Hà Nội vỗ về, gửi gắm những niềm hy vọng còn chưa phai…

Những ai đã từng đi, từng nhớ và từng yêu thương mỗi góc phố hàng cây của thủ đô Hà Nội, có lẽ cũng đã từng nhận ra rằng nơi đây là chốn dừng chân ngơi nghỉ và bắt đầu của những chuyến hành trình văn chương bất tử. Dẫu rằng giờ đây, quá khứ mỏi mòn đã nhường chỗ cho thực tại ước ao, song những người con của mảnh đất đế đô không bao giờ được phép lãng quên bao dáng hình từng cống hiến hết mình cho nền văn nghệ nước nhà.

1-1703590880.jpg
Biển phố Hàng Gai

1. Phố Hàng Gai

Con phố là nơi gắn liền với cuộc đời của nhà văn Vũ Bằng. Cha ông không may mất sớm, song nhờ người mẹ buôn bán giỏi, mà gia đình Vũ Bằng vẫn sống khá giả dựa vào nghề buôn sách.

Phố Hàng Gai còn được biết đến với cái tên “con đường tơ lụa”, tuy chỉ dài vỏn vẹn 250m nhưng lại có tới 120 cửa hàng kinh doanh, trong đó 91 cửa hàng chuyên kinh doanh tơ lụa. Hiện nay, những cửa hàng này không chỉ kinh doanh đồ tơ lụa may sẵn thuần túy mà đã có những mặt hàng đặc trưng cho riêng mình như: Cự Thành chuyên về vải, Hoa Silk chuyên về khăn lụa, Khaisilk luôn hấp dẫn bởi những thiết kế Âu hóa trên nền chất liệu Á Đông… và De Maison với biểu tượng thuyền buồm luôn dành tặng cho thượng khách những phụ kiện trang phục hay đồ lưu niệm thật ấn tượng…

  1. Phố Hàng Bạc
2-1703590884.jpg
Biển phố Hàng Bạc

Phố Hàng Bạc là địa điểm gắn liền với rất nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Tuân, Thạch Lam và Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng từng sống trong một căn gác xép nhỏ ở đây.

Thuở đó, phố Hàng Bạc còn mang tên “Rue des changeurs” nghĩa là “Phố đổi tiền”. Thế nhưng ngoài nghề đổi tiền, nghề đúc bạc nén và nghề kim hoàn cũng rất phổ biến. Những năm ba mươi của thế kỷ mười chín, Hàng Bạc được mệnh danh là khu phố ăn chơi sầm uất bậc nhất Hà thành, nơi hội tụ đủ những xa hoa phù phiếm, thói hư tật xấu của một xã hội ngấp nghé qua ngưỡng cửa “văn minh, Âu hóa”. Chính sự căm ghét xã hội tư sản thành thị đã trở thành nguồn cảm hứng rất lớn để Vũ Trọng Phụng viết nên tiểu thuyết “Số đỏ”. Nhắc về Nguyễn Tuân, vài tài liệu cho thấy ông từng sống tại phố Hàng Bạc trong khoảng thời gian không quá dài, song không nêu rõ địa chỉ căn nhà ông từng lưu dấu.

Với Thạch Lam, căn nhà của ông ở số 10 phố Hàng Bạc giờ đây đã hoá thành tiệm trang sức Tân Dung. Và nhịp sống hối hả của hiện tại vẫn ôm trùm lên con phố nhỏ. Những dấu vết của một thời quá vãng dường như đã phai nhoà để nhường chỗ cho những đổi thay. Ta sẽ không thể nào bắt gặp bóng dáng một Vũ Trọng Phụng, một Nguyễn Tuân hay một Thạch Lam nhưng lịch sử sẽ mãi là nhân chứng không thể nào phai cho một thời kỳ, một sự hiện diện đã lưu dấu trong văn chương và cuộc sống.

  1. 90b2 đường Trần Hưng Đạo
3-1703590890.jpg
Căn gác xép ở số 90b2 Trần Hưng Đạo

Nguyễn Tuân - một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam - thường được biết đến với “chủ nghĩa xê dịch”. Cả cuộc đời ông là những chuyến đi dài, nơi ông cảm mến những vùng đất lạ và biến chúng thành những áng văn trác tuyệt. Nhưng những năm tháng cuối đời, ông lại lựa chọn sinh sống trong một căn gác nhỏ ở số 90b phố Trần Hưng Đạo, nay đã trở thành Bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân.

Nằm gọn trong một con ngõ giữa đoạn đường tấp nập, nơi đây vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ kính như thể quá khứ hôm qua vừa gõ cửa. Nguyễn Tuân - với tất thảy tài hoa cùng kiến thức uyên bác,đã gắng sức kiếm tìm nét đẹp văn chương từ những viên ngọc thô chất phác của cuộc sống.

  1. Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm
4-1703590896.jpg
Cổng trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm

Được chính quyền thực dân Pháp thành lập vào năm 1919, trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm có tên ban đầu là trường trung học Albert Sarraut. Đến năm 1960, khi hình thái sơ khai của trường hoàn toàn giải thể, trường được ban cho một cái tên khác và tiếp tục tồn tại với những nhiệm vụ mới, cuộc sống mới.

Trong suốt 41 năm tồn tại, trường trung học Albert Sarraut luôn được biết đến như một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất Đông Dương, với rất nhiều nhân vật tên tuổi theo học. Vũ Bằng và Thạch Lam đều học thi Tú tài tại nơi đây, từ thuở trường vẫn còn mang tên Albert Sarraut.

Giờ đây, tuy quá khứ từ những năm ba mươi của thế kỷ cũ đã hoàn toàn ngủ yên, nhưng dáng vẻ ngôi trường vẫn còn nguyên vẹn với những đường nét cổ kính đậm chất Pháp. Những bức tường nhuốm màu thời gian, dãy nhà chờ cổ kính, những khung cửa sổ lớp học và khoảng sân trải gạch rợp nắng vàng,…hết thảy đều phảng phất bóng dáng của các bậc hiền nhân. Họ chính là những chỉ dấu , niềm tự hào của thế hệ thầy và trò trường THPT Trần Phú.

  1. Số 1 phố Phan Đình Phùng
5-1703590904.jpg
Khách sạn Mon Regency tọa lạc tại số 1 phố Phan Đình Phùng

Tự Lực văn đoàn, là tổ chức văn học đã tạo nên một trường phái, một phong trào cách tân văn học nói riêng và văn hoá - xã hội nói chung. Tuy đã cánh xa thời hiện tại hơn tám mươi năm, nhưng những dấu ấn, những tiếng vang cùng sức ảnh hưởng của phong trào sẽ còn vang vọng mãi. Số 1 Phan Đình Phùng là nơi lưu giữ những ngày tháng đầu tiên của Tự Lực văn đoàn.

Số 1 Boulevard Carnot (tên cũ của phố Phan Đình Phùng) là địa chỉ chính thức đầu tiên của tòa soạn Phong Hóa trong hơn hai năm từ tháng 6 năm 1932 đến tháng 10 năm 1934. Đồng thời, nơi đây cũng được biết đến như trụ sở của các An Nam xuất bản cục (3/3/1933) và nhà xuất bản Đời Nay (7/9/1934).

Số 1 Boulevard Carnot, thực ra, chỉ là địa chỉ gửi thư và ngân phiếu; bởi vì trên Phong Hóa, kể từ số 1, đều ghi: “ngân phiếu và thư tín gửi M. Phạm Hữu Ninh, quản lý Phong Hóa Tuần báo, số 1 đường Carnot, Hà Nội”. Hiện nay, số 1 Phan Đình Phùng trở thành địa điểm tọa lạc của khách sạn Mon Regency. Theo như tìm hiểu của nhóm tác giả, khách sạn Mon Regency được thành lập vào năm 1995. Với tone màu trắng chủ đạo, khách sạn Mon Regency cao 6 tầng đứng sừng sững giữa điểm giao của đường Phan Đình Phùng, Hàng Cót và Hàng Đậu như một lâu đài tráng lệ, vừa sang trọng vừa hoài niệm

Rất ít ai biết được rằng, tổ hợp nhà hàng, quán cafe và khách sạn tại số 1 Phan Đình Phùng đã từng là nơi trú chân của một trong những phong trào văn học ấn tượng đem lại những tiếng vang lớn khắc ghi vào lịch sử.

  1. Số 80 phố Quán Thánh
6-1703590909.jpg
Căn nhà số 80 Quán Thánh

Mở đầu của bộ sách “Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng”, Nguyễn Thạch Kiên có viết: "Địa điểm 80 phố Quán Thánh, Hà Nội là một ngôi biệt thự lịch sử không những của nền văn học Việt Nam cận đại (1930-1946) mà còn là trụ sở của các lực lượng cách mạng "vì quốc gia dân tộc Việt Nam" suốt từ đầu thập niên 30 đến cuối năm 1946 nữa”. Câu nói này mang hàm ý rằng: muốn hiểu tường tận những tư tưởng của Tự lực văn đoàn, người nghiên cứu không những phải tìm đọc những tác phẩm mà còn phải biết đến và tìm về địa chỉ số 80 Quán Thánh tức số 80 Quán Thánh ngày nay. Đây chính trụ sở của Tự lực văn đoàn hơn tám mươi năm về trước.

Biệt thự 80 Quán Thánh được Khái Hưng thuê từ cuối năm 1934 để ở và làm trụ sở Phong Hóa Ngày Nay, nhà xuất bản Đời Nay và nhà in Ngày Nay. Kể từ tháng 4 năm 1945, 80 Quán Thánh trở thành trụ sở của báo Việt Nam, báo Chính Nghĩa và của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Số 80 Quán Thánh từng là tòa soạn của 5 tờ báo: tuần báo Phong Hóa từ số 124 (16-11-34), tới số 190 (5-6-36), tuần báo Ngày Nay từ số 1 (30-1-35) số 224 (7-9-40), tuần báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới từ số 1 (5-5-45) đến số 16 (18-8-45), nhật báo Việt Nam, từ số 1 (15-11-45) đến tháng 11-1946, và tuần báo Chính Nghĩa từ số 1 (20-5-46) đến số 28 (16-12- 46). Đồng thời còn là địa chỉ của nhà xuất bản Đời Nay, nhà in Ngày Nay, nhà in Việt Nam, sau cùng là nhà in và nhà xuất bản Quán Thánh.

Sau gần một thế kỷ, hiện nơi đây đã không còn lưu lại bất cứ dấu vết nào của một thời vang bóng, để hòa mình trong nhịp sống hối hả của một thành phố trẻ năng động- Hà Nội, trái tim của cả nước

  1. Số 29 làng Yên Phụ
7-1703590914.jpg
Cổng làng Yên Phụ

Làng Yên Phụ nằm ở phía Đông Bắc Hồ Tây, tên gốc là Yên Hoa. Bởi lẽ làng từng đóng vai trò như bộ phận hợp thành nên phường Yên Hoa thuộc huyện Quảng Đức, Kinh đô Thăng Long thời Lê.

Số 29 làng Yên Phụ, thường được biết đến như “Ngôi nhà cây liễu” nằm ở đầu làng Yên Phụ, ven Hồ Tây đã gắn bó với Thạch Lam trong khoảng thời gian sáng tác văn chương sung mãn nhất đời ông, từ năm 1935 đến 1942. Có thể kể đến ba tập truyện ngắn tiêu biểu của giai đoạn này “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1941); một truyện dài “Ngày mới” (1939); tập tiểu luận “Theo dòng” (1941) và tập bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943).

Theo hồi ký của bà Song Kim - phu nhân nhà thơ Thế Lữ, tổ ấm của Thạch Lam còn là nơi anh em Tự lực văn đoàn “nhóm lửa sưởi ở giữa nhà để đàm đạo và ngắm nhìn tơ liễu trên mặt nước xanh mỗi khi mùa đông về”. Giờ đây, số 29 làng Yên Phụ là một biệt thự bề thế nằm ngay chính giữa hai nhánh đường nhỏ chạy vòng quanh rẻo đất nằm giữa hồ Tây và hồ Ao Vả. Con đường nhỏ đó vẫn chưa được đặt tên. Căn nhà cây liễu của người nghệ sĩ tài hoa năm nào cũng chẳng còn nguyên vẹn trước sức ép thời gian và biến động thời cuộc. Chỉ còn lại một cây thị cổ thụ hàng trăm tuổi đứng nghiêng bóng bên ngoài bức tường của tòa biệt thự số 29 làng Yên Phụ.

  1. Ấp Thái Hà
8-1703590920.jpg
Ấp Thái Hà

Thái Hà Ấp, hay Ấp Hoàng Cao Khải, là thái ấp của Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải tại Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, nay nằm ở ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Trước khi chuyển đến số 10 phố Hàng Bạc, gia đình nhà văn Thạch Lam đã sinh sống ở ấp Thái Hà.

Ấp Thái Hà nằm trên phần đất của bốn làng: Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (Láng), là một quần thể kiến trúc độc đáo, hiếm gặp với nghệ thuật điêu khắc rồng hết sức tinh xảo. Những năm đầu của thế kỷ XX, ấp Thái Hà được nhiều cơ quan lựa chọn làm nơi đặt trụ sở, như thư Viện Đại lý Pháp, Sở Đại chính Bắc Kỳ, Phòng Thí nghiệm vi trùng học… Một phần đất của ấp dành cho các quan lại ở các tỉnh xây biệt thự làm chốn nghỉ chân, và dành cho công chức cấp cao của Hà Nội muốn tìm chỗ ở riêng cho tĩnh mịch.

Sau cách mạng Tháng Tám, ấp Thái Hà về tay chính quyền nhân dân. Trải qua bao cuộc bể dâu, vẻ to lớn đồ sộ của khu lăng mộ cũng chẳng thể được nguyên vẹn như thuở ban đầu, nhiều công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật trong ấp đã bị phá, chỉ còn lại vài tòa kiến trúc đơn lẻ. Khu vực ấp đã nhường chỗ cho khu dân cư và hoá thành một phần của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

----------

Thời gian trôi, xoá nhoà hết thảy những dấu vết một thời đã xa để nhường chỗ cho những đổi thay của thời cuộc. Và những chốn dừng chân của nguồn cội cũng không là ngoại lệ. Nhưng trái tim, tâm hồn cùng tiếng lòng thổn thức vang lên từ hàng thập kỷ trước sẽ còn sống mãi giữa những rung động gấp gáp màu tháng năm. Và bởi, Hà Nội luôn nâng niu lưu giữ những giấc mơ còn để ngỏ, Hà Nội vỗ về gửi gắm những niềm hy vọng còn chưa phai…

Đêm kinh kỳ thuở ấy văn thơ…

Nguyễn Ngọc Bảo Nhi

Ảnh: Vũ Thị Ngọc Linh