Lễ cúng Trời ở Cốc Pài

Thảo Duy - Ghi chép

Tháng Bảy dương lịch năm ấy, Hà Giang mưa dữ dội. Con đường từ ngã ba Tân Quang qua Hoàng Su Phì vào phố huyện Cốc Pài của Xín Mần - Hà Giang dài hơn 90km đắm chìm trong những cơn mưa trắng xóa.

Trong mưa, hàng ngàn con thác lớn nhỏ từ khắp các triền núi cao buông mình xuống các thung lũng trông như những mái tóc buông dài của Nữ chúa Thượng ngàn bay giữa núi rừng. Những con thác băng sầm sập qua đường, hung dữ, hăm dọa, chỉ cần cái xe chở hàng chục hành khách thiếu một chút bản lĩnh và may mắn là bị chúng cuốn phăng xuống vực sâu hàng trăm mét. Và con đường trong mưa ấy, dù chứa đầy nguy cơ, cũng mang một vẻ đẹp trong veo và gợi cảm giác phiêu lưu mạo hiểm.

Ngày tôi đến Cốc Pài chính là ngày lễ hội. Ngày lễ cúng Trời của người Nùng.

clouds-2716-1280-1704251722.jpg

Anh bạn tôi nhiều năm đóng đô ở Xín Mần, đã thấu hiểu cặn kẽ những phong tục tập quán của người địa phương, như một anh chàng người Mông, người Nùng, người La Chí thực sự. Anh bảo ngày mùng Một tháng Sáu âm lịch, người Nùng ở Xín Mần tổ chức lễ cúng Trời. Mỗi năm, ngoài Tết Nguyên Đán như người miền xuôi, người Nùng có hai dịp Tết lớn: Tết cúng Rừng vào tháng Hai âm lịch, và Tết cúng Trời vào tháng Sáu âm lịch.

Vào dịp Tết cúng Rừng, những thôn người Nùng họp nhau lại, tổ chức cúng tế ở những khu rừng mà tổ tiên để lại. Thường là những khu rừng nguyên sinh đã có từ ngàn đời, người ta thế hệ này đến thế hệ khác sinh ra đã thấy rừng ở đó. Trong văn hóa tâm linh của người Nùng, Rừng và Trời vô cùng quan trọng, như chính tổ tiên, như máu thịt của họ. Nếu một ngư dân coi ngư phủ là đất thánh, coi cá ngư ông là cá thiêng, thì với những con người sinh ra từ rừng, lớn lên từ rừng cũng coi rừng như vậy. Họ có thể sẽ ra đi từ rừng, có thể sẽ lại trở về rừng, nhưng rừng trong tâm hồn, trong trái tim họ là bất tử, là cõi thiêng phải được trân quý bảo vệ.

Có những thôn người Nùng không có rừng. Tại sao những người sinh ra từ rừng lại không có rừng để cúng? Ấy là những thôn mới lập, mới được tách ra, như là những “xóm Mới” dưới xuôi. Những xóm mới chưa có đình, chùa, chưa có cây đa giếng nước như làng gốc. Những thôn người Nùng mới lập không có rừng, người ta sẽ chọn một cái cây cổ thụ mà họ cho là linh thiêng để cúng. Có trường hợp một con đường mới được thiết kế, phải chặt đi những cây to trong phạm vi thi công, không ngờ đã phạm vào cây thiêng, cây thần rừng của người bản địa, và đã có những cuộc thương thuyết rất lâu người ta mới đồng ý chọn một cây khác làm thần rừng, và con đường mới tiếp tục được thi công và lưu thông như ngày nay.

trees-8447489-1280-1704251774.jpg

Trước ngày cúng rừng, người ta cử những chàng trai khỏe mạnh và đạo đức nhất thôn xóm trèo lên cây, chặt bỏ tất cả những cành khô xuống, rồi dùng chính những cành khô ấy để đun nấu đồ cúng, ngay dưới gốc cây. Người ta cho rằng trong ngày lễ cúng Rừng tối linh thiêng, phụ nữ tuyệt đối không được tham dự. Trong ba, bốn ngày nghỉ Tết, không ai được phép làm một việc gì có đụng đến đất rừng, nếu không may có xảy ra nguy họa thì sẽ ảnh hưởng đến cả thôn làng.

Lễ cúng Trời diễn ra vào tháng Sáu âm lịch. Hôm đó người ta sẽ tổ chức giết trâu để cúng Trời, địa điểm cũng trong khu rừng thiêng của họ. Trâu được chọn tế trời phải là trâu đã được chọn một năm trước đó, nuôi bởi một gia đình trong sạch và có đạo đức. Thịt trâu tế Trời được chia đều cho mỗi gia đình, riêng chủ trâu được phần đầu và 4 chân trâu. Người Nùng kiêng rằng, trên đường mang thịt trâu đã tế Trời về, tuyệt đối không được nói câu nào, dù ai có hỏi có chào đi chăng nữa, cho đến khi miếng thịt trâu đó đã được cúng trên bàn thờ gia tiên của họ. Họ sợ điều đó sẽ gây tai họa cho thôn xóm.

Những gia đình có trâu được chọn giết tế trời sẽ lấy làm vinh dự, và họ sẽ chăm sóc con trâu của mình một cách chu đáo nhất, tuyệt đối không làm gì khiến trâu bị tổn thương, ảnh hưởng đến hình thức cho nghi lễ thiêng liêng mỗi năm một lần của họ.

Tôi đến Cốc Pài đúng ngày Ba mươi tháng Năm âm lịch, ngày hôm sau sẽ diễn ra lễ cúng Trời. Anh bạn tôi được mời tham dự tại một thôn Nùng gần đó. Tôi ngỏ ý đòi theo để có dịp tìm hiểu sâu hơn văn hóa của người bản địa, nhưng anh lắc đầu. Người ta tuyệt đối cấm phụ nữ tham dự, hay đến gần nơi diễn ra nghi lễ thiêng liêng ấy. Phụ nữ chỉ được tham gia buổi tiệc, sau khi lễ cúng đã hoàn tất. Có điều người bản địa uống rượu nhiều khủng khiếp, nếu không được chuẩn bị trước về sức khỏe và tửu lượng, tôi tốt nhất không nên tham gia.

forest-8031585-1280-1704251834.jpg

Vậy là dù rất muốn xem một nghi lễ tế Trời, tôi cũng đành ngậm ngùi tiếc nuối. Tôi khám phá Cốc Pài bằng xe máy, cùng người bạn đồng hành. Chúng tôi đã đi rất nhiều quãng đường núi quanh co hiểm trở và vô cùng nên thơ, ngắm cả thị trấn Cốc Pài dưới những tầng mây trắng bồng bềnh từ trên đỉnh Nàn Ma mờ sương. Nàn Ma cao 1100m so với mực nước biển, giữa trưa nắng mà hơi lạnh phả như đứng giữa một cái hang sâu đầy hơi nước. Suốt những cung đường nên thơ ấy, chúng tôi đã gặp những cô bé, cậu bé người Mông má đỏ tóc cháy vàng vui đùa ríu rít bên những con trâu cổ đeo mõ kêu lốc cốc. Tuổi thơ của các em rất ngắn ngủi, chỉ vài năm nữa đã gánh trên vai trọng trách làm vợ làm mẹ, làm chủ một gia đình.

Một loài hoa rừng màu trắng nở giữa mênh mang đất trời. Bấy giờ là mùa mưa, những khoảnh khắc đẹp như thế chỉ diễn ra trong vài giờ ngắn ngủi. Một cơn mưa có thể đổ xuống, kéo dài cả giờ liền, nhấn cả đất trời mênh mông trong làn mưa trắng xóa. Và trên những ngọn núi cao vút tầng mây, những dòng thác trắng như mái tóc buông dài của Nữ chúa Thượng ngàn đang thả trôi xuống cõi trần vô tận.

Thảo Duy - Ghi chép