Kết chạ ăn thề

Trần Minh Ý - Ghi chép

Tương truyền Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương khi dấy binh đánh giặc Cao Chính Bình, ông đã đóng quân trên địa phận nay là làng Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội. Thành hoàng được người làng Triều Khúc thờ chính là vị anh hùng dân tộc này.

Hàng trăm năm nay, người làng Triều Khúc không gọi cha đẻ là bố, mà là ba. Cũng không có người làng nào đặt tên con là Hưng, trừ người thiên hạ đến làng mua đất dựng nhà lập nghiệp. Mỗi năm, làng Triều Khúc tổ chức lễ hội vào đầu tháng Giêng và thường họ sẽ tổ chức một ngày đi Tết anh Cả. Anh Cả, tức làng kết nghĩa của Triều Khúc chính là làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội ngày nay. Cam Lâm là sinh quán của Phùng Hưng, và hiện có một ngôi đền cổ thờ ngài. Ngôi làng này cũng nổi tiếng với đặc sản chè xanh. Có câu “Nước giếng Nghè, chè Cam Lâm". Giếng Nghè được biết là một giếng cổ, nước trong và rất ngọt. Nhiều người từ rất xa đã đến xin nước giếng Nghè về uống hoặc để thờ cúng (khác với với giếng Sữa cũng ở gần đó). Chè Cam Lâm cũng là những cây chè cổ, được người dân chăm sóc lưu giữ cả thế kỷ. Nước giếng Nghè nấu chè Cam Lâm thì ngon nức tiếng. Tiếc rằng ngày nay khó có thể được thưởng thức món đặc sản dân dã này.

Không rõ hai làng kết nghĩa từ khi nào, nhưng đến nay lệ ấy vẫn được coi trọng. Việc hai làng tổ chức kết chạ (làng), tức kết nghĩa anh em là một lệ phổ biến trên đất Việt. Từ xa xưa, do nạn giặc giã, thiên tai, các làng thường tổ chức kết nghĩa anh em để dân làng bao bọc, giúp đỡ nhau.

lang-trong-pho-2-1704617635.JPG
Điệu múa cổ truyền "Con đĩ đánh bồng" ở làng Triều Khúc

Nằm bên bờ sông Tích, làng Trí Thủy, xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội có mối tình anh em kết nghĩa với làng An Tràng (ngày nay gọi là Yên Trường), gọi là Anh Cả và Em Bé. Vùng đất này giáp Thăng Long cổ đô, có nhiều làng nghề truyền thống và cũng nổi tiếng hay học. Có một câu ca được truyền đời: “Chó Chi Nê cắn ra chữ/ Chó Đồng Trữ cắn ra khoai lang/ Chó An Tràng cắn ra lúa gạo”.

Làng Chi Nê nổi tiếng là làng khoa bảng. Ngày nay, đến thăm Chi Nê, người ta sẽ thấy cổng làng đề 5 chữ lớn: “Làng Khoa bảng Chi Nê”. Câu ca cho thấy rằng làng Chi Nê nổi tiếng hay học như thế nào, và làng An Tràng sung túc ra sao. Còn làng Đồng Trữ nghèo, người dân chỉ có khoai sắn qua ngày. Hiện nay thì khoai lang là một loại nông sản khá đắt đỏ, giá thành cao hơn lúa gạo nhiều.

Vì sao hai làng kết nghĩa Anh Cả - Em Bé?

Ở vùng này có một tục lệ vẫn được duy trì: Tục ăn Tết Cùng.

Tết Cùng thực chất là cái Tết riêng của làng Yên Trường. Tục lệ này bắt nguồn từ một sự kiện có thật, xảy ra vào năm 1883.

Theo tài liệu được sưu tầm về làng Yên Trường của thầy giáo Nguyễn Xuân Vân: Năm 1883, làng An Tràng gặp nạn giặc Cờ đen (hắc quân kỳ). Chúng là tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc. Một tướng quân là Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy quân Cờ đen đã từng cùng nhân dân Huế và Hà Nội chống giặc Pháp, nhưng sau hiệp ước Thiên Tân (1883) Lưu Vĩnh Phúc được Triều đình Huế ban thưởng và buộc phải rút về Trung Quốc. Một tên tướng cướp tên là Quản Đặng cùng đám du thủ du thực và một đám tàn quân Cờ đen đã tổ chức cướp phá của nhân dân. Theo lời các cụ cao tuổi, giặc Cờ đen đi đến đâu là giết chóc, cướp phá, đốt làng đến đó. Những ngày cuối tháng Chạp năm 1883, dân làng An Tràng đang tổ chức chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán thì giặc kéo đến đốt làng. Nhiều nhà đang luộc bánh chưng phải đổ hết bánh xuống giếng, xuống ao rồi bồng bế gánh gồng nhau chạy giặc qua các vùng lân cận.

Ra giêng, giặc lui, dân làng lục đục kéo nhau về. Tết đã qua, làng mạc tiêu điều, nhưng hoa đào vẫn thắm, bánh chưng vớt từ giếng, từ ao lên vẫn rền ngon, dân làng tổ chức ăn Tết lại, về sau tục gọi là Tết Cùng.

Ngày trước, khi chưa có tủ lạnh, những ngày tháng Chạp và trong Tết trời thường đổ nồm, bánh chưng nhanh bị thiu, người dân vùng này cũng bắt chước các cụ xưa là thả bánh chưng xuống đáy giếng. Qủa nhiên, ra tận giữa tháng giêng bánh vẫn không bị hỏng.

Từ đó đến nay, đã hơn một trăm bốn mươi năm trôi qua, không năm nào người dân làng An Tràng trước và Yên Trường nay là không tổ chức ăn Tết Cùng. Vào ngày Tết này, ngoài các món ăn truyền thống giống như Tết Nguyên Đán, người An Tràng còn thường làm các món ăn như bánh khúc và nộm bún cá trê.

lang-co-truong-yen-1704617903.jpg
Một góc làng cổ Yên Trường, xã Trường Yên - Chương Mỹ - Hà Nội

Tháng Giêng là tháng ăn chơi, các cụ xưa vẫn lấy tháng Giêng để tổ chức hội hè. Và cứ độ vào khoảng 26, 27 tháng Giêng, khi nơi nơi đang tưng bừng không khí lễ hội, thì trên quốc lộ 6 đoạn chạy qua địa phận các xã Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Trường Yên, Thanh Bình, người ta dễ bắt gặp hình ảnh những cành đào xuân bung nở rực rỡ được người ta chở trên xe máy. Đó chính là những cành đào được trang trí trong nhà cho dịp Tết Cùng. Ra giêng ấm áp, đa số những cây đào dành cho tục Tết Cùng của các nhà vườn đều trổ hoa đồng loạt, phô diễn hết vẻ đẹp ngưng tụ trong một năm của cây. Do đó, đào của Tết Cùng luôn tươi thắm, rực rỡ.

Được biết ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cũng có làng giữ tục ăn Tết Cùng tương tự. Đặc biệt nhất là ở xã Song An. Chỉ khác là người dân Thái Bình ăn Tết Cùng bằng bánh khúc, hay còn gọi là bánh Hú. Họ có câu: “Tết Cả bánh chưng, tết Cùng bánh hú”.

Làng An Tràng xưa nay cũng đồ bánh khúc dịp Tết Cùng. Có thể thời điểm đó, trên khắp các cánh đồng làng, loài rau khúc mọc hoang dưới mưa xuân đang độ mơn mởn, đã trở thành nguyên liệu quý cho một món bánh ngon được dân gian ưa chuộng.

Tục ăn Tết Cùng về sau xuất hiện ở một số thôn làng của các xã lân cận. Có thể do việc giao lưu văn hóa và kết hôn. Những nàng dâu, chàng rể của An Tràng xưa đã đem tục lệ đẹp của quê nhà đến với quê chồng, quê vợ, rất có thể.

Lại nói, nạn giặc Cờ đen năm 1883, người An Tràng chạy giặc có bồng bế nhau nương nhờ làng Trí Thủy. Vốn trước đó hai làng đã giao lưu qua lại vì vốn người An Tràng có một phường tre nứa thường vào khu vực Thủy Xuân Tiên khai thác, được dân làng Trí Thủy giúp.

Mùa thu năm 1886, làng Trí Thủy đào một con kênh để tiêu úng và dẫn nước từ sông Tích vào đồng ruộng, gọi là sông Con. Khi sông được đào xong, thấy nước chảy có màu đỏ bất thường. Sau đó không lâu, một loại dịch bệnh xuất hiện khiến người làng chết nhiều, đặc biệt là trẻ em. Các cụ cho rằng quá trình đào sông Con đã làm tổn thương long mạch.

Trước nạn dịch hoành hành, các cụ làng An Tràng quyết định mang một con trâu trắng vào Trí Thủy lập đàn tế trời đất, thành hoàng, thổ thần để hàn long mạch. Qủa nhiên, dịch bệnh lui. Thật lạ, từ đó đến nay, làng Trí Thủy không ai nuôi được trâu trắng.

Năm 1887, ân tình giữa hai làng trở nên sâu đậm, đã quyết định làm lễ kết nghĩa anh em. Nghe nói, các bô lão hai làng đã cắt máu ăn thề: “Bao giờ đổ núi Tản Viên/ Cạn sông Tô Lịch mới quên lời nguyền.”

Tục kết chạ, hay còn gọi là kết nghĩa anh em giữa các thôn làng trên đất Việt là một tục lệ đẹp, thể hiện tinh thần bao bọc giúp đỡ, tương trợ nhau trong việc chống nhân nạn (giặc giã, cướp bóc) hay thiên tai. Đó không chỉ là kết nghĩa thông thường, mà còn tuân thủ những quy định rất khắt khe: Tuyệt đối trọng thị (khi làng anh đến thăm làng em thì làng em sẽ cử một đoàn gồm chức sắc và dân làng ra tận bến sông hay đầu làng đón, và ngược lại). Đã là anh em, thì người dân hai làng không được gây mâu thuẫn, đánh giết lẫn nhau. Và đã là “Anh em thì không được kết nghĩa phu thê.” Nếu ai phạm luật sẽ phải chịu ly hương. Việc cư xử với nhau cũng rất phép tắc, đến mức có câu: “Đi chạ, cái giá cắn đôi” (chỉ việc ăn uống từ tốn, tao nhã).

Ngày nay, phần lớn các làng kết nghĩa có lịch sử hàng trăm năm vẫn duy trì nghĩa tình truyền thống. Dĩ nhiên, theo thời gian, một số quy định hay lệ cũ được sửa đổi, như việc nam nữ giữa hai làng có thể kết hôn, hay việc "cái giá cắn đôi” đã không còn là việc bắt buộc. Nhưng vào những dịp làng “có việc” hay tổ chức lễ hội, làng Anh Cả và làng Em Bé qua lại thăm hỏi, giúp đỡ nhau đã trở thành một tục lệ đẹp, cho thấy lời thề kết chạ xưa của tiền nhân vẫn nguyên giá trị và sẽ còn được trân trọng đến mai sau.

T.M.Y

Trần Minh Ý - Ghi chép