Độc đáo lễ Cấp sắc của người Dao

Đỗ Linh - Hoàng Thắng
Lễ Cấp sắc (đặt tên) của người Dao luôn có sức hấp dẫn không chỉ đối với chính đồng bào dân tộc nơi đây, mà còn là phong tục thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng núi cao phía Bắc…

Người Dao cư trú chủ yếu tại bốn tỉnh là Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang. Người Dao có nhiều nghi lễ đặc sắc và một trong những nghi lễ đó là lễ đặt tên cho người con trai. Từ xa xưa, người con trai bao giờ cũng có hai tên: tên lúc mới sinh và tên khi trưởng thành.

Cấp sắc không chỉ là một tục lệ rất phổ biến mà còn là bắt buộc đối với tất cả mọi đàn ông dân tộc Dao. Người nào được cấp sắc sau này chết, hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Cấp sắc cũng còn có nghĩa là lễ "khai sinh" hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban định cho. Người nào được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn, người chưa được cấp sắc dù tuổi có già cả như thế nào đi nữa vẫn bị coi là trẻ con, và khi chết thì hồn cũng không được siêu thoát. Đồng bào Dao có lòng tin sâu sắc rằng được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ mới phát triển…

Ngày làm lễ đặt tên là ngày vui của gia đình, dòng họ và cũng là ngày vui của cả bản làng. Nghi lễ bắt buộc gồm có gà, rượu, gạo và 4 con lợn to. Lễ chính được tổ chức vào ban đêm và kéo dài liên tục đến sáng. Lễ cúng gồm có: áo dài truyền thống, dây buộc lưng, khăn quấn đầu, mũ chào mào, tất cả đều bằng chất liệu thổ cẩm tự dệt cùng một chuông lắc và hai bộ tranh. Trong đó, bộ tranh dài có 6 bức treo tường, bộ tranh ngắn có hai bức, để khi làm lễ cúng thầy mo và đứa trẻ sẽ đội lên đầu. Ban thờ chính treo trên tường thẳng cửa ra vào được bày 6 quả bánh nếp, một bát nước, hai cây nến; Dưới ban thờ là hai chiếc bàn nhỏ, mỗi bàn bày 6 bát rượu, một bát nước, ba cây nến và 12 quả bánh nếp.

Mở đầu lễ, thầy cúng dõng dạc tuyên bố lý do đặt tên lần thứ hai cho người đàn ông. Sau đó, thầy cúng cầm chuông vừa đi vừa lắc, tay trái cầm gậy có cắm tù và, miệng cầu nguyện trời đất phù hộ cho người được đặt tên. Những ngọn nến cháy sáng trong buổi lễ có ý nghĩa soi rọi ý trí, làm cho đầu óc của họ được thông minh, sáng suốt hơn.

Bên cạnh các nghi thức, trong không gian Lễ Cấp sắc còn tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật dân gian biểu đạt các mục đích tôn giáo, tín ngưỡng thông qua âm nhạc, thánh ca, diễn xướng, nhảy múa, trình diễn, lễ nghi, các điệu múa dân gian… phản ánh các chủ đề về lịch sử, văn hóa, tạo nên một sinh hoạt cộng đồng vui tươi, thu hút sự tham gia sôi nổi của người dân các bản làng.

Lễ Cấp sắc của người Dao là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về bản thân, về cách sống có nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình, xã hội. Qua đó, nghi lễ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Đỗ Linh - Hoàng Thắng