Hội thi cấy lúa của người Tày

Đỗ Linh - Hoàng Thắng
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là lễ xuống đồng là một hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tại huyện Định Hóa, Thái Nguyên với ý nghĩa cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người vui tươi, no ấm, hạnh phúc...

Cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, sau những ngày vui xuân chấm dứt, mùa đồng áng mới lại bắt đầu, người Tày ở huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên lại tưng bừng tổ chức hội thi cấy lúa trên mảnh ruộng nước đã được bừa ngấu từ trước đó. Đây cũng là một trong những nghi lễ phản ánh rõ nét nhất lễ tiết nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước. Trước khi hội thi diễn ra, thầy cúng cầm nắm thóc vãi xuống đất và rẩy nước lên Trời với lời khấn cầu mong mưa thuận gió hoà, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Hội thi được tổ chức rất đơn giản, các thiếu nữ Tày mỗi người nhận một số mạ đều nhau, xuống khoảnh ruộng mà Ban Tổ chức phân công, rồi đua nhau cấy trong khoảng thời gian nhất định, ai xong sớm, đường cấy thẳng, đẹp sẽ là người chiến thắng.

Hội thi kết thúc, Ban Tổ chức tiến hành trao giải là một gói quà tượng trưng, và coi thiếu nữ Tày đó là người đem lại may mắn cho bản làng có người dự thi…

Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Việc tổ chức lễ hội thường niên đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa, văn hóa truyền thống của dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đỗ Linh - Hoàng Thắng