Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu đón Tết

Đỗ Linh - Thu Hằng
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (thuộc xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) lại tất bật gói bánh phục vụ nhu cầu du khách thập phương…

Khác hẳn với những nơi làm bánh chưng khác, duy nhất ở làng bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà 100% người dân đều gói thủ công bằng tay. Mặc dù gói bằng tay, nhưng dưới những đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của những người thợ, từng chiếc bánh chưng vẫn vuông thành sắc cạnh. Đó là một trong những kỹ năng riêng biệt chỉ có ở làng bánh chưng Bờ Đậu, mà khó có nơi nào khác có thể học hỏi được.

Người dân ở đây cho hay, việc gói bằng tay sẽ có thể điều chỉnh cho chiếc bánh thật chặt, vuông đều các cạnh bằng nhau, khi cho vào luộc không hề bị méo mó, căng phồng, chiếc nào chiếc nấy đều vuông thành sắc cạnh. Gạo nếp để gói bánh được mua ở vùng xã Ôn Lương, hạt gạo mẩy tròn, trắng tinh, sau khi đãi lọc qua ba lần nước rồi để ráo. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên. Đỗ xanh được đãi sạch và đồ chín sau đó chia thành từng phần nhỏ cho từng chiếc bánh. Nhân bánh được làm bằng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc. Bánh được gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Na Rì, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Bánh sau khi gói xong được ngâm trước với nước trong khoảng 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Bánh được đun từ 8 – 10 tiếng, khi nước cạn phải đổ thêm để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng ở đây được lấy từ các giếng đào hoặc khoan của các mạch ngầm từ dãy núi Sơn Cẩm.

Với hương vị thơm ngon, đậm vị cổ truyền, thương hiệu bánh chưng Bờ Đậu ngày càng nức tiếng gần xa, lượng khách hàng thập phương ghé qua mua hoặc đặt bánh ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, làng nghề luôn tấp nập người gói bánh và nổi lửa luộc bánh quanh năm, tuy nhiên nhộn nhịp nhất vẫn là những ngày giáp Tết.

Đỗ Linh - Thu Hằng