Lễ hội Mừng cơm mới ở Nà Hin

Ghi chép của Trần Nguyên Mỹ

Năm Quý Mão, nhuận hai tháng tư, tôi lại bồi hồi. Các cụ xưa than thở “dài mười ba tháng thì bao giờ cho hết năm”. Năm nhuận đói kém “ăn nghiêng bồ thóc”. Nhưng thời đổi mới bản Mường trù phú yên vui Tết đến xuân về nhanh như ngỡ trong mơ. Như thường lệ cứ Tết ông Công ông Táo là tôi sắm sửa vài lễ vật đến nhà thầy mo Quàng Văn Thương bản Nà Hin ăn Tết. Tôi vẫn có cái thú nghe mo kể về những truyền thuyết và lễ hội bản Mường. Nằm lòng tôi là Lễ hội Mừng cơm mới.

Bên chum rượu cần sóng sách và ngát hương, thầy mo Thương kể cho tôi và mọi người đang hóng tai nghe những câu hát Thái cổ:

“Tháng tám trên rừng hoa kệt, (1) hoa găng nở vàng

Dưới bãi hoa đào, mơ mận nở trắng

Gái trai hội tụ chơi còn mừng xuân”.

Bấm ngón tay, tôi hiểu tháng 8 theo lịch Thái là tháng Chạp ta. Tháng của muôn hoa khoe sắc, dụ bướm ong rộn ràng và ngày xuân nam thanh nữ tú ném còn, chơi quay du xuân rộn rã bản làng.

Trong không khí ngày xuân, vẫn giọng đều đều và mượt mà như suối chảy thầy mo ông Quàng Văn Thương thả lời về lễ hội Cơm mới quê hương ông. Bản Nà Hin, tiếng Thái là Ruộng Đá. Với bao nhiêu mồ hôi nước mắt, với bao nhiêu công trình đắp đập làm phai của dân mường nhiều đời đã cải tạo “ruộng đá” Nà Hin thành cánh đồng bao la bờ xôi ruộng mật, cò bay mỏi cánh. Mỗi năm hai mùa lúa chín vàng thơm.

cung-com-moi-1701834243.jpg
Các thầy mo làm lễ Mừng cơm mới

Mấy năm nay bản Nà Hin vinh danh được xã Nà Nghịu chọn làm nơi Cúng cơm mới. Xã Nà Nghịu là thuộc vùng ba đặc biệt khó khăn nhưng gần đây có nhiều khởi sắc. Dân cư quần tụ đông đúc có tới 35 bản với 17.418 người với 8 sắc tộc Thái, H Mông, Xinh Mun, Khơ Mú, Lào.... Xã đông dân, các tộc người đều có lễ hội truyền thống đặc trưng. Nhưng bản Nà Hin nổi trội với nhiều điểm nhấn ấn tượng. Được đăng cai lễ hội Mừng cơm mới - Nói theo người xưa là Cúng cơm mới - Lễ hội này làm cả bản xôn xao mừng vui khôn tả cả tháng nay. Lại nói thêm địa danh Nà Nghịu, tiếng Thái gọi là Ruộng Hoa Gạo. Cứ hết xuân vào hạ hoa gạo ở đây thắp đỏ cả một triền bên sông Mã xanh trong. Mới biết mảnh đất xa xôi biên viễn cũng nhiều điều kỳ thú. Mỗi bản làng đầu có có những phong cảnh, lễ hội không thể phai mờ trong lòng dân bản và lữ khách.

Nhớ lại tháng Mười vừa rồi, trời Nà Nghịu xanh màu cốm mới. Những thửa ruộng nghỉ ngơi sau thu hái giờ cho đàn trâu bò, dê… gặm cỏ thung thăng. Trên cao từng đàn chim cu gáy màu lông vàng rộm ngực nở cất tiếng “cúc cu, cúc cu” tìm bạn râm ran. Trên con đường vào nhà văn hóa Nà Hin những bàn chân líu ríu chen nhau trong dòng người dự hội. Xa xa nghe tiếng hát hội vang vang lên như giục như mời.

“Chọn ngày lành ngày tốt

Các con mới lấy liềm đi gặt

Mới cầm đòn đi gánh

Đầy gùi to đủ mang

Đầy bung to đủ gánh

Đổ vào bồ dưới cũng thừa…”

Nép bên gốc si cổ thụ sần lên da voi, cành lá vươn xa tỏa bóng là sân khấu Lễ hội dựng lên rộng rãi, cao ráo đẹp xinh như sàn hoa của dân tộc Thái ngày xưa. Bên trái sân khấu đặt các vật dụng như bung, sàng, sẩy, liềm… là dụng cụ đã in đậm dấu vân tay của nhà nông hằng ngày.

Ngay giữa sân khấu đặt cây nêu chỉ cao quá đầu người, người Thái gọi “sặng bok”. Trông kỳ công và sặc sỡ. Đây là biểu tượng thiêng của ngày lễ hội, tượng trưng cho thiên nhiên, mùa màng và mọi sinh linh... Trên ngọn cây nêu treo những bó lúa vàng ươm, sừng trâu đen nhánh, chim chóc bướm ve sinh động… tất cả đều nhuộm màu ngũ sắc lung linh. Cạnh đấy bày mâm cúng đầy đủ lễ vật còn bốc khói. Nào rượu, lợn, gà, xôi, cốm, ốc cá lươn… trong làn hương trầm thoảng thơm.

Nhìn sang sân khấu bên phải bày trí đồ nhà bếp như lửa củi, chõ xôi, mâm gỗ, quạt xôi… không thiếu thứ nào. Lại thêm các vật như chài, lưới, đơm, đó… Đó là những đồ dùng nhà bếp của người dân, thân thuộc hàng ngày nuôi sống con dân.

Ngay trước sân khấu, gió thu heo heo làm những gùi lúa to vàng tươi treo cao lay động. Biểu hiện mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, dân Mường bình yên.

cung-com-moi-2-1701834308.jpg
Thi nấu xôi trong lễ hội Mừng cơm mới

Buổi mai không khí ngày lễ mát mẻ trang nghiêm, với hàng ngàn đôi mắt hướng lên sân khấu của dân Mường và quan khách gần xa. Ông Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Dương Hữu Hảo đọc bài diễn khai hội, từng lời từng câu không giấu được nỗi xúc động chân thành. Ngay đấy, thầy mo Quàng Văn Thương khởi cúng, thắp nắm hương cháy đỏ vái lạy trời đất, núi rừng cùng tổ tiên. Cúng rằng.

“Nay bản mường có lễ vật dâng lên. Nếu đã biết, đã nghe các thần linh ở bốn phương trời gọi nhau về đầy đủ. Lễ vật gồm cá nướng thơm cơm nếp dẻo, cua lươn… gọi nhau cùng về ăn cơm mới.

May được các vị thần linh phù hộ độ trì, vụ lúa năm nay xã Nà Nghịu lại được mùa. Nhờ có đất bằng ruộng tốt từ xa xưa, mùa màng càng thêm tươi tốt. Con dân bản Nà Hin kính mời thần linh tổ tiên xuống ăn cốm lúa mới, cơm xôi mới dẻo thơm. Dân bản kiếm được lợn to, lợn lớn mang về đặt mâm cúng, mời thần linh ăn cả đầu, cả đuôi, ăn cả gan, cả tiết. Ăn rồi phù hộ độ trì cho bà con dân bản, quanh năm no ấm vui vẻ, an lành.”

Bài cúng dài thao thao như nước suối. Nghi lễ cúng cơm mới làm đủ bốn phần, ứng với thời kỳ cây lúa từ gieo trồng đến gặt hái. Giọng thầy cúng thành tâm. Mỗi bài cúng ngơi là từng tốp múa phụ họa cùng tiếng nhạc, tiếng trống tiếng cồng hút hồn người dự hội. Sau mấy tháng trời người dân chân lấm tay bùn, cùng với nỗi mong mỏi cây lúa, từ gieo trồng đến gặt hái được diễn tả lại rất chân thực mà nặng tâm can qua mỗi bài thầy mo:

1. Cày bừa, gieo mạ.

Chọn được ngày lành, tháng tốt

Mới vác cầy xuống đồng

Mới vác bừa xuống ruộng

Mới lấy mạ xuống gieo…

Trong lúc thầy mo Quàng Văn Thương nhả lời, tốp múa với các động tác mô phỏng cầy bừa, gieo mạ. Tiếng nhạc rộn ràng, điệu múa dồn dập chẳng khác gì cảnh nhà nông xuống đồng nhọc nhằn hối hả.

2. Cấy lúa, đuổi chim.

Cấy 10 ngày mới xong

Mặt trời lặn mới nghỉ

Mới dặn thần đất canh giữ

Đừng cho chuột cắn gốc

Đừng cho chim ăn ngọn

Lợn rừng không đến ăn

Hươu nai không đến phá

Chim sẻ không cắn cọng

Chim chích không cắn bông

Lúa trên nương mới chín

Rơm dưới ruộng mới vàng…

Phụ họa bài cúng là những diễn viên vừa bước lên từ ruộng lúa. Họ múa hát hồn nhiên nhập hồn mô phỏng động tác cấy lúa, săn thú đuổi chim… rất ưng mắt, ưng tai trong tiếng vỗ tay tán thưởng của dân Mường.

3. Gặt lúa, giã cốm.

Giọng thầy cúng vẫn thao thao như nước suối Nà Hin đổ vào Sông Mã, như mây xanh trên đỉnh Pú Nhu. Múa theo là những diễn viên nông thôn eo co, vú gai vông, dây xạ tích lấp lánh trong điệu xòe quyến rũ:

Các con mới lấy liềm đi gặt

Mới cầm đòn đi gánh

Đầy gùi to đủ mang

Đầy bung to đủ gánh

Đổ vào bồ dưới cũng thừa

Đổ vào bồ trên cũng đầy cũng ắp…

Và niềm vui đặc trưng của cộng đồng vùng cao là chế biến rượu và tận hưởng sản phẩm từ tay mình làm ra. Niềm vui được mùa đông vui, kéo dài và đoàn kết của cộng đồng:

Được 6 ngày rượu mới đắng ngọt

Được bảy ngày rượu mới đắng thơm

Lúa mới mang về giã làm cốm

Gạo mới mang về nấu cơm thơm…

Hạt lúa là hạt ngọc trân quý biết chừng nào. Lúa gạo mới nuôi sống con người và vật nuôi, trong con mắt dân gian rất sinh động:

Nuôi lợn có nghìn chân

Nuôi trâu có nghìn sừng

Nuôi vịt đẻ nhiều trứng

Nuôi gà nở nhiều con

Nuôi dê phát triển nhiều đàn

Trâu bò đầy gầm sàn…

*

Phần lễ tạm ngưng cho phần hội mở ra. Khu văn hóa bản Nà Hin rộn rã tưng bừng với trò chơi văn hóa văn nghệ, thể thao đặc sắc như ném còn, kéo co, leo cột mỡ. Đặc biệt là phần thi múa xòe, giã cốm, giã chéo đồ xôi… in đậm trong lòng người dân bản và du khách tứ phương náo nức về Nà Hin dự hội.

Lễ hội Mừng cơm mới kết thúc sau hai ngày ấn tượng và lưu luyến, trong vòng xòe nở hoa và tiếng hát véo von:

“Không xòe ngô lúa không được mùa

Không xòe trái gái không thành đôi”.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ngày tết ông Công, ông Táo qua nhanh. Tôi chia tay thầy mo Quàng Văn Thương ra về trong men rượu cần lâng lâng và những bài mo thành khẩn. Thầm hẹn ngày lễ hội Mừng cơm mới năm sau góp mặt cùng dự hội với dân Mường.

__________

Chú thích: hoa kệt: Cùng họ loài hoa găng.

Ghi chép của Trần Nguyên Mỹ