Kon Tum: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng

Đỗ Linh - Khoa Chương
Với nhiều hình thức và giải pháp, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng tại tỉnh Kon Tum đang được thực hiện một cách tích cực ngay trong cuộc sống thường ngày của người dân…

Ở vùng đất Tây Nguyên, cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng xuất hiện thường xuyên, gắn bó với từng cá thể, từng gia đình, từng cộng đồng. Theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy, các sự kiện trong vòng đời con người luôn gắn liền với các lễ thức, hội làng và cồng chiêng luôn luôn là yếu tố không thể thiếu vắng: “tiếng chiêng ngân dài theo suốt cuộc đời con người”.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Bao ton gia trị di san Cong chieng\5-KON TUM-KHOA CHUONG.jpg

Cồng chiêng và sinh hoạt văn hoá cồng chiêng có từ lâu đời, thông qua tiếng chiêng, các dân tộc ở Tây Nguyên gửi gắm tâm hồn, ước nguyện của mình với các đấng thần linh, tổ tiên, cũng như bày tỏ các mong muốn, khát vọng của mình với mùa màng, sức khoẻ, hạnh phúc của con người, nên cồng chiêng đã trở thành “vật thiêng”. Bên cạnh yếu tố tín ngưỡng, cồng chiêng còn là biểu tượng của uy tín và quyền lực, người sở hữu nhiều cồng chiêng không chỉ là người giàu của cải, mà hơn thế nữa, còn là người có sức mạnh linh thiêng lớn hơn người khác vì có nhiều thần linh bảo hộ.

Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, tỉnh Kon Tum đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025” và đã đạt được những kết quả nhất định như: trang bị cồng chiêng, trống cho các làng đồng bào DTTS tại chỗ; các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng không có cồng chiêng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Kon Tum đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn/làng đồng bào DTTS tại chỗ không có cồng chiêng. Đã tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa (xoang) và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Description: C:\Users\msi\Desktop\Bao ton gia trị di san Cong chieng\2-KON TUM-KHOA CHUONG.jpg

Đặc biệt, tỉnh Kon Tum đã chú trọng việc đưa cồng chiêng, múa xoang vào trường học để giúp thế hệ trẻ quan tâm hơn đến văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Để duy trì “đội cồng chiêng nhí”, các trường thường tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang tại các buổi chào cờ, tiết mục văn nghệ và biểu diễn tại địa phương; đồng thời cho học sinh mặc trang phục dân tộc khi đến trường để khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Di sản văn hóa hay nói cụ thể hơn là di sản không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tỉnh Kon Tum đã góp phần tạo nên “sức mạnh mềm”, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đỗ Linh - Khoa Chương