Lừng danh làng nghề trống Đọi Tam

Đỗ Linh - Hoàng Thắng
Làng trống Đọi Tam (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được biết đến bởi đã làm ra chiếc trống sấm lớn nhất Việt Nam. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Việt.

Nghề làm trống ở Đọi Tam có lịch sử trên 1.000 năm. Người già đến trẻ nhỏ ở đây đều thuộc lòng truyền thuyết về hai anh em ông tổ làng nghề Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Khi xưa, nghe tin vua Lê Đại Hành sắp về làng làm lễ tịch điền để khuyến nông, hai ông liền về nhà hạ cây mít trong vườn, thịt con trâu lấy bộ da để làm trống đón vua. Mùa xuân năm Thiên Phúc thứ 7 thời vua Lê Đại Hành (tức năm 987), Ngài đã xuống ruộng hành lễ tịch điền ở Đọi Sơn trong tiếng trống của hai anh em.

Description: C:\Users\msi\Desktop\LAng nghe trong doi tam\DSC_0312.JPG

Nghề làm trống của Ðọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở mọi miền đất nước nhưng hàng năm cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề họ lại trở về quê để dự hội. Nghề làm trống Ðọi Tam là nghề cha truyền con nối. Theo quy định, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài do sợ thất truyền.

Description: C:\Users\msi\Desktop\LAng nghe trong doi tam\DSC_7170.JPG

Trước kia, con trai trong làng chừng 10 tuổi đã biết sơ lược về cách làm trống. Đến tầm 14 - 15 tuổi thì đã bắt đầu học nghề bài bản. Ðến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại (trống sấm chỉ dành cho đàn ông khoẻ mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện). Thợ làng Ðọi Tam làm được nhiều loại trống: Trống đại, trống đội, trống dùng trong đình, chùa, trống chèo, trống cơm, trống trường, trống trung thu, trống hội, trống múa lân sư rồng...

Description: C:\Users\msi\Desktop\LAng nghe trong doi tam\HQH_2362.JPG

Description: C:\Users\msi\Desktop\LAng nghe trong doi tam\HQH_2377.JPG

Quy trình sản xuất trải qua các công đoạn: Làm da, làm tang và bưng trống. Để có một sản phẩm tốt, việc chọn nguyên liệu cũng rất công phu, tỉ mỉ. Nguyên liệu để làm trống là gỗ và da trâu. Gỗ để làm tang trống (thân) còn da trâu để bưng mặt trống. Ng­ười thợ trống ở Đọi Tam đã đúc kết đ­ược kinh nghiệm làm trống qua câu ca: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều". Có nghĩa là: Da trâu làm mặt trống và gỗ mít làm tang thì trống sẽ rất tốt. Tang trống phải là loại gỗ mít già, vừa nhẹ, không bị ngót và quan trọng nhất là giữ được “tiếng". Người dân Đọi Tam chỉ dùng da trâu cái để b­ưng mặt trống, da được chọn thường là da của những con trâu già có độ bền, dẻo và dai hơn. Khi mua da, chọn con da có nhiều nếp nhăn, lông bạc. Da trâu để làm trống tối kỵ chọn da của những con trâu béo, trâu trắng. Công đoạn căng mặt trống cũng hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang.

Với bản tính năng động, nhạy bén ng­ười thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm làm ra đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Nếu nh­ư trư­ớc đây, các nghệ nhân làm các loại trống tròn, tang gỗ thì nay xuất hiện nhiều kiểu trống mới, thậm chí các loại trống của các dân tộc ít người như Chăm, Khơme và cả các loại trống là sản phẩm nhỏ trang trí để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình…

Đỗ Linh - Hoàng Thắng