Một vùng biên cương – một cực tăng trưởng

Phạm Vân Anh
Hướng biên cương Tây Bắc điệp trùng giữa mây ngàn sương trắng khiến cảnh vật một miền non nước biên phòng trước mắt chúng tôi chợt xa xăm vời vợi. Theo dòng sông Hồng ngược lên biên giới, chúng tôi đã đến với Lào Cai, mảnh đất ghi dấu bao chiến công bi tráng của quân dân ta trong những năm tháng chiến tranh giờ đây đang náo nức bước vào một vận hội mới. Khu kinh tế cửa khẩu hiện đại là cầu nối cho hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh hoạt động hiệu quả, chứng tỏ một định hướng đúng, một hoạch định mang tầm chiến lược nhằm biến nơi đây trở thành một trong những hành lang kinh tế trọng điểm của Đông Nam Á. 
lc12-1699796056.jpg

(Tiếp theo)

Trên khu vực cửa khẩu, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng vừa lịch thiệp, chuyên nghiệp khẩn trương làm thủ tục xuất nhập cảnh, vừa hồn hậu, dễ mến hướng dẫn cho người qua lại cửa khẩu những quy định cần thiết chợt sáng lên như những nụ đào sớm đang hé nụ bên cột mốc, làm ấm lên không gian mênh mang sương lạnh. Và một điều không kém phần quan trọng, trong sự hài hòa, cởi mở ấy tiềm ẩn sự tỉnh táo, tinh nhạy để phát hiện những dấu hiệu bất thường giữa dòng người, dòng xe tấp nập qua cửa khẩu.
Nhà văn Đoàn Hữu Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai cho chúng tôi biết thêm về lịch sử của vùng đất địa đầu đầy tiềm năng này. Theo sử sách để lại, cách đây cả vạn năm, con người đã có mặt tại địa bàn Lào Cai. Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng, là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang - là một trung tâm kinh tế chính trị lớn ở thượng nguồn sông Hồng. Đến đời Đinh, Lý, Trần, Lê có biết bao biến động về địa danh. Đến đời nhà Nguyễn, vùng đất Lào Cai chủ yếu thuộc đất của châu Thuỷ Vỹ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hoá. Sau này, khu vực thị xã Lào Cai có một khu chợ tên là Lão Nhai, có nghĩa là Phố Cũ và dần dần được biến âm thành Lao Cai. Người Pháp khi hoạch định vùng đất này đã viết thành Lào Kay bằng chữ quốc ngữ. Và đến tháng 11 năm 1950, tỉnh Lao Cai được giải phóng, chính quyền cách mạng đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay.

cot-co-chu-quyen-lung-po-1699796040.jpg
Cột cờ chủ quyền Lũng Pô


Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Lào Cai là tỉnh có nhiều quân dân hi sinh trên trận tuyến bảo vệ biên thùy, trở thành thiên anh hùng ca vệ quốc chói sáng và nghĩa tình quân dân thắm đượm. Gian khó ấy, đau thương ấy dã hun đúc cho nhân dân các dân tộc Lào Cai bản lĩnh và sự thích ứng, nhạy bén trước mọi đổi thay. Ngày 30 tháng 12 năm 2007, Lào Cai đã chính thức trở thành tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới phía Bắc hoàn thành công tác Phân giới cắm mốc trên thực địa. Biên giới Lào Cai được tính từ giới điểm số 6 (xã Bản San, Phong Thổ, Lai Châu) đến giới điểm số 9 (xã Sản Chải, huyện Si Ma Cai, Lào Cai) có chiều dài 183 km đã được cắm là 124 mốc chính và 4 mốc phụ. Ông Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, kể từ năm 2001, lãnh đạo hai tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam cùng hai nhóm Phân giới cắm mốc số 3 đã nỗ lực xây dựng và củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, nhân nhượng cùng nhau tháo gỡ những vấn đề tồn tại, vướng mắc để đưa ra giải pháp tối ưu nhất, đàm bảo hài hòa lợi ích của hai bên và quyền lợi của người dân ở khu vực phân giới cắm mốc.
Quay trở lại với hành trình men theo con sông Hồng huyền thoại lên Y Tí, huyện Bát Xát để thấy biên giới mùa này cảnh vật đẹp đến nao lòng. Xứ sở của đồng bào Hà Nhì lúp xúp những ngôi nhà trình tường óng vàng dưới nắng, những mái rêu xanh vàng quấn quyện cùng mây. Dãy Nhù Cồ San cao trên 2000m quanh năm mù mịt sương mây, lạnh giá, lưng chừng núi là cột mốc 87 (2) nằm ngay điểm giao giữa vùng khe suối Lũng Pô với núi đá Ngải Thầu thuộc địa bàn thôn Lao Chải. Tiếng gió rít vần vũ khiến chúng tôi nhớ đến câu ví “Gió Ngải Thầu, vầu Sim San” của đồng bào Hà Nhì ở Y Tý để nói về “đặc sản” là mưa gió - măng vầu ở 2 khu vực khắc nghiệt nhất nơi này. Cách mốc 87 chỉ dăm bước chân, cầu Thiên Sinh, còn có tên theo tiếng Hà Nhì là Thiên Sân Shù nổi tiếng khắp nơi với danh hiệu “cầu biên giới ngắn nhất thế giới”.
Cầu chỉ dài chừng 1m bắc qua khe sâu hun hút dưới là khởi nguồn của dòng suối Lũng Pô như chú ngựa bạch tung bờm sóng trắng xóa. Có lẽ chính vì sự mạnh mẽ của dòng chảy mà bà con đã gọi suối là Lũng Pô, tức là Rồng bố, rồng thiêng trên thượng nguồn trở thành dòng suối chia đường phân thủy 2 nước Việt - Trung. Khi đổ nước về ngã ba A Mú Sung, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, Lũng Pô hòa màu xanh lục thủy gom gom qua rừng sâu, núi thẳm để hòa cùng dòng nước đỏ từ biên kia biên giới, tạo nên màu nước hồng no ấm phù sa và sinh dưỡng. Trên bờ sông phía Việt Nam, cột mốc 92 (1) là mốc ba cùng số loại trung, được cắm ngày 7/12/2004 ở độ cao 114m và có tọa độ là 22.793775, 103.645449.
Điểm ngã ba này, giờ đây đã được xây dựng một kỳ đài thật to đẹp, là điểm đến của mọi người dân Việt Nam và cũng là công trình tưởng niệm chiến công của quân dân Bát Xát từ những năm 1886 đã phục kích một chiếc tàu chiến Pháp được trang bị đại bác và được các nhà buôn dẫn đường ngược sông Hồng lên đánh chiếm Lào Cai, tiêu diệt hàng chục tên xâm lược. Nơi đây, từ những chiến công của người lính biên cương, từ những bức thư gửi về quê hương nơi cuối sông Hồng cho mẹ, cho vợ của người nơi chiến trận đã kết thành bài thơ và ca khúc nổi tiếng “Gửi em ở cuối sông Hồng” mà dường như bất cứ ai lên đến nơi này cũng đều có thể ngân nga một vài câu hát. Lồng lộng ngã ba sông, lá cờ Tổ quốc rộng 25 mét vuông tượng trưng cho 25 dân tộc anh em của tỉnh Lào Cai càng nhuộm thắm cho dòng nước. Một miền miền chuối, dứa ngan ngát xanh hứa hẹn một mùa mới no ấm, hân hoan đến với đồng bào các dân tộc nơi đây như nhắc nhớ về những hi sinh, bất khuất của muôn người để bảo vệ từng tấc đất, tấc sông hay mỏm núi.

cauthiensinh-1699796040.jpg
Cầu Thiên Sinh

Quay trở lại với câu chuyện giữ đất của quân dân biên giới Lào Cai sau phân giới cắm mốc, có lẽ ấn tượng nhất là ở vùng biên giới Mường Khương, Simacai. Địa bàn núi non hiểm trở, khuất xa và đời sống nhân dân vô cùng gian khó nhưng bà con không vì thế mà nói lời trái lương tâm, làm việc trái lẽ phải để mất đi đất đai tiên tổ. Tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, cột mốc có số thật đẹp là 111 (2) mốc ba cùng số loại trung, đặt trên bờ suối phía Việt Nam nơi giao nhau của sông Bá Kết và suối không tên khiến tôi rất ấn tượng. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 25/4/2005 ở độ cao 142m và có tọa độ là 22.61769, 104.025371
Già Lý Sử Séng ở Bản Lầu chỉ vạt đồi trồng ngô đang bắt đầu trổ cờ xanh nõn gần cột mốc bảo, trước kia, mỗi khi có người về trời, bản bạn thường đem ra đó chôn. Sau khi phân giới, chính quyền và nhân dân địa phương rất lúng túng chưa biết xử lí thế nào. Rồi các chú trên đồn biên phòng xuống từng xóm giáp biên đề nghị bà con theo dõi sát khu vực có mộ vào các dịp lễ tết hay thanh minh. Từ nhiều nguồn tin do nhân dân cung cấp và trinh sát báo cáo, chỉ huy các đồn biên phòng đã xác định được những ngôi mộ nào đã có thể sang cát. Những ngôi mộ vào dịp thanh minh không có người thăm nom, cắm cờ trắng có nghĩa là mộ vô chủ. Từ đó, ta có thêm nhiều chứng lý thuyết phục để vận động chính quyền và nhân dân phía bạn sớm sang cải táng mang về nước. Dứt chuyện, già Lý Sử Séng móm mém cười: “Không ngờ mấy chú bộ đội dưới xuôi mới lên vùng cao mà đã tinh ý nắm bắt phong tục của bà con trên này nên bên họ phải nhanh chóng trả lại đất. Mùa này đã là mùa canh tác thứ mười năm rồi. Dẫu mảnh đất ấy nhỏ nhưng là đất của tổ tiên mình, dân tộc mình, phải quản lý thật tốt cô ạ”.
Giao tranh lùi xa, những mâu thuẫn cùng dần được giải quyết khi lòng người thiện chí, cùng hướng tới hòa bình, ổn định. Cuối năm 2013, xã Bản Lầu và thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã lan tỏa ánh sáng của tình hữu nghị, đoàn kết giữa người dân hai bên biên giới trên khắp tuyến biên giới Việt Trung khi trở thành địa phương đầu tiên có cụm dân cư đầu tổ chức kết nghĩa. Đại tá Lương Văn Sơn, nguyên Chính ủy BĐBP Lào Cai nhớ lại, để làm được điều đó là một nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Bản Lầu và đồn Biên phòng Bản Lầu trên cơ sở sự gắn bó, thân tình giữa nhân dân hai bản đã được vun đắp từ nhiều năm trước. Bản Lầu với đặc sản chuối, dứa được bán sang nước bạn đã mang lại một diện mạo mới cho vùng đất từng hoang hóa, khô cằn này. Bản Lầu đã có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú giàu lên từ cây dứa, cuộc sống của nhân dân các bản được cải thiện rõ rệt.

1moi-1699796040.jpg

Lào Cai hôm nay đang đổi mới từng ngày. Dòng sông, con suối, phiến lá nhành cây đang nôn nao đón vận hội mới. Các cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Bát Xát, Mường Khương tấp nập xe chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm giao thương với nước bạn và các tỉnh trong hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng khiến công việc của người lính biên phòng lúc nào cũng tất bật với công tác kiểm tra kiểm soát phương tiện, con người. Và tôi trộm nghĩ, họ như dòng nước Lũng Pô từ khe đá Thiên Sinh, lặng lẽ chảy ngày đêm không ngơi nghỉ vì chủ quyền lãnh thổ và sự bình yên của một dải biên cương hiện đại, phát triển.

Phạm Vân Anh