Di sản quý - nhà Rông Tây Nguyên

Đỗ Linh - Hoàng Bách
Tây Nguyên – một vùng đất đậm đặc truyền thống sử thi và là nơi cội nguồn của ngôi nhà Rông truyền thống. Đó là một tác phẩm nghệ thuật lớn bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí, đặc biệt là sự thể hiện không gian thiêng liêng, sức mạnh cộng đồng và niềm kiêu hãnh của dân tộc, là linh hồn của bản làng…

Đây là nơi diễn ra toàn bộ sinh hoạt cộng đồng, là trụ sở của bộ máy quản trị buôn làng, nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, nhà khách; tổ chức các lễ hội tâm linh, lưu giữ các hiện vật truyền thống như cồng, chiêng, trống, vũ khí… và là nơi các nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa của dân tộc. Chính bởi vậy, việc xây dựng nhà Rông phải tuân theo những nghi thức trang trọng.

Theo phong tục cổ truyền, lúc bắt đầu xây dựng, già làng thông báo quyết định làm nhà Rông cho tất cả thành viên trong làng được biết trước một năm để tập trung dân làng và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yang để xin phép cho làng thực hiện. Nhà Rông thường được các già làng và những người lớn tuổi trong làng lựa chọn ở vị trí quan trọng nhất, thường ở ngay chính giữa làng. Sau đó, người dân mới dựng nhà ở xung quanh và mặt của nhà thường hướng về phía nhà Rông. Già làng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mĩ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của.

Thanh niên trai tráng khỏe mạnh lo việc chặt hạ, vận chuyển gỗ, chọn những cây gỗ cứng và có khả năng không bị mối mọt. Những người già hơn phụ trách từng mảng riêng như đục đẽo kết cấu, tạo thẩm mĩ... những người này thường phải có kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà. Nhà Rông có thể làm ròng rã nhiều tháng nhưng 8 trụ lớn chính phải được hoàn tất trong ngày đầu, điều này thể hiện sự thành công, may mắn cho công đoạn tiếp theo. Sau đó là việc làm khung, lên đòn tay, dàn giáo, rui, mè, lợp tranh... mọi công việc phải trôi chảy và thông suốt do những bàn tay vạm vỡ của trai tráng và sự điều hành sáng suốt, tài giỏi của già làng.

Kết cấu, thiết kế nhà Rông Tây Nguyên thường không cố định do phụ thuộc vào kiến trúc, sức mạnh cộng đồng… của mỗi dân tộc. Nhưng sẽ có kích thước cụ thể như: Chiều cao từ mặt đất đến nóc nhà 8 – 20m; Chiều dài khoảng 10m; Chiều rộng khoảng 4m. Điểm đặc biệt khi thiết kế nhà Rông Tây Nguyên là con người không sử dụng bất kì vật liệu hiện đại nào như xi măng, sắt, thép,… mà họ sử dụng những nguyên vật liệu thiên nhiên, có sẵn trong núi rừng như tre, nứa, tranh, lồ ô… Cửa chính nhà Rông thường nằm ở phía Đông, cửa phụ sẽ nằm ở bên phải của cửa chính. Phần hiên ở phía trước nhà sẽ là nơi nghỉ chân, hoặc chờ đợi khi có nhiều người đến nhà Rông. Để lên nhà Rông, bạn sẽ phải đi qua một chiếc cầu thang lớn. Cầu thang lên nhà Rông các dân tộc thường đẽo 7 đến 9 bậc. Trên đầu cầu thang của mỗi dân tộc có sự khác biệt như người Ba Na là hình ngọn cây rau dớn, người Ja Rai là hình quả bầu đựng nước, người Xê Đăng, Jẻ Triêng là hình núm chiêng hay mũi thuyền, hình ngực thiếu nữ nhưng nổi bật trong trang trí nhà Rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng... Tất cả được xây dựng bằng đôi tay tài hoa, bằng cả trí tuệ và sức lực của cộng đồng. Nhà Rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.

Nhà Rông chính là một di sản quý cho hôm nay và mai sau. Giữ được nhà Rông như giữ được “trái tim” của buôn làng, giữ được cho đồng bào các dân tộc thiểu số một đời sống tinh thần phong phú và đa dạng, bắt rễ sâu vào truyền thống song cũng vươn tới những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Đỗ Linh - Hoàng Bách