Lý Sơn những ngày chớm đông

Lê Hồng Khánh

Đã vào những ngày đầu của tiết Lập Đông, đợt nắng nóng khắc nghiệt cuối hạ của miền Trung rồi cũng qua đi. Gió mùa Đông Nam thổi về nhiều hơn từ giữa trưa khiến bầu không khí trở nên dễ chịu. Năm nay mùa mưa bão miền Trung về chậm. Mây trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh ngan ngát chuyển dần sang màu đỏ ửng khi bóng chiều đổ dần xuống núi xa. Lý Sơn những ngày chuyển mùa đẹp đến nao lòng.

Thả bộ theo con đường quanh co từ phía Đông chạy lên đỉnh núi Thới Lới, dừng chân ở trảng cỏ xanh thoáng đãng nhìn ra phía biển, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ kỳ ảo của Hang Câu vào thời khắc cuối ngày mới hiểu thế nào là tuyệt phẩm trời ban, như ai đó đã hơn một lần nói về thắng cảnh diệu kỳ này. Ráng hồng pha vào bao la màu biển, dợn lên theo đàn sóng nhỏ nhấp nhô vỗ rì rầm bờ cát. Vách đá Hang Câu vốn hình thành từ cát kết và bột kết núi lửa, sau đó đến thời kỳ biển tiến, nước dâng cao rồi xuống dần vào thời kỳ biển thoái, sóng biển xâm thực để lại nhiều vệt đường cong hình sóng xếp chồng lên nhau. Bóng nắng cuối ngày hắt chéo lên tường đá, tạo nên những dải quang phổ sáng tối chập chờn.

huyen-dao-ly-son-1703560113.jpg

Nắng càng dịu hơn khi đàn hải âu gọi nhau bay về tổ, lượn từng vòng trên cao, sà dần xuống vách đá cheo leo, tìm vào những hốc đá quen thuộc mà chúng chọn làm nơi trú ngụ về đêm. Màu ráng pha lấp loáng cánh chim trời. Gió vẫn nhè nhẹ thổi, màu cờ đỏ trên đỉnh cột cờ Lý Sơn hiên ngang ngời lên giữa bao la trời đất, gọi từ sâu thẳm hồn người niềm tự hào về Tổ quốc, về những Đội hùng binh đi giữ Hoàng Sa mấy trăm năm trước.

Từ đây, ngay dưới chân cột cờ uy nghi, hùng vĩ, có thể phóng tầm mắt qua đảo Bé nằm chếch về hướng Tây Bắc. Hòn đảo nhỏ này còn có tên là cù lao Bờ Bãi, vốn hình thành từ những dòng chảy dung nham đã nguội của ngọn núi lửa Hòn Đụn. Nhìn từ xa, rừng dừa ở bãi Tây nhập nhoà trong khói sóng. Đội thuyền đánh cá của ngư dân đảo Bé chầm chập nối nhau cập vào bến cảng, trong khi những chiếc ca nô đưa du khách từ đây quay trở lại đảo Lớn sau một ngày thăm thú vui chơi. Trong ánh tà, đảo Bé như một bức tranh thuỷ mặc trời biển yên bình.

Nhiều tài liệu quý giá còn lưu lại ở Lý Sơn như sắc phong, gia phả, cùng những câu ca dân gian, giai thoại ... góp phần cho ta biết, từ cách đây gần bốn trăm năm, sau khi chuyển từ đất liền ra sống ở cù lao Ré (đảo lớn), 15 họ tộc mở đảo đã tính chuyện đưa người sang cù lao Bờ Bãi, mặc cho điều kiện sống cực kỳ gian khó, đất đai cằn cỗi, gió biển thổi đến rát da người. Mỗi năm ít nhất ba tháng liền vào mùa mưa bão (từ tháng Chín đến tháng Chạp âm lịch) hầu như không thể liên lạc với đảo Lớn vì bị sóng biển bủa vây. Sống trên hòn đảo nhỏ cheo leo này, con người cũng không thể đào giếng lấy nước ngọt mà chỉ sống bằng nước trời nhờ những cơn mưa, tựa cỏ cây và chim thú. Một ít nước ngọt từ đảo lớn mang sang được giữ gìn như của báu trong các chum vại bằng sành. Thật trớ trêu, chung quanh là nước, bị nước bao vây mà lại khát khô vì thiếu nước.

Những ai quan tâm đến đảo Bé, muốn tìm hiểu về điều kiện sống khắc nghiệt ở nơi này, luôn có một câu hỏi để nhờ người ai đó trả lời, hoặc kín đáo giữ lại trong đầu rồi âm thầm tìm hiểu: Vì sao lúc bấy giờ ở đảo Lớn, đất không chật, người không đông, có thừa nước ngọt, có thừa đất đai màu mở để trồng trọt mà các cụ Tổ đảo Lý Sơn lại tự nguyện đưa con cháu mình ra hòn Bé để sinh sống, đối mặt với muôn vàn gian khó của thiên nhiên?

Trả lời chất vấn này là đi tìm hình hài cho một khái niệm đã thấm vào trong máu của mỗi người dân Việt, thầm lặng và bền bỉ nung nấu, tôn thờ trong suốt cuộc hành trình dựng nước và giữ nước đầy gian nan, thử thách bốn nghìn năm: Đó là cơ đồ từ tiền nhân trao lại, là hồn thiêng sông núi, xương máu ông cha. Từ mõm núi chơi vơi trên cao nguyên Đồng Văn cực Bắc, đến dòng nước Rạch Tàu đỏ ngầu tận mũi Cà Mau; từ bóng cây Kơnia hùng vĩ bám rễ xuống nền đất đỏ bazan Trường Sơn Nam đến những hàng cây phong ba kiên cường vươn mình giữa sóng gió Trường Sa ngày đêm gào thét; ở đâu có vết dấu chân trần của ông cha là ở đó có thiêng liêng đất nước.

Cũng xin nhắc lại là việc di dân của các họ tộc từ vùng phía đông của phủ Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra cù lao Ré (Lý Sơn) vào các thế kỷ 17, 18 là chủ trương lớn của Nhà nước phong kiến Việt Nam, liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các Đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà phần lớn binh lính, đà công, bạn thuyền là người của 2 xã Anh Vĩnh, An Hải (trong đất liền) và 2 phường Anh Vĩnh, An Hải của đảo Lý Sơn, để làm nhiệm vụ quản lý, khai thác nguồn lợi biển, tìm kiếm hoá vật ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bảo vệ Lý Sơn tránh khỏi nạn cướp biển cũng như các hành động gây hấn, khiêu khích của các đội thuyền nước ngoài, giữ vững chủ quyền đất nước, chăm lo đời sống yên bình của người dân là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng quân sự chính quy từ triều đình cũng như binh lính của các dinh, trấn. Thế nhưng. không phải lúc nào quan quân cũng kịp thời có mặt để trấn áp những toán kẻ cướp, nhất là trong điều kiện thủy binh còn chưa đủ mạnh, lại phải trấn thủ suốt dọc ven biển khá dài và hiểm trở từ Bắc vào Nam. Vì vậy, để bảo vệ chính mình và gia đình, góp phần cùng quân đội gìn giữ biển đảo, người dân Lý Sơn tự tổ chức lực lượng để làm nhiệm vụ đề phòng, đối phó với mọi bất trắc. Cùng với việc thành lập lực lượng dân binh, đại diện các dòng tộc Lý Sơn đã có một quyết định đúng đắn và táo bạo là đưa người ra sinh sống trên Hòn Bé. Những cư dân Việt và có lẽ cũng là những con người đầu tiên, đã đến khai khẩn và định cư trên cù lao Bờ Bãi trong hoàn cảnh và điều kiện như thế.

Tháng Ba âm lịch xuất bến ra đi, đến tháng Tám thì về. Sử cũ chép về thời gian làm nhiệm vụ của các Đội Hoàng Sa như thế hằng năm. Bây giờ đã là tháng Chín âm lịch, nghĩa là vào chừng này mấy trăm năm trước, những binh lính, binh phu của Đội Hoàng Sa đã trở về đất liền, mùa mưa bão triền miên và đầy hiểm nguy trên biển Đông, kéo dài suốt mấy tháng ròng, sắp bắt đầu.

Chẳng biết những con chim hải âu cánh trắng ở Lý Sơn có bay về phương Nam theo cuộc hành trình sinh tồn kỳ diệu của những đàn chim thiên di khi mùa Đông rét mướt kéo đến hay không? Nhưng Lý Sơn bây giờ đã không còn là hòn đảo co ro trong giá lạnh như tháng năm xa xưa ấy. Những chuyên tàu vẫn hằng ngày cập bến nối huyện đảo với đất liền. Ngọn hải đăng Lý Sơn (Phare Polo Canton) cao đến 45 mét, với luồng ánh sáng phát ra lần đầu vào một ngày của năm 1898, vẫn từng đêm soi đường cho những con tàu xuôi ngược trên tuyến đường biển từng một thời nhộn nhịp các thương thuyền nối từ vùng biển phía Nam Trung Quốc đến tận Ấn Độ dương, Địa Trung Hải xa xôi.

Lý Sơn là đứa con yêu vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, và Tổ quốc cũng hiện hình trong mạch đất, trong trái tim người dân đất đảo.

Lê Hồng Khánh