Một số phong tục ngày Tết

Trang My - Hoàng Thắng
Tết cổ truyền (còn gọi là Tết Nguyên đán) là lễ hội lớn nhất trong năm, vừa mở đầu mùa xuân vừa bắt đầu năm mới với nhiều phong tục, tập quán biểu hiện tập trung tinh hoa văn hoá dân tộc Việt Nam. Từ buổi "khai thiên lập địa", Tết cổ truyền đã chất chứa những giá trị nhân văn cao cả thể hiện mối quan hệ giao hoà giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Chính vì lẽ đó, Tết cổ truyền là dịp để người Việt Nam tri ân Tổ tiên, nguồn cội, biểu tỏ tình thương, xum họp gia đình, thăm viếng người thân, bạn bè... Tết cổ truyền còn là dịp để mọi người nghỉ ngơi, vui vẻ sau một năm hăng say làm việc. Đầu xuân, xin trân trọng giới thiệu tới độc giả một số phong tục ngày Tết cổ truyền đang được duy trì và phát triển như một nét đẹp văn hoá của người Việt…

Sắm tết

Tết bắt đầu từ mồng Một tháng Giêng Âm lịch, nhưng công việc chuẩn bị đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu tháng Chạp. Đặc biệt đậm nét là ở các vùng quê, những vùng nằm cách xa thành phố, người ta lo mua gạo nếp, đậu xanh, lá dong để gói bánh chưng. Không ít nơi hiếm lá dong phải mua trước cả tháng, đem luộc chín lá dong rồi bó vào cột nhà, đợi Tết mới đem ra gói bánh. Sắm tết trở nên thực sự nhộn nhịp vào những ngày áp tết. Người Việt đi sắm chút vàng hương cúng trong nhà, sắm bánh mứt hoa quả vừa là để dùng vừa là để làm quà biếu thân phụ, thân mẫu (nếu ở xa gia đình), biếu thầy cô dạy học, những người mà mình chịu ơn. Ở miền Bắc, vào dịp áp tết thú vị nhất là được đi sắm cành đào, cây quất. Cái không khí đông vui kẻ mua người bán làm cho con người ta trở nên dễ giao hoà, chỉ loáng một cái là cành đào, cây quất đã bán sạch. Các em nhỏ cũng rối rít đòi sắm tết, luôn thúc giục bố mẹ may quần áo mới, mua bóng bay, vài cái đồ chơi để bạn bè đến có dịp khoe, có thứ để cùng nhau chơi.

Thú xin chữ và chơi câu đối tết

Khoảng ngoài hăm ba tháng Chạp (Âm lịch), người Việt có thú đi xin chữ của các thầy nho, ông đồ. Mục đích cầu mong gia đình sống lương thiện, sống đúng với cái "Tâm" của mỗi con người. Những chữ như Phật, Tâm, Phúc, Đức, Thiện, Hành, An... là những chữ được nhiều người ưa thích.

Thú chơi câu đối trong những ngày tết ra đời từ thời xa xưa và lưu truyền bền vững cho tới ngày nay. Câu đối không chỉ được lưu truyền bằng giấy hồng điều, nét chữ mực nho mà còn được lưu truyền trên gốm, trên gỗ, trên đá, thậm chí trên tường chùa, đền... Câu đối là tiêu biểu cho lối văn hàm xúc, biểu ngẫu, đối xứng đến từng câu, từng ý, từng chữ, từng điển tích, màu sắc, hình ảnh. Ngày Tết, người ta treo câu đối lên hai bên nhà để khách đến thăm cùng thưởng lãm với chủ. Các thi sĩ, văn nhân, các ông đồ già, người yêu thích thơ ca rất thích có những câu đối hay do chính mình viết, chính mình đề tặng cho bạn bè, người thân... để khi bạn hữu đến chúc tết, người nọ đọc câu đối cho người kia nghe hoặc cùng ngâm, vịnh thưởng thức cái hay, cái hấp dẫn của thi ca. Nội dung câu đối thường là lời chúc tốt lành nhân dịp đầu năm.

Và, câu đối dường như đã trở thành một cái gì đó không thể thiếu trong những ngày tết xưa cổ truyền dân tộc bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng... Thiếu câu đối thì chưa thành tết, thì sang năm mới nhà cửa chưa đẹp, chưa "hên" hơn và cả may mắn hơn…

Khai bút- nét đẹp văn hoá ngày xuân

Từ thời xa xưa, khai bút đã là thú chơi của các bậc túc nho, văn sĩ... Trong cuộc sống, khi hầu hết các nghề chọn ngày giỗ tổ nghề, ngày đầu mùa vụ để "khai" những động tác đầu tiên thì khai bút chỉ được thực hiện vào dịp tết cổ truyền của dân tộc. Có người khai bút đúng vào lúc giao thừa, ghi mấy câu thơ vừa mới sáng tác, mấy dòng văn vừa mới nghĩ ra, ghi cảm tưởng vào lúc năm cũ vừa qua, năm mới đang đến. Có người chọn một ngày ưng ý nhất của đầu năm mới Âm lịch để nắn nót vài dòng đề tặng người thân, người yêu vào cuốn sổ tay còn thơm mùi giấy. Thú khai bút là một động tác cẩn trọng và trang trọng lắm. Nhiều người trước lúc khai bút còn tắm gội nước thơm, đốt hương trầm, thắp mấy nén nhang trên bàn thờ Tổ tiên khấn vái rồi mới viết.

Khai bút cẩn trọng thì chữ đẹp, lời hay sẽ hàng hàng chân ngọc. Xưa từng nổi danh bút pháp, thư pháp, nét đẹp con chữ là của các bậc thi bá, thi hào của Việt Nam như Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... Họ thực sự là những bậc khai bút kỳ tài đã để lại danh tiếng khắp trong và ngoài nước. Tuỳ từng người mà trình độ khai bút khác nhau, có người khai bút là thành công của cả "văn hay" (sáng tác), "chữ tốt" (nét chữ đẹp), có người chỉ "chữ tốt", tốt đến mức "rồng bay phượng múa" và mặc dù có bán chữ ở chợ vì chuyện "Cơm áo không đùa với khách thơ" nhưng vẫn rất cần trân trọng, chiêm ngưỡng, học tập. Cùng với các thú thưởng hoa, thưởng trà và thưởng tranh, thưởng chữ... đã góp những giá trị văn hoá độc đáo vào bản sắc của nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đời sống, tục khai bút ngày xuân và giá trị của chữ đẹp chắc chắn sẽ còn mãi tồn tại và phát triển.

Tục lệ Xông nhà, Chúc tết, Mừng tuổi

Người Việt Nam bước sang năm mới luôn sống trong hy vọng về một tương lai tươi đẹp, sức khoẻ dồi dào, làm ăn thịnh vượng, học hành tấn tới, thành đạt hơn năm cũ. Chính vì vậy, việc ai đến xông nhà đã trở thành một điều hệ trọng vào dịp đầu năm. Người xông nhà khoẻ mạnh, thành đạt, hợp tuổi với chủ nhà sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao đối với các gia đình người Việt vào dịp đầu năm mới.

Sau giao thừa, người Việt Nam có tục lệ cả gia đình ngồi quây quần bên bàn ăn, nâng ly rượu hồng chúc mừng năm mới. Chúc thọ các cụ, các ông, các bà, chúc sức khoẻ mọi thành viên trong gia đình. Lời chúc nào cũng là lời hay ý đẹp. Tuỳ theo từng đối tượng mà nội dung lời chúc có khác nhau, chúc trẻ em đi học đạt điểm cao, chúc người đi xa hành thông may mắn, người buôn bán thì có lãi... Lúc này, ông bà cũng như là con cháu, mỗi người chuẩn bị ít tiền mới để mừng tuổi lấy may cho mọi người trong nhà, con cháu xóm giềng, bạn bè thân thích. Trẻ mừng tuổi già ngụ ý sống lâu trăm tuổi, già mừng tuổi trẻ, ý mong con cháu làm ăn ngày càng phát đạt, tiền bạc sinh sôi, nảy nở. Tiền mừng tuổi được cho vào bao đỏ, bao hồng, những sắc màu tượng trưng cho sức khoẻ, may mắn.

Người Việt Nam có câu: "Mồng một Tết Cha, mồng hai Tết Mẹ, mồng ba Tết Thày". Ngày mồng một Tết, con cháu dù ở đâu, xa hay gần cũng đưa gia đình về nhà thờ họ nội để bái yết Tổ tiên. Ngày mồng hai Tết, con gái đi lấy chồng về nhà mẹ đẻ chúc Tết, các con, các cháu về nhà ngoại làm lễ. Ngày mồng ba Tết, học trò đến chúc Tết thầy, cô giáo để tạ ơn thầy, cô giáo là những người có công dạy dỗ mình lên người. Đây là phong tục đã ăn vào lối sống, nếp nghĩ của người Việt Nam từ thời xa xưa.

Ngày Tết cũng là dịp bạn bè, đồng nghiệp gặp gỡ, chúc nhau năm mới vạn sự như ý, công thành danh toại. Sau khi xông nhà là chủ nhà đã có thể tiếp đón khách, bạn bè, đồng nghiệp đến thăm gia đình và chủ nhà cũng có trách nhiệm phải đi đáp lễ.

Du xuân chơi Tết

Du xuân chơi tết là một trong những phong tục đẹp của người Việt Nam. Thông thường, tuỳ theo ý thích, tuỳ theo năm mà chọn hướng xuất hành. Hướng đó có thể là lễ hội của một làng, cũng có thể là một cuộc thăm quan, vãn cảnh di tích đình, đền, miếu, phủ... hoặc đến các công viên, vườn hoa xem hội, tham gia văn hoá, văn nghệ ngoài trời, thậm chí là đến gặp bạn bè, người thân... Người Hà Nội bấy lâu nay đã thành lệ, đêm Giao thừa du chơi Hồ Hoàn Kiếm, mồng hai tết đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mồng bốn tết dự hội vật Mai Động, mồng 5 tết sang hội Đống Đa, nơi tưởng niệm vua Quang Trung, mồng sáu tết xem hội cờ người ở chùa Vua. Du xuân đem đến tinh thần sảng khoái, thư giãn sau một năm làm việc vất vả, mệt nhọc…

Trang My - Hoàng Thắng