Khắc khoải nâu – Niềm hoài vọng quê hương

Trần Kim Thoa

Vĩnh Thông tên thật là Huỳnh Lê Triều Phú, một tác giả trẻ của tỉnh An Giang vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

Anh sở hữu nhiều tác phẩm nổi bật ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tản văn và đặc biệt là nghiên cứu văn hóa. Tác giả đã xuất bản một số tựa sách như: tập thơ Trạng thái yêu (2015), tập du khảo An Giang núi rộng sông dài (2015), tập tùy bút Thong thả đi (2017),... Và một số giải thưởng văn chương trong nước. Là một người đọc và một người viết, tôi rất nể phục trước sức viết và tài năng của Vĩnh Thông. Bên cạnh đó, tôi càng quý trọng tình yêu tác giả đã dành cho nơi chôn nhao cắt rốn, điều ấy được khắc họa rõ nét nhất qua tập thơ Khắc khoải nâu (NXB Văn hóa - Văn Nghệ năm 2018).

2-1705730237.JPG
Nhà thơ trẻ Vĩnh Thông

Xuyên suốt tập thơ là chuyến hành trình tuổi trẻ, trải dài những xúc cảm và suy tư. Trên mỗi bước đường tác giả đi qua đều lưu lại những vết tích ngôn từ, đôi khi rát buốt và lạnh lẽo như một trận mưa: "Cơn mưa cuối mùa buốt tận đáy sông / Buốt tận lần dang dở cũ", "Xem kìa! Có cơn buồn vừa xuyên ngang" (Xem kìa), đôi khi rất đời thường nhưng lại xoáy vào lòng người: "Thành phố đêm về bán chác niềm vui / Thừa một bàn tay chìa ra rúm ró / Bao người gặp bà trên cầu Duy Tân / Còn nhớ ngực mình cài bông hồng đỏ?" (Bà lão hành khất cầu Duy Tân). Dưới góc nhìn của một người con rời quê lên phố trọ học, thành thị hiện diện trong mắt Vĩnh Thông như một bức tranh chật ních con người nhưng thừa mứa cô đơn: "Thành phố đã lăn qua dốc ngày/ Một mình anh đôi chân nằng nặng", "Thành phố kẹt xe, thành phố người đông / Những con hẻm biệt mù khoảng trống nhớ" (Đêm thành phố không em). Và tô điểm thêm cho sự đơn độc là hình bóng em như một niềm tiếc nuối: "Trôi về phía em dẫu người ngoảnh mặt / Thì đành trôi về phía hư vô" (Nắm níu mùa), "Có phải vì chưa đủ chặt vòng tay / Nên không giữ được nhau lần nữa / Người đứng lại bên lề nỗi nhớ / Đôi tay gầy lần cuối vẫy chào nhau" (Chút lãng mạn cuối cùng). Bên trong bản thể cô đơn ấy, nỗi hoài vọng quê nhà càng thêm sâu nặng: "Cuối năm / lẻ nhịp trái tim / Giấc nâu gửi / trọn bao niềm nhớ thương / Hết rồi, lòng có vấn vương? / Cuối năm xin gửi nén hương quê nhà" (Xóm trọ cuối năm), "Ngóng về Tây: Thất Sơn bạc trắng / Kẻ trượng phu còn bận độc hành" (Quán lưng chừng). Tất cả dường như dung hòa vào nhau tạo thành một dòng chảy vừa đậm chất hiện thực xã hội, lại mang vẻ đẹp trữ tình, hư ảo.

Có một số chi tiết đã để lại ấn tượng trong tôi khi đọc Khắc khoải nâu. Đầu tiên phải kể đến cách đặt tựa, thông thường tựa của các tập thơ sẽ dùng tên một bài tiêu biểu trong tập, nhưng Vĩnh Thông đã không làm như vậy. Thay vào đó, tác giả dùng một câu thơ trong bài Thôi mình về phố để đặt tựa. Thoáng chốc chìm vào suy ngẫm, tôi chợt hiểu vì người buộc phải trở về nơi phố thị, nên lòng mãi còn khắc khoải với mảnh đất quê hương. Ngay trên bìa sách cũng đã làm độc giả liên tưởng đến đất đai, châu thổ hay phù sa, bụi đường. Và từ khắc khoải, nâu cũng đã được lặp lại nhiều lần trong suốt tập thơ. Đây là minh chứng rõ nhất về tình yêu Vĩnh Thông dành cho quê hương xứ sở không thể đánh đổi bởi bất cứ giá trị nào khác.

d46f7850-1a3b-4b9a-8b06-672cac0250dd-1705730146.JPG
Khắc khoải nâu - Tập thơ của Vĩnh Thông

Tiếp đến là thời gian sáng tác các bài thơ, nếu so với tuổi đời của tác giả khi ấy thì quả thật trái ngược rất nhiều. Những dòng thơ mang sức nặng và đầy trải nghiệm của một tâm hồn trưởng thành, già dặn, nhưng lại cũng phảng phất đâu đó sự phá cách của tuổi trẻ, sự lãng mạn bay bổng của một nghệ sĩ. Tôi rất thích bài thơ ngắn duy nhất trong tập mang tên Dự trù: "Có nhiều dự trù ngắn / Lăn trên cuộc trốn dài / Thường là dự trù nhỏ / Chằng chịt phía tương lai". Nó như một điểm nhấn đầy tính triết lý và cũng là một sự chuẩn bị cho tương lai, nói lên sự chu toàn từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt.

Tôi may mắn được gặp gỡ Vĩnh Thông một lần và trong nhận định riêng mình, tôi nhận thấy dù là con người văn chương hay con người thực tại chẳng khác nhau mấy. Chàng trai năm 18 tuổi hay năm 27 tuổi đều toát lên vẻ điềm đạm, chững chạc và giản dị. Do còn xa lạ nên tôi chỉ đến chào hỏi rồi rời đi, nhưng tôi vẫn tin, nơi con người tài năng ấy một điều gì tươi sáng và với năng lực của Vĩnh Thông sẽ còn tiến xa trên hành trình văn chương. Tôi rất thích tên thật của tác giả, nó khiến tôi không thôi nghĩ đến những đợt thủy triều mang theo phù sa bồi lắng góp phần tạo nên sự trù phú cho vùng đồng bằng Cửu Long. Hi vọng từ những nền tảng đã gây dựng cùng tinh thần cầu tiến không ngừng sáng tạo, tên tuổi Vĩnh Thông sẽ trở thành một điểm sáng của nền văn học Việt Nam hiện tại và tương lai.

Trần Kim Thoa