Mây trắng cuối trời Tây Bắc

Phạm Vân Anh 
Lai Châu, vùng đất nơi cuối trời Tây Bắc 600 năm trước đây đã từng đi vào trong thơ của vị thánh quân Lê Lợi khi ngài đem quân bình định chốn rừng thiêng nước độc này. Câu thơ “Hư đạo nguy than tam bách khúc” - dịch nghĩa là “ba trăm ngọn thác nguy hiểm đã thành lời nói hư huyễn” của tiền nhân giờ ứng nghiệm với những con đường chạy qua dốc núi để đến với các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu. Gần đây, Lai Châu đã bừng sáng trong công cuộc phát triển, trở thành một địa phương có tiềm năng để phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch, đồng thời, cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đời sống của nhân dân dần khởi sắc, đồng bào các dân tộc “lá vàng” đã định canh, định cư để cùng chung tay xây dựng quê hương.
ky-7-may-trang-1701309720.jpg

Sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc năm 2009, Lai Châu có 265,165 km đường biên giới trên địa bàn 4 huyện gồm Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, với 23 xã biên giới, tiếp giáp với 3 huyện thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây cũng là địa phương có cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà và nhiều đường mòn qua lại trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc trực tiếp giao lưu với các lục địa rộng lớn phía tây nam Trung Quốc. Với địa hình biên giới hùng vĩ, nhiều núi cao, vực sâu, Lai Châu cũng là tỉnh có số lượng mốc quốc giới lớn và nằm ở những vị trí cao, khó đi nhất toàn tuyến biên giới trong cả nước.
Một trong những hành trình khắc nghiệt thử thách ý chí và sức chịu đựng cực hạn của con người chính là lên đỉnh Pu Si Lung cao hơn 3083m thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ, BĐBP Lai Châu. Đó là nơi cột mốc 42 kiêu hãnh tắm gió gội mây nơi non ngàn biên tái. Chặng đường lên đỉnh núi vô cùng gian nan vất vả với hành trình xuất phát từ Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ cũng mất ít nhất 4 ngày đêm vượt hơn 100km cả đi lẫn về. Thiếu tá Phùng Nhù Giá - Chính trị viên Đồn Biên phòng luôn thấy ái ngại mỗi khi có đoàn đến đồn xin phép được vượt núi, cắt rừng để lên mốc 42. Anh bảo, trước đây, con đường dã chiến được mở để đưa cột mốc lên đó phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Thậm chí có những hôm các cán bộ chiến sĩ phụ trách vận chuyển mốc còn bị sét đánh và mưa lũ cô lập mất mấy ngày. Hiện giờ đường cũng dần bị cỏ cây lấp lối bởi chỉ có dăm bảy thợ săn thiện nghệ của đồng bào và các tổ tuần tra của đồn đi lại mỗi tuần đôi lần để kiểm tra đường biên.
Đoàn nào anh cũng khuyên nên suy xét kĩ để tránh những ẩn họa dọc đường cũng như tình trạng kiệt sức, mất dưỡng khí khi ở độ cao trong thời tiết giá lạnh. Anh bảo đến nay cũng mới chỉ có khoảng hơn chục đoàn là đến được mốc 42 dưới sự trợ giúp của đồn. Nhưng khi chứng kiến niềm vui vỡ òa của các bạn trẻ khi đã vượt lên được khắc chế của thiên nhiên, vượt lên chính mình, anh lại thầm phấn chấn khi biết rằng hậu phương vẫn đang hướng về biên giới, vẫn đang có những người thanh niên trân trọng từng tấc đất cha ông và hiểu được sự hi sinh lặng lẽ của những chiến sĩ biên phòng nơi xa ngái này.
Già Vàng Mồ Tờ ở bản A Mại, nguyên chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sử nhớ lại: “Trước đây mình tham gia phân giới cắm mốc ở địa bàn xã vất vả lắm, phải đi khảo sát, làm việc với bên bạn, đi lại thực địa đến mòn chân. Do đường đi khó khăn, trắc trở, nên mốc 42 làm bằng bê tông và chỉ cao 1,2 m chứ không phải đá hoa cương. Ngày đó, chúng tôi đã huy động 30 người và 4 con ngựa thay nhau khiêng cõng vật liệu lên vị trí cắm mốc. Có người thấy đường xá hung hiểm, sợ ngựa chết giữa đường đã bỏ cuộc, nhưng cũng có người hăng hái gùi gạch cát đến trẹo chân vẫn đồng lòng theo bộ đội. Vất vả suốt một tuần liền mới đưa được mốc 42 lên cắm ở chóp núi cao 2.856,50 m gần đỉnh Pu Si Lung vào ngày 8.10.2008”.
Kể từ đó tới nay cũng đã 15 năm nhưng con đường lên mốc 42 vẫn là thử thách lớn đối với những người muốn chinh phục nó, chỉ có những người lính biên phòng kiên cường vẫn thường xuyên tuần tra ngang đây để bảo vệ từng tấc đất, nhành cây. Và chính các anh, cảm động trước tấm lòng của những bạn trẻ yêu nước đến từ khắp mọi miền, đã bất đắc dĩ trở thành “Porter áo lính” (Porter là từ chỉ người mang đồ và dẫn đường cho các nhóm thám hiểm, leo núi) chụp cùng khách “phượt” trong những chuyến đi trước đó. Các em là chiến sĩ nghĩa vụ người La Hủ, người Mông ngay tại địa phương nên rất thuộc thông thổ quê mình. Họ khoe với tôi rừng Pu Si Lung có nhiều thú quý hiếm, nhiều cây gỗ có trong sách Đỏ cần bảo tồn và hơn hết là vẻ khoáng đạt của thiên nhiên kì vĩ luôn biến chuyển theo mùa, theo mưa nắng…
Rời Pu Si Lung, chúng tôi theo tỉnh lộ 127 quanh co, vắt vẻo trên triền sông Đà để đến Ka Lăng một trong những vùng đất hẻo lánh nhất của miền Tây Bắc Tổ quốc. Truyền thuyết kể rằng xa xưa có một con voi đã đi qua vùng này, thấy đồi núi nhấp nhô nhưng khí hậu mát lành thì dừng lại đằm mình trong một vũng nước. Khi nó đứng dậy bỏ đi thì vũng nước đằm trở thành một khu ruộng trũng phì nhiêu, nuôi lớn cây lúa cây đậu trở thành nguồn sinh tồn cho người Hà Nhì sống trong vùng. Và người Hà Nhì ở Ka Lăng cũng luôn tự hào về vùng đất được kết tinh nguyên khí ấy đã cho họ dung dưỡng cho dân tộc này những người đàn ông gan dạ, đàn bà đảm đang. Đồng bào nơi đây còn có câu nói truyền lại qua nhiều thế hệ, rằng dân tộc Hà Nhì chỉ biết cúi đầu bái lạy tổ tiên chứ chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục kẻ thù.

cot-moc-42-tren-dinh-pu-shi-lung-lch3-1701309812.jpg
Cột mốc 42 trên đỉnh Pu Si Lung

Từ trên cao nhìn xuống, sông Đà cuồn cuộn chảy qua những ghềnh đá nhấp nhô, giữa hai bờ vách núi cao dựng đứng. Theo tiếng địa phương, sông Đà có tên là Nậm Ta, có nghĩa là dòng sông lũ lớn. Dọc theo dòng sông hùng vĩ, thấp thoáng không nhiều những chiếc cầu treo bắc qua sông, như nối liền bờ vui để giao thông trên vùng đất này trở nên thuận lợi hơn hay để làm những điểm nhấn khiến dòng sông Đà lạnh lùng hung dữ bỗng nhiên trầm mặc trữ tình. Theo chân những chiến sĩ Biên phòng Ka Lăng, chúng tôi mất nửa ngày đường để đến Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ, nơi sông Đà chuyển dòng sầm sập lao về đất mới, hòa vào dòng Nậm Là từ đỉnh Hoàng Liên Sơn để trở thành dòng nước mẹ quan trọng của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đây là nơi mốc 18, là mốc ba cùng số loại trung, đặt trên hai bờ sông của cả Trung Quốc và Việt Nam, được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 25/12/2004. Các cột có tọa độ lần lượt là cột 18 (1): 22.567001, 102.354529 nằm tại địa phận huyện Giang Thành tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; cột 18 (2): 22.567512, 102.35575 nằm ở xã Ka Lăng và cột 18 (3): 22.566049, 102.355422 thuộc địa phận xã Mù Cả. Nghĩa là có tới 3 đơn vị Biên phòng của hai nước Việt Nam – Trung Quốc cùng bảo vệ điểm phân định này.
Dù khuất tít nơi thung sâu rừng thẳm, nhưng quân dân nơi đây luôn tròn vẹn hiếu trung, một lòng tin yêu theo Đảng, theo cách mạng. Cụ Pờ Chớ Chừ, bậc trưởng thượng của bản Giẳng đầy tự hào kể với chúng tôi rằng, quê hương Ka Lăng của ông gần 100 năm trước không xa từng là nơi quân Pháp lưu đầy Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vì tội “phát tán truyền đơn bất hợp pháp”. “Khi ông Thọ bị Pháp đày lên đây. Ông được đưa đến ở trong nhà bà On. Lúc đó tôi còn nhỏ, khoảng chừng 14 - 15 tuổi gì đó. Đám trẻ con chúng tôi hay đến chơi với ông, nghe ông kể chuyện và rất háo hức với những điều mới mẻ ấy. Ông Thọ còn dạy đám trẻ con chúng tôi nói tiếng Kinh, học chữ và khơi dậy cho chúng tôi về tình yêu quê hương đất nước, về khát vọng no ấm, tự do, bình đẳng giữa các dân tộc miền núi và miền xuôi. Năm 1986, khi ông về thăm lại bản, chúng tôi cũng đã rất vui mừng đón tiếp ông. Khi đó dù đang là cán bộ lãnh đạo cao cấp của nhà nước, nhưng ông rât giản dị, hoà đồng với bà con dân bản” - Cụ Chừ kể.
Cũng trên vùng đất này, câu chuyện về người anh hùng lao động đầu tiên của ngành giáo dục là thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã giúp cho người dân Mù Cả trở nên “sáng cả” nhờ cái chữ đã luôn được truyền tụng như biểu tượng của vẻ đẹp người cộng sản dù ở bất cứ cương vị nào. Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP Lai Châu, cho biết: “Truyền thống yêu nước của quân dân vùng biên giới Lai Châu được kết tinh qua bao thế hệ đã trở thành tài sản tinh thần vô giá nơi biên thùy. Nhờ thế, khi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát động phong trào tự quản đường biên, mốc giới, an ninh trật tự bản, bà con đã sôi nổi gưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 52 nhóm hộ/635 hộ/1.168 cá nhân đăng ký tự quản 223,189 km đường biên, 77 cột mốc và 2 công trình biên giới; thành lập 211 tổ tự quản an ninh bản/1.090 thành viên…”.

Phạm Vân Anh