Miền đất hoa Ban

Phạm Vân Anh 
Vượt qua hơn 500 km đường đến Điện Biên và thêm 180 km đến trung tâm huyện Mường Nhé, xe bon nhanh qua những địa danh đã trở thành niềm tự hào đối với những người lính biên phòng. Thu biên cương chao ôi là sương, cứ dập dìu đưa chúng tôi vào một miền quê hương với nồng ấm cúc quỳ, ngan ngát tím bạc hà  và hằng hà sa số những loài hoa không tên gọi mời ong bướm. Điện Biên vang danh với chiến thắng chấn động địa cầu, với thung lũng Mường Thanh chắt chiu tình đất làm nên hạt ngọc trời Điện Biên thơm ngon, với cột mốc ngã ba biên giới trên đỉnh Khoang La San hùng vĩ và màu hoa ban đẹp tinh khôi. 
ky-6-1700614125.jpg

Bình minh trên nóc nhà cực Tây của Tổ quốc khoáng đạt và tinh khiết đến vô cùng. Đỉnh Khoan La San theo cách gọi của người dân Việt Nam hay Thập Tầng Đại Sơn theo cách gọi của nước bạn Trung Quốc kiêu hãnh vươn mũi đá giữa biển mấy, đón nhận ánh dương ngày mới. Để núi rừng nơi ngã ba biên giới giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc rạng rỡ ôm lấy những thửa ruộng bậc thang, nương ngô, nương lúa xanh mát mắt và những nếp nhà trình tường cổ kính trong bản làng trù phú, yên vui. Điện Biên là tỉnh duy nhất có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 40,861 km, giáp với Lào dài 414,712 km cùng 176 cột mốc, tạo thế mạnh cho địa phương trong thương mại quốc tế. Và cũng chính bởi những đặc thù đó, nên câu chuyện của những cột mốc biên cương nơi đây cũng hết sức thú vị.
Giữa chốn xa xanh biên cương ấy, xã Sín Thầu được mệnh danh là nơi “mặt trời lặn sau cùng trên đất nước Việt Nam”, cũng là nơi đặt cột mốc số 0. Là giao điểm đường biên giới ba nước tại khu vực A Pa Chải ở tọa độ 22°23'53"N 102°8'51"E. Cột mốc được cắm vào vào ngày 27/6/2005, cao 2 mét với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy riêng của mỗi quốc gia, được làm bằng đá granit, được cắm trên bệ cắm hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5 x 5 mét , theo Hiệp định về Ngã ba biên giới năm 2007 ký giữa Việt Nam, Lào và Trung Quốc.
Theo tiếng Hà Nhì, A Pa Chải có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn” và cánh đồng Sín Thầu cũng đã là nguồn sinh dưỡng cho bao thế hệ người Hà Nhì nơi đây. Năm 1959, năm lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) được thành lập cũng là năm ông ra đời, cũng là năm người cha là ông Pờ Pố Chừ và 4 đảng viên khác theo lời Đảng, lời Bác, cùng anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Thọ vận động thành lập Chi bộ Trung Thầu - chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới. Cùng với sự chuyển mình đi lên của Điện Biên, những năm gần đây, anh sáng mới đã soi đường cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây, để người Hà Nhì muôn lòng như một cùng gắng sức phấn đấu, dựng xây quê hương từ một xã nghèo đã cán đích Nông thôn mới, trở thành ngọn cờ đầu của huyện Mường Nhé.
Để nghe câu chuyện về cột mốc đặc biệt này, chúng tôi đã về huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình gặp Thiếu tá Tô Minh Điến, người đồn trưởng đầu tiên của Đồn Biên phòng A Pa Chải. Bước sang tuổi 87, ông nói rất rành rẽ: “Tháng 7.1976, khi đó chưa chia tách tỉnh Điện Biên và Lai Châu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, BĐBP tỉnh Lai Châu triển khai khảo sát biên giới Việt - Trung với yêu cầu "tập trung làm rõ những điểm chưa rõ ràng; dự kiến hệ thống mốc giới". Lai Châu xa xôi hẻo lánh nhất nước, có những địa bàn vài năm không có người lên, đường sá đi lại chủ yếu đi bộ và bằng ngựa, hhu vực khảo sát toàn nơi rừng xanh núi thẳm nên công tác khảo sát vô cùng vất vả”

k6c-1700614125.JPG
Tác giả trong bộ quần áo của phụ nữ người Hà Nhì ở Mường Nhé

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Công an nhân dân nhớ lại: “Tháng 3-1984, tôi đã lên mốc số 0 và ngày ấy, trong tình trạng biên giới hai nước còn đang cực kỳ căng thẳng. Vì thế, Đồn Biên phòng A Pa Chải đã phải lùi về tuyến 2, nghĩa là cách mốc số 0 khoảng 15km, tuy nhiên, nếu theo đường chim bay thì chỉ khoảng 5km. Anh Tô Minh Điến - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, cùng hơn một chục anh em biên phòng dẫn tôi lên một điểm chốt, cách mốc số 0 khoảng hơn 1km. Từ đây nhìn sang đỉnh núi có cột mốc 0, chỉ thấy một đỉnh núi ngập trong sương mù. Đồn trưởng Tô Minh Điến bảo rằng: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần lên kiểm tra mốc số 0 và trên đó chỉ có một tảng đá, cũng chẳng khắc tọa độ, và từ xưa đến nay, đều nói đó là mốc số 0”.
Chính nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, nên công tác phân giới cắm mốc tại A Pa Chải được tiến hành hết sức thuận lợi. Kể từ khi cắm mốc vào năm 2005 đến nay, địa bàn Sín Thầu, A Pa Chải hết sức ổn đinh. Trung tá Đặng Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết, hiếm có nơi nào như Sín Thầu, bà con Hà Nhì chiếm gần 100%, dù đời sống khó khăn nhưng họ vẫn kiên cường bám bản, chung tay cùng với bộ đội giữ bình yên biên giới; đặc biệt không di cư, không theo tà đạo, tôn giáo lạ, không đốt rừng làm nương và luôn là tai, là mắt của bộ đội biên phòng.
Từ mốc số 0, chạy ngược về phía Tây Nam, là hành trình phân giới cắm mốc từ những năm 80 và sau đó là công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Cuối năm 1977, thực hiện Chỉ thị 119 của Thủ tướng về việc khảo sát phục vụ đàm phán hoạch định biên giới Việt Nam - Lào, BĐBP Lai Châu lại tiếp tục tham gia khảo sát trên 325 km đường biên chạy trên các sống núi, 36 km chạy theo sông suối, nắm được cơ bản địa hình, địa vật, đường biên nhất là một số khu vực không rõ ràng. Từ chuyến khảo sát năm 1976, năm 1980, Lai Châu đã thành lập Tiểu ban phân giới cắm mốc gồm 9 người và lập 2 đội phân giới cắm mốc, hoạt động trong 3 đợt và đến tháng 8.1984, tỉnh Lai Châu đã cùng với 2 tỉnh Phong Sa Lỳ và Luông Pha Băng (Lào) hoàn thành việc khảo sát hoạch định phân giới và cắm mốc, đã xây dựng xong 25 mốc giới đúng tiêu chuẩn và chất lượng...
Đến tháng 1 năm 2008, để có được một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, phù hợp với điều kiện quản lý và bảo vệ biên giới trong tình hình mới, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đã thống nhất phối hợp triển khai “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào”. Trọng tâm của Dự án là tăng dày số lượng mốc, tôn tạo, xây mới mốc hiện có để làm rõ đường biên giới trên thực địa, không tiến hành phân giới lại, đồng thời hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào. Sau 8 năm ngực xuôi khắp nẻo, thượng tá Phạm Hồng Giang, cán bộ Đội cắm mốc Điện Biên 2 luôn coi đây là mốc son trong đời binh nghiệp của mình.
Anh chia sẻ : “Những điểm cắm mốc phần nhiều nằm ở nơi hiểm trở, hẻo lánh. Người đi không đã khó, lại phải mang vác đủ thứ; nào quân tư trang, lương thực, thuốc men, máy móc, rồi cả cát sỏi, cột mốc… Nhiều địa điểm có độ cao gần 2 nghìn mét so với mực nước biển, điển hình là mốc số 22, 25 thuộc địa phận xã Mường Nhé. Đứng nhìn thấy đỉnh núi rồi, mà phải hành quân mất cả tuần mới lên được đến nơi. Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, những tháng gió Lào hun hút đến xạm da, nẻ môi mà ko tìm được dù chỉ một giọt nước. Những ngày đông giá nước không thể sôi, cơm dở sống, dở chín, Và cả những buổi tuần rừng, vắt bâu kín trong ống quần mà anh em không hề hay biết…
Đối với những cán bộ của BĐBP Điện Biên vinh dự tham gia công tác này, 2.880 ngày gian khó ấy thực sự đáng tự hào. Cũng trong thời gian ấy, quân dân Điện Biên đã hoàn thành hàng trăm ki lô mét đường công vụ, phục vụ vận chuyển mốc và vật liệu. Trên những tuyến đường, khu vực cắm mốc, đội rà phá bom mìn luôn tiên phong, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho từng chiến sỹ... Để rồi 156 cột mốc được dựng lên vững vàng, uy nghi tại 144 vị trí cùng 26 cọc dấu đã tạo nên một vành đai biên cương vững chắc, khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vững chắc hơn mới là điều đáng tự hào khôn xiết.
Trước khi chia tay Điện Biên, chúng tôi đến thăm cột mốc đại mang số hiệu 113 cắm tại điểm giao giữa đường quốc lộ số 279 phía Việt Nam (đường số 2B phía Lào) với đường biên giới thuộc địa bàn xã Na Ư, huyện Điện Biên, Điện Biên tại điểm có độ cao 1205,16m và tọa độ là 21.217544, 102.908146. Đây là một trong 26 mốc nằm trên tuyến biên giới Việt- Lào được triển khai xây dựng trong năm 2009 theo kế hoạch của Chính phủ 2 nước, khơi dầu cho việc quy hoạch hệ thống hạ tầng tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (Việt Nam) - Pang Hốc (Lào)và góp phần nâng cao tuyến đường giao thông liên vận Quốc tế Điện Biên - Phong Sa Ly. Ở đó, đồng đội của chúng tôi, những người lính kiên trung của Đồn Biên phòng cửa khẩu Tây Trang, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vẫn đang lặng lẽ làm nhiệm vụ, để đường biên, cột mốc mãi vẹn toàn.

Đón đọc kỳ 7: Thẳm xanh mái nhà Tây Bắc

Phạm Vân Anh