt 15 ngày bơ vơ trên tàu, và may mắn được các nhân viên của tàu cưu mang. Mỗi ngày, cô bé ấy đều mong ngóng tìm thấy gia đình nhưng đáp lại chỉ là những giấc mơ hoảng loạn, với tiếng gọi cha mẹ giữa đêm khuya.

Rồi sau đó, chị phải lang thang xin làm thuê kiếm sống. Đến một ngày định mệnh, chị may mắn gặp được một người phụ nữ tốt bụng và nhận chị làm con nuôi. Càng lớn tuổi, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân càng da diết. Chị đã nhiều lần đi tìm gia đình trong ký ức mong manh nhưng đều vô vọng. Và chị Vân đã viết thư cầu cứu “Hãy lên tiếng”. Lại một lần nữa với sứ mệnh của mình, “Như chưa hề có cuộc chia ly” bắt đầu từ câu chuyện về đường ray, ngôi nhà nhỏ không có điện, nước, một cái giếng cả xóm dùng chung mà chị Vân kể. Ê kíp đã tìm về nơi ở của bà nội chị, tổ 23 Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng nhưng gia đình chị không còn sống ở đó.

Tiếp tục với ký ức về những ngày chị sống ở miền Tây, ê kíp lại tìm đến thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, phía đông của thành phố Long Xuyên. Nhưng họ cũng đã rời đi. Tới thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước mới là địa chỉ cuối cùng, nơi ba mẹ và các anh em của chị chuyển tới mưu sinh vào năm 1999, sau khi chị mất tích 7 năm.

Hôm ấy chị được trở về trong vòng tay bà nội, bà ngoại, ba mẹ và anh chị em. Ôm thật chặt bà nội chị nức nở: “Con tìm nội bao nhiêu năm nay. Cảm ơn nội vì nội vẫn chờ con!”. Chị lại quay qua ôm ba mình hỏi trong nghẹn ngào: “Ba có nhớ con không ba?”. Rồi chậm rãi quay sang anh mình, đôi mắt chị vẫn nhoè đi: “Anh hai ơi, ký ức của em về anh nhiều lắm. Cảm ơn ông trời cho em còn nội, còn ngoại. Thấy người ta có anh chị, có em, trong lòng em buồn tủi lắm”.

Vậy là cả nhà ai cũng mừng cho chị Vân vì may mắn có người chồng tốt, có gia đình chồng yêu thương. Mỗi ánh mắt, nụ cười, mỗi cái ôm và những giọt nước lấp lánh trên khoé mắt của họ đều ngập tràn trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Ngày trở về của chị Vân, ông Dương là thế, mộc mạc thôi nhưng đầy nhân nghĩa. Như một phép màu nhiệm, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã không ngừng nỗ lực mang những tâm hồn cô đơn ấy trở về bên người thân, bên gia đình.

Thật kỳ diệu!

z4970686866212-91620365c176108ebf47f515eac428c7-1702474912.jpg
Chị Nguyễn Thị Vân trong vòng tay mẹ và gia đình ngày đoàn tụ

Như một lời biết ơn, tôi xin nhắc đến người được “chọn” thực hiện sứ mệnh này - Nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, chị không chỉ là người sáng lập, chủ trì, là người dẫn chính, mà chị còn trực tiếp tham gia vào công cuộc tìm kiếm thân nhân. Tính đến tháng 8 năm 2023, chị và ê kíp đã bền bỉ vượt qua biết bao thách thức, kết nối thành công hơn 1.800 gia đình và 2.600 con người, tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ, sự cảm phục sâu sắc đối với khán giả trong nước và người Việt khắp năm châu hơn thập kỷ qua.

Có thể nói từ lần đầu xuất hiện trên sóng vào năm 2007 tới nay, chương trình đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể, từ nội dung thể hiện đến cách tiếp cận cộng đồng. Đây là một dự án xã hội mang tính chất rất đặc thù, kỳ công, tỉ mỉ trong từng chi tiết để phục vụ quá trình tìm kiếm vô cùng gian nan qua những ký ức mơ hồ để tái hiện những hình ảnh trong quá khứ xa xôi. Đặc biệt, mang đến hàng ngàn câu chuyện trở về như trong “cổ tích” đến khán giả. Chính vì vậy, để duy trì sức sống cho nó là một bài toán luôn làm khó đối với người đứng mũi chịu sào.

Còn nhớ, vào năm 2018, nhà báo Thu Uyên từng tuyên bố đóng chương trình. Chị cho biết, thời điểm đó ngân sách âm cả tỷ đồng, chương trình bị rơi vào tình trạng kiệt quệ. Ê kíp không chống đỡ nổi, chương trình buộc phải dừng phát sóng trong nửa năm, thậm chí trên cả YouTube, nhân viên sẵn sàng chỉ nhận thưởng không có lương. Nhưng bởi mang sứ mệnh tìm kiếm, là cầu nối tin cậy giữa những người bị ly tán với gia đình, “Như chưa hề có cuộc chia ly" vẫn kiên trì thực hiện theo cách riêng của mình.

Cùng với sự cộng hưởng của những tấm lòng hảo tâm, nhà báo Thu Uyên và ê kip đã linh hoạt trước thách thức, chọn con đường mới cho “bước đi” của chương trình. “Như chưa hề có cuộc chia ly” lại hồi sinh, phát sóng định kỳ trên truyền hình Quốc hội, trên nền tảng xã hội như YouTube - nơi mà sự kết nối và chia sẻ có thể vượt qua rào cản không gian, thời gian, mở rộng tầm ảnh hưởng đến từng ngóc ngách xa xôi trong xã hội.

Tuy nhiên, đằng sau bước ngoặt này vẫn là một lời kêu gọi sâu sắc từ “Hãy lên tiếng” đến cộng đồng, khuyến khích sự đồng hành để duy trì sức sống và sứ mệnh tìm kiếm của mình.

noi-dung-doan-van-ban-cua-ban-1702476254.jpg

VUIhub là một tổ chức đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam đã nhận thấy trách nhiệm trong việc kế thừa, tiếp nối và lan toả nghĩa cử cao đẹp này. Với bản lĩnh của tuổi trẻ, các bạn đã chứng minh sự ảnh hưởng của mình thông qua dự án phi lợi nhuận “Con Hẻm Xíu Xiu”, với mục đích hỗ trợ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Được khởi đầu bằng đêm nhạc cùng tên "Con hẻm xíu xiu", diễn ra vào ngày 22/12 tại Nhà Hát VOH Music One Opera House (số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài hoạt động gây quỹ, đây còn là cơ hội tuyệt vời để mở rộng kết nối cộng đồng, với mong muốn “góp gió thành bão”. Đặc biệt tạo nên làn sóng trong giới trẻ về lòng yêu thương, mang lại những niềm vui lớn cho biết bao gia đình đang tìm kiếm người thân.

- Đêm nhạc gây quỹ có sự góp mặt của các nghệ sĩ: Hồng Hạnh, nghệ sĩ Hồ Trung Dũng, nghệ sĩ Thành Nghiệp, nghệ sĩ Lập Nguyên, nghệ sĩ Emma Nhất Khanh, nghệ sĩ Hannie.

Cùng các hoạt động bao gồm: bán vé, bán vật phẩm

  • Đấu giá tranh của 12 hoạ sỹ có ảnh hưởng và của các bé thiếu nhi qua hình thức online.
  • Đấu giá tại đêm nhạc: Xe đạp đua “Thiên Thần May Mắn” của CLB Motor Hà Nội.
  • Toàn bộ lợi nhuận từ bán vé và đấu giá sẽ dành tặng cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Sự kết nối và đoàn tụ không chỉ là mục tiêu, mà còn là tâm điểm của một chương trình thiện nguyện sáng tạo đong đầy nhân ái. Để duy trì hành trình này, chương trình cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, chia sẻ yêu thương từ cộng đồng để nâng cao khả năng biến đổi kỳ diệu cuộc sống của người khác. Mong rằng “Như chưa hề có cuộc chia ly” ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng tình yêu và lòng nhân nghĩa, làm nên những kỳ tích trong cuộc sống nhiều biến đổi hiện nay. Cũng như mở ra những cánh cửa tương lai, nơi những câu chuyện hạnh phúc và đoàn tụ vẫn tiếp tục được viết nên.

Minh Hằng