Người trẻ và những bất an trên Mạng xã hội

Giàu Dương

Ngày càng có nhiều bạn bè xung quanh tôi ước rằng một ngày có nhiều hơn 24h để họ có thể làm được nhiều việc hơn. Thế nhưng, sự thật là chúng ta luôn có rất nhiều khoảng thời gian không dùng đến giữa các hoạt động. Khi cộng chúng lại, chúng ta dư được một quỹ thời gian không nhỏ.
Thử thách mà ta phải vượt qua để sử dụng hiệu quả quỹ thời gian ấy là sự thiếu tập trung. Trong cuốn sách Deep Work, Cal Newport cho rằng khả năng tập trung sẽ trở thành một dạng IQ mới, là "siêu năng lực" của thế kỷ 21 - một thời đại số với quá nhiều thứ liên tục kêu gọi sự chú ý của con người, đặc biệt là mạng xã hội.
Có bao giờ bạn rơi vào những tình huống tương tự thế này: Mải mê xem các video trên tiktok mà hết cả giờ nghỉ trưa, 'hóng drama' ở các nhóm kín đến rạng sáng hôm sau, tranh luận hàng giờ với những người xa lạ chỉ vì một vài dòng trạng thái của ai đó,...
Nếu bạn cảm thấy thời gian của mình dần bị ngốn ngấu một cách vô nghĩa, bài viết này hy vọng có thể đồng hành cùng bạn để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

t1-1695688709.jpg


Theo số liệu thống kê tính tới tháng 6/2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng Xã Hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc. Điều này cho thấy, mạng xã hội đang chiếm giữ vị trí trung tâm trong cuộc sống của rất nhiều người. Vậy thì những vấn đề ẩn tàng của nó là gì?
Mạng xã hội không hoàn toàn miễn phí. Bạn phải trả giá bằng trí lực, thời gian và cảm xúc của mình. Các công ty mạng xã hội (Facebook, Instagram, Tiktok,...) dùng sự chú ý của bạn nhằm tạo nên một nền tảng dữ liệu để bán cho các nhà quảng cáo. Họ có một đội ngũ chuyên nghiệp để phân tích dữ liệu dựa trên từng cú click chuột, từng giây, từng phút các bạn dừng lại ở một bản tin,... Và sự thật là trí lực và sự tập trung của con người có giới hạn. Điều này đồng nghĩa với việc khi bạn dùng nhiều hơn vào một việc gì đó thì phải chấp nhận bớt ít lại ở một việc khác.
Rất khó để trả lời cho câu hỏi: "Điều gì đọng lại trong bạn sau hàng giờ chìm đắm trong mạng xã hội?" Tôi đồng ý rằng luôn có những giá trị tích cực được gạn lọc ra giữa biển thông tin khổng lồ ấy, nhưng thật khó để tránh khỏi những tiêu cực. Và những mệt mỏi, căng thẳng hoặc thậm chí là giận dữ, cuồng nộ mà bạn gặp phải, những đầu việc bị giảm hiệu suất đáng kể, những mối quan hệ đời thực bị ảnh hưởng,... là điều rất đáng được cân nhắc.

16605520596553-1695650043.jpg

Không đề cập đến các vấn đề làm nhục trên mạng, tranh luận thiếu văn minh, tin giả,... Tôi thường có một thắc mắc, tại sao ở cuối mỗi bài viết giới thiệu thành tích học tập khủng, thu nhập đáng nể của một cá nhân nổi trội nào đó thường là câu: "x tuổi người ta đã làm được từng ấy thứ rồi, còn mình vẫn đang bận nghĩ xem tối nay ăn gì." Các trang báo điện tử dùng kiểu viết ấy có thực sự mang lại hiệu ứng truyền thông tốt? Người đọc sẽ có cảm nhận gì sau đó? Việc ngoài kia có rất nhiều người tài giỏi là điều luôn diễn ra. Tuy nhiên, hiểu biết ấy nên trở thành một dạng động lực thay vì là áp lực. Peer pressure (áp lực đồng lứa) dần dà đã trở thành một nỗi ám ảnh với mọi lứa tuổi.
Mạng xã hội và nỗi sợ bỏ lỡ (Fear of missing out) thế giới ngoài kia đang cuốn bạn vào vòng xoáy của những ganh đua và so sánh tiêu cực. Chúng ta biết, nhưng rất ít khi nhận ra rằng mình thường xuyên so sánh hậu trường của bản thân với sân khấu của người khác.
Người trẻ và sức đề kháng tâm lý
Trong cuộc khảo sát căng thẳng hàng năm của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, khoảng 18% người trưởng thành Hoa Kỳ cho rằng sử dụng công nghệ như một nguồn căng thẳng đáng kể trong cuộc sống của họ. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi các nhà tâm lý học Thụy Điển cho thấy việc sử dụng công nghệ ở thanh niên có liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ, các triệu chứng trầm cảm và tăng mức độ căng thẳng.
Một lời chê bai, mạt sát có thể trở thành một nỗi ám ảnh dai dẳng. Một sự mặc cảm tội lỗi vì những gì bản thân chưa làm được so với hàng loạt các thành tích khủng trên mạng có thể gia tăng stress, dẫn đến rối loạn lo âu và các vấn đề tâm lý khác. Tệ hơn, một đoạn clip nhạy cảm bị phát tán tràn lan trên mạng có thể trở thành chiếc thòng lọng siết chết một bé gái ở tuổi đôi mươi.
Tôi không bài trừ hay cổ xúy từ bỏ mạng xã hội. Là một người trẻ thế hệ GenZ, tôi hiểu rõ sự cần thiết của nó trong giao tiếp, kết nối để học tập và làm việc. Chúng ta cũng cần phải thích nghi với một thời đại công nghệ không ngừng biến đổi. Vậy nên, ta cần một sức đề kháng tâm lý tốt hơn ở môi trường mạng.
5 bước để thoát khỏi tình trạng bội thực mạng xã hội
1. Lắng nghe và thấu hiểu chính mình
Mỗi buổi sáng thức dậy, hãy dành vài phút để cảm nhận cơ thể, tự hỏi xem bạn đang cần gì và muốn gì. Thay vì chỉ liệt kê những đầu việc phải làm trong ngày, bạn hãy làm thêm một danh sách những gì bạn muốn cảm thấy/trải nghiệm trong ngày hôm đó. Ví dụ, khi viết: "Tối nay tôi muốn được thoải mái và thư giãn", bạn sẽ tìm những việc tương ứng để có thể trải nghiệm cảm giác ấy như là nghe nhạc, thiền, tập yoga, nấu ăn,...

Hãy chấp nhận mọi cảm xúc mà bạn có, quan sát và ngồi xuống trò chuyện cùng nó. Dù bạn có cảm thấy sợ hãi tuổi già, bản thân chưa đủ tốt, áp lực đồng lứa hay khủng hoảng nhận ra mình tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc trả lời câu hỏi "Mình là ai?" thì hãy cứ đối diện với nó. Việc hiểu rõ bản thân sẽ giúp bạn tìm ra căn nguyên của mọi nỗi sợ hãi và lo lắng. Từ đó đi đến những giải pháp nhằm cải thiện chúng một cách dễ dàng hơn.
2. Chấp nhận rằng mỗi người đều có những hành trình riêng
Chúng ta đều là những cá thể riêng biệt về mọi mặt, vì vậy thật vô lý nếu mang hành trình sống của bản thân ra so sánh với một ai đó khác. Không thể vì một cô gái 20 tuổi trên mạng ăn mừng ra mắt quyển sách đầu tay mà bạn cảm thấy mình thật là vô dụng.
Hãy học cách yêu quý bản thân, trân trọng những thành quả nho nhỏ mà bạn đạt được và chỉ cần trở thành phiên bản tốt hơn của chính bạn (qua từng ngày một) thì đã là một thành công rất lớn rồi. Đồng thời, hãy nuôi dưỡng một tư duy cởi mở và một tâm hồn rộng lượng. Có như thế, bạn mới có thể biến áp lực thành động lực và tiếp tục vững bước trên hành trình của mình.
3. Rèn luyện khả năng tập trung
Theo Daniel Goleman trong quyển Focus: The Hidden Power of Excellence, có 2 kiểu phân tâm: phân tâm xúc giác (mất tập trung do môi trường xung quanh) và phân tâm cảm giác (mất tập trung do suy nghĩ của chính bạn). Để cải thiện khả năng tập trung, chúng ta cần vượt qua 2 loại phân tâm kể trên. Cụ thể là giảm bớt phản ứng với những yếu tố gây phân tâm và điều tiết tâm trí để tập trung vào những điều quan trọng.
4. Phát triển các sở thích cá nhân
Robin Sharma đã viết trong 3 người thầy vĩ đại rằng: "Một trong những điều đầu tiên cậu có thể làm để kết nối lại với trái tim mình là kích thích những đam mê đã chết ngay trong cậu. Hãy bắt đầu làm những việc mà, trước kia, đã từng đầy ắp trái tim của cậu."
Mời bạn ngồi xuống - dưới tán cây, bên hiên nhà, quán cafe hay bất kỳ một góc an tĩnh nào đó, nghĩ về những điều mà bạn đã rất thích từ khi còn bé: vẽ tranh, âm nhạc, làm thủ công, trang trí nhà cửa, nấu ăn,... Và làm chúng.
5. Be present - sống trong giây phút hiện tại
Bài học chúng ta được nghe rất nhiều trong thời gian đầy sóng gió của đại dịch Covid-19 là sống chánh niệm trong từng khoảnh khắc. Càng ý thức rõ sự hữu hạn và vô thường của đời sống, chúng ta cần phải học cách trân quý mỗi giờ phút trong đời và khiến chúng thật sự có ý nghĩa.
Đừng mãi đắm chìm trong những tiếc nuối về quá khứ, lo lắng hay sợ hãi cho tương lai. Hãy làm từng việc nhỏ, đi từng bước một bằng tất cả nỗ lực và khả năng của bản thân. Tôi tin chúng mình sẽ tìm được giá trị sống đích thực của riêng mình.
Kết
Một lần nữa, tôi xin mượn lời TS. Đặng Hoàng Giang thay cho lời kết: "Bạn không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới."
Cầu mong bạn dù ở bất cứ đâu, vẫn luôn vững bước trên con đường phát triển bản thân.

Giàu Dương