Nghề văn có còn sức hút với người trẻ?

“Một lớp chỉ có khoảng 8-10 sinh viên. Có sinh viên còn ‘rơi rụng’ giữa chừng, hoặc vì ảo tưởng về nghề, hoặc vì không thể viết lách được gì nhiều. Năng khiếu có, nhưng nuôi dưỡng và tôi luyện được bao lâu lại là câu chuyện khác. Những người trụ lại với nghề rất ít. Họ chuyển sang làm báo, làm truyền thông vì có nhiều cơ hội hơn”, một cựu sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.

Trước đây, có nhiều tên tuổi nổi bật của nền văn học nước nhà từng tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du như Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương; trẻ trung hơn có Lữ Mai, Đinh Phương, Phạm Thu Hà…

Không có quy chuẩn nào gán ghép một ngôi trường phải đào tạo nên những nhân tài văn chương. Nhưng vẫn phải khẳng định Trường Viết văn M.Gorki (Liên bang Nga) hay hàng trăm khoa dạy viết văn của Mỹ, và cả Khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội là môi trường đào tạo ra “những người làm nghề viết văn”.

Để trả lời cho câu hỏi “Nghề văn có còn sức hút đối với giới trẻ hiện nay không”, không thể không đề cập đến “cái nôi” tạo ra những người làm nghề viết văn này. Nơi đây còn thu hút sinh viên theo học? Các sinh viên tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân Viết văn có còn làm nghề? Câu trả lời đương nhiên là có. Nhưng không nhiều.

Các sinh viên, giảng viên Khoa Viết văn - Báo chí trong buổi gặp gỡ các nhà văn nhà thơ. Ảnh: Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội

Khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội, tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du, khai giảng khóa đầu tiên năm 1979-1982. Ngay từ những ngày đó, mô hình về một môi trường đào tạo dành cho nhà văn, nhà thơ đã được quan tâm. Nhiều thế hệ sinh viên của Khoa đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống văn chương. Song, theo PGS.TS Ngô Văn Giá (nguyên Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, giảng viên bộ môn Sáng tác truyện ngắn I, Viết phê bình văn học), dù Khoa là cơ sở duy nhất đào tạo ra những người làm nghề viết văn trên cả nước, nhưng việc trở thành nhà văn hay không tùy thuộc vào tài năng và sự khổ luyện của từng người.

Đồng quan điểm đó, TS Nguyễn Thanh Tâm - giảng viên học phần Biên tập, thẩm bình tác phẩm văn học - cho hay: “Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân không phải là cam kết cho hành trình tiếp theo của bất kỳ ai, nhất là đối với văn chương nghệ thuật. Việc theo đuổi nghiệp văn chương cần đam mê và rất nhiều tâm huyết, nỗ lực một cách bền bỉ”.

TS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, “nghề” có thể làm hoặc không. Còn “nghiệp” thì phải sống với nó lâu dài. Bởi bản chất của việc một ai đó viết văn nằm ở chính sự thôi thúc bên trong họ, chỉ có viết họ mới sống. Và văn chương chưa bao giờ giảm đi sức hút của nó.

Có thể thấy môi trường đào tạo ra những người làm nghề viết văn không phải là thước đo của nền văn học, cũng chẳng phải bảo chứng cho việc văn chương có còn sức hút hay không mà việc đào tạo nghề viết đơn giản chỉ là trang bị nên những hành trang cần thiết cho một chặng đường dài của văn chương.

Theo TS Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, tại đây tinh thần sáng tạo luôn được nuôi dưỡng, là một địa chỉ tin cậy trong đời sống văn học nghệ thuật. Vì thế, đây vẫn là một “thị trường” tiềm năng và hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị nếu có đủ đam mê, thực tài cũng như sự chuẩn bị, tích lũy hành trang kiến thức.

Những “con số biết nói” cho thấy trước đây, khi người ta vẫn bàn về việc “văn chương có nhiều sức hút”, thì 2-3 năm mới có một khóa Viết văn. Còn hiện nay, nếu chủ quan kết luận “văn chương không còn sức hút”, thì mỗi năm lại đều có một khóa Viết văn được đào tạo và tuyển sinh liên tục. Chẳng phải mâu thuẫn hay sao?

Khi đời sống càng ngày càng theo hướng thực tiễn, thì viết văn không còn là một nghề, mà chỉ là một đam mê. Một thực tế nữa đó là trong số những người sáng tác trẻ hiện nay, rất nhiều người không học nghề viết nhưng vẫn thành tài, tỏa sáng trong cái gọi là “nghề viết văn”.

Hiện nay, những sinh viên đăng ký vào ngành Viết văn của Khoa Viết văn - Báo chí ngày một ít đi. Nếu trước đây sĩ số lớp là khoảng 30 sinh viên, thì hiện nay con số này chỉ còn dao động trên dưới 10 người. Xét về mô hình đào tạo, Khoa vẫn giữ được cách thức như xưa, nhưng tính tự quyết có phần giảm đi do phải đáp ứng được nhiều bộ môn đại cương theo chương trình đào tạo chung của nhà trường.

“Tham vọng của chúng tôi là tạo ra ý thức chuyên nghiệp từ sớm, trang bị nền tảng khoa học nhân văn và văn chương cho người viết. Đây là cơ sở đào tạo văn chương duy nhất trên cả nước được tiếp xúc đều đặn và chuyên nghiệp với các nhà văn lớn. Hay nói theo lời nói vui của cố GS Hoàng Ngọc Hiến, là khi nhốt hết gà vào một lồng, nếu một con gà gáy lên thì các con khác cũng muốn gáy theo. Và đặc biệt, người có năng khiếu và đam mê sẵn, khi theo học tại đây sẽ rút ngắn được đích đến”, PGS.TS Ngô Văn Giá cho hay.

Nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí cũng đánh giá rằng nghề sáng tạo văn chương rất khắc nghiệt, bởi muốn tồn tại trong xã hội với vai trò một tác giả, một nhà văn, bắt buộc phải tạo ra tác phẩm. Và tác phẩm đó phải là bảo chứng cho việc người đó có tồn tại với nghề viết được hay không.

Ông lý giải một trong số những nguyên nhân khiến một số ít sinh viên bỏ học giữa chừng có thể là do ảo tưởng về nghề: “Họ tưởng viết văn là công việc dễ dàng, họ thích được nổi tiếng, muốn gắn cái mác nhà văn. Nhưng khi vấp vào chuyên môn mới nhận ra viết văn không hề dễ dàng. Chúng tôi gọi đó là ‘giải mê’. Theo học rồi mới thoát khỏi cơn mê ảo tưởng đó.”

TS Đỗ Thị Thu Thủy cũng cho rằng bản thân Viết văn cũng là ngành học thiên về viết sáng tạo nên mang tính sàng lọc cao. Nếu không đủ đam mê và năng khiếu, rất khó kiên trì theo đuổi đến cùng. Mặc dù vậy, từ đặc trưng ngành nghề gắn với “lao động” chữ nghĩa, sáng tạo ngôn từ; xu thế và nhu cầu phát triển của xã hội, đây vẫn là ngành học có sức hút, hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị và cơ hội việc làm rộng mở.

Khi đề cập đến nghề viết văn, người ta vẫn thường có câu “cơm áo không đùa với khách thơ”, hay “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Quả thực, làm nghề viết văn đã khó, sống được với nghề còn khó hơn. Nhiều người tốt nghiệp nhưng lại chọn làm báo, làm truyền thông hoặc biên tập và đạt được nhiều thành tựu trên con đường này. Nhưng đó không phải quy chuẩn để chứng minh việc văn chương không còn sức hút.

Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội là môi trường chính quy duy nhất trên cả nước đào tạo ra những người làm nghề viết văn. Nhưng hiện nay, có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều khóa học ngắn hạn đào tạo việc viết lách. Các lớp học online và offline mở ra thường xuyên, phục vụ nhu cầu theo học nghề văn của những người có đam mê văn chương. Điều này cũng phần nào chứng minh cho việc văn chương vẫn còn sức hút với nhiều người trẻ. Như Hiền Trang, Nhật Phi… là những tên tuổi không theo học ngành viết văn, nhưng có hướng rẽ trái ngành và vẫn đang được nhắc tới với nhiều thành tựu văn chương nhất định.

“Lựa chọn theo nghề viết văn là một lựa chọn gợi lên khía cạnh đam mê nhiều hơn. Nhiều nhà văn đến với văn chương tự nhiên. Dù vậy, ngay cả khi văn chương đem lại lợi ích thiết thực về mặt vật chất, thành một ngành hấp dẫn, thì chưa chắc việc có đông sinh viên theo học đồng nghĩa với việc có nhiều nhà văn. Mà xét rộng ra, nghề nghiệp nào cũng cần cố gắng, đam mê và tự học. Văn chương lại càng cần hơn nữa”, tiến sĩ, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ.

Huế Trần

Nguồn Văn nghệ số 14/2024